Từ bài giảng luận "Nguồn Khôn Ngoan Thật"
CN Feb 04, 2018 - Hội Thánh North Hollywood
Kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan; Sự nhìn biết Đấng Thánh, đó là sự thông sáng. (Châm Ngôn 9 : 10) [đọc Gia-cơ 3:13-18]
Bao nhiêu lần nghe đi nghe lại phân đoạn Kinh Thánh này với nội dung không thay đổi bao nhiêu, để cứ thành hình trong tâm trí hai thứ khôn ngoan tách biệt: khôn ngoan từ trên mà xuống và khôn ngoan thuộc về đất. Tuy nhiên với lần này, suy nghĩ của tôi gặp phải một gút mắc: sự khôn ngoan nào thì cũng bắt nguồn từ Chúa thôi, chỉ thành ra khác biệt khi con người dùng để đạt mục đích nào, hành xử khôn ngoan theo phương cách nào, và phương tiện đó đem lại một hiệu quả ra sao cho cộng đồng.
Trong anh em có người nào khôn ngoan thông sáng chăng: Hãy lấy cách ăn ở tốt của mình mà bày tỏ việc mình làm bởi khôn ngoan nhu mì mà ra (câu 13). Đó có thể là một sự khôn ngoan bẩm sinh, cũng có thể là kết quả một quá trình thu thập, rèn luyện từ kho kiến thức của những người đi trước. Bằng cách nào để sở hữu điều đó thì không có gì đáng bàn đến. Nhưng, điều Thánh Kinh muốn nói đến là "hãy lấy cách ăn ở tốt của mình mà bày tỏ việc mình làm". Sự khôn ngoan thông sáng của mình phải là khôn ngoan nhu mì. Dễ lắm tôi có thể khoe mình được Chúa ban cho hơn mọi người, cũng có thể tôi hãnh diện vì tôi chịu thương chịu khó để trở nên một người đáng nể ít ai bì, nhưng suy đi nghĩ lại, tất cả đều từ Chúa chớ tôi có là gì đâu khi so sánh mình với Thiên Chúa Toàn Tri.
Trong tinh thần đó, tôi phải biết giữ gìn để tài sản quí báu này luôn trong sáng. Thánh Kinh nói rằng: "nếu anh em có sự ghen tương cay đắng và sự tranh cạnh trong lòng mình, thì chớ khoe mình và nói dối nghịch cùng lẽ thật"(câu 14). Nếu tôi dùng khôn ngoan theo phương hướng tệ hại có nghĩa là tôi đã làm cho ơn ban của Chúa bị vẩn đục. Không phải tôi học khôn ngoan từ thế gian mà nên nổi, cho dù tôi có sự khôn ngoan từ trên ban cho mà dùng nó chỉ để làm thỏa lòng mình, chỉ đem đến sự ghen tương cay đắng, chỉ để tranh cạnh, đôi co, giành giục một thứ gì đó thì có hay ho đến đâu cũng chỉ là đồ bỏ.
Đâu có ai muốn sự khôn ngoan mình sở hữu là thuộc về đất, về xác thịt hay về ma quỉ; nhưng nếu điều tốt lành đó không được dùng đúng đắn để gây dựng mà trở nên điều gây ra chia rẽ, tranh cạnh, ghen tương; đưa đến nhiều sự lộn lạo và trong đó chắc chắn mang đầy màu sắc của mọi thứ ác, thì thật là tai hại. Chúa giao cho tôi một vũ khí tuyệt hảo, không phải để tôi dùng nó gây xác thương cho cộng đồng, mà phải sanh "bông trái của điều công bình thì gieo trong sự hòa bình, cho những kẻ nào làm sự hòa bình" , nghĩa là để bảo vệ hòa bình, để giữ một sự toàn vẹn cho thân thể Chúa.
Những nguyên tắc vừa kể, không phải chỉ dành cho một giai cấp đặc biệt nào của cộng đồng, mà là lời nhắc nhỡ cho tất cả những ai xem mình là người thuộc về Chúa. Bởi khi tôi được Chúa chọn và biệt riêng, tôi và anh em đều là những người đã bước ra khỏi bóng tôi để trở nên con cái khôn ngoan thông sáng của Chúa. Chính vì vẫn còn được đặt giữa đời này, nếu không cẩn thận có thể tự làm hoen ố ân điển cao trọng Chúa ban. Bởi thế cho nên, là Cơ-đốc Nhân tôi phải thận trọng sống khôn ngoan như lời dạy sau: "trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không có sự hai lòng và giả hình".(câu 17). Không cần giải thích gì thêm về những đức tính này, vì đó là mọi điều tôi học từng ngày trong Chúa Thánh Linh. Chỉ rất đáng để ý đến điều sau rốt của lời dạy: "không có sự hai lòng và giả hình". Điều này trên thực tế, dù cho tôi có đời sống thuộc linh mạnh mẻ thế nào, cho dù tôi khôn ngoan đến đâu; thì tôi luôn dễ phạm hơn là dễ tránh. Sống tốt giữ được mọi điều bên trước mà không giữ mình được với điều sau cùng này thì moi công trình đổ sông đổ biển.