Từ bài giảng luận "Thờ Phượng Đẹp Lòng Đức Chúa Trời"
CN Oct 22, 2017 – Hội Thánh North Hollywood
Nhưng giờ hầu đến, và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Cha: ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy. Đức Chúa Trời là thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy.(Giăng 4:23,24)
[đọc 2 Sa-mu-ên đoạn 6, cũng xem 1 Sử ký 13 và 15]
Học lịch sử từ Thánh Kinh không đơn giản chút nào. Ở đó không chỉ là những sự kiện có thật, nhưng ẩn chứa những lời dạy dỗ cho muôn đời về sau. Đằng sau những biến cố có khi lại là những nguyên nhân gây hại hết sức tầm thường, bất kể là ai, bất cứ thời đại nào cũng có thể phạm phải và kết quả phải chấp nhận hết sức thương đau. Chỉ với phân đoạn 6 của sách Sa-mu-ên thứ hai này, không quá dài để một lần đọc trọn, nhưng ở đó lại chứa đựng 3 bài học lớn đáng suy gẫm cẩn thận trong sự thờ phượng Chúa. Phương cách tổ chức, nghi lễ, dàn dựng có thể khác; nhưng tinh thần thờ phượng đã được định sẵn không thể tùy nghi muốn sao cũng được, chỉ có một lựa chọn trước hai hướng bất biến: phước cho cá nhân và tập thể hay gây hại bởi bị trừng phạt nặng nề từ tay Thiên Chúa.
Trong phân đoạn từ câu 1 đến câu 11 của đoạn 6 này, chúng ta có thể thấy rõ ràng khác biệt giữa cái chết của U-xa và phước hạnh cho nhà Ô-bết Ê-đôm. Nguyên nhân là quyết định sai lầm của vua Đa-vít trong việc dịch chuyển hòm giai ước của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Mệnh lệnh ấn định nghiêm nhặt là phải được khiêng bởi các thầy tế lễ người Kê hát (Phục 10:8; Dân 3:31). Thế mà Đa-vít học theo dân Phi-li-tin, sắm một chiếc xe mới để đôi bò kéo hòm giao ước về đất Y-sơ-ra-ên (câu 3; cũng xem 1 Sam 6 10-12). Không tuân giữ theo mạng lệnh của Chúa thì chắc chắn chuốc lấy tai họa. Đa-vít thấy sợ nên không dám thỉnh hòm giao ước về nhà mình; nhưng hòm này ở tại nhà Ô-bết Ê-đôm, người Gát, cả ba tháng trường thì nhà này lại được ban phước. Với người này là tai họa còn với người kia là phước hạnh. Đó là một trong những điểm trọng yếu mà tôi phải cẩn trọng trong khi thờ phượng Chúa. Chúa chờ đợi ở tôi một lòng thuận phục, một sự nghiêm chỉnh tuân thủ mọi lời dạy của Ngài, chứ không phải "lấy nghe làm đủ" với những tiết mục màu mè hoa lá cành để tô vẻ hoành tráng cho sự thờ phượng. Chúa chỉ muốn nhìn thấy trong tôi một tinh thần thờ phượng bằng tâm thần và lẽ thật.
Hãy xem tiếp từ câu 12 đến câu 19. Người được ơn Đa-vít này đã nhìn ra vấn đề và đã có sự thay đổi. trong sự thờ phượng phải lẽ này, Vua Đa-vít đã hạ mình xuống để được vui thỏa trong sự hiện diện của Chúa Giê-hô-va. Dựng sẵn một cái trại cho hòm giao ước, dâng tế lễ thật đầy đủ cho Đức Giê-hô-va trên đường cung thính hòm, và nhất là "Đa-vít mặc áo ê-phót vải gai, nhảy múa hết sức tại trước mặt Đức Giê-hô-va" (câu 14). Nhà vua tìm thấy phước hạnh trước sự hiện diện của Chúa, và sau đó nhân danh Chúa để chúc phước lại cho cả dân sự đồng thờ phượng Chúa với mình trong ngày trọng đại đó (câu 18 và 19). Cuộc lễ rước này thật náo nhiệt với sự tham gia của toàn dân, nhưng điều chắc rằng Chúa không đánh giá sự thờ phượng Ngài qua sự rần rộ, rườm rà hay tưng bừng náo nhiệt, Ngài nhìn vào tấm lòng của các con dân đang ra mắt Chúa. Vì vậy: "Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào" và hãy "dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em" (Rôma 12:2,1; xin được phép đảo thứ tự cho suông dòng suy nghĩ). Đức Chúa Trời Chí Thánh nhìn thấy nhất cử nhất động của tôi khi tôi ở trước mặt Ngài trong giờ thờ phượng, tôi phải thật chỉnh chu trong mọi lời ăn tiếng nói, hành vi cử chỉ thái độ để Chúa thật sự vui lòng về sự tôn thờ phát xuất từ lòng tôi đối với Chúa.
Phân đoạn từ câu 20 đến câu 23 là một kết thúc buồn cho Đa-vít cùng người mình yêu mến. Mi-canh đã xem thường sự tôn kính mà Đa-vít dành trọn cho Chúa Giê-hô-va và kết quả là: "Vì vậy, Mi-canh, con gái Sau-lơ, không sanh con cho đến ngày nàng thác" (câu 23). Hãy nghe thêm lời đáp của Đa-vít về vấn đề này: "Ta sẽ hạ mình xuống nhiều hơn nữa, tự xem mình là hèn mạt; dầu vậy, những con đòi nàng nói đó lại sẽ tôn kính ta" (câu 22). Đó là tư cách của người được Chúa yêu và đưa dẫn dân sự của Chúa đi vào sự thờ phượng chân chính; làm vinh hiển và vui lòng Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng luôn có lòng thương xót và hay làm ơn cho những người tìm kiếm để được gặp Chúa. Phước hạnh cũng đã đến với Mi-canh (câu 20), nhưng tiếc thay nàng đã đánh mất một cách hết sức oan uổng bởi không cùng có lòng tôn kính Chúa như chồng mình. Điều đó cũng dễ lắm xảy đến cho tôi, nếu tôi không hòa lòng thỏa vui trong sự thờ phượng Chúa cùng với anh em; không tập chú vào hiển vinh dành hoàn toàn cho Danh Chúa mà cứ thắc mắc, bới lông tìm vít, chê bai xem thường những điều cả hội chúng đang dâng mọi vinh hiển về cho Chúa, Đấng đang cùng hiện diện với những người Ngài yêu mến.