Từ bài giảng luận "Tổng Kết Thuộc Linh"
CN Jan 07 , 2018 - Hội Thánh North Hollywood
Nhưng tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-xu Christ. (Phi-líp 3:14)
[đọc 2 Ti-mô-thê 4: 9-22]
Đề tựa của bài giảng luận là "Tổng Kết Thuộc Linh". Ngay ở phần mở đầu, diễn giả giới thiệu cho tôi ba bản danh sách tín hữu khắp nơi được Phao-lô nhắc tên đến để kết thúc thư Rô-ma, thư Cô-lô-se và thư thứ hai gửi cho Ti-mô-thê. Phần Thánh Kinh được đọc là 2 Ti-mô-thê 4:9-22 với câu gốc nêu trên. Rồi thì, nội dung bài giảng luận phần lớn khai triển ở Rô-ma và đúc kết bài học theo ba vấn đề lớn được nêu ra trong 1 Tê-sa-lô-ni-ca 1: 3; công việc của đức tin, công lao của lòng yêu thương, và sự bền đỗ về sự trông cậy.
Tôi hết sức bối rối khi bắt đầu viết những dòng đầu cho bài hôm nay, vì đã nghe hình như đến ba bài giảng lớn được gộp chung lại với quá nhiều những thông tin thần học dành cho những người được đào tạo chính quy. Dẫu vậy, khi quay trở lại với bản danh sách được chép ở 2 Ti-mô-thê, tôi cũng dựa vào những điều đã nghe để chọn ra một vài bài học có cần cho đời sống tín đồ tầm thường, mà tôi là một trong đa số đó.
Phân đoạn này có ba phần rõ rệt, trong mỗi phần có một điểm nhấn, tôi dùng để chỉ ra vài điều có cần cho đời sống của một Cơ-đốc Nhân chân chính, vẫn có thể sử dụng hai chữ Tổng Kết của đề tài nguyên bản.
Từ câu 9 đến câu 15. Phao-lô nhắc đến một số nhân vật đã cộng tác hay bất cộng tác với ông trong những tháng ngày vừa qua. Có những người giúp ích cho chức vụ của ông, cũng có người gây hại, cũng có những người chia tay ông vì cần thay đổi địa bàn công tác. Tóm lại, có người đến rồi cũng có lúc ra đi, hợp tan–tan hợp. Cuộc đời Cơ-đốc của tôi, dù không nắm giữ một chức vụ quan trọng nào với Hội Thánh như tiền bối Phao-lô, nhưng cuộc sông tâm linh của cá nhân tôi cũng không tránh khỏi những hoàn cảnh như thế. Có khi được nâng đỡ, có khi vấp phạm; có lúc gần gũi, có khi chia xa dù vẫn luôn gặp mặt nhau. Điều Phao-lô nhấn mạnh trong tình huống này, khi ông nhắc đến thợ đồng A-léc-xan-đơ: "tùy theo công việc hắn, Chúa sẽ báo ứng". Đó là thái độ mà tôi cần phải có trong đời sống tâm linh ngày nay. Tôi nhớ một lời hứa của Chúa Giê-hô-va khi kêu gọi Áp-ram ra khỏi xứ mình: "Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước" (Sáng 12:3). Dù cho ai đó có đối xử với tôi như thế nào thì tôi cũng phải luôn dặn lòng mình rằng chính tôi có thể mang lại phước hạnh hay bất hạnh cho tha nhân. Vì vậy, tôi phải hết sức thận trọng trong cách ăn nết ở của mình để họ không có cớ gì làm những điều không tốt; vì tôi là người thuộc về Chúa, mọi đối xử với tôi đều sẽ được Chúa báo ứng. Tôi ơi! Tôi phải là nguồn phước cho mọi người chứ không phải là kẻ đem lại những bất hạnh cho đời sống những người xung quanh.
Từ câu 16 đến câu 18. Phao-lô phải một mình chịu trách nhiệm trên những công việc nhận từ nơi Chúa. Không thể trông cậy vào sự trợ giúp của bất cứ một ai mà chỉ nương nhờ vào ơn Chúa: "Chúa đã giúp đỡ ta và thêm sức cho ta" và "Chúa sẽ giải thoát ta khỏi mọi điều ác và cứu vớt ta" (câu 17,18). Trong vị trí của tôi hôm nay, tôi cũng phải đứng trên đức tin của chính mình, trông nhờ nơi Chúa hoàn toàn, không dựa dẫm vào một thế lực tinh thần cũng như thể chất từ đời này, tôi phải luôn tâm niệm rằng: "Mọi việc tôi làm được đều do năng lực Chúa ban" (Phil 4:13- BHĐ). Trong mọi công việc, trong mọi hoàn cảnh, chính Chúa sẽ ban năng lực cho tôi và cũng chính Ngài sẽ giải cứu tôi khỏi mọi tai họa. Tôi hoàn toàn đặt lòng tin nơi Chúa.
Từ câu 19 đến câu 22. "Nguyền xin Chúa ở cùng tâm thần con! Cầu xin ân điển ở cùng các anh em! " (câu 22). Hầu như lúc nào Phao-lô cũng kết thúc bằng một lời chúc qui ước: Sự bình an và ân điển của Chúa ở cùng anh em. Ông đã trải nghiệm hai điều quí báu này và ông luôn xin Chúa cho những người anh em yêu dấu của ông ở khắp nơi cũng được ở trong sự quan phòng của Chúa. Đó là một sự thông công tuyệt vời với nhau và với Chúa. Đó là một công đồng đầy ơn Chúa và sống với nhau bình an để Danh Chúa được vinh hiển, để chứng minh sự hiện diện thường trực của Chúa với những người thuộc về Ngài. Điều đó cần, đủ và đúng cho mọi thời đại, nhất là những ngày sau rốt này.
Duyệt soát lại những tình huống, những con người đi qua cuộc đời mình; không phải để ghi tâm mà nặng lòng phiền muôn. Mục tiêu của chúng ta đang còn ở phía trước, quan trọng hơn nhiều và nhà tài trợ cho chúng ta là Đấng Toàn Năng, thế thì tôi còn sợ ai? (xem Phil 3:14)
Khả năng giải luận của tôi chỉ đến như vậy thôi, chỉ xin góp chút ý mọn. Nguyện Chúa Thánh Linh sẽ soi sáng nhiều hơn cho anh em khi đọc cẩn thận lại bản danh sách chào thăm này. Nếu có thể hãy đọc bổ sung Rô-ma đoạn 16 và Cô-lô-se 4:10-18.