Nhiều lần những người tham dự các chiến dịch truyền giảng của chúng tôi đã hỏi tôi rằng : "Đây có phải là phục hưng không ?”. Trong quá trình hầu việc Chúa mạnh mẽ suốt ba năm qua tôi đã nhận thấy sự bày tỏ thật gây ấn tượng về các công việc của Đức Thánh Linh. Nhưng gần đây Đức Chúa Trời bày tỏ ý muốn của Ngài dành cho Hội Thánh trong các giai đoạn nầy. Như Giêrêmi đã truyền bảo : "Giêhôva phán như vầy hãy đứng trên các đường cái và nhìn xem; tra xét những đường lối cũ, xem thử đường tốt ở đâu; hãy đi đường ấy, thì các ngươi sẽ được an nghỉ cho linh hồn mình” (Giêrêmi 6:16). Hội Thánh phải trở lại những con đường cũ; Hội Thánh phải trở về các nguyên tắc cơ bản của Lời Chúa. Tân ước mở ra với những mạng lệnh cơ bản của Đức Chúa Giê-su. Những nguyên tắc cơ bản nầy giữ gìn sự thức tỉnh mà Hội Thánh Tân ước đã kinh nghiệm và sẽ là nền tảng của công việc Ngài trong chúng ta ngày nay.
Những con đường cũ dẫn đến sự giảng dạy về nhu cầu của sự ăn năn chân thật mà mỗi một Cơ Đốc Nhân phải bày tỏ với Đức Chúa Trời. Đức Thánh Linh mà chúng ta đã làm chứng ban phước một cách kỳ diệu cho Hội Thánh bằng những sự tỏ ra khác nhau của quyền phép Ngài. Chúng ta đã chứng kiến những người té ngã dưới quyền phép của Chúa cứ phủ phục trước mặt Ngài trước nhiều giờ đồng hồ; cả sân vận động đều vui hưởng sự hiện diện của Ngài; người ta nhảy múa và vui mừng trong sự hiện diện của Chúa. Nhưng vượt lên trên những sự bày tỏ nầy phải có những sự gặp gỡ thật sự với Đức Chúa Trời dẫn đến sự ăn năn và xưng tội. Chúa Giê-su đã kêu gọi con người ăn năn và sau đó là sự vâng lời, kết quả của sự ăn năn.
Bằng chứng đầu tiên của sự vâng lời là báp tem bằng nước. Sau đó, đến sự báp tem trong Đức Thánh Linh mà Giăng Báptít đã nói trước : "Song Đấng đến sau Ta có quyền phép hơn Ta... Ấy là Đấng sẽ làm phép báp tem cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa. ” (Mathiơ 3:11). Lửa là biểu tượng của Đức Thánh Linh. Lửa thanh tẩy, thiêu hóa và biến đổi.
Dưới quyền phép của Đức Thánh Linh chúng ta có thể té ngã, run rẩy hoặc cười lớn, nhưng không một biểu hiện nào trong số đó làm thay đổi chúng ta. Đức Chúa Trời thật có hành động qua những cách ấy, nhưng chúng ta không được chạm vào những sự bày tỏ như vậy. Điều sẽ làm thay đổi đời sống chúng ta chính là lửa đã giáng xuống vào ngày Lễ Ngũ Tuần, chính lửa ấy đã được tỏ rõ trong đời sống của các sứ đồ.
Sự thức tỉnh thật xảy ra khi xã hội nhìn biết rằng Chúa Cứu Thế đang sống và bắt đầu có các quyết định thừa nhận Ngài là Chúa của các Chúa. Kết quả của một sự cảm động như vậy sẽ đưa các tín hữu đến chỗ suy nghĩ hướng ra ngoài, bày tỏ lòng quan tâm đối với các linh hồn đang hư mất. Một sự cảm động như vậy sẽ không bị giới hạn đối với những sự tỏ ra, những sự chữa lành, các phép lạ và dấu kỳ; trái lại nó phải làm nẩy sinh trong Cơ Đốc Nhân một sự khao khát để cầu nguyện cho những linh hồn hư mất được biến đổi cho Chúa Cứu Thế Giê-su.
Nghiên cứu về các giai đoạn lịch sử khác nhau thường cho thấy rằng phục hưng đến là do kết quả lòng thương xót của Đức Chúa Trời. Nó thu hút sự chú ý của chúng ta, và chúng ta nhận biết rằng Đức Chúa Trời lớn lao hơn các thông lệ tôn giáo và truyền thống của chúng ta.
Trong những cuộc phục hưng lớn trong quá khứ, như cuộc phục hưng của Giônathan EdWards, một tình yêu tha thiết dành cho linh hồn hư mất đã cảm động các nhà truyền đạo nài xin và than khóc cho tất cả các thành phố. Những người lãnh đạo Cơ Đốc đã tổ chức các chiến dịch, nơi có hàng ngàn trên hàng ngàn người chạy đến nơi chân Chúa. Khi một cuộc phục hưng của Đức Thánh Linh diễn ra, khi có sự khao khát Thánh Linh Đức Chúa Trời, sẽ dẫn đến một tình yêu tươi mới dành cho Chúa và những linh hồn hư mất.
Một dấu hiệu khác của sự thăm viếng Đức Chúa Trời trên dân sự Ngài là uy quyền thuộc linh mà Hội Thánh được ban cho. Trước kia, tôi chưa bao giờ thấy Hội Thánh mạnh mẽ và nắm giữ vị trí đắc thắng như vậy. Các tín hữu không còn sợ các thế lực của điều ác nữa; chúng ta đang bắt đầu chứng kiến và hiểu rằng Chúa Cứu Thế Giê-su đã chiến thắng điều ác và ban cho chúng ta uy quyền trên nước của kẻ thù. Sự tuôn đổ Thánh Linh nầy đã làm mạnh mẽ chúng ta trong lãnh vực uy quyền thuộc linh.
Phục hưng có ý nghĩa nhiều hơn là các dấu kỳ phép lạ, các lời làm chứng, các sự bày tỏ khác nhau. Phục hưng là điều gì đó quan trọng hơn nhiều. Phục hưng là khao khát tìm kiếm Chúa vì cớ sự cứu rỗi của những người hư mất.
Pedro Sepúlveda là một trong nhiều mục sư đã đến Buenos Aires và đã có mặt khi Chúa thăm viếng chúng tôi một cách vinh diệu vào năm 1992. Vào ngày 12 tháng 10 năm 1992 ông đến sân vận động của câu lạc bộ Obras Sanitarias. Hôm đó thật là một ngày đầy kinh ngạc. Có rất nhiều người đến tìm kiếm Chúa đến nỗi chúng tôi phải tổ chức hai buổi nhóm. Dầu vậy đã có một số người không thể vào dự nhóm được, các đoàn đại biểu từ khắp nơi trên đất nước đã đến dự, với các xe buýt của họ đậu chật đường phố. Người ta đến rất sớm vào buổi sáng và tụ tập thành những hàng người dài nối đuôi nhau trong lúc chờ đợi tham dự buổi nhóm thờ phượng. Thật là một sự khao khát Chúa lớn lao !
Vào một thời điểm đặc biệt trong buổi nhóm. Pedro Sepúlveda kêu gọi tất cả những người trẻ tuổi tiến lên phía trước để ông cầu nguyện cho từng người. Trong bầu không khí vinh hiển ấy, hai hàng dài các thanh niên chờ đợi sự ban phước của Chúa. Vị mục sư đặt tay ông trên người trẻ tuổi đầu tiên trong hàng, và cả nhóm thanh niên đều té ngã dưới quyền phép của Đức Chúa Trời.
Các thanh niên trong Hội Thánh ấy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Họ muốn cầu nguyện, đọc lời Chúa, và rao giảng Tin Lành. Trong năm tháng, nhóm thanh niên đã tăng gấp ba.
Trong hai năm, số thành viên hội thánh đã tăng gấp đôi. Mười lăm phần trăm dân cư thị trấn đã tin Chúa và hiện đang nhóm lại với Hội Thánh ấy. Pedro Sepúlveda đã tổ chức các buổi nhóm trong một vận động trường, nơi 30% dân cư thị trấn đã tham dự. Một số các quan chức chính quyền giữ các chức vụ quan trọng trong thị trấn kể từ lúc ấy, đã trở thành các thuộc viên của Hội Thánh. Không nghi ngờ gì nữa, Ingeniero Jacobazzi biết rằng Chúa Cứu Thế đang sống! Chúa đã dùng vị mục sư nầy để đem phục hưng đến cho các Hội Thánh khác trong khu vực cũng như cho Hội Thánh ở nước láng giềng Chilê.
Đã đến lúc chúng ta phải mở lòng ra để Chúa ban các trận mưa đầu mùa và cuối mùa trên đời sống mình.
CLAUDIO FREIDZON (Theo Lạy Thánh Linh Con Khao Khát Ngài)