Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 303

Chuyện... Tập Luyện

Kinh Thánh: Phi-líp 4: 10-14; I Ti-mô-thê 4: 6-10; II Phi-e-rơ 1: 5-8

Tập luyện là một việc làm không thể thiếu của con người, nếu muốn thành công trong một lãnh vực nào đó.

Ở đâu và người nào chịu tập luyện và kiên trì tập luyện thì ở đó và người ấy không sớm thì muộn cũng sẽ thành công. Nếu... chưa thành công, thì cũng sẽ... thành nhân vậy.

Ông bà mình đã nói: “Có công mài sắt có ngày nên kim” mà. Cây sắt dù có to, nhưng nếu ta chịu dành thì giờ kiên trì để... mài nó thì chắc chắn đến một ngày nào đó, cây sắt ấy cũng sẽ biến thành... cây kim mà thôi.

Nói về chuyện “Mài sắt nên kim”, ta nhớ đến câu chuyện của Lý Bạch: Tương truyền rằng: “Đại Thi Hào Lý Bạch của Trung Quốc, thuở nhỏ, rất yêu thiên nhiên. Cậu bé thường trốn học, đi tìm cảnh đẹp để thưởng lãm. Một hôm, Bạch đi đến chân núi, gặp một cụ già đang ngồi mài một thỏi sắt vào một phiến đá, liền tò mò:"Bà ơi, bà mài sắt làm gì thế?" Bà cụ đáp:"Bà mài sắt để làm kim khâu cháu ạ!" Bạch hỏi:"Thỏi sắt to vậy mài bao giờ mới thành kim được hả bà?" Bà đáp:"Bà cứ mài. Hôm nay, ngày mai, một tháng, hai tháng, năm nay, sang năm, thế nào sắt cũng thành kim thôi cháu ạ!” Bạch ngạc nhiên về lòng kiên trì của bà cụ. Chào bà cụ, Bạch ra về; suốt dọc đường, cứ suy nghĩ mãi về lời bà cụ và lòng kiên trì hiếm có của bà.

Hình ảnh bà cụ ngồi “mài sắt thành kim” đã đánh động lòng Bạch, Bạch trở về và bắt đầu cố công học hành, không chểnh mảng nữa. Về sau, Lý Bạch trở thành Nhà Thơ nổi tiếng khắp thiên hạ, để lại cho đời sau những vần thơ tuyệt tác.”

...

Phao-lô đã sống trong tinh thần của sự tập luyện để có một đời sống tin kính đẹp lòng Chúa. Và đây là kinh nghiệm mà ông đã thực hiện trong chức vụ của mình:

Tôi được rất vui mừng trong Chúa, vì nay anh em lại lo tưởng về tôi lần nữa. Anh em vẫn tưởng đến điều đó lắm, nhưng không có dịp tiện. Không phải là tôi muốn nói đến sự cần dùng của tôi; vì tôi đã tập, hễ gặp cảnh ngộ nào, cũng thỏa lòng ở vậy. Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết được dư dật. Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả, dầu no hay đói, dầu dư hay thiếu cũng được. Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi. Nhưng anh em giúp tôi cơn hoạn nạn là đã làm điều thiện.” (Sách Phi-líp, chương 4, câu 10-14)

Ở đây, Phao-lô cho biết là ông đang... tập sống thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ của đời sống. Lúc nghèo thì sống theo... kiểu nghèo; khi dư dật thì sống theo... kiểu dư dật. Khi no thì sống theo... kiểu no, lúc đói thì sống theo... kiểu đói. Khi dư thì sống theo... kiểu dư, lúc thiếu thì sống theo... kiểu thiếu. Không bao giờ kêu ca, phàn nàn, hay than thở. Luôn thỏa lòng trong mọi lúc, mọi nơi. Phao-lô kết luận, sở dĩ ông... tập sống được như vậy là nhờ Đấng ban thêm sức cho ông. Đấng đó không ai khác hơn là chính Chúa Cứu Thế Giê-su, Đấng ông đang tôn thờ và hầu việc.

Với ai thì không biết, nhưng với tôi, đây là một trong những phân đoạn Kinh Thánh... khó học và làm theo nhất trong Kinh Thánh.

Tôi phải..thú nhận rằng, tôi đã từng nhiều lần (vâng, rất nhiều lần) than thở, không thỏa lòng khi ở trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, túng ngặt. Dù tôi đã đọc, đã giảng phân đoạn Kinh Thánh nầy không ít lần cho Hội Thánh. Tôi tự thấy tôi thật... tệ. Bạn có... tệ như tôi không? Nếu có thì chúng ta... cùng loại với nhau đấy. Xin Chúa thương xót nâng đức tin chúng ta... lên chốn cao hơn để chúng ta có thể học theo Phao-lô và... tập sống thỏa lòng như Phao-lô để Chúa đẹp lòng.

...

Một chỗ khác, Phao-lô khuyên người học trò cũng là người con thuộc linh của mình là Ti-mô-thê về sự tập luyện rằng:

Con giải tỏ các việc đó cho anh em, thì con sẽ nên kẻ giúp việc ngay lành của Đức Chúa Giê-su Christ, được nuôi bởi các lời của đức tin và đạo lý lành mà con đã theo. Những lời hư ngụy phàm tục giống như chuyện bịa các bà già, thì hãy bỏ đi, và tập tành sự tin kính. Vì sự tập tành thân thể ích lợi chẳng bao lăm, còn như sự tin kính là ích cho mọi việc, vì có lời hứa về đời nầy và về đời sau nữa. Ấy đó là một lời nói chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy. Vả, nếu chúng ta khó nhọc và đánh trận, ấy là đã để sự trông cậy ta trong Đức Chúa Trời hằng sống, Ngài là Cứu Chúa của mọi người, mà nhứt là của tín đồ... Hãy chăm chỉ đọc sách, khuyên bảo, dạy dỗ, cho đến chừng ta đến. Đừng bỏ quên ơn ban trong lòng con, là ơn bởi lời tiên tri, nhân hội trưởng lão đặt tay mà đã ban cho con vậy. Hãy săn sóc chuyên lo những việc đó, hầu cho thiên hạ thấy sự tấn tới của con. Hãy giữ chính mình con và sự dạy dỗ của con; phải bền đỗ trong mọi sự đó, vì làm như vậy thì con và kẻ nghe con sẽ được cứu.” (Sách I Ti-mô-thê, chương 4, câu 6-10, câu 13-16)

Ở đây, Phao-lô nói đến việc... tập luyện đức tin, tập tành sự tin kính. Ông so sánh việc... tập tành sự tin kính với việc... tập tành thân thể (tức tập luyện thể dục, rèn luyện thân thể cho tráng kiện).

Việc tập tành thân thể rất ích lợi để chúng ta có thể có được một sức khỏe tốt, nhưng nó chỉ có ích lợi trong... một đời mà thôi (ích lợi chẳng bao lăm); còn việc tập tành sự tin kính là ích lợi cho mọi việc; không chỉ ích lợi trong đời nầy mà còn ích lợi cho cả đời sau nữa.

Việc tập tành thân thể cũng phải chấp nhận... khó nhọc mới có thể thực hiện được một cách thường xuyên; thì việc tập tành sự tin kính lại càng khó nhọc hơn nhiều, vì nó đem lại cho chúng ta sự trông cậy vững chắc về sự cứu rỗi đời đời trong Đức Chúa Trời hằng sống.

Chúng ta thường nhận thấy việc tập tành thân thể là quan trọng và quan tâm thực hiện điều đó; nhưng chúng ta thường... xem nhẹ việc tập tành sự tin kính của mình. Rất nhiều người trong chúng ta là những Cơ-đốc nhân, thường nghĩ một cách... nông cạn rằng tin Chúa để được cứu là... đủ rồi, và không quan tâm đến việc tập tành sự tin kính cho đời sống đức tin của mình chi cả. Chính vì thế, nên có nhiều lắm những con cái Chúa không... lớn lên trong Chúa, không trưởng thành trong đức tin chút nào, dù tin Chúa đã lâu năm.

Đây là tình trạng... con đỏ thuộc linh mà trong thơ Hê-bơ-rơ đã đề cập: “Đáng lẽ anh em đã làm thầy từ lâu rồi, nay còn cần người ta lấy những điều sơ học của lời Đức Chúa Trời mà dạy anh em; anh em cần ăn sữa thay vì đồ ăn đặc. Vả, kẻ nào chỉ ăn sữa thôi, thì không hiểu đạo công bình; vì còn là thơ ấu. Nhưng đồ ăn đặc là để cho kẻ thành nhân, cho kẻ hay dụng tâm tư luyện tập mà phân biệt điều lành và dữ.” (Sách Hê-bơ-rơ, chương 5, câu 12-14)

Nếu một người đã tin Chúa rồi mà không chịu tập tành sự tin kính thì dù cho có tin Chúa bao nhiêu năm đi nữa, thì... con đỏ vẫn hoàn con đỏ, không thể... thành nhân được. Một người muốn... thành nhân thuộc linh thì chắc chắn phải có lòng tập tành sự tin kính, chắc chắn phải “hay dụng tâm tư luyện tập” thì mới có thể lớn lên và “phân biệt điều lành và dữ” được.

Richard Foster đã viết trong quyển “The Celebration of Discipline”: “Tôi đã khám phá rằng vấn đề khó khăn nhất không phải là tìm được thì giờ, nhưng là thuyết phục chính mình đây là một việc quan trọng cần phải dành thì giờ cho nó.” Không phải chúng ta không có thì giờ, mà bèn là chúng ta không cảm thấy việc tập tành sự tin kính là quan trọng để dành thì giờ cho nó mà thôi.

...

Sứ đồ Phi-e-rơ cũng đã để lại lời khuyên quý báu: “Về phần anh em, phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự nhân đức, thêm cho nhân đức sự học thức, thêm cho học thức sự tiết độ, thêm cho tiết độ sự nhịn nhục, thêm cho nhịn nhục sự tin kính, thêm cho tin kính tình yêu thương anh em, thêm cho tình yêu thương anh em lòng yêu mến. Vì nếu các điều đó có đủ trong anh em và đầy dẫy nữa, thì ắt chẳng để cho anh em ở dưng hoặc không kết quả trong sự nhận biết Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta đâu.” (Sách II Phi-e-rơ, chương 1, câu 5-8)

“Phải gắng hết sức” để tập luyện hầu cho thêm lên trong đức tin mình nhiều điều tốt lành của người thuộc về Chúa như nhân đức, học thức, tiết độ, nhịn nhục, tin kính, tình yêu thương anh em và lòng yêu mến.

Chỉ tin Chúa để được cứu, được vào Thiên Đàng thôi, thì chưa đủ; Chúa muốn chúng ta phải tập tành sự tin kính để... thành nhân trên đường theo Chúa, hầu “giựt được giải thưởng về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-su Christ” như tâm tình và quyết tâm thuộc linh của Phao-lô được ghi lại trong thư Phi-líp, chương 3, câu 14 vậy.

Hãy tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Giê-su Christ.” (Sách II Phi-e-rơ, chương 3, câu 18) là câu Kinh Thánh nhắc nhở mỗi chúng ta không được phép... dậm chân tại chỗ trên đường theo Chúa mà khích lệ chúng ta luôn luôn tập luyện để tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa yêu kính của chúng ta là Đức Chúa Giê-su Christ cho đến ngày chúng ta gặp được Ngài trên Thiên Đàng vinh hiển trong tương lai. Amen!

Tháng 4/ 2023!

Mục Sư Nguyễn Đình Liễu