Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 189

Chớ Nói Xấu Ai




“chớ nói xấu ai, chớ tranh cạnh, hãy dong thứ, đối với mọi người tỏ ra một cách mềm mại trọn vẹn.” - Tít 3:2

Sách Tít là bức thư do sứ đồ Phao-lô viết gởi cho Tít, vào khoảng năm 63 S.C., sau khi ông ra khỏi tù. Mục đích của bức thư này là để hướng dẫn ông Tít đảm đang nhiệm vụ mới khi ông làm mục sư cho hội thánh tại Cơ-rết; vì lúc này có nhiều vấn đề đang xảy ra tại đây. Có rất nhiều người xấu ở Cơ-rết (1:12); Phao-lô muốn các tín hữu phải hành xử một cách tốt hơn; phải “làm việc lành” – cụm từ này được nhắc đến 6 lần trong thư này (1:16; 2:7, 15; 3:1, 8, 14); và sứ đồ Phao-lô nói với Tít rằng, “Lời nầy là chắc chắn, ta muốn con nói quyết sự đó, hầu cho những kẻ đã tin Đức Chúa Trời lo chăm chỉ làm việc lành: đó là điều tốt lành và có ích cho mọi người” (Tít 3:8). Họ phải cẩn thận về những gì họ nói, những gì họ làm. Mọi người thường xúc phạm hoặc nói những điều tồi tệ về người khác; nhưng Cơ Đốc Nhân thì không được xúc phạm người ta (1 Phi-e-rơ 2:23). Tín hữu phải nhân từ với mọi người vì Đức Chúa Trời là Đấng nhân từ. Tín hữu có thể có ý kiến; họ không cần phải đồng ý với mọi người; nhưng họ không nên giận dữ và họ không nên đánh nhau. Những người khiêm nhường thì phải nhân từ; họ không đòi hỏi quyền của mình; họ quan tâm đến tất cả mọi người. “Mọi người” ở đây bao gồm các nhà cai trị, những người xấu, và nô lệ. Trong những ngày đó, người ta cho rằng nô lệ là tài sản chứ không phải là người. Bài học trong thư này cho chúng ta là, chúng ta được cứu bởi đức tin, chứ không phải bởi công đức; nhưng chúng ta được cứu để làm việc lành, làm sáng Danh Chúa, chứ không phải “làm biếng và làm hư Danh Chúa”.

Bắt đầu chương 3, sứ đồ Phao-lô nêu ra những điều nên làm và không nên làm trong nếp sống của con cái Chúa. Câu 2 có 2 điều chớ làm và 2 điều nên làm. Hai điều không nên làm là “chớ nói xấu ai, chớ tranh cạnh”. Khi có vấn đề gì xảy ra, thì chúng ta cần phải nói cách thích hợp, hòa thuận, bàn luận, chứ không phải bằng những lời nói giận dữ và bạo lực. Cơ đốc nhân phải đối xử nhau trong hòa bình, ôn hòa, không thô bạo, lăng mạ, hạ nhục, hay gây tổn thương người khác; nhưng phải làm người hầu việc Chúa – là Đấng của hòa bình và yêu thương. “Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người. ... chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời; vì có chép lời Chúa phán rằng: Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo ứng” (Rô-ma 12:18-19). Vì thế, sứ đồ Phaolô khuyên những tín hữu nên làm 2 điều tiếp theo là, “hãy dong thứ, đối với mọi người tỏ ra một cách mềm mại trọn vẹn”. Hai điều này chúng ta cũng thấy trong hai bức thư mà sứ đồ Phao-lô gởi cho hội thánh tại Cô-lô-se và Ê-phê-sô. Ông khuyên các tín hữu nên tha thứ, nhân từ, nhường nhịn, và đầy lòng thương xót với nhau: “Nếu một người trong anh em có sự gì phàn nàn với kẻ khác thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau: như Chúa đã tha thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy” (Cô-lô-se 3:13); “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Ê-phê-sô 4:32). Tất cả những tín hữu cần phải bày tỏ sự hiền lành, mềm mại đối với mọi người. Chúng ta không những phải có thái độ nhẹ nhàng trong lòng của chúng ta, mà chúng ta còn phải thể hiện nó trong cách nói và hành động của chúng ta. Thái độ mềm mại này phải xảy ra trong mọi trường hợp, mọi lúc, với tất cả mọi người. Chúng ta phải biết dùng sự khôn ngoan Chúa ban mà đối xử nhu mì với mọi người, như sứ đồ Gia-cơ đã khuyên rằng, “Trong anh em có người nào khôn ngoan thông sáng chăng: Hãy lấy cách ăn ở tốt của mình mà bày tỏ việc mình làm bởi khôn ngoan nhu mì mà ra” (Gia-cơ 3:13). Tuy nhiên, đối với những ai phạm tội, thì chúng ta cũng cần sửa dạy họ trong tình yêu thương, nhân từ; nhưng cũng phải sợ tội lỗi, tránh xa chúng, để chúng ta không bị ô uế lây, “Hãy trách phạt những kẻ nầy, là kẻ trù trừ, hãy cứu vớt những kẻ kia, rút họ ra khỏi lửa; còn đối với kẻ khác, hãy có lòng thương lẫn với sợ, ghét cả đến cái áo bị xác thịt làm ô uế” (Giu-đe 1:22-23).

Hãy nhớ những điều này, “Nhưng sự khôn ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không có sự hai lòng và giả hình” (Gia-cơ 3:17). Chúng ta cần có sự không ngoan “từ trên xuống”, là sự khôn ngoan mà Chúa ban cho, để chúng ta mới có thể sống thanh sạch, hòa thuận, nhu mì, làm những việc lành, nói cách mềm mại, đối xử nhau trong tình yêu thương và lòng thương xót nhau. Lời nói xấu sẽ không đem đến kết quả tốt; sự tranh cạnh sẽ gây ra mối bất hòa; nhưng lòng dung thứ sẽ hàn gắn lại những mối quan hệ sứt mẻ; và sư mềm mại sẽ làm cho con người ta dễ xích lại gần nhau! Nguyện xin Chúa ban cho chúng con sự khôn ngoan, tình yêu thương tha nhân, lòng mềm mại, tha thứ nhau như Chúa đã làm cho chúng con; xin cho lời nói chúng con có ân hậu, giúp ích cho người nghe; và xin cho hành động của chúng con được đẹp lòng Ngài và nâng đỡ, sửa dạy anh chị em chúng con cùng lớn lên trong Chúa! A-men!


Đừng nên nói xấu với ai,
Dù cho người có làm sai điều gì,
Cũng đừng tranh chấp làm chi,
Hơn thua lớn nhỏ rồi thì khổ đau...
Vậy thì ta phải làm sao?
Phải luôn tha thứ cho nhau rộng rời,
Nói lời mềm mại, vui tươi,
Nhân từ hòa thuận, mọi thời mọi khi!

Ngọc-Huỳnh-Bích

Ghi-chú:
-Cơ-rết là một đảo chủ yếu là núi trong Địa Trung Hải nằm vắt ngang đầu phía nam của biển Ê-giê. Đảo dài khoảng 250km, chiêu rộng thì thay đổi từ 56km đến 11km. Đảo này không được nhắc đến trong Cựu Ước. Trong Tân Ước thì dân Cơ-rết được nói đến trong số người có mặt vào ngày lễ Ngũ Tuần (Công-vụ 2:11); và sau đó đảo này được nêu tên trong phần tường thuật chuyến đi Rô-ma của Phao-lơ (Công-vụ 27:7-13, 21).

“đừng nói xấu ai, đừng tranh chấp, nhưng hãy khiêm tốn, bày tỏ cách cư xử nhã nhặn với mọi người.” (BD2011)