Hãy để tôi chia sẻ điều này; lần nọ tôi bị cám dỗ để thoả hiệp không vâng lời. Chức vụ của chúng tôi lúc đó còn ở gian đoạn sơ khai, chưa tới hai năm. Tôi chỉ đi lại để giảng cho các hội thánh nhỏ với độ chừng một trăm người nhóm lại. Thường thì chúng tôi đi lại bằng chiếc Honda Civic, với hai đứa con ngồi phía sau. Chúng tôi chỉ có đủ chỗ chất hành lý và hai hộp băng cát-sét chuẩn bị sẵn cho các buổi nhóm.
Như tôi đã nói trước đây, Chúa phán với lòng tôi vào một sáng nọ là hãy viết sách. Tôi chậm trễ vâng lời vì hai lý do. Trước hết, như đã nói trước, viết sáng tạo là một trong những môn dỡ nhất của tôi tại trường trung học; và thứ hai, ai lại muốn xuất bản một cuốn sách của một tác giả vô danh ? Dẫu vậy thì cuối cùng tôi cũng đã vâng lời và bắt đầu viết.
Mất một năm tôi mới viết xong cuốn sách, sau nhiều giờ làm việc cật lực. Sau đó tôi tới gặp hai nhà xuất bản và nộp cho họ bản thảo có tựa đề Victory in the Wilderness. Một nhà xuất bản nói cuốn sách, "thuyết giảng nhiều quá.” Còn nhà xuất bản kia chẳng thèm hồi âm. Tôi quá thất vọng. Lisa và tôi quyết định thực hiện phương án duy nhất: tự xuất bản. Chúng tôi quyên góp tiền để in mấy nghìn cuốn và bán trong các hội thánh nhỏ mà chúng tôi tới giảng. Những người đọc sách này rất thích, thế là năm sau tôi viết cuốn thứ hai. Một lần nữa, chúng tôi không có chọn lựa nào khác ngoài việc tự xuất bản.
Được vài tháng sau khi cuốn thứ hai được in ra, một biên tập viên tại nhà xuất bản quốc gia gọi đến văn phòng của chúng tôi. Sau khi giới thiệu, anh ta hào hứng kể lý do anh gọi đến. "Anh John, có người đã đưa cho chúng tôi cuốn sách Victory in the Wilderness của anh. Nhà xuất bản chúng tôi tin tưởng sứ điệp của cuốn sách, và chúng tôi muốn giúp anh phổ biến ra cho nhiều người.” Chúng tôi nói chuyện trong vài phút. Anh ta mô tả nhiều cách để họ bán cuốn sách và hãnh diện về thị trường và đọc giả của họ. Điều này không thể tin nổi; cuối cùng thì cuốn sách sẽ phát hành khắp cả nước.
Tuy nhiên, sau khi cúp điện thoại từ cuộc gọi của biên tập viên, tôi cảm thấy bất an. Cuộc nói chuyện làm cho tâm linh tôi khó chịu. Sáng hôm sau tôi cầu nguyện và cảm nhận Chúa nói mạnh mẽ, "Đừng chấp nhận đề nghị của họ.”
Tôi nói với Lisa về điều đó. Sau khi bàn bạc, cô ấy đồng ý với tôi dù đề nghị trông hấp dẫn, nhưng cô cũng có sự lưỡng lự.
Sau ngày hôm đó, Lisa nói, "Anh yêu ơi, khi cầu nguyện em không cảm thấy ổn về chuyện này.” Lúc đó tôi được thuyết phục là không nên nhận lời.
Ngày hôm sau người biên tập viên gọi lại. Dù tôi biết ý muốn của Chúa về vấn đề này rồi, nhưng vẫn muốn nghe người biên tập viên nói gì. Dù lúc đó tôi không nhận ra, nhưng việc tôi muốn kéo dài cuộc nói chuyện chính là dấu hiệu có nan đề. Tại sao tôi chỉ vâng lời Chúa là đủ rồi, chứ còn nán níu gì nữa ? Tại sao tôi lại nghe thêm những lý do cần xuất bản với họ ? Phải chăng cảm giác đó chính là những ước muốn sai lầm trong lòng tôi ? Phải chăng cái tôi của tôi muốn được đánh bóng chăng ?
Hết ngày này đến ngày khác người này cứ gọi cho tôi suốt mấy tuần bởi vì tôi không nói "không.” Tôi càng nghe thì tôi thấy việc xuất bản với họ có lý. Đến độ tôi không còn cảm thấy một sự cảnh báo nào trong lòng. Lời chứng bên trong của Thánh Linh đã bị dập tắt. Tôi đã cho phép sự tâng bốc và lý trí con người dập tắt sự hướng dẫn của Chúa về vấn đề này. Nói đơn giản, sự phân biệt của tôi đã bị tê liệt.
Xuất Hành 23:8 nói, "Đừng nhận hối lộ, vì của hối lộ làm mù mắt người sáng suốt và bẻ cong lời lẽ của người công bình.” Lời tâng bốc là một kiểu hối lộ, và nó đã che mắt tôi. Tôi chọn cơ hội và sự dư dật thay vì chọn kính sợ Chúa.
Mặc dù vợ tôi mạnh mẽ cảnh báo về điều đó, nhưng chúng tôi đã ký hợp đồng, và đủ mọi rắc rối xảy ra ngay sau đó.
Khi tất cả những chuyện này xảy ra, thì chúng tôi gặp rắc rối lớn với nhà xuất bản. Dường như chúng tôi không thể đồng ý với nhau bất cứ khoản nào. Mối quan hệ gặp căng thẳng vô cùng, và dự án thì hoàn toàn bị đình trệ.
Tất cả những chuyện này cũng chưa hết, chúng tôi gặp đủ thứ rắc rối khác, dường như không thể giải quyết được. Suốt ba tháng đó cuộc sống thật sự khó khăn. Có thể đây là lý do Đa-vít viết, "Trước khi bị hoạn nạn, tôi thường đi sai lạc, nhưng bây giờ tôi gìn giữ lời Chúa” (Thi Thiên 119:67).
Chúa đầy lòng thương xót trong lúc này, và Ngài cho tôi thấy sự ngu dại của tôi. Tôi đã đặt sự thành công của chức vụ hơn là vâng lời Ngài. Tôi đã ăn năn lỗi lầm với Chúa và với vợ tôi. Tôi được tha thứ và tẩy sạch. Lòng thương xót của Ngài thật dịu kỳ.
Chỉ trong vòng vài tuần, nhà xuất bản viết thư cho chúng tôi và nói họ đang hủy hợp đồng. Tôi được nhẹ nhõm, kèm theo đó là giá phải trả : kinh nghiệm đó đã tiêu tốn của chúng tôi 4 nghìn đô la. Đó là một số tiền rất lớn đối với một chức vụ non trẻ - đúng vậy, nó tương đương với một nửa ngân sách trong tháng của chúng tôi.
Cơ Hội Từ Đức Chúa Trời
Vài tháng sau đó một người bạn tên Scott đã mời tôi ăn trưa, "John, tôi muốn anh gặp một người bạn của tôi.” Tôi đã đồng ý.
Tại nhà hàng Scott giới thiệu tôi với bạn của anh ta, cũng tên là John. Sau đó vỡ lẽ ra anh ta là quản lý của một nhà xuất bản nổi tiếng. Sau khi nói chuyện xã giao làm quen với nhau, đang lúc ăn trưa, John hỏi hiện tại tôi đang giảng dạy chủ đề gì. Sau khi anh ta hỏi, tôi không còn muốn ăn nữa.
Tôi bắt đầu chia sẻ với anh ta về chủ đề vấp phạm. Tôi say mê chia sẻ cho Scott và John khoảng mười lăm phút.
Có lúc John ngắt lời tôi và nói, "Tôi chỉ muốn anh biết rằng chúng tôi không thể xuất bản sứ điệp này bởi vì chúng tôi chỉ xuất bản khoảng 20 cuốn sách một năm mà thôi. Đó là sách của những tác giả và mục sư nổi tiếng.”
Tôi đáp, "Tôi không xin anh xuất bản sứ điệp này, tôi chỉ trả lời câu hỏi của anh về việc hiện tại tôi đang giảng dạy chủ đề gì.”
Anh nói, "Tất nhiên rồi, anh nói tiếp đi.”
Tôi tiếp tục chia sẻ thêm năm hay mười phút về cái bẫy của việc bị vấp phạm.
Sau khi tôi nói xong, John hỏi, "Anh có thể đưa cho tôi bản thảo được không ?”
Sửng sốt, tôi trả lời, "Tôi nghĩ anh nói anh không thể xuất bản đề tài này mà ?”
"Sứ điệp này phải được phổ biến ra, tôi muốn nộp nó cho ông chủ của chúng tôi.”
Nhà xuất bản đã nhận sứ điệp, và cuốn sách được đặt tên là Mồi của Satan. Có lần nó đã trở thành cuốn sách bán chạy khắp thế giới. Khi viết cuốn sách này, thì cuốn sách đó đã bán được hơn một triệu bản và đã được dịch sang hơn sáu mươi thứ tiếng.
Tôi sẽ không bao giờ quên cái ngày mà nhà xuất bản thứ hai gọi cho tôi và nói họ rất muốn có bản thảo và sẽ ký hợp đồng với tôi ngay. Tôi cúp điện thoại, cầu nguyện và nghe rõ ràng Chúa nói với lòng tôi, "Nhà xuất bản kia là ý tưởng của con. Nhà xuất bản này là ý tưởng của Ta.”
Kinh nghiệm này minh họa cho tôi rõ ràng sự khác biệt giữa Đời và Đạo. Rất thường là cơ hội của đời đến trước. Sau đó cơ hội của Chúa đến sau. Điều tương tự đã xảy ra cho ông Áp-ra-ham và bà Sa-rai : Ích-ma-ên đến trước, Y-sác đến sau.
JOHN BEVERE (Theo Đời Hay Đạo)