Thôi con nhỉ nín đi đừng khóc nữa!
Tội lòng ba đêm đã xuống sâu rồi
Đôi tay này ru con ngủ thay nôi
Và áo ấm cởi choàng, thay chăn đắp
Đêm thăm thẳm bên ngoài mưa rét lắm
Ngủ đi con đừng để xót lòng ba
Chú mèo hoang rờn rợn dáng yêu ma
Đang rình rập tìm mồi trong bóng tối
Những khổ đau làm sao con hiểu nổi
Rạng ngày mai gạo đã hết sạch rồi
Ba lặng nhìn ngày tháng buồn trôi
Ngồi tính lại những món tiền tiêu chợ
Me của con mấy hôm rồi trăn trở
Lo ngày mai sữa không đủ nuôi con
Giữa thinh không tiếng nấc nghẹn hao mòn
Thân tiều tụy giữa chợ đời rối rắm!
Ba rất sợ những ngày đông rét cóng
Ngọn gió nào tàn nhẫn thổi vào đây
Ba cho con trọn trái tim này
Là tất cả những gì ba có đấy
Thôi con nhỉ nín đi đừng cựa quậy
Để cho me ngủ một giấc say nồng
Đắng cay nào ba gánh chịu cho xong
Âu số phận đã an bày như thế...
(Đà nẵng mùa Đông 1981)
Lê Nguyễn Hà Vy
Bài thơ mở đầu với lời dỗ dành của người cha dành cho đứa con còn bé bỏng của mình khi nó cứ khóc mãi mà không chịu nín trong khi đêm đã xuống khuya rồi, đêm đa đi vào trong thinh lặng, lắng sâu. Một lời dỗ dành nghe mới cảm động làm sao:
Thôi con nhỉ nín đi đừng khóc nữa!
Tội lòng ba đêm đã xuống sâu rồi
Đôi tay này ru con ngủ thay nôi
Và áo ấm cởi choàng, thay chăn đắp
Có lẽ vì cuộc sống còn quá khó khăn, nghèo túng, nên cha mẹ chưa thể sắm được chiếc nôi để ru con cho khỏe, nên cả hai vợ chồng đều phải thay nhau ru con bằng đôi tay của mình. Ngay cả mảnh chăn nhỏ để đắp cho con cũng chưa thể sắm được, nên phải lấy áo làm chăn đắp cho con. Ta có thể hiểu được lời dỗ dành của người cha thật tha thiết vì có lẽ ru con bằng đôi tay nên con khó ngủ khiến cha cảm thấy thương con nhiều hơn, yêu con gấp bội.
Đêm càng về khuya không gian càng thăm thẳm, cô tịch cộng thêm với mưa gió rét mướt bên ngoài khiến cho đứa con càng khó ngủ trên đôi bàn tay của cha làm cho người cha càng xót xa vì cuộc sống nghèo túng mà con mình, dù còn bé bỏng cũng phải chịu khổ lây. Đêm càng đi vào vắng lặng bao nhiêu thì lòng ba càng tê tái bấy nhiêu khi nghe tiếng kêu rờn rợn của chú mèo đang rình rập tìm kiếm chuột giữa đêm khuya lạnh giá:
Đêm thăm thẳm bên ngoài mưa rét lắm
Ngủ đi con đừng để xót lòng ba
Chú mèo hoang rờn rợn dáng yêu ma
Đang rình rập tìm mồi trong bóng tối
Thường thường mỗi khi đêm hôm khuya khoắc, tĩnh lặng là lúc con người ta hãy nghĩ ngợi nhiều điều về cuộc đời, về lối sống hay về nhân tình thế thái. Người cha ở đây trong khi ru con ngủ giữa đêm khuya vắng lặng cũng đã suy tư rất nhiều về những lo toan trong cuộc sống thường ngày về cơm áo gạo tiền, về ăn gì, uống gì, mặc gì mà gia đình mình đương đối diện. Như những lời thủ thỉ nhỏ to cùng đứa con gái yêu dấu về những khổ đau trong cuộc đời nghèo khó của mình. Ngày mai không còn gạo để nấu, phải làm sao để có gạo nuôi sống cho gia đình đây??? Từng ngày từng ngày trôi qua là nỗi lo toan như chưa bao giờ vơi bớt trong lòng cha, nỗi lo toan cứ như bám chặt lấy đời cha trong những toan tính chi li trong từng đồng tiền kiếm được để làm sao có thể trang trải đủ một cách tối thiểu cho gia đình được sống. Ai đã trải qua cảnh nghèo khó cơ cực thì mới thấm thía hết những nỗi niềm được tác giả trải ra qua những vần thơ sâu lắng mà xót xa nầy:
Những khổ đau làm sao con hiểu nổi
Rạng ngày mai gạo đã hết sạch rồi
Ba lặng nhìn ngày tháng buồn trôi
Ngồi tính lại những món tiền tiêu chợ
Tôi thật sự cảm động khi đọc những vần thơ nầy, vì gia đình chúng tôi cũng đã từng trải qua những ngày tháng gian nan, khổ cực, vất vả như tác giả của bài thơ đã thổ lộ. Ba tôi cũng đã phải “chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi” để nuôi anh em chúng tôi trong những lúc thời buổi kinh tế cực kỳ khó khăn vào những năm sau biến cố 1975. Má tôi đã qua đời về yên nghỉ trong nước Chúa khi đứa em út của tôi lúc bấy giờ mới chưa đầy ba tháng tuổi, để lại ba tôi một thân một mình nuôi bốn đứa con khi đang còn tuổi chỉ biết ăn học chứ chưa biết bận tâm lo toan gì về cuộc sống cả. Ba tôi phải đi làm thuê kiếm gạo, đi mót khoai, mót sắn về để nuôi sống chúng tôi. Từ sáng sớm ba tôi đã quảy gánh ra đi cho đến tối mịt mới về mới kiếm được ít gạo, ít khoai, hoặc ít sắn để nuôi sống chúng tôi qua từng ngày một. Tôi nhớ mãi câu nói ấn tượng diễn tả nỗi khổ cực của cuộc sống lúc bấy giờ “Tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm, trưa làm thêm vài củ.” Cuộc sống lúc bấy giờ sao mà cơ cực đến thế không biết nữa??? Cơ cực đến nỗi khoai, sắn cũng không có đủ mà ăn chứ đừng nói chi đến cơm. Đi đâu, ở đâu cũng nhìn thấy cơ cực như đang bủa vây lấy mọi người, nhất là với những người nông dân hiền lành như củ khoai, củ sắn. Thật đúng như câu ca dao diễn tả về nỗi cơ cực mà ai nghe cũng phải trào nước mắt:
“Gánh cực mà đổ lên non
Còng lưng mà chạy cực còn chạy theo.”
Nhờ Trời ban cho có sức khỏe nên ba tôi cũng có sức để đi làm thuê, kiếm khoai kiếm sắn để nuôi anh em chúng tôi ăn học cho có được cái chữ với người ta. Tôi biết ơn ba tôi nhiều lắm. Tôi nhớ ba tôi thật nhiều. Một cuộc đời tảo tần, chịu thương chịu khó trong cơ cực với cảnh gà trống nuôi con thật đáng nể làm sao!
Từ những lo toan của mình, người cha “tâm sự” với đứa con về mẹ nó:
Me của con mấy hôm rồi trăn trở
Lo ngày mai sữa không đủ nuôi con
Giữa thinh không tiếng nấc nghẹn hao mòn
Thân tiều tụy giữa chợ đời rối rắm!
Không người mẹ nào mà không lo cho con đến từng miếng cơm manh áo. Giữa lúc cuộc sống nghèo túng, người mẹ lo lắng, trăn trở không có gì để ăn hầu có sữa nuôi con. Lo nghĩ đến đó, người mẹ không kìm được nước mắt giữa đêm khuya, dù thân mẹ đã tiều tụy nhưng cuộc sống quá khó khăn, cực khổ không cho phép mẹ có thể thảnh thơi, để mà không lo nghĩ được. Đáng yêu làm sao hình ảnh người mẹ kính yêu!
Người cha tiếp tục ... “tâm sự” với con:
Ba rất sợ những ngày đông rét cóng
Ngọn gió nào tàn nhẫn thổi vào đây
Ba cho con trọn trái tim này
Là tất cả những gì ba có đấy
Với những người nghèo khổ, một trong những nỗi sợ, một trong những nỗi lo toan đó là lo sợ khi mùa đông giá rét đến, vì lúc ấy, họ sẽ không biết lấy gì để đắp cho đủ ấm trước những ngọn gió đông buốt giá một cách tàn nhẫn. Tác giả rất lo sợ trước cái rét mướt của mùa đông vì nó sẽ làm cho đứa con yêu của mình không ngủ được vì lạnh. Và vì sợ mà cha rất ghét mùa đông, ghét cái rét mướt tàn nhẫn của nó.
Thật hay khi tác giả đang nói đến cái rét mướt của mùa đông thì bất chợt, từ hoàn cảnh lạnh giá đáng sợ bên ngoài đó, tác giả chuyển vào nội tâm bên trong bằng cách “cho con trọn trái tim nầy” mới ấm áp làm sao, như xua tan đi mọi cái giá băng của ngày đông. Cho con trọn trái tim cũng có nghĩa là cho con tất cả rồi đó, vì con là tất cả của đời ba mà. Có cha mẹ nào mà không sẵn sàng hy sinh cho con, cho dù đến cả mạng sống của mình, thì cha mẹ cũng sẵn lòng vậy.
Thôi con nhỉ nín đi đừng cựa quậy
Để cho me ngủ một giấc say nồng
Đắng cay nào ba gánh chịu cho xong
Âu số phận đã an bày như thế...
Tác giả muốn lặp lời dỗ dành đáng yêu khi mở đầu bài thơ để kết thúc bài thơ làm cho bài thơ đã cảm động lại càng thêm cảm động người đọc đến lạ lùng. Người cha mong đứa con ngủ yên, đừng cựa quậy để cho mẹ được một giấc ngủ say nồng hầu có sức khỏe mà nuôi con, mà chăm sóc con. Có thể nói một trong những “món ăn” mà những người mẹ nuôi con nhỏ “thèm” nhất đó là ... món ngủ. Có được một giấc ngủ say nồng là một mong ước lớn của những người mẹ nuôi con nhỏ. Có câu hát rằng: “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ. Năm canh dài thức đủ năm canh.” Nói như thế để biết rằng những người mẹ nuôi con nhỏ thèm một giấc ngủ say biết bao nhiêu.
Tác giả khép lại bài thơ như một lời than thở đánh động lòng người:
Đắng cay nào ba gánh chịu cho xong
Âu số phận đã an bày như thế...
Cho dù số phận có nghiệt ngã đến đâu đi nữa, ba cũng cam lòng gánh chịu hết để cho con yêu được lớn lên theo ngày tháng, để cho con yêu được bình yên, được vui thỏa trong cuộc đời.
Con được bình yên, mạnh khỏe, lớn khôn là niềm vui của cha mẹ, là hạnh phúc của cha mẹ phải không những bậc làm cha làm mẹ kính yêu?
Có thể nói “Ngủ đi con gái của ba!” là một bài thơ bày tỏ về tình cha con rất cảm động lòng người. Tình mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào. Tình cha như núi cao cao ngất trời xanh. Tình cha tình mẹ dành cho con thật không ai có thể lấy gì đong đếm nổi. Cảm ơn Tạo Hóa đã đặt để trong lòng con người chúng ta thứ tình cảm thiêng liêng, trân trọng đó.
Hỡi những người làm con, hãy luôn yêu thương, kính trọng cha mẹ của mình trong mọi hoàn cảnh của đời sống! Vì cha mẹ không chỉ là người sinh ra mình, mà con là người nuôi nấng mình lớn khôn thành người và cũng là người sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời, thậm chí cả đến mạng sống cho mình nữa.
Tôi chưa gặp tác giả bài thơ nầy, và tôi cũng không biết là con gái yêu của tác giả bài thơ nầy hiện giờ đang ở đâu, làm gì? Nhưng tôi tin rằng người con gái của tác giả bài thơ nầy là một người hạnh phúc vì có được một người cha thật đáng yêu đáng kính, một người cha luôn yêu thương con, một người cha hết lòng vì con. Đọc thơ Lê Nguyễn Hà Vỹ, ta thấy được tình người rất dạt dào trong thơ của ông. Lê Nguyễn Hà Vỹ chắc chắn phải là một con người có một đời sống nội tâm rất giàu cảm xúc, một con người có nhiều trải nghiệm phong phú trong cuộc đời. Tôi mong ước được đọc những bài thơ khác của tác giả Hà Vỹ trong tương lai.
Cầu xin Chúa ban cho các bậc làm cha làm mẹ Cơ-đốc luôn biết yêu thương, lo lắng, quan tâm đến con cái của mình để gia đình mình luôn được sống trong sự ấm áp của tình yêu từ Thiên Chúa. Xin Chúa ban phước cho tác giả Lê Nguyễn Hà Vỹ và con gái yêu của tác giả cách dồi dào trong cuộc sống.
Kính chúc những người Cha một ngày Lễ Cha thật nhiều niềm vui.
- Mục Sư Nguyễn Đình Liễu –