Từ bài giảng luận " (Cha) Mẹ Tin Kính-Con Hiếu Đạo"
CN May 14, 2017 - Hội Thánh North Hollywood
Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho. (Xuất Ê-díp-tô ký 20: 12)
(đọc Xuất Ê-díp-tô ký 2: 1-10; Hê-bơ-rơ 11: 23-28)
Những phân đoạn Kinh Thánh cần đọc và câu được chọn làm câu gốc chỉ nhắm mục đích khởi động cho bài giảng luận, chứ thật ra không có một liên kết chặt chẽ với nội dung bài giảng luận. Vẫn phải căn cứ vào chi tiết của câu chuyện sau khi Môi-se được sanh ra trong thời kỳ rất khó khăn, nhưng vấn đề ở đây là người làm cha mẹ có đời sống tin kính tốt sẽ có nhiều cơ hội để dạy dỗ con mình cũng trở nên người có đời sống tâm linh đáng được khen ngợi. Nói chung về đời sống kính sợ Chúa chứ không tách riêng hay gói gọn trong phạm vi gia đình, nên hai chữ hiếu đạo phải được hiểu theo nghĩa rộng hơn.
Tôi sẽ trở lại từ đầu câu chuyện dự trên phân đoạn Kinh Thánh Xuất Ê-díp-tô ký 2: 1-10.
"Vả, có một người trong họ Lê-vi đi cưới con gái Lê-vi làm vợ. Nàng thọ thai, và sanh một con trai" (câu 1 và 2a). Cha mẹ Môi-se đều thuộc chi phái Lê-vi, những người được biệt riêng ra để hầu việc Giê-hô-va Đức Chúa Trời của dân Y-sơ-ra-ên. Dẫu vây, không thể nói rằng, cha mẹ tin kính sẽ sinh ra những đứa con có lòng tin kính đối với Chúa. Lòng kính mến Chúa là tình cảm riêng tư giữa một cá nhân với Đức Chúa Trời chứ không có tính cách di truyền hay ăn theo. Do vậy, cho dù tôi được sanh ra trong gia đình Cơ-đốc, được giáo dục trong môi trường hoàn toàn của người Cơ-đốc, được chịu tất cả những phép bí tích, giữ nghiêm chỉnh tất cả mọi sinh hoạt bắt buộc của Hội Thánh, được gọi là một người biệt riêng ra cho Chúa; nhưng tất cả những điều đó không làm tôi trở nên một người thuộc về Chúa để có thể cho rằng tôi là một người tin kính Chúa. Đời sống thường nhật của tôi sẽ chứng minh tôi có là một người có lòng tin kính Chúa hay không. Với cái nhìn vấn đề như vậy, hãy trở lại với một Môi-se sau khi được giao lại cho công chúa, sẽ thấy rằng trong vai trờ làm một người mẹ nuôi dưỡng chính con trai mình, Giô-kê-bết đã truyền được lòng kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời một cách hết sức chuẩn xác cho Môi-se, để rồi dù ở trong hoàn cảnh nào đứa trẻ dễ thương này xứng đáng để Chúa đưa vào nhiệm vụ dẫn dắt tuyển dân của Ngài ra khỏi đời nô lệ và tiến về vùng đất đã hứa cho các tổ phụ. Cuộc sống trong thế giới văn minh hiện tại, càng ngày càng gây khó khăn cho các bậc cha mẹ Cơ-đốc, nhưng đó không thể là trở ngại để chúng ta có thể thoái thác nhiệm vụ giáo dục con cái mình trở nên những thành viên mới trong nhà Chúa, thật sự có lòng kính mến Chúa đúng như những yêu cầu của Ngài cần thấy ở những người biệt riêng ra cho Ngài.
"thấy con ngộ, nên đem đi giấu trong ba tháng. nhưng giấu lâu hơn nữa không được, nàng bèn lấy một cái rương mây, trét chai và nhựa thông, rồi để đứa trẻ vào, đem thả trong đám sậy dựa mé sông. Người chị đứa trẻ đứng xa nơi đó đặng cho biết nó sẽ ra sao" (câu 2b, 3 và 4). Một người mẹ can đảm, khôn ngoan, đầy mưu lược. Đó chắc chắn không phải là khả năng hay bản lãnh của hiền mẫu này, nhưng là ơn, là sự khôn sáng đến từ Chúa. "Bởi vì sự rồ dại của Đức Chúa Trời là khôn sáng hơn người ta, và sự yếu đuối của Đức Chúa Trời là mạnh hơn người ta" (1 Cô-rinh-tô 1: 27) nên sự khôn ngoan mà Chúa đặt trong lòng Giô-kê-bết có thể làm nên chuyện mà chẳng ai dám nghĩ đến, vô tiền khoáng hậu.
Thêm một điều nữa để đoan chắc rằng người mẹ hiền này thật sự là người có ơn Chúa không phải hữu danh vô thực. Gia đình này có ba người con: A-rôn, Mi-ri-am, và Môi-se; cả ba người đều trở nên người hầu việc Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Và một điều chắc chắn cho dầu Thánh Kinh không nhắc đến, thân phụ của ba người này, Am-ram cũng phải là một người sống xứng đáng như thành viên của chi phái biệt riêng, là người chủ gia đình có ảnh hưởng tốt trên vợ và các con của mình, là người xác lập đức tin cho cả nhà. Gia đình hạnh phúc này là một gương sáng, một chứng thực rằng gia đình được Chúa thiết lập trong Ngài sẽ nên hữu dụng cho nhà Chúa, giúp ích cho gia đình, cho cộng đồng, để Danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời được đồn ra giữa dân ngoại qua nhiều thời đại tiếp nối.