Chúng ta đã thấy tầm quan trọng của sự cầu nguyện ở trong cuộc đời Chúa Giê-su rồi. Trong khi Ngài công bố và minh chứng phúc âm thì Ngài cũng đã cầu nguyện (Mác 1:35-37). Cầu nguyện là điều chính yếu trong lãnh vực nói cho người khác biết Tin lành.
Chúng ta cần cầu nguyện để thấy được mở ra. Nhiều người đang bị mù lòa trước Tin lành (IICôrinhtô 4:4). Về mặt thuộc thể, họ thấy, nhưng họ không thể nhìn thấy thế giới tâm linh. Chúng ta cần phải cầu nguyện để Thánh Linh Đức Chúa Trời mở mắt những kẻ mù hầu cho họ hiểu được lẽ thật về Chúa Giê-su.
Hầu hết mọi người trong chúng ta, khi tiếp nhận Chúa Cứu Thế đều khám phá rằng có ai đó đã cầu nguyện cho mình. Có thể đó là một người trong gia đình, một người cha, ngưòi mẹ tin kính, hoặc một người bạn. Tôi cho rằng, cũng sẽ có ai đó, hầu như trong mọi trường hợp đang cầu nguyện để mắt chúng ta được mở ra mà hiểu lẽ thật. James Hudson Taylor, người đã sáng lập Hội Truyền giáo Lục địa Trung hoa đã đem ảnh hưởng của Chúa Giê-su cho hàng triệu người. Ông được trưởng dưỡng tại Yorkshire và trở thành một thiếu niên nổi loạn. Một ngày nọ khi mẹ ông đi xa và chị ông vắng nhà, ông đã vớ lấy một quyển sách Cơ đốc, định rằng sẽ đọc câu chuyện và bỏ qua bài học đạo đức. Ông cuộn mình trong nhà kho phía sau nhà và bắt đầu đọc.
Đang khi đọc, cụm từ "công việc đã được trọn của Chúa Cứu Thế” đã đột ngột tác động đến ông. Ông vẫn tưởng rằng Cơ đốc Giáo là một cuộc chiến đấu tẻ ngắt nhằm lấy công đức mà đền trả cho những món nợ tội lỗi. Và từ lâu, cậu đã từ bỏ cuộc chiến ấy. Cậu đã mắc nợ quá nhiều. Cậu chỉ tìm sao cho có một thì giờ vui vẻ. Cụm từ ấy đã bất ngở mở ra trong tâm trí cậu một điều chắc nịch đó là, Chúa Cứu Thế, bởi sự chết Ngài trên thập tự giá, đã trả xong món nợ tội ấy rồi : "Và với điều ấy, đã làm rõ ràng niềm xác quyết vui mừng, như ánh sáng, bởi Thánh Linh, lóe sáng trong linh hồn tôi, hiện nay chẳng còn một điều gì trên thế gian nầy cần phải làm trừ việc quỳ gối xuống và tiếp nhận Chúa Cứu Thế cùng sự Cứu rỗi của Ngài, để ngợi khen Ngài càng hơn nữa”. Cả Luther lẫn Bunyan và cả Wesley, không ai có được cảm nhận trọn vẹn hơn về gánh nặng rơi rớt khỏi mình và của mối thông công thân gần với Chúa Cứu Thế như là Hudson Taylor đã kinh nghiệm vào buổi chiều tháng sáu năm 1849 đó, lúc cậu được mười bảy tuổi.
Mười ngày sau đó mẹ cậu trở về. Cậu chạy ra cửa "để cho mẹ biết tôi phải thuật cho mẹ niềm vui lớn như thế nào.” Bà trả lời trong khi ôm chầm lấy cậu "Mẹ biết, con trai à. Mẹ đã vui mừng suốt hai tuần lễ bởi tin mừng mà con vừa nói cho mẹ biết đó Hudson sửng sốt.” Mẹ cậu đã ở cách xa cậu đến tám mươi dặm, và ngay trong cái ngày có sự kiện trong nhà kho thì bà cảm thấy có một khao khát không thể cưỡng lại được muốn cầu nguyện cho Hudson Taylor, đến nỗi bà đã dành hàng giờ quỳ gối cầu nguyện rồi bà đã đứng lên với niềm tin quyết không thể di dịch rằng lời cầu nguyện của mình đã được Chúa nhậm. Hudson Taylor không bao giờ quên tầm quan trọng của sự cầu nguyện.
Khi một người bạn của tôi tên là Ric, tin nhận Chúa, anh đã gọi điện cho một người bạn mà anh biết cũng là một Cơ đốc Nhân để báo tin. Người bạn ấy trả lời : "Mình đã cầu nguyện cho cậu từ bốn năm nay.” Ric bèn bắt đầu cầu nguyện cho một trong những bạn hữu của mình, và trong vòng mười tuần lễ sau anh bạn ấy cũng đã trở thành Cơ đốc Nhân.
Chúng ta cầu nguyện cho các bạn của mình. Chúng ta cũng cần cầu nguyện cho chính mình nữa. Khi chúng ta nói về Chúa cho người khác, đôi lúc chúng ta gặp phải một phản ứng tiêu cực. Những lúc như thế chúng ta bị cám dỗ muốn bỏ cuộc. Khi Phierơ và Giăng chữa lành cho người què và công bố Tin lành, họ đã bị bắt và đe dọa bằng những hậu quả rất tồi tệ nếu cứ tiếp tục. Nhiều lúc họ đã gặp phải một phản ứng tiêu cực rõ ràng; song họ không rút lui, mà cứ cầu nguyện, không phải để được bảo vệ, mà để được dạn dĩ rao giảng Tin lành và để Đức Chúa Trời thi thố nhiều dấu kỳ phép lạ hơn nữa qua danh Chúa Cứu Thế Giê-su (Công vụ 4:29-31).
Điều quan trọng đối với hết thảy chúng ta là Cơ đốc Nhân trong việc nói về Chúa Giê-su cho người khác là phải kiên trì, bởi sự hiện diện, sự thuyết phục, sự công bố, quyền năng và lời cầu nguyện của mình. Nếu chúng ta thực hiện điều đó, suốt cuộc đời mình chúng ta sẽ thấy nhiều cuộc đời được thay đổi.
Trong một cuộc chiến, một người bị bắn và nằm gần chết nơi chiến hào, Một người bạn chồm qua người anh và hỏi : "Tôi có thể làm được gì cho bạn bây giờ ?”.
Anh trả lời : "Không tôi sắp chết rồi.”
"Bạn có cần tôi nhắn tin đến cho người nào không ?”.
"Có, bạn có thể nhắn gởi cho người có địa chỉ này. Hãy nói với ông ta rằng trong những giây phút cuối cùng của đời tôi, điều ông ấy đã dạy dỗ tôi khi còn là một đứa trẻ đã giúp tôi trong giờ qua đời.”
Người đàn ông đó là vị giáo viên Trường Chúa Nhật trước kia của anh. Khi vị giáo viên được tin, ông nói : "Xin Chúa tha tội. Tôi đã từ bỏ việc dạy Trường Chúa Nhật nhiều năm về trước bởi vì tôi nghĩ rằng công việc của mình chẳng đi đến đâu cả. Tôi nghĩ việc đó chẳng có ích gì.”
Khi chúng ta nói về Chúa cho người khác, không bao giờ là "vô ích”. Bởi vì Tin lành "là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin (Rôma 1:16).
NICKY GUMBEL (Theo Những Thắc Mắc Về Đời Sống)