Phao-lô, bởi sự hiểu biết nhờ Thánh Linh, đã thấy trước rằng các mục sư và những người khác không để ý đến mạng lệnh này và ông nói trước hậu quả sẽ xuất hiện :
Vì sẽ đến thời kỳ người ta không chịu nhận giao lý chân chính, nhưng chiều theo dục vọng mà quy tụ nhiều giáo sư quanh mình để dạy những điều êm tai. (2 Ti-mô-thê 4:3)
Chào mừng bạn đến với thời kỳ đó ! Nào ta hãy hỏi, điều nào đáng ước ao hơn : sứ điệp mang tính khích lệ, vui vẻ, tích cực, làm ấm lòng ? Hay một sứ điệp mang tính cảnh báo, quở trách, sửa sai, phơi bày lỗi lầm và cáo trách ?
Tất cả mọi người, kể cả tôi, thích được nghe giảng dạy sứ điệp có nội dung phản ánh loại sứ điệp đầu tiên. Tôi là một người lạc quan, cho nên về tự nhiên tôi bị thu hút bởi sứ điệp lạc quan. Nếu được chọn lựa, một người bình thường cũng sẽ làm điều tương tự.
Nếu có hai hội thánh gần kề nhau, và bạn biết một trong số hai hội thánh bạn nghe những lời châm chích việc làm tội lỗi của bạn, còn trong hội thánh kia bạn chỉ nghe những lời nâng đỡ, khích lệ, thì bạn sẽ chọn hội thánh thứ hai. Phao-lô nói đây là những điều sẽ xảy ra vào thời kỳ cuối cùng - người ta chọn đời thay vì chọn Đạo. Nên câu hỏi thích hợp không phải là sứ điệp nào đáng ước ao hơn mà là sứ điệp nào ích lợi hơn ?
Nào ta hãy thành thật. Đa số không muốn nghe về việc chọn nghe giữa hai loại sứ điệp này nhưng hãy xem xét ví dụ này.
Có một người tên Steve, được chẩn đoán bị ung thư. Khối u đang ở trong giai đoạn đầu, và phẩu thuật cắt bỏ có thể đễ dàng ngăn cản mối đe dọa. Bác sĩ nói, "Chúng tôi có thể cắt bỏ nó bằng một phương pháp đơn giản.”
Rồi Steve chọn ý kiến thứ hai. Một bác sĩ khác không để ý đến việc nghiên cứu hay sự giảng dạy y khoa mà mình được học khi còn là sinh viên ngành y. Anh ta chỉ thích được làm bác sĩ và giúp đỡ bệnh nhân theo cách của mình. Anh ta bảo Steve đừng lo lắng. Mọi thứ đều sẽ ổn và anh ta sẽ có một cuộc sống tốt đẹp phía trước. Vị bác sĩ này hào hứng nói, "Steve, anh đang ở trong tình trạng sức khoẻ tốt.”
Steve tạm biệt vị bác sĩ thứ hai và cảm thấy nhẹ nhõm. Anh ta nghĩ, Ông bác sĩ tốt bụng thật. Ông ta nói tốt về mình. Mình rất được khích lệ. Tuy nhiên, hai năm sau Steve ốm nặng, và chỉ còn mấy tuần nữa là chết bởi vì khối u nhỏ đã phát triển thành khối u lớn, đe dọa mạng sống. Nó phá hỏng nhiều cơ quan quan trọng trong cơ thể. Giờ chẳng còn cách điều trị nào có thể giúp Steve.
Hai năm trước, nghe ông bác sĩ tích cực dễ dàng hơn nhưng lúc đó, điều nào là cần thiết hơn - sự thật hay lời nịnh hót, sự sửa trị quan trọng hay lời nói tích cực ? Steve được bảo là anh ta sẽ khoẻ mạnh, nhưng thực tế không phải. Quá muộn để chữa trị. Anh ta ước gì mình đã lắng nghe sự thật.
Có thể đây là cảnh trạng thuộc linh của hội thánh Tây phương, cả lãnh đạo lẫn tín đồ chăng ?
Có một thời điểm trong lịch sử dân Y-sơ-ra-ên các lãnh đạo tôn giáo đi theo quan điểm chỉ giảng dạy điều tích cực mà thôi. Họ né tránh đối đầu và chỉ nói những lời nâng đỡ. Đức Chúa Trời đã công bố cái nhìn của Ngài về sứ điệp của họ : "Chúng chữa vết thương dân Ta, con gái Ta cách sơ sài. Chúng hô hào : Bình an ! Tốt đẹp ! Trong khi chẳng có bình an” (Giê-rê-mi 8:11). Thật thú vị, sứ điệp mà họ giảng về bản chất không khác gì những lời mà vị bác sĩ thứ hai nói với Steve.
"Tôi Không Thích Sứ Điệp Của Anh Ta !”
Không chấp nhận sự sửa trị của lẽ thật là một nan đề muôn thuở. Có một thời kỳ, một vị vua của dân Y-sơ-ra-ên đã lên một kế hoạch làm một công việc. Ông cho gọi hàng trăm cố vấn thuộc linh và hỏi họ liệu các kế hoạch của ông có thành công hay không ? Các cố vấn này đều có cơ hội tuyệt vời để nói sự thật với vua, nhưng lần lượt họ trả lời, "Vâng, vua sẽ thành công.” Họ còn tiên đoán thêm kết quả tốt lành từ sự mạo hiểm của vua.
Cuối cùng, vua Giu-đa hỏi vị lãnh đạo của Y-sơ-rs-ên, "Nhưng Giê-hô-sa-phát hỏi : Ở đây còn có vị tiên tri nào của CHÚA nữa mà chúng ta có thể cầu vấn chăng ?”
Vua của Y-sơ-ra-ên nói với vua Giê-hô-sa-phát : "Còn một người nữa mà chúng ta có thể cầu hỏi ý CHÚA; đó là Mi-chê, con của Giêm-la; nhưng tôi ghét ông ấy, vì ông ấy không bao giờ nói tiên tri điều gì lành về tôi, mà toàn là điều dữ thôi.” Dẫu vậy, để lấy lòng người đồng cai trị như mình, vua Y-sơ-ra-ên đã yêu cầu dẫn vị cố vấn "tiêu cực” này ra mắt các vua.
Tên của tiên tri này là Mi-chê, và vị sứ giả của vua đã tìm thấy tiên tri liền nói, "Nầy, tất cả các vị tiên tri kia đều nói những lời hợp với ý của vua; mong rằng lời ông cũng phù hợp với lời họ mà nói sự tán thành.” (1Vua 22:13)
Mi-chê trả lời, "Thật như CHÚA hằng sống chứng giám, tôi chỉ có thể nói những gì CHÚA bảo tôi nói mà thôi.” (1 Các Vua 22:14). Ông chỉ nói thế thôi, và đó là một lời sửa trị làm cho vua tức giận nhưng hóa ra là tất cả các cố vấn lạc quan kia đều nhận định sai về kết quả, còn Mi-chê thì chính xác.
Ngày nay các cố vấn và mục sư như tiên tri Mi-chê đâu hết rồi ? Tại sao chúng ta không nghe những lời cảnh báo và cáo trách mang tính chất bảo vệ thường xuyên hơn ? Tại sao những cuốn sách bồi linh kêu gọi chúng ta sống thánh khiết không phải là sách bán chạy ? Tại sao họ không phải là những diễn giả hội nghị nổi tiếng nhất ? Tại sao họ không phải là những diễn giả được theo dõi nhiều nhất trên YouTube ?
Chúng ta cần hy vọng và khích lệ, nhưng cũng cần sự sửa trị, kỷ luật và cáo trách. Đây là điều Phao-lô đã răn bảo Ti-mô-thê. Tại sao phải có tất cả hay không có gì cả ? Tại sao chúng ta phải chuyển sang một cực đoan khác ? Chúng ta hãy trình bày tất cả những gì Phao-lô dạy bảo Ti-mô-thê.
Tôi cũng hay tranh chiến với việc rao giảng sứ điệp cáo trách. Tôi rất yêu thương dân sự, tôi yêu thương hội thánh, và tôi yêu thương các tôi tớ Chúa. Khi tôi viết sách này hay giảng dạy với mục đích sửa trị, lòng tôi đau đớn bởi vì tôi muốn khích lệ và nâng đỡ nhưng mặt khác, tôi biết tình yêu thương thật thì không nịnh hót, tình yêu thương nói ra sự thật. Tình yêu thương nói những điều cần thiết để đem lại sức khoẻ cho người nghe. Phao-lô viết rằng chúng ta phải nói sự thật trong tình yêu thương, nhờ làm vậy sẽ giúp cho người nghe tăng trưởng và trưởng thành trong Chúa (xem Ê-phê-sô 4:15).
Cũng có những mục sư công bố sứ điệp sửa trị, nhấn mạnh sự thánh khiết một cách trơ trọi. Họ không có lòng trắc ẩn đối với những người mà họ đang khiển trách. Điều đó thật tai hại và phải trả giá. Tất cả chúng ta phải được thúc đẩy, đụng chạm và được nung nấu bởi tình yêu thương dành cho những người mà chúng ta rao giảng, còn không thì đừng giảng còn hơn. Chúng ta phải cưu mang cho sự an sinh phúc lợi của họ hơn bất cứ thứ gì khác. Chúng ta đừng giảng phát xuất từ thái độ, "Tôi đã nói rồi mà,” "Tôi biết rõ hơn bạn,” hay "Tôi tốt hơn bạn.” Chúng ta phải truyền thông cách nhiệt thành, mong muốn điều tốt nhất cho họ. Chúng ta phải xem trọng những thính giả hay những người chúng ta gặp trong nhiều tình huống khác nhau hơn chính bản thân chúng ta. Đây là tấm lòng của Đức Chúa Trời, của Chúa Giê-su và của Đức Thánh Linh.
JOHN BEVERE (Theo Đời Hay Đạo)