Vậy là một năm mới nữa lại về, một mùa Xuân mới nữa lại đến. Năm 2018. Xuân 2018.
Cảm tạ Chúa đã ban cho một năm 2017 trôi qua trong sự bình an và sự thương xót của Ngài!
Còn nhớ cách đây mấy mùa Xuân, vào mùa Xuân 2015, mình rời gia đình và Hội thánh cùng các Mục sư thân yêu ở quê nhà để qua Mỹ học thêm lời Chúa. Mới đó mà đã ba mùa Xuân trôi qua rồi. Mới đó mà đã ba mùa Xuân xa nhà rồi. Ba mùa Xuân xa quê hương Quảng Nam thân yêu, xa đất nước Việt Nam yêu dấu.
Những ngày đầu ở xứ sở Hoa Kỳ với biết bao lạ lẫm, bở ngỡ, không người thân thích và với một cuộc sống quá ư là văn minh, hiện đại khiến mình cảm thấy bối rối, khó thích nghi vô cùng, vì mình là một người miền quê, thích lối sống miền quê đơn sơ, giản dị hơn là lối sống thành thị với toàn là máy móc tối tân, tự động, với toàn là thẻ từ, là card... Thú thật, lúc đầu, mình chỉ muốn bỏ học, quay về lại quê nhà để tiếp tục sinh sống, hầu việc Chúa với các con cái Chúa thân thương ở miền quê, với các tôi tớ Chúa Quảng ... Nôm chân chất, gần gũi, thân tình, để được cười nói vui vẻ, để được cùng làm việc bên toàn những người thân quen, không phải lo sợ điều gì cả.
Nhưng nghĩ đi rồi suy lại, nếu bỏ học để quay về Việt Nam để được tiếp tục cuộc sống bình thường như đã từng sống thì dễ quá và ... thường quá. Cuộc sống không có thách thức để vượt qua thì cũng mất đi nhiều thú vị lắm. Nhiều khi Chúa muốn đặt để một số thách thức nào đó trước mặt để mình vượt qua, vươn lên mà hầu việc Chúa cho tốt hơn. Nếu mình không vượt qua, không vươn lên thì sẽ mất cơ hội và cơ hội đó sẽ đến với người khác vậy.
Suy nghĩ đó đã thay đổi hành động của tôi. Thay vì trở về Việt Nam, chúng tôi quyết định ở lại Mỹ để ... vượt qua thách thức.
Câu Kinh Thánh trong Phi-líp 4: 13: “Tôi đủ sức làm được mọi việc nhờ Đấng ban thêm năng lực cho tôi.” (BDM) đã nhắc nhở, khích lệ tôi rất nhiều, và cũng như muốn ... thách thức tôi nữa.
Lời Chúa nói rất rõ ràng là “Tôi đủ sức làm được mọi việc nhờ Đấng ban thêm năng lực cho tôi”. Không phải “tôi đủ sức làm được một số việc”, mà bèn là “tôi đủ sức làm được mọi việc”. Không dừng lại ở đó. Phao-lô không nói “Tôi đủ sức làm được mọi việc”, rồi chấm ở đó, mà ông tiếp tục nói “ nhờ Đấng ban thêm năng lực cho tôi.” Đó là một câu trọn vẹn. Đó là một Kinh Thánh câu tuyệt vời, một câu Kinh Thánh kỳ diệu!
Tôi đã thuộc lòng câu nầy từ lâu, rất lâu rồi, và nay Chúa đã làm cho lời Ngài được sống lại trong tôi, thách thức tôi làm theo điều mà mình đã thuộc nằm lòng và ... để yên đó bao nhiêu năm qua.
“Tôi đủ sức làm được mọi việc”. Vâng, đúng vậy! Nhưng đâu phải chỉ một mình tôi làm. Nếu tôi chỉ đơn phương làm một mình thì tôi sẽ thất bại, tôi sẽ ... chết chắc, tôi sẽ nãn lòng, tôi sẽ thối chí. Nhưng nếu “nhờ Đấng ban thêm năng lực cho tôi” thì tại sao tôi còn phải sợ? Tại sao tôi không dám vượt qua thách thức để tiến lên, để chiến thắng?
Và thế là, tôi quyết định ở lại để tiếp tục việc học ở Hoa Kỳ. Cảm tạ Chúa cũng đã mở đường cho “nhà có tóc” của tôi cùng con trai út của tôi đi phỏng vấn và cũng qua được Mỹ cách dễ dàng nữa. Vậy là thêm một cơ sở nữa để tôi biết chắc là Ngài muốn tôi tiếp tục ở lại Mỹ để học lời Ngài.
Tôi làm quen với môi trường sống mới, với cách sống mới, với nơi ở mới, với những con người mới thuộc nhiều màu da, chủng tộc khác nhau (Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ mà). Và tôi cảm nhận được những điều tuy khác lạ, nhưng khá hay, khá lý thú tại đất nước được mệnh danh là “Thiên đàng trên đất” nầy. Có thể kể một số điều tưởng như là ... nhỏ nhặt, nhưng thật không thể thiếu trong xã hội Mỹ, như văn hóa xếp hàng khi mua đồ, khi ăn uống, không hề chen lấn, giành giựt; như luôn nói lời “thank you” (cảm ơn) người khác khi được họ giúp đỡ; như luôn nói “Hi” (chào), hay “Helo” (xin chào) khi gặp một ai đó, dù quen hay không; như sẵn sàng giữ cửa cho một ai đó đi vô hay ra cửa hàng, tiệm ăn... một cách vui vẻ, thân thiện; như không bao giờ bấm còi xe khi đi đường như bên Việt Nam mình (ở Mỹ người ta chỉ bấm còi xe khi mình đi sai, giành đường, lấn đường với mục đích để nhắc nhở mình mà thôi); như tự giác không vượt đèn đỏ. Luật lệ giao thông ở Mỹ thật tuyệt vời, đâu vào đấy, dù đường sá chằng chịt như mạng nhện, nhiều vô số kể các xa lộ (freeway) có đến năm, bảy làn xe chạy mỗi bên đông như mắc cửi mà sao trật tự đến ngạc nhiên.
Nhất là cách học tập ở Mỹ thật tuyệt vời. Học sinh, sinh viên ở Mỹ được tự do suy nghĩ độc lập, sáng tạo cách tối đa trong học tập, nghiên cứu. Không học vẹt, không học từ chương. Chính vì vậy mà sinh viên ở hầu như khắp thế giới khi có điều kiện đều tìm đường đến Mỹ để được học tập, nghiên cứu trong môi trường học tập lý tưởng với nhiều cơ hội cực kỳ tốt, không phân biệt lý lịch tốt xấu, hay màu da, chủng tộc thế nào. Hễ ai giỏi là đều được có cơ hội tự do thăng tiến tại đất nước Mỹ, không có một ngoại lệ nào. Chẳng thế mà nước Mỹ đã từng có một vị Tổng Thống da đen-Tổng Thống Barack Obama đó sao!
Cảm tạ Chúa đã cho con được đến Mỹ để được học trong môi trường học tuyệt vời nầy. Xin Chúa cho con có thể áp dụng được những điều tốt đẹp nầy trong tương lai tại đất nước của con để góp phần nào đó làm thay đổi đất nước Việt Nam mà con yêu quý, một đất nước được mệnh danh là “đất nước bốn ngàn năm văn hiến”, nhưng mà sao cho đến giờ nầy còn nghèo nàn, lạc hậu, chậm tiến quá chừng so với thế giới văn minh, tiến bộ bên trời Tây mà con đang sống.
God bless America! And God bless my Vietnam, too! (Xin Chúa ban phước cho nước Mỹ! Và xin Chúa ban phước cho đất nước Việt Nam của con nữa!)
Đến nay, Chúa đã cho chúng tôi đã bước đầu hội nhập vào với cuộc sống mới hiện đại tại đất nước Mỹ, quen dần dần với lối sống Mỹ, thức ăn Mỹ, thức uống Mỹ, dù vẫn không thể nào quên được món ăn quê hương như Mì Quảng, như Bánh tráng cuốn thịt heo, như Mít trộn, như Canh rau muống...
Ca dao nhắc nhở ta khó mà quên được món ăn quê nhà, dù đơn sơ, mộc mạc:
“Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đương hôm nao”
Hay:
“Ai về nhắn với nậu nguồn
Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên.”
Mít non mà kho với cá chuồn thì ăn no đến ... nứt bụng vẫn còn muốn ăn nữa luôn!
Những ngày mới qua Mỹ, nhớ nhà, nhớ Hội thánh, nhớ những món ăn dân dã ở quê hương kinh khủng. Bây giờ, thì Chúa cho cũng đã quen dần, vì nhờ có internet, nên ngày nào cũng có thể được nhìn thấy con cháu tại quê nhà, nói chuyện vui vẻ với chúng nó, tháng nào cũng có thể được gặp mặt các con cái Chúa trong Hội thánh tại quê nhà qua những thì giờ cùng thờ phượng Chúa và giảng lời Chúa qua hệ thống Skype hay Viber trên internet, nên dù cách nhau hàng vạn dặm, nhưng thấy cứ như gần sát bên nhau.
Bây giờ, mình cũng đã biết đến nhiều chợ Việt Nam ở khu vực Nam California nầy như chợ Á-đông, chợ Đà-lạt, chợ Hòa Bình, chợ Mỹ Thuận, chợ Tam Biên, chợ ABC, chợ Mom... Có cả một khu Little Sài Gòn (Sài Gòn nhỏ) mà trong đó người ta bán đủ thứ hàng hóa và thức ăn Việt Nam. Ở các chợ Việt Nam nầy, dường như không thiếu món ăn Việt Nam nào, mặc dù về “chất” các món ăn Việt Nam ở đây không thể nào ngon bằng ở Việt Nam, nhưng dù sao nó cũng làm cho mình đỡ... nhớ những món ăn ở quê nhà. Mì Quảng ở đây cũng có nhưng không thể nào ngon bằng Mì Quảng Phương Thủy (Núi Thành), Tư Châu (Ngã ba Kỳ Lý), Bà Dậu (Tam Kỳ), BàTự (Hà Lam), 37 (Hương An), Tiến Quý (Duy Châu, Duy Xuyên)... rất đậm đà tình quê hương. Gà... đi bộ cũng có, nhưng không thể nào ngon bằng gà tre đèo Le (Quế Sơn), thịt thơm nức, xương giòn tan, ăn vào là bổ khỏe chẳng khác nào như uống... thuốc bổ. Thịt heo bánh tráng cũng không thiếu, nhưng không thể nào sánh được với thịt heo bánh tráng Bụi Tre (Hà Lam), ăn một lần là muốn ăn hoài và cứ thèm mãi...
Thôi, không nói đến chuyện món ăn nữa, nhớ quê nhà lắm lắm!
Cảm tạ Chúa đã cho chúng con từng bước thích nghi được với cuộc sống mới ở xứ người!
Ở Mỹ, người ta xem trọng Lễ Thanks giving (Lễ Tạ ơn), Lễ Giáng sinh và năm mới Dương lịch. Người Mỹ biết cảm tạ Thượng Đế, biết ơn Chúa Giê-xu đã giáng sinh để cứu loài người tội lỗi, trong đó có họ, biết ơn Chúa Giê-xu đã giáng sinh để con người có Dương lịch tính thời gian như ngày hôm nay (Chúa Giê-xu giáng sinh đã vạch ra một cột mốc lịch sử không thể nào quên cho con người, đó là Trước Công Nguyên (TCN) và Sau Công Nguyên (SCN)).
Chính vì vậy mà người Mỹ tiến bộ, nước Mỹ giàu có, văn minh, hùng cường, thịnh vượng bậc nhất thế giới, dù chỉ mới được thành lập cách đây trên dưới ba trăm năm mà thôi.
Năm mới đến, mùa Xuân mới đến, tôi cũng ước ao quê hương Việt Nam, đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam thân yêu của tôi cũng có được những cái nhìn mới như người Mỹ, và mạnh dạn thay đổi theo cái nhìn mới tốt đẹp đó để đân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam cũng được phát triển như dân tộc Mỹ và các dân tộc văn minh, tiến bộ khác trên thế giới.
Ước ao dân tộc Việt Nam cũng sẽ bày tỏ lòng biết ơn Đức Chúa Trời như người Mỹ có một ngày Lễ Tạ ơn hằng năm, vì dân tộc nào trên thế giới nầy cũng sống nhờ ơn Đức Chúa Trời cả (Ông Trời đã tạo dựng nên mình, ban cho mình cơm ăn, nước uống, không khí để thở, ban cho mình hơi sống để có thể được sống động mà làm việc ... ), nên biết ơn Ông Trời là phải đạo với Ông Trời lắm vậy. Con người không biết ơn Ông Trời thì thật là đáng tội, chẳng khác nào như tội con bất hiếu với cha mẹ vậy.
Ước ao dân tộc Việt Nam mình cũng biết tôn trọng ngày Lễ Giáng sinh, vì đó là ngày mà Con Đức Chúa Trời đã vào đời để cứu nhân loại ra khỏi tội lỗi và ban cho con người sự cứu rỗi vô cùng quý báu.
Từ sau năm 1975, khi còn đi học và ngay cả sau đó làm thầy giáo đi dạy nữa, tôi thấy Lễ Giáng sinh bị xem thường, không được tôn trọng trên quê hương mình như đáng phải tôn trọng giống như trước năm 1975. Tôi thật sự buồn khi thấy ngày Lễ Giáng sinh đến mà học sinh lại không được nghỉ, phải đi học, phải đi thi (học kỳ 1), mà học sinh không được nghỉ thì thầy cô giáo cũng đâu được nghỉ, phải đi dạy. Đi dạy mà hồn để tận nơi nhà thờ, lòng hướng về Hài Nhi Giê-xu đang sinh hạ nằm trong chuồng chiên, máng cỏ.
Giờ qua Mỹ, đến Lễ Tạ ơn thì thấy học sinh, sinh viên được nghỉ cả một tuần để sum họp với gia đình, để đi thờ phượng Chúa bày tỏ lòng biết ơn Thượng Đế.
Lễ Giáng sinh thì được nghỉ đến cả nửa tháng để đón mừng Giáng sinh và đón chào năm mới nữa. Tôi thật sự thấy ấn tượng về điều đó.
Mong ước dân tộc Việt Nam mình cũng sẽ biết tôn trọng Đại Lễ Giáng sinh, để học sinh, sinh viên, thầy cô giáo được nghỉ Lễ Giáng sinh, để đón mừng Thiên Chúa vào đời, vì đó là ngày lễ mang tầm vóc quốc tế mà lâu nay, người Việt mình lại xem thường, không xem đó là ngày Lễ trọng, thì thật là đáng tiếc biết bao! Và tôi nghĩ (ý kiến chủ quan của tôi thôi) đó cũng là một trong những lý do khiến cho đất nước mình không được phước như đất nước Mỹ.
Mong ước dân tộc Việt Nam mình cũng từng bước có suy nghĩ tiến tới việc thay đổi ăn Tết Ta bằng Tết Tây như người Tây, vì Chúa Giê-xu đã giáng sinh và mở ra một kỷ nguyên mới cho con người chúng ta trên cả địa cầu nầy, trong đó có người Việt Nam chúng ta nữa. Tôi biết để thay đổi ăn Tết Âm lịch bằng Tết Dương lịch cho dân tộc mình không phải là chuyện dễ, vì tập quán ăn Tết Âm lịch đã ăn sâu vào trong tâm thức của người Việt chúng ta từ cả ngàn năm qua rồi. Người Trung Quốc trong cả ngàn năm đô hộ nước ta đã đem luôn văn hóa của đất nước họ vào nước ta, trong đó có việc ăn Tết Âm lịch. Tục ăn Tết của người Việt Nam không ai rõ là có từ bao giờ. Nhưng theo quyển “Từ Hải Mục Trung Ngoại Lịch Đại Sử Niên Biểu” thì năm khởi điểm lịch Tàu là năm 3000 trước Tây Lịch. Thời Hồng Bàng nước ta bắt đầu từ năm Nhâm Tuất tức là năm 2879 TC nghĩa là hơn 100 năm sau khi có lịch Tàu nhưng mãi đến đời nhà Hạ tức là năm 2205 TC, lịch Tàu mới lấy tháng Dần làm tháng Giêng. Theo phỏng đoán thì có lẽ nước Việt Nam ta có tập tục ăn Tết Âm lịch từ khi chịu ảnh hưởng của phong hóa Tàu do Tích Quang và Nhâm Diện truyền sang từ thế kỷ thứ 1 Tây Lịch.
Giờ nói đến việc thay đổi nầy, chắc chắn sẽ có nhiều người không đồng tình, thậm chí phản đối nữa. Nhưng tôi thiết nghĩ, và với ý kiến chủ quan của tôi, nếu chúng ta bình tâm suy nghĩ và bằng lòng thay đổi từ ăn Tết Âm lịch sang ăn Tết Dương lịch như những dân tộc văn minh, tiến bộ trên thế giới, thì dân tộc ta, đất nước ta cũng sẽ có được nhiều thay đổi theo hướng tích cự, tiến bộ và tốt đẹp. Đã cả ngàn năm qua rồi, chúng ta ăn Tết Âm lịch, đến nay đã sang thế kỷ thứ 21 rồi mà dân tộc chúng ta vẫn cứ ì ạch đi sau người ta hoài. Buồn ghê là buồn!
Bây giờ hãy thử làm ... “cuộc cách mạng ăn Tết” xem sao? Tại sao lại không làm nhỉ?
Tôi tin rằng Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho dân tộc chúng ta khi chúng ta chịu thay đổi và làm theo ... ý Trời trong lối sống và cách suy nghĩ của chúng ta.
Chắc chắn là như thế!
Tôi lại nhớ đến câu Kinh Thánh quý báu đã giúp cho tôi vượt qua thách thức để ở lại Mỹ tiếp tục việc học tập và sinh sống của mình cho đến ngày hôm nay: “Tôi đủ sức làm được mọi việc nhờ Đấng ban thêm năng lực cho tôi.” (BDM).
Nếu thay chữ “tôi” trong câu Kinh Thánh nầy bằng chữ “dân tộc tôi” vào thì tôi cũng tin rằng dân tộc Việt Nam thân yêu của tôi cũng sẽ làm được mọi việc nhờ Đức Chúa Trời là Đấng ban thêm năng lực cho dân tộc tôi vậy!
“Dân tộc tôi đủ sức làm được mọi việc nhờ Đấng ban thêm năng lực cho dân tộc tôi.”
Nguyện xin Đức Chúa Trời ban phước cho chúng con, cho gia đình chúng con và cho cả dân tộc chúng con trong năm mới 2018.
Xin Chúa ban cho một năm mới 2018 đầy phước hạnh và nhiều đổi mới tốt đẹp trên chúng con, gia đình chúng con, Hội thánh chúng con và dân tộc chúng con. A men!
Trước thềm năm mới 2018
-Bình Tú Ngọc-