Từ bài giảng luận "Toàn Thắng"
CN March 11, 2018 - Hội Thánh North Hollywood
Hễ nơi nào Đa-vít đi đến, thì Đức Giê-hô-va cho người được thắng. (2 Sa-mu-ên 8:6b) [đọc 2 Sa-mu-ên 8:]
Với một phân đoạn có nhiều cái tên khó đọc, tưởng chừng như đang đứng trước một bản gia phả chán ngắt, lại lồng chứa trong đó những bài học đáng quý, là gương sáng cho những người chấp nhận giao trọn cuộc đời trong tay Chúa. Chính câu gốc đã kéo tôi ra khỏi suy nghĩ tiêu cực, trước khi được nghe bài giảng luận, nghe tiếng Chúa phán để nhìn lại chính mình với Lời Chúa.
Không phải sự thành công của vua Đa-vít dựa trên kinh nghiệm xương máu hay tài năng xuất chúng của cá nhân người. Hãy rà xem chỉ trong phân đoạn Kinh Thánh này, có đến hai lần được nhắc đến một ân sủng quan trọng: "Hễ nơi nào Đa-vít đi đến, thì Đức Giê-hô-va cho người được thắng" (câu 6b) và "Đức Giê-hô-va khiến cho Đa-vít được thắng khắp nơi nào người đi đến" (câu 14b). Đó là sự hiện diện của Chúa bên cạnh nhà vua, đồng công với ông trong chiến trận, và có thể nói như Phao-lô: "Đã vậy thì chúng ta sẽ nói làm sao? Nếu Đức Chúa Trời vùa giúp chúng ta, thì còn ai nghịch với chúng ta? " (Rô-ma 8:31). Đó là nguyên lý tất yếu cho đời sống của Đa-vít xưa kia, với Phao-lô và cũng đúng cho tôi ngày nay. Đa-vít có lòng kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời từ khi còn rất trẻ, ngay lúc đó ông đã kinh nghiệm được sự vùa giúp của Đức Giê-hô-va, và bây giờ là giai đoạn chín mùi để Chúa dùng ông trong sự cai trị dân sự của Ngài. Với tôi ngày nay cũng không khác gì, Chúa phải nhìn thấy lòng tôi dâng trọn cho Chúa, có thể tôi cũng phải trải qua một vài thử nghiệm, rồi thì sẽ đến lúc tôi được phước hạnh trong sự làm ơn của Chúa cho mọi hoàn cảnh xuất hiện trong đời sống tôi. Bởi Chúa là Đấng chiên thắng, tôi là một người trong đoàn quân tuyển chọn của Chúa, tôi sẽ bày tỏ cho thế gian này nhìn thấy sự chiến thắng của Chúa, không phải thành quả của một con người có quá nhiều thua thiệt và khiếm khuyết như tôi trước mặt mọi người.
Điều tiếp theo trong sự nghiệp chinh chiến của Đa-vít là ông không tương nhượng kẻ thù. Đã đối đầu thì không có hòa hoản, khoan nhượng hay thỏa hiệp. Có một điều tôi ghi nhận để sẽ phải tìm hiểu thêm về trường hợp của vua Ha-mác, người đã sai con trai mình là Giô-ram đem tặng phẩm để cám ơn Đa-vít đã tiêu diệt kẻ thù của mình là Ha-đa-đê-xe. Đứng trước tội lỗi, lề thói của đời này, tôi cũng không thể yếu lòng mà thỏa hiệp hay tìm cách chung sống, hội nhập hoặc tệ hơn, chuyển biến những điều không tốt đó thành những điều tưởng như có thể chấp nhận được trong đời sống Cơ-đốc.
Nhưng hay xem một việc mà Đa-vít đã làm và Đức Giê-hô-va chấp nhận trong phân đoạn Kinh Thánh này. Những chiến lợi phẩm sau các chiến trận với kẻ nghịch, đã được nhà vua chuyển thành lễ vật dâng lên cho Đức Giê-hô-va. Chúa nhìn thấy tấm lòng chân thành của Đa-vít, ông không tranh đấu để mình được tôn vinh cho dù điều đó rất hiển nhiên: "Giô-ram … đến vua Đa-vít đặng chào mừng, và tặng khen người đã đánh bại Ha-đa-đê-xe" "Sau khi thắng dân Sy-ri trở về, Đa-vít lại nổi danh tiếng"; người muốn dành sự vinh hiển quy về nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời của mình và của dân sự; "Vua Đa-vít cũng biệt các món nầy riêng ra thánh cho Đức Giê-hô-va, y như người đã biệt riêng ra thánh bạc và vàng của các dân tộc mà người đã bắt phục" (câu 11). Đầy tớ làm mọi việc vì chủ mình, tôi cũng phải có tinh thần như vậy trong khi thi hành nhiệm vụ Chúa giao.
Đó là đối với Chúa, Đa-vít còn là người lãnh đọa đáng kính của dân sự: "Đa-vít làm vua trên cả Y-sơ-ra-ên, cai trị cả dân sự mình cách ngay thẳng và công bình" (câu 15). Đa-vít không phải chỉ là vua chi phái mình, nhưng Đức Giê-hô-va đã khiến cả dân Y-sơ-ra-ên phải công nhận người mà Ngài yêu, xứng đáng được ở vị trí trên trước với cộng đồng thuộc về Chúa. Hai tính cách của nhà vua được nhắc đến ở đây thật đáng suy ngẫm: "ngay thẳng và công bình", quả là đơn giản nhưng không dễ dàng thực hiện. Đọc hai câu cuối cùng của phân đoạn này, câu 16 và 17, sẽ thấy Đa-vít là lãnh đạo biết dùng người, là chỉ huy biết phân quyền để làm trọn nhiệm vụ với Chúa. Là người trên trước không phải dễ, nhất là trong công việc nhà Chúa.
Không phải đến khi được Chúa giao cho công việc trọng đại như vua Đa-vít, tôi mới trang bị tinh thần và cách hành xử như vậy. Dù cho ngay bây giờ tôi ở vị trí nào trong nhà Chúa, tôi cũng đều phải là người được Chúa xử dụng, có một tính cách chuẩn mực đẹp ý Chúa, đem lại một kết quả đầy ơn. Bởi vậy tôi cần phải sống được ơn với Chúa trong mọi sinh hoạt của đời sống mình, dù Chúa đặt để tôi ở đâu đi nữa.