Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 3

Người Bạn Trong Tù

(Đây là một câu chuyện thật xảy ra tại miền nam Việt Nam trong trại tù Tà Niên, Rạch Sỏi tỉnh Rạch Giá vào năm 1980)

          Rời Sàigòn từ tờ mờ sáng, thế mà bây giờ trời đã chập choạng tối mà tôi chỉ tới ngã ba Lộ Tẻ, nơi rẻ vào đường đi Rạch Giá, vì năm lần bảy lượt xe đò đã ngừng lại để đón khách rồi lại cho khách xuống dọc đường. Con đường đất gập ghềnh đầy đá sỏi đã làm cho chiếc xe lắc lư, và tôi phải vịn chặt vào thành ghế vì tưởng chừng như sắp bị bay lên trần xe. Tôi thở dài nhắm mắt lại, đè nén sự khó chịu do những âm thanh quái quỹ phát ra từ những hàng hóa trên xe va chạm vào nhau nghe thật ghê rợn. Thế rồi, cuối cùng tôi cũng đã đến bến xe Rạch Giá. Để hồi phục sức khỏe sau một ngày ngồi xe mệt lã, tôi đã đến chợ Rạch Giá trên chiếc xe lôi đạp. Tại đây khung cảnh làm tôi cảm thấy khỏe hẳn với những gian hàng, quán ăn đèn đuốc sáng choang, đông người tấp nập qua lại vì hôm đó nhằm ngày hai mươi bốn tháng mười hai. Ngồi ăn mà lòng khấp khởi chờ đợi người đến dẫn tôi đến điểm ém (là nơi an toàn và thuận lợi cho việc xuất phát). Cuối cùng người ấy xuất hiện; và sau mật mã tôi được dẫn đến nhà của taxi để chờ nửa đêm đi ra ghe lớn. Danh từ taxi lúc bấy giờ là những người dân sống ven biển có ghe nhỏ và vì muốn kiếm nhiều tiền nên họ lãnh trách nhiệm đưa người vượt biên ra ghe lớn.

          Nửa khuya tôi lên ghe nhỏ, trời tối đen như mực và trong không gian tĩnh-mịch không một âm thanh nào khác ngoài tiếng bình bịch của máy ghe. Ghe đi được khoảng một giờ thì người lái ghe cho biết sắp sửa đi qua một cầu đúc lớn, là nơi dẫn ra cửa biển có lính gát thường xuyên. Ông  ta bảo tôi nằm dài xuống lòng ghe rồi lấy lá chuối phủ lên và đặt những trái cây lên trên. Đi được một khoảng khá lâu, người lái bảo tôi ngồi dậy vì chúng tôi đã ra khỏi cửa biển. Tôi thấy mình quá nhỏ bé so với mặt nước mênh mông xanh biếc nhưng vẫn bình thản trò chuyện. Ông ta lái ghe qua qua lại lại nhiều lần ở địa điểm ghe lớn hẹn đón nhưng chẳng thấy tâm dạng đâu hết. Tôi hốt hoảng khi nhìn ra sự biến sắc trên gương mặt người taxi. Ông nói: “Chết rồi! chúng ta đã bị gạt” và quay đầu ghe chạy vào bờ. Trời đã sáng, đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy cảnh đẹp rạng đông trên biển nhưng oái ăm thay lại trong hoàn cảnh như thế này. Bất ngờ nghe tiếng máy nổ dòn từ hướng khác vọng lại, tôi quay đầu nhìn thì thấy có một ghe đang đuổi theo phía sau. Và hai người trên ghe đang cầm súng hô lớn lên “đứng lại, đứng lại. . .”.  Sau đó họ bắn súng lên trời để hăm dọa, tôi thật chết điếng trong lòng vì sợ hãi.  Người taxi cuối cùng phải dừng lại và sau khi tra hỏi người lái vài điều, họ đã dùng báng súng đánh đập ông rất dã man.  Người lái và tôi bị đưa sang ghe của họ rồi chở chúng tôi vào bờ.  Ghe đậu vào trạm gát ven bờ, tôi thấy ở đó có khoảng chừng hai mươi người lố nhố đứng giữa người đang cầm súng và họ cũng là những người vượt biên biên bị bắt giống như tôi. Sau gần vài giờ tra hỏi lý lịch từng người một, họ dùng dây thừng cột vòng chung quanh bụng chúng tôi người nầy nối liền với người kia thành một dây dài và dẫn chúng tôi đi bộ vào trại tù Tà Niên, Rạch Sỏi.  Lúc đó khoảng mười giờ sáng mà ánh nắng thật gay gắt, hàng người nối đuôi nhau đi trên con đường nhỏ giữa những thửa ruộng lớn. Mồ hôi nhuể nhoải, bước chân nặng nề mệt mõi với tâm trạng buồn bã, tôi nghĩ không biết rồi mình sẽ ra sao? Không biết họ có đặc ân tha người có mang thai ba tháng giống như tôi không? Đi trước mặt tôi là một bé gái khoảng mười hai tuổi và người đàn bà phía trước cô bé tuổi độ trung niên.  Nghe qua sự đối thoại của họ tôi biết được họ là hai mẹ con.  Trại Tà Niên bấy giờ đang ở trước mặt chúng tôi. Rồi chúng tôi được hướng dẫn đi vào một phòng lớn để đợi.  Hầu hết mọi người đã ngồi bệt xuống đất vì quá mệt.  Bé gái đi trước tôi lúc nãy bỗng quỳ gối xuống chấp tay lại, nhắm mắt và nói: “Chúa ơi! Con là Trúc, con bị suyển mẹ con cũng không được khỏe trong mình xin Chúa cứu con và mẹ ra khỏi chổ này”.  Tôi là người theo đạo Phật và thờ cúng ông bà nên rất ngạc nhiên khi nhìn thấy một đứa bé đã làm như vậy.

          Một lát sau viên trưởng trại gọi tên từng người một để tra xét một lần nữa trước khi đưa vài trại giam.  Tên tôi được gọi và sau khi đã trả lời xong một số câu hỏi về lý lịch, tôi bạo dạn lấy tờ giấy khám thai để đưa cho ông ta xem hy vọng được tha.  Ông đọc thoáng qua tờ giấy rồi nhìn vào tôi chòng chọc, vẻ mặt hằn học và nói: “Mang thai hả, tao không đá chết mẹ là mai lắm rồi.”  Tôi thật sững sờ, nước mắt trào ra trước sự thô bạo của gả này.  Thật vọng trở về chổ ngồi tôi nhìn thấy được ánh mắt thương hại và thông cảm của mẹ bé Trúc.   Tôi buồn bã cúi đầu không để ý đến những gì xảy ra chung quanh mình.   Một lúc sau đó có ai chạm nhẹ vào vai tôi, tôi ngước mắt lên nhìn thấy mẹ bé Trúc tay xách một giỏ đệm đồ ăn đưa cho tôi và nói: “Gởi cho em để dành ăn, chúng tôi được tha, cám ơn Chúa Ngài đã nhậm lời cầu xin của con trẻ.”  Tôi cám ơn về thức ăn chị cho và thầm nghĩ tại sao họ được thả còn tôi thì không? Tôi biết được tên chị là Nga.  Trước khi rời khỏi trại Chị Nga có đưa cho tôi địa chỉ của chị và nói mong muốn có ngày gặp tôi lại tại Sàigòn.

          Thời gian ở trong tù thỉnh thoảng tôi nghĩ đến bé Trúc chị Nga; lòng tò mò muốn biết rõ về họ. Ba tháng sau đó tôi được phóng thích nhờ sự ân xá trong ngày lễ lớn.

          Tôi theo địa chỉ để đến thăm gia đình chị Nga.  Chị đang sống với hai con Trúc và Hoa; còn chồng chị thì đang sống tại Hoa Kỳ với cậu con trai.  Chúng tôi vui vẽ trò chuyện rất lâu về chuyện vượt biên và sinh hoạt trong tù.  Từ đó trở về sau, chúng tôi thường xuyên lui tới với nhau để trao đổi cách nấu ăn, làm bánh và may vá; dần dần chúng tôi trở thành bạn thân.  Bé Trúc và Hoa rất ngoan còn chị Nga thì tử tế và đôn hậu.   Tôi tìm thấy sự đầm ấm và an lành khi đến với gia đình nầy.  Họ thường cầu nguyện mọi điều liên quan đến đời sống và cũng thường ca ngợi cảm tạ Chúa mỗi khi họ đạt được điều gì đó.  Lúc bấy giờ sự thắc mắc về việc làm của bé Trúc trong tù không còn là điều xa lạ đối với tôi nữa, và tôi cũng không quan tâm đến sự tương giao của họ với Chúa.  Chị Nga có mời tôi đi nhà thờ nhiều lần nhưng tôi đều từ chối vì quả thật tôi không muốn có  ràng buộc về tôn giáo, còn danh hiệu đạo Phật của tôi chỉ làm theo ông bà chứ không hề có một ý niệm gì về đạo cả.

          Thời gian thấm thoát trôi qua, chị Nga và hai con được bảo lảnh sang Mỹ để đoàn tụ gia đình.  Từ đó trở đi chúng tôi không còn cơ hội để gặp mặt nhau nữa nhưng vẫn liên lạc qua thư từ.

          Mai nở rồi lại tàn. . . .  Rồi đến một ngày nọ, tôi không thể ngờ được là đã trở thành một tín đồ.  Mọi việc xãy đến cho tôi thật yên lặng và tự nhiên trong dòng đời trôi chảy.  Cũng vì ân nghĩa bảo bọc cho gia đình tôi trong những năm tháng đầu tiên sống ở đất lạ quê người; tôi đã sống đúng theo mọi lề lối của gia đình mà tôi tá túc.  Chúng tôi đi nhà thờ học kinh thánh hằng tuần rồi tôi được tập cầu nguyện.  Lần đầu tiên lời cầu xin của tôi được Chúa nhậm lời, cũng là ngày tôi chính thức tiếp nhận Ngài vào lòng.  Và mổi một ngày tôi đã đang bước đi với những bước dài hơn để tìm kiếm Ngài. Hình ảnh bé Trúc quỳ gối cầu nguyện xin được Chúa cứu mười chín năm về trước trong trại tù Tà Niên đã trở nên một hình ảnh đẹp đẻ ghi khắc trong tim tôi.  Sự giải cứu chị Nga bé Trúc ra khỏi tù là một bằng chứng xác thực về tình yêu và quyền năng của Chúa cho những ai hết lòng tin cậy Ngài.

                                                Bach-Tuyết

                                                            Mùa hè 2000