Vậy, vì Chúa Cứu Thế chịu khổ trong thân thể, hãy trang bị chính mình anh chị em bằng thái độ như thế, người nào đã chịu khổ trong thân thể được dứt khỏi tội lỗi.
Trong thư tín đầu, Phierơ bởi sự cảm động của Thánh Linh, khuyên chúng ta hãy trang bị chính mình để chịu khổ như cách Chúa Giê-su chịu. Ngài chịu khổ như thế nào ? Ngài có chịu khổ do tội lỗi không ? Không bao giờ, nhưng Ngài phải chống cự nó. Ngài có chịu khổ vì bệnh tật hay đau yếu không ? Không, nhưng Ngài có lẽ phải chống trả nó. Ngài có đủ tiền trả chi phí hay hoàn thành sứ mạng của Ngài không ? Không, nhưng tôi chắc rằng Ngài phải tin cậy Đức Chúa Trời để cung cấp. Chúa Giê-su chịu thử thách trong mọi sự, nhưng Ngài không bao giờ ngã quỵ dưới áp lực nào của kẻ thù. Chúng ta được truyền bảo hãy bước đi như Ngài bước đi; vì thế, chúng ta cũng không đầu hàng bất kỳ mưu kế nào của ma quỷ.
Khi chúng ta đọc kỹ thư tín của Phierơ, chúng ta nhận thấy rằng sự chịu khổ đặc biệt mà Chúa Giê-su chịu là sự đối xử bất công từ con người, đặc biệt từ những nhà lãnh đạo tôn giáo và chính quyền thời đó. Cá nhân tôi tin đây là mức độ chịu khổ nặng nề nhất mà một người phải chịu để bước vào sự cai trị.
Thật ra, sự đối xử bất công là sự tranh chiến lớn nhất của sứ đồ Phaolô. Ông bị ném đá, năm lần bị đánh, ba lần bị đánh bằng roi, và hầu như liên tục bị nguy hiểm từ người đồng quốc, từ người ngoại và tín hữu giả dối. Phaolô bị lăng nhục, bị vu khống, bị chế nhạo, bị ngược đãi và bị buộc tội. Ông cảnh báo chúng ta tương tự : "Thật vậy, tất cả những ai muốn sống cuộc đời tin kính trong Chúa Cứu Thế Giê-su đều phải chịu bắt bớ” (2Ti 3:12).
Nếu bạn sống đời sống thế gian, bạn sẽ không bị phiền bởi bắt bớ; bạn gần như là "tù nhân chiến tranh.” Bạn bị giam trong "tù ngục” của kẻ thù. Bạn không còn hiệu quả để chiếm lấy phần đất cho Nước Chúa, không thể mang vinh hiển về cho Chúa. Những chiến sĩ nào chịu gian lao sẽ tự do và chiến đấu để chiếm lấy lãnh thổ của ma quỷ.
Chúng ta sống trong một thế giới hoàn toàn trái ngược và thù nghịch với Nước Chúa. Cách vận hành của hệ thống thế gian này đối kháng với cách vận hành của Thánh Linh Chúa. Vì thế, nếu bạn thật sự sống cho Chúa , bạn sẽ chịu hoạn nạn, thử thách và bắt bớ. Nó là một phần của bản phân công công việc.
Hỡi đọc giả, dù đó là những mưu chước đã mô tả ở chương trước hay nghịch cảnh trong tự nhiên; hay là sự thù nghịch từ con người, tổ chức hay cả hệ thống thế gian, bạn sẽ gặp phải sự kháng cự trong đời sống theo Chúa của bạn. Nên Phierơ đã cầu nguyện để bạn phải được chuẩn bị. Như ông nói, bạn phải "trang bị chính mình.”
ĐƯỢC TRANG BỊ HAY KHÔNG CHUẨN BỊ Thật hay để xem xét trước hai ví dụ về một người được trang bị và một người không được trang bị khi nghịch cảnh bất chợt xảy đến. Mỗi lần sáu đến mười hai tháng, một phi công lái máy bay thương mại được gởi đi tập huấn định kỳ. Một phần quan trọng của đợt tập huấn là làm việc với một thiết bị mô phỏng kỷ thuật cao, một thiết bị huấn luyện có hệ thống vi tính phức tạp, một sự mô phỏng buồng lái máy bay gồm tất cả bộ phận điều khiển của một máy bay, một hệ thống hình ảnh mô phỏng thế giới bên ngoài máy bay. Tất cả đều lắp ráp trên màn hình di động mà đáp ứng lại sự điều khiển của phi công hay yếu tố bên ngoài. Nói đơn giản, bạn không thể nói là bạn đang ở trong máy bay hay ở trong phòng mô phỏng.
Các huấn luyện viên cho thiết bị mô phỏng tạo ra đủ thứ rắc rối (thlipsis) cho phi công, vì thiết bị này có thể tạo ra tình trạng gây sợ hãi và hoạt động mất thăng bằng. Phi công đối diện nhiều tình huống như bị nhiễu sóng, bị cánh gió, thời tiết xấu, mất một động cơ, gạt cần lái bị hư – danh sách còn nhiều. Ý tưởng ở đây là nếu các phi công chiến thắng nhiều lần các thử thách bất chợt trong lúc huấn luyện, họ sẽ được chuẩn bị để giải quyết những khủng hoảng trong tình huống thực. Nhiều tai họa đã được ngăn cản nhờ những buổi tập huấn định kỳ như thế mà phi công phải học nhận dạng và kiểm soát tình trạng khẩn cấp.
Tôi nhớ lại thảm họa máy bay xảy ra trước 9/11/2001. Đó là một chiếc máy bay vận chuyển nhỏ không có cửa ngăn phòng lái phi công với hành khách ngồi như chúng ta thấy ngày nay. Ngay sau khi bị rơi, người ta tìm ra hộp đen và nghe lại. Vì không có cửa ngăn phòng lái của phi công với hành khách trên máy bay, nên các chuyên gia nghe được phản ứng của phi công và hành khách. Hành khách la hét khi máy bay bị rơi từ trên không xuống. Tuy nhiên, các phi công vẫn kiên định và kiểm soát, nhận ra những trục trặc và cố lái để vượt qua. Họ không phản ứng trong sợ hãi nhưng theo sự tập huấn giả định. Viên phi công trưởng đã gọi xin hướng dẫn, và viên phi công lái phụ phản ứng theo mọi chỉ dẫn. Việc này được tuân thủ từ đầu đến cuối. Vì các phi công đã được trang bị cho những thảm họa trong khi những hành khách thì không được trang bị, nên phản ứng của họ hoàn toàn khác biệt. Phi công thì ứng phó có mục đích trong khi các hành khách chỉ phản ứng trong sợ hãi.
Lần nọ tôi là hành khách trên một chiếc máy bay tư nhân. Khi nó bay ở độ cao 39,000 feet, cánh cửa bị vỡ. Không khí tràn vào buồng máy nên âm thanh kêu rống lên. Trong chốc lát khoang máy bay bị giảm áp suất. Tôi hoàn toàn mất thăng bằng và không biết nên làm gì. Thành thật, tôi cố không tập trung vào nỗi sợ. Tôi cầu nguyện tha thiết. Té ra là viên phi công trưởng là một phi công trước đây của Hải quân với kinh nghiệm hàng ngàn giờ bay và được huấn luyện trong nhiều tình huống khẩn cấp. Lúc cửa bị vỡ, anh và phi công lái phụ ra tay hành động. Họ nhận ra ngay vấn đề, đeo mặt nạ ô-xy vào và đưa mặt nạ cho tôi. Không có ô-xy họ không thể làm xong nhiệm vụ còn lại.
Sau đó viên phi công bắt đầu hạ cánh khẩn cấp trong lúc ra lệnh liên tục cho viên phi công phụ. Trong suốt lúc khủng hoảng, anh ta phản ứng với sự bình thản và tin quyết. Sự huấn luyện đã giúp anh ta nhớ mọi trình tự phải theo. Tôi biết chúng tôi có thể gặp rắc rối lớn, nhưng bạn sẽ không bao giờ biết điều đó khi quan sát phi công kiểm soát tình huống. Tôi thấy không chút sợ hãi trong cách ứng xử của phi công. Hành động của anh ta thật quyết đoán, tự động và nhanh nhẹn. Anh ta hoàn toàn kiểm soát.
Phi công đã cho máy bay hạ xuống tời độ cao 12,000 feet chưa tới năm phút – chúng tôi hạ cánh từ mức sáu ngàn đến tám ngàn feet mỗi phút. Không chỉ thế, chúng tôi còn đáp xuống an toàn. Khi tình huống báo động qua rồi, tôi thấy rõ là phi công của tôi được "trang bị” còn tôi thì không. Sự huấn luyện và kinh nghiệm của anh đã dạy anh nên làm gì, khiến anh cai trị trên những khủng hoảng trầm trọng.
Và đây là sứ điệp của 1Phierơ 4:1. Chúng ta phải trang bị cho những khủng hoảng thuộc linh như viên phi công của Hải quân được trang bị để xử lý những tình huống bất ngờ. Ước ao của tôi là cuốn sách này, Không Nao Sờn, trở thành một "công cụ” chuẩn bị bạn cho những khó khăn bạn sẽ gặp phải trên đường tiến đến hoàn tất định mệnh của bạn trong Chúa và cai trị trong cuộc sống.
JOHN BEVERE (Theo Không Nao Sờn)