Từ bài giảng luận "Đẹp Hay Độc (phần 1) "
CN May 21, 2017 - Hội Thánh North Hollywood
Anh em phải bỏ cách ăn nết ở ngày trước, thoát lốt người cũ là người bị hư hỏng bởi tư dục dỗ dành, mà phải làm nên mới trong tâm chí mình, và mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật. (Ê-phê-sô 4: 22-24)
[đọc 1 Sa-mu-ên 25:1-20]
Tựa đề của bài giảng luận là một chỉnh sửa hợp lý từ tên của một phim hoạt hình nổi tiếng "Giai nhân và Ác Thú" chỉ đổi chữ and thành or: " Beauty or the Beast". Đó là một cách rất hiệu quả để dẫn dụ người nghe đi vào vấn đề chính của bài giảng luận. Tuy nhiên, tôi không thích lắm với cách đặt tên bị hạn chế bởi phải chọn chữ trong tiêu đề của phần thứ nhất: "Hào phóng hay Hám lợi". Như thế không chính xác để diễn tả hành động của hai nhân vật được đề cập song hành trong câu chuyện của 1Sa-mu-ên đoạn 25, đó là Na-banh (người điện loạn) và A-bi-ga-in (cha tôi là niềm vui). Hai vợ chồng giàu có này đã có hai cách đối đãi trái ngược nhau khi Đa-vít sai người đến để xin lương thực trong mùa hớt lông chiên, mùa của sự hiếu khách theo tục lệ trên đất nước Y-sơ-ra-ên.
Có thể sẽ mất đi một chút sắc thái riêng của tiêu đề, nhưng có thể hiểu ngầm đây là sự đối đầu giữa thiện và ác, giữa vị kỷ và vị tha, giữa ngu dại và khôn ngoan, giữa một người chồng không nhận biết phải quấy và một người vợ nhậm lẹ trong việc nhận thức vấn đề sinh tử.
Điều gây khó khăn cho tôi trong việc suy ngẫm là thật khó hình dung cùng ở chung trong một gia đình, dưới sự khắc nghiệt của một người chủ gia đình hung bạo, làm sao người vợ có đủ bản lãnh để thực hiện một việc đi ngược lại ý muốn của chồng, cho dù là nàng đứng về phía lẽ phải. Có lẽ câu trả lời chính xác còn nằm ở phần kế tiếp dành cho tuần tới.
Điều quan trọng ở đây là hình ảnh của hai con người đó đang nắm trong lòng tôi và tôi phải tự mình quyết định hành xử theo cách của bên nào. Vị tha thì phải bền lòng học tập, còn vị kỷ lúc nào cũng hiện diện sẵn và luôn mạnh mẽ trong tâm trí tôi. Đó là cách ăn nết ở ngày trước, là lốt người cũ, là người bị hư hỏng bởi tư dục dỗ dành. Đó là cách mà mọi người chung quanh tôi đã, đang và vẫn cứ sống từ đời này qua đời kia, trong bất cứ môi trường sinh hoạt nào và ở bất cứ địa bàn nào cũng y chang như nhau. Ngay cả trong những hoạt động bày tỏ tình yêu, sự thương xót, nhân đạo, cứu giúp … đằng sau những cái gọi là vị tha, thật sự vẫn xuất hiện bóng dáng kinh khiếp của ác thú vị kỷ dưới nhiều cách giải thích hết sức hợp lý và cần thiết.
Phao-lô đã từng than thở như thế này: "Vậy tôi thấy có luật nầy trong tôi: khi tôi muốn làm điều lành, thì điều dữ dính dấp theo tôi. Vì theo người bề trong, tôi vẫn lấy luật pháp Đức Chúa Trời làm đẹp lòng; nhưng tôi cảm biết trong chi thể mình có một luật khác giao chiến với luật trong trí mình, bắt mình phải làm phu tù cho luật của tội lỗi, tức là luật ở trong chi thể tôi vậy" (Rô-ma 7:21-23). Phao-lô cũng cảnh báo tôi rằng: "Hãy bước đi theo Thánh Linh, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt. Vì xác thịt có những điều ưa muốn trái với những điều của Thánh Linh, Thánh Linh có những điều ưa muốn trái với của xác thịt; hai bên trái nhau dường ấy, nên anh em không làm được điều mình muốn làm" (Ga-la-ti 5:16,17)
Trên lãnh vực tâm linh, trong trận chiến "chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời" (Ê-phê-sô 6:12), tôi chỉ có thể trụ lại được cho đến ngày gặp mặt Chúa khi tôi chấp nhận để Chúa làm nên mới trong tâm chí mình, và mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật. Đức Chúa Thánh Linh đặt Lẽ Thật-Đức Chúa Con trong lòng tôi, để tôi trở nên giống Đức Chúa Cha. Tôi bất năng để sống tốt lành, nhưng Ba Ngôi Đức Chúa Trời Toàn Năng sẽ chiến đấu cùng tôi để làm nên những điều kỳ diệu.