Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 197

Bình An Cai Trị Trong Lòng




“Nguyền xin sự bình an của Đấng Christ cai trị trong lòng anh em, là bình an mà anh em đã được gọi đến đặng hiệp nên một thể; lại phải biết ơn.” - Cô-lô-se 3:15

Vào khoảng năm 61-63 S.C., Ê-pháp-ra, một tín đồ Cô-lô-se, viếng thăm Phao-lô trong tù và tường thật với Phao-lô về tình trạng Hội Thánh trẻ ở Cô-lô-se. Những tín hữu hữu sống ở đó đã bắt đầu lắng nghe các giáo sư giả. Sứ đồ Phao-lô lo lắng rằng những tín hữu sẽ bỏ đi Tin Lành thật sự. Ngay cả ngày nay nhiều giáo sư giả dường như không chối bỏ sứ điệp phúc âm, nhưng họ lại thay đổi một chút. Thường thì họ dạy những điều bổ sung hoặc thêm vào những luật lệ trong. Sứ-đồ Phao-lô viết cho những tín hữu tại Cô-lô-se để nhắc nhở họ về Chúa Giê-xu Christ và về thông điệp chân thật của Ngài. Ông nhấn mạnh rằng Đức Chúa Giê-xu là cao cả; và ông đã viết về Đấng Christ trong bức thư này nhiều hơn bất kỳ thư nào của ông. Ông nhắc nhở các tín hữu rằng cuộc sống quá khứ của họ đã biến mất. Chúa Giê-xu giờ đây là cuộc sống của họ. Chính Ngài đã làm cho họ thoát khỏi các luật lệ và quyền lực tối tăm; và ông đã tiếp tục dạy những hữu cách sống cuộc sống mới này.

Trong cuộc sống hằng ngày, Chúa luôn bày tỏ ý muốn của Ngài cho chúng ta trong nhiều lãnh vực qua Lời của Ngài - Kinh Thánh. Sự bình an của Chúa là trọng tâm để quyết định hướng đi của chúng ta. Hiểu được "sự bình an của Chúa" đôi khi có vẻ khó khăn. Những tín đồ thiếu kinh nghiệm có thể lầm lẫn cảm giác tốt hay thoải mái trong xác thịt để làm “sự bình an của Chúa”. Chúng ta không nói về việc có "bình an" trong xác thịt, nhưng ở đây là một “bình an nội tâm" sâu trong linh hồn của chúng ta. “Sự bình an” này không phải là cần thời gian dài mới có, nhưng mỗi ngày sẽ càng gia tăng, khi chúng ta càng gần Chúa, bằng cách dành thời gian tập trung vào Ngài và Lời của Ngài. Chúng ta cần một cách để biết rằng, những tư tưởng nào đến từ Chúa và tư tưởng nào đến từ thế gian. Có hai cách mà chúng ta có thể xác định ý nghĩ nào là đến từ Chúa. Thứ nhất là sự hiểu biết về Lời của Đức Chúa Trời, Kinh thánh. Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ dẫn chúng ta đi ngược lại Lời của Ngài. Chúng ta suy nghĩ xem tư tưởng đó có phù hợp với Lời Chúa dạy không, nếu đúng thì đó là ý Chúa. Thứ hai là “sự bình an” của Chúa cỏ ở trong lòng chúng ta không. Làm thế nào chúng ta có thể xác định được “sự bình của Chúa”? Sự bình an của Đức Chúa Trời cai trị trong lòng của chúng ta, là chúng ta có sự hiện diện của Chúa trong chúng ta. Ngài cho chúng ta được bình an về tình yêu của Ngài dành cho chúng ta (Rô-ma 8:31-39), về sự quan phòng của Ngài trên đời sống của chúng ta (Ma-thi-ơ 6:24-34), về sự Ngài sẽ giữ gìn chúng ta từ tâm thần, linh hồn, đến thể xác được trọn vẹn không chỗ trách được trong ngày Đấng Christ hiện ra (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23). Ngài làm cho chúng ta được an lòng về sự được cứu rỗi ra khỏi hình phạt của tội lỗi (Rô-ma 8:1-2), về sự Đức Chúa Giê-xu Christ luôn ở bên cạnh chúng ta (Ma-thi-ơ 28:20), về sự chúng ta sẽ hoàn thành mọi công việc Chúa giao cho chúng ta (II Cô-rinh-tô 12:9; Phi-líp 4:13). Đây được gọi là sự bình an của Đức Chúa Trời, bởi vì nó là công việc của Ngài làm trong tất cả con dân Ngài; “Vì nước Đức Chúa Trời chẳng tại sự ăn uống, nhưng tại sự công bình, bình an, vui vẻ bởi Đức Thánh Linh vậy” (Rô-ma 14:17). Hãy để "sự bình an của Đấng Christ cai trị trong lòng anh em, là bình an mà anh em đã được gọi đến đặng hiệp nên một thể" – chính chúng ta được gọi đến để hiệp một nên một thân thể trong Chúa, một hội thánh của Ngài. Chúng ta được gọi đến sự bình an này, để bình an với Chúa như là đặc ân, và bình an với nhau như bổn phận của chúng ta. Được hiệp nhất trong một thân thể, như các chi thể của một htân; vì chúng ta là thân thể của Đấng Christ, và các chi thể có phần riêng của chính họ; như lời sứ-đồ Phao-lô viết, “Vả, anh em là thân của Đấng Christ, và là chi thể của thân, ai riêng phần nấy” (1 Cô-rinh-tô 12:27). Để bảo vệ cách đổi xử hòa bình này trong chúng ta, chúng ta phải biết ơn. Việc tạ ơn Chúa là một hành động ngọt ngào và dễ chịu mà nó sẽ giúp chúng ta ngọt ngào và dễ chịu đối với tất cả mọi người. Thay vì ghen tị nhau vì những ân tứ đặc biệt, chúng ta hãy biết ơn lòng thương xót của Ngài đã ban cho tất cả chúng ta.

Cô-lô-se 3:15 cũng là lời cầu nguyện cho chính chúng ta và cho tất cả tín hữu ngày nay. Chúng ta cần có sự bình an của Chúa cai trị trong lòng chúng ta, dẫn dắt, dạy dỗ chúng ta theo ý của Ngài; “Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Phi-líp 4:7). Chúng ta cần phải hiệp một trong Chúa, cần phải hòa bình với nhau, với chính mình. Ngược lại, nếu chúng ta không hiệp một, bất bình với nhau, thì chúng ta sẽ dễ dàng bị ảnh hưởng của những quyền lực bên ngoài dụ dỗ chúng ta ra xa sự cai trị của bình an Chúa. “Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ lập sự bình an cho chúng tôi; vì mọi điều chúng tôi làm, ấy là Ngài làm cho” ( Ê-sai 26:12). Tạ ơn Chúa vì ân điển của Con Ngài, vì lòng thương xót không tư vị ai, mà chúng con được làm con cái yêu dấu của Ngài và được cai trị bởi sự bình an của Chúa! Nguyện xin sự bình an của Chúa, Đức Thánh Linh của Ngài luôn cai trị trong lòng chúng con; xin giúp chúng con biết lắng nghe và làm theo lời dẫn dắt của Ngài, sống đúng với Lời Chúa, đẹp lòng Ngài; xin Chúa nhắc nhở chúng con biết cầu thay cho anh chị em chúng con, để mọi người được hiệp một trong Nhà Chúa, sống bình an với nhau, bày tỏ sự bình an đời đời cai trị của Ngài cho những người chung quanh; để họ có thể nhận biết Chúa là Đấng họ cần và sẽ quay về với Ngài! A-men!

Xin bình an Chúa luôn cai trị,
Dẫn dắt chúng con theo ý Ngài,
Nhận biết Ngôi Lời, trong mọi việc,
Làm theo thật đúng, chẳng lầm sai!
Xin cho tất cả luôn hiệp một,
Hội Thánh một thân, một thể hoài,
Một ý đồng tâm hầu việc Chúa,
Một lòng cảm tạ, mãi không phai!

Ngọc-Huỳnh-Bích