Từ bài giảng luận "Đi Giẹo Hai Bên"
CN July 02, 2017 - Hội Thánh Norwalk
Các ngươi đi giẹo hai bên cho đến chừng nào? Nếu Giê-hô-va là Đức Chúa Trời, khá theo Ngài; nếu Ba-anh là Đức Chúa Trời, hãy theo hắn. Song dân sự không đáp một lời. (1 Các Vua 18:21)
[đọc 1 Các Vua 18: 1-40]
Tôi sẽ không nhắc lại câu chuyện nỗi tiếng đầy thú vị này, hãy đọc tất cả từ Thánh Kinh. Tôi chỉ muốn suy gẫm hai chữ "ĐI GIẸO", có thể coi là vấn đề nghiêm trọng của tuyển dân thời bấy giờ dưới sự cai trị của vua A-háp và người nêu vấn đề này là tiên tri đáng kính Ê-li.
Một số bản dịch sau này thay cụm từ "đi giẹo hai bên" bằng "khập khiễng", "khập khiễng hai hàng" hay "khập khiễng hai bên" … mô tả thái độ này như một tật bệnh thể xác. Đây là một tật bệnh tâm linh mà một sách giải nghĩa nhắc đến bằng thành ngữ "bắt cá hai tay" hay nhẹ nhàng hơn như bản dịch Hiện Đại: "phân vân giữa ngã ba đường". Với tôi, "đi giẹo hai bên" là "bắt cá hai tay", là theo cả hai bên để gom hết lợi lộc về cho mình. Đó chính là thái độ của tuyển dân trong lúc bấy giờ. Họ vẫn giữ mọi sự thờ phượng Chúa theo luật định, nhưng cũng làm theo mọi điều làm vui lòng người lãnh đạo tối cao của đất nước, "vâng lời Đức Chúa Trời" cũng "vâng lời người ta" nữa. Tóm lại, đó là một sự lựa chọn theo cách thế gian, theo xác thịt, theo sự khuyến dụ của thế giới tối tăm, nghịch lại ý muốn của Đức Chúa Trời. Vấn nạn này không chỉ xảy ra và chấm dứt ở thời xa xưa được ghi lại trong Thánh Kinh; ngày nay cũng chẳng khác gì nên tôi và anh em vẫn có thể mắc chứng bệnh thuộc linh kinh khiếp này làm mất đi phước hạnh từ Đức Chúa Trời Chí Thánh.
Căn bênh này có một nội lực vô cùng mạnh mẽ. Vua A-háp đã bị bắt phục bởi hoàng hậu người ngoại bang tên Giê-sa-bên, để rồi tạo dựng nên những nơi thờ tự theo cách ngoại bang với hàng trăm tư tế hành lễ gớm ghiếc trước mặt Đức Chúa Trời. Và thế là cả dân sự bước vào những buổi lễ đầy tội lỗi đó. Những điều thế gian cung cấp cho tôi, khởi đầu chẳng có gì làm tôi thấy nghịch với Chúa cả; tất cả đều hợp lý, đều cần thiết, đều có mục đích chân-thiện-mỹ, nhưng nếu tôi đi giẹo hai bên, kết cục sẽ là tôi ở về phía phàn nghịch lại với Chúa. Một chút nể vì, một chút vị bụng, một chút giao hảo tưởng chừng như cả hai bên đều có lợi, nhưng đến cuối cùng tôi sẽ mất tất cả; bởi tôi không thể nào biện minh cho sự bất trung của mình và tôi làm buồn Chúa Thánh Linh.
Tạ ơn Chúa! Trong hoàn cảnh bi thảm đó, Chúa còn dùng một tiên tri Ê-li, cho dầu ông chẳng phải là một người toàn hảo, nhưng bằng lòng trung tín với công việc Chúa giao, tiên tri đã đem ánh sáng trở lại với toàn dân đang đi trong tối tăm. Lời cảnh báo của tiên tri rất đơn giản: "Nếu Giê-hô-va là Đức Chúa Trời, khá theo Ngài; nếu Ba-anh là Đức Chúa Trời, hãy theo hắn". Chẳng doạ dẫm, chẳng khuynh đảo, chẳng nài nỉ, tiên tri chỉ đưa ra cho mọi người sự lựa chọn theo chân lý mà mọi người đều sẽ nhìn thấy, không có một sự ép uổng nào cả. Y như lịch sử, khi lãnh tụ Giô-suê sắp qua đời, người cũng đã từng nói với dân sự như thế : "Nếu chẳng thích cho các ngươi phục sự Đức Giê-hô-va, thì ngày nay hãy chọn ai mà mình muốn phục sự, hoặc các thần mà tổ phụ các ngươi đã hầu việc bên kia sông, hoặc các thần dân A-mô-rít trong xứ mà các ngươi ở; nhưng ta và nhà ta sẽ phục sự Đức Giê-hô-va" (Giô-suê 24:15). Đó là một nguyên tắc bất biến trên con đường bước theo Chúa. Không ai có quyền áp lức trên tôi, và ngay chính tôi, anh em tôi và những người bước theo sau chúng ta; chẳng ai có thể làm áp lực để một người nào đó phải chọn Chúa. Tôi chỉ là một chứng nhân cho Chúa, một người chỉ cho người khác lẽ thật, chánh đạo và con đường sống mà tôi đã trải nghiệm trong tình yêu thương Chúa dành cho tôi và mọi người. Từng người phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình; bước theo Chúa Thánh Linh hay bước theo xác thịt; bước vào sự sống và sự sống đời đời hay trầm luân trong tối tăm để nhận lấy sự chết vĩnh viễn.
Câu chuyện đầy kịch tính dẫn đến một kết thúc hết sức bi tráng. Có thể điều đó sẽ chẳng bao giờ tái hiện, nhưng toàn bộ câu chuyện còn có một điều rất đáng để ý. Bởi một người mà cả dân sự của Chúa bước vào sự lầm lạc kinh khiếp, và Chúa cũng dùng một người để đưa tuyển dân của Ngài trở lại với chánh đạo với lòng nhân từ và thương xót vô biên của Cha Nhân Lành (cũng nên đọc thêm Rô-ma đoạn 5). Nếu tôi không tỉnh thức, tôi cũng sẽ đi giẹo hai bên để là tổn hại khôn lường phước ân mà Chúa sẵn dành cho gia đình, cho Hội Thánh, cho môi trường tôi đang sống. Còn nếu tôi giữ lòng trung tín, có khi Chúa sẽ dùng tôi để đem lại phước hạnh vô song chẳng những cho riêng mình, cho những người thuộc quyền quản lý của mình mà còn đem lại hạnh phúc cho nhiều người sẽ sẵn lòng bước trở lại trong vòng tay đang rộng mở của Đức Chúa Trời Chí Nhân Chí Ái.