Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 65

Tiếng Mẹ - Một Bài Thơ Về Mẹ Cảm Động Lòng Người

(Kính tặng những người Mẹ và tặng thi sĩ Thái Trịnh)

Là một người yêu văn chương thơ phú, nên sở thích của tôi là thường hay vào các trang mạng hoặc sách báo để tìm đọc những bài văn, bài thơ hay, sâu sắc, cảm động để thưởng thức và để chia sẻ với những người có cùng sở thích như mình hầu khích lệ nhau trong cuộc sống.

Nhân dịp ngày Lễ Mẹ năm nay, tôi ... lại lang thang vào các trang mạng để đọc và thưởng thức những bài viết hay về người Mẹ. Và tình cờ tôi “chộp” được bài thơ “TIẾNG MẸ” của nhà thơ Thái Trịnh đăng trên Vietchristian.com.

“Truy tìm” đến trang tác giả, thì được biết Thái Trịnh làm thơ khá nhiều, có chừng gần cả trăm bài thơ được đăng trên trang mạng Cơ-đốc nầy. Tôi nghĩ chắc là tác giả còn đăng thơ trên những trang mạng khác nữa, nhưng có lẽ tôi chưa kịp ... truy tìm ra chăng?

Có ai đó đã ... lẫy Kiều một cách vui vui rằng: “Trăm năm trong cõi người ta/ Những gì không biết thì tra ... Google”, và làm theo lời hai ... câu Kiều hiện đại ấy, tôi vào Google để tra, thì được biết thêm là thi sĩ còn có thơ được phổ thành nhạc nữa. Bài thơ “Tình mẫu tử” của thi sĩ đã được Mục sư Nhạc sĩ Châu Ân Phước phổ thành nhạc khá thi vị và cảm động.

Tôi cũng được biết thi sĩ cũng đã xuất bản ... dường như 3 thi tập với cùng tựa đề là “Dòng thơ tâm nguyện”. Không biết là đã có “Dòng thơ tâm nguyện” 4 hay 5 hay 6 hoặc hơn nữa chưa???

Và một điều nữa tôi biết về thi sĩ nầy, đó là Thái Trịnh là một nữ thi sĩ.

Tất cả những gì tôi biết được về Thái Trịnh là như vậy.

Mong sẽ được biết nhiều hơn về tâm hồn thơ Cơ-đốc đáng yêu nầy trong tương lai để có thể giới thiệu với bạn đọc rõ hơn. Và hy vọng là sẽ có thể tiếp tục được nói lên những cảm nhận của riêng mình khi đọc những bài thơ khác của thi sĩ nữa.

Đọc bài thơ “Tiếng Mẹ”, tôi thích ngay, vì những ý thơ trong bài thơ cứ cuốn hút tôi đọc đi đọc lại nhiều lần bài thơ.

Thi sĩ mở đầu bài thơ như sau:

Hè về nhớ tiếng Mẹ ru/ Thuở còn thơ ấu hu hu khóc nhè/ Bởi vì thích Mẹ hát nghe/ Tiếng sao thanh thoát như ve kêu chiều.

Tiếng Mẹ ru ai mà không nhớ (hẳn nhiên là trong thời đại của lứa chúng tôi trở về trước, những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, chứ về sau nầy thì dường như tiếng Mẹ ru càng ngày càng vắng dần trong những người Mẹ của thời hiện đại hôm nay). Chính tiếng ru êm dịu, ngọt ngào ấy đã đưa những đứa con còn tấm bé đi vào giấc ngủ một cách êm đềm hơn bao giờ hết. Chính tiếng ru mê hoặc ấy đã chinh phục được tất cả những tiếng khóc của trẻ thơ, nhất là vào những buổi trưa hè nóng bức khó ngủ nhất. Ôi, tiếng Mẹ ru sao mà êm đềm, thanh thoát đến lạ lùng. Chẳng khác nào những tiếng ve sầu du dương, tha thiết đến nao lòng của miền quê Việt Nam thân yêu.

Tiếng vương trong gió hiu hiu/ Thanh tao như tiếng sáo diều đêm thu/ Quê người nghe gió vi vu/ Nghe lòng nhớ tiếng Mẹ ru thuở nào.

Ca dao có câu rằng: “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ/ Năm canh dài thức đủ năm canh.”

Mùa hè oi bức, mùa thu dịu mát ở miền quê Việt Nam đều là những mùa mà những trẻ thơ cần lời ru tiếng hát của người Mẹ để đưa hồn mình vào giấc ngủ sâu. Tiếng ru của người Mẹ như hòa lẫn vào trong những cơn gió nhẹ của mùa thu càng dễ làm cho đứa bé chìm vào trong mộng ảo. Trong bối cảnh ấy, không gian ấy, tiếng Mẹ ru thanh tao, mơ màng chẳng khác nào tiếng sáo chất ngất yêu thương, nhung nhớ. Tiếng Mẹ ru tự thuở xa xưa lâu lắc rồi mà vẫn còn đi theo những đứa con dù ở bất cứ phương trời nào, và có thể những đứa con ngày ấy giờ cũng đã là những người Mẹ của nhiều đứa con khác rồi.

Ôi, tiếng Mẹ ru sao mà đáng yêu đáng nhớ đến thế!

Trong nỗi nhớ niềm thương đó, thi sĩ viết tiếp:

Từng câu lưu loát, thanh tao/ Văn chương phong phú, dạo dào mến thương/ Tôi mang tiếng Mẹ lên đường/ Dãi dầm mưa nắng gió sương không mờ.

Bao nhiêu năm xa nhà, xa Mẹ để đến sống nơi xứ người với bao xa xăm, cách trở, nhưng hình ảnh Mẹ yêu vẫn không bao giờ xa cách thi sĩ. Hình ảnh Mẹ vẫn ở trong trái tim thi sĩ, ở trong trái tim của những người con xa quê. Lời ru tiếng hát của Mẹ từ thuở bé thơ vẫn ở trong tâm hồn của những người con đã lớn, đã thành Mẹ, đã làm Mẹ.

Có thể thân tuy cách nhưng lòng thì không. Có thể thân tuy cách nhưng tiếng ru của Mẹ thì không. Hình ảnh yêu dấu của Mẹ, tiếng ru ngọt ngào, da diết của Mẹ thì vẫn không phai mờ được trong tâm trí bao giờ, cho dù có trải qua biết bao dãi dầu mưa nắng, gió sương đi chăng nữa.

Nhớ ôi, từng tiếng ầu... ơ... / Nghe như suối nhạc, rừng thơ dịu dàng/ Tạ ơn Thượng Đế vô vàn/ ban cho đất Việt kho tàng văn chương.

Nhớ đến tiếng Mẹ ru, đầu tiên là phải nhớ đến hai tiếng “ầu ... ơ... ” Hai tiếng “ầu... ơ... ” là hai tiếng mở đầu của lời ru của Mẹ để đưa ta vào giấc ngủ miên man, mơ màng. Hai tiếng đó như có một “ma lực” để Mẹ dùng ru ta vào giấc ngủ, cho dù là giữa trưa hè, hoặc là lúc đêm khuya, cho dù là mùa xuân hay mùa hạ, mùa thu hoặc mùa đông. Bất kể lúc nào, khi Mẹ cất lên hai tiếng “diệu kỳ” ấy là có thể “mê hoặc” được đứa con của mình chìm sâu vào giấc mộng một cách lạ thường.

Nếu có tình yêu nào đó lai láng không dứt thì đó là tình yêu của Mẹ. Nếu có tiếng nói nào đó dịu dàng, ngọt ngào làm lay động mọi trái tim trẻ thơ (và ngay cả người lớn nữa ) thì đó chính là tiếng ru của Mẹ.

Tiếng ru của Mẹ thật chẳng khác nào như “suối nhạc, rừng thơ” chảy róc rách, du dương, trầm bỗng vào tận trong lòng ta không bao giờ dứt.

Người Việt Nam ta có quyền tự hào với thế giới rằng chúng ta có cả một kho tàng văn chương bình dân vô cùng phong phú mà không phải dân tộc nào cũng có được như thế. Trong kho tàng văn chương phong phú ấy, hát ru là một thể loại văn chương đặc sắc, độc đáo và đáng yêu vô cùng. Chính nhờ những lời hát ru du dương, đầy tình cảm sâu lắng đó mà làm cho những người Mẹ có thể vượt qua được tất cả mọi gian lao, khó nhọc, mọi nỗi niềm đắng cay trong cuộc sống để có thể vươn lên sống mà nuôi dạy con cái của mình “nên bậc thành nhơn”, thành đạt trong cuộc sống.

Hãy cùng thi sĩ một lần nữa nói lên lời cảm ơn Thượng Đế đã ban cho dân tộc Việt Nam chúng ta một kho tàng văn chương thật tuyệt vời, nhất là thể loại hát ru vô cùng tinh tế và ý nhị.

Kết thúc bài thơ, thi sĩ viết:

Người đi xa cách quê hương/ Vẫn nghe tiếng Mẹ vấn vương trong hồn/ Dặn dò bầy trẻ cháu con/ Đừng quên tiếng của non sông nước nhà.

Ôi, tiếng Mẹ sao mà thân thương, sao mà tha thiết quá. Dù ta có đi đâu, ở đâu, nơi chân trời góc bể nào, cũng khó mà quên được tiếng ru của Mẹ ta xưa. Bởi tiếng ru ấy không phải như những thứ tiếng nói thoang thoảng bên ngoài tai ta, mà nó như đã “nhập tâm” ta ngay từ thuở ta còn nằm nôi và cứ vấn vương trong hồn ta mãi suốt cuộc đời, không bao giờ rời xa ta được. Bởi tiếng ru ấy đâu chỉ là tiếng riêng của Mẹ ta mà nó cũng chính là tiếng của non sông, tiếng của nước nhà nữa. Tiếng ru của Mẹ ta cũng chính là tiếng ru của Mẹ Việt Nam ta nữa, vì tiếng ru đó cũng chính là “Hồn Dân Tộc” của mỗi một người Việt Nam.

Cảm ơn thi sĩ Thái Trịnh đã được Chúa ban cho một cảm xúc thật sâu lắng để sáng tác nên bài thơ đáng yêu nầy về người Mẹ.

Bài thơ như một tiếng lòng của người con dành cho Mẹ kính yêu của mình. Bài thơ gợi lên trong lòng những người con xa quê hương, xa Mẹ hiền một nỗi niềm nhớ thương về Mẹ, về quê hương da diết. Tiếng ve sầu kêu rả rích những mùa hè, tiếng sáo diều réo rắc những đêm thu và đặc biệt là tiếng Mẹ ru là những “đặc sản” của miền quê Việt Nam thân yêu chúng ta, làm sao mà chúng ta quên được, dù cho ta có ở bất cứ nơi nào trên địa cầu nầy đi nữa.

Tôi thích thú đến ngạc nhiên khi đọc khổ thơ cuối của bài thơ nầy, và xin có lời khen ngợi thi sĩ khi đã có một liên hệ thật chính xác, có một sự “nâng cấp” một cách chí lý, đó là “tiếng Mẹ-tiếng của non sông, nước nhà”.

Vâng, đúng vậy, tiếng của lòng Mẹ cũng chính là tiếng của quê hương, đất nước, tiếng của non sông nước nhà. Mỗi chúng ta đều có Mẹ riêng của mình và mỗi một con dân Việt Nam đều có một Mẹ chung là Mẹ Việt Nam thiêng liêng mà Đức Chúa Trời đã ban cho. Chúng ta cần phải biết “hiếu kính” Cha Mẹ, và chúng ta cũng cần phải biết trân quý quê hương, đất nước mà Chúa đã ban cho nữa.

Nhạc sĩ Phạm Duy đã từng có bài hát nổi tiếng với lời mở đầu rằng: “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời/ Người ơi, Mẹ hiền ru những câu xa vời/ À à ơi! Tiếng ru muôn đời.”.

Vâng, hãy yêu tiếng ru của Mẹ vì đó chính là tiếng Nước Việt Nam của mình!

Chúng ta đã được nghe nói đến Lòng Mẹ, Tình Mẹ, Nghĩa Mẹ. Và chúng ta cũng được nghe nói đến Tiếng Mẹ nữa.

Chỉ cần nghe đến một tiếng duy nhất thôi: “MẸ” là tim chúng ta đã rộn rã, rạo rực lên rồi. MẸ, một tiếng nói, một tiếng kêu, một tiếng gọi êm đềm, tha thiết vô vàn! Huống hồ gì nghe đến những tiếng như: Lòng Mẹ, Tình Mẹ, Nghĩa Mẹ, Tiếng Mẹ. Ôi, còn gì thân thương, yêu quý bằng những từ ngữ đẹp đẽ, dịu êm nầy!

Với thể thơ lục bát rất quen thuộc của người Việt Nam, thi sĩ đã thể hiện tình cảm dành cho Mẹ một cách thật sâu lắng và cảm động, đong đầy nỗi nhớ niềm thương về người Mẹ đáng yêu, đáng kính của mỗi một chúng ta.

Cảm ơn thi sĩ Thái Trịnh đã đem đến cho bạn đọc yêu thơ một thi phẩm rất đáng yêu và lay động lòng người về MẸ.

Nhân ngày Lễ Mẹ, nguyện xin Chúa ban phước thật dồi dào cho tất cả những người Mẹ kính yêu trong cuộc đời nầy. A men!.

Mừng ngày Lễ Mẹ 2017.

-Mục Sư Nguyễn Đình Liễu-