Từ bài giảng luận "Con Hư Tại …"
CN May 06, 2018 - Hội Thánh North Hollywood
Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó. (Châm-Ngôn 22:6) [đọc 2Sa-mu-ên đoạn 13 và 14]
Nếu muốn tìm câu trả lời cho nghi vấn ở đề tựa bài giảng luận, đọc cẩn thận phần ký thuật trong hai phân đoạn 13 và 14 của sách lịch sử 2Sa-mu-ên, sẽ thấy rất rõ rằng "Con Hư Tại Ba Thiếu, hay Ba Không …" (chữ BA có thể là 3 hay Cha cũng không thay đổi ý nghĩa): Thiếu LÀM GƯƠNG cho con cái, Thiếu KỶ LUẬT trên con cái, và Thiếu LIÊN HỆ với con cái. Cũng có thể tóm gọn những ý niệm phức tạp đó vào một chữ duy nhất có trong câu được chọn làm câu ghi nhớ bên trên: DẠY; Dạy cái gì? Dạy thể nào? và Dạy để đạt mục đích?
Nếu trở lại với lời tiên tri của Na than trong đoạn 12 khi lên án tội lỗi của vua Đa-vít, tôi sẽ bị cuốn vào thuyết quả báo như cách suy nghĩ của đa số. Nếu thế thì, tôi sẽ phải vướng mắc vào một điều khó có thể lý giải tiếp theo, có bất công không khi các con của nhà vua phải trả cái tội mà vua cha đã làm? Sự xưng tội của nhà vua không đủ để lay động lòng nhân từ và thương xót của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, để được "tha tội …, và làm … sạch mọi điều gian ác"? Đó là suy nghĩ làm tôi khá chật vật với nội dung bài giảng luận tuần này.
Trước nhất, việc làm của các con Đa-vít trùng hợp đến độ không cần tô vẻ, lý luận gì thêm. Đa-vít phạm tội tà dâm, con trưởng động lòng tà với em gái mình. Đa-vít giết U-ri, chồng của Bát-sê-ba; con thứ Áp-sa-lôm lập mưu để lấy mạng sống anh mình trả thù cho em gái. Đa-vít đã làm việc tội lỗi, nhưng không thể nói là người đã làm gương, đã dạy cho các con mình sống và làm những việc bị lên án đó. Tôi tin rằng nếu có giáo huấn con cái mình, nhà vua vẫn hướng về những việc tốt lành, những hành vi thiện hão, vì cha mẹ nào cũng muốn con cái mình tốt chưa ai lại muốn chũng nó sống sai lạc, mất phước? Hãy nhớ lại một lời hứa của người làm cha làm mẹ khi đem con dâng cho Chúa trước mặt toàn Hội Thánh: "1/. Lời Chúa dạy trong sách Châm ngôn 22:6 rằng: Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo… Thế thì, trước mặt Đức Chúa Trời và trước mặt Hội Thánh, Ông Bà có hứa rằng sẽ vâng Lời Chúa nuôi dạy con của mình về thuộc thể mạnh khỏe, cũng như phần thuộc linh sớm biết cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, nhóm lại với Hội Thánh, nhất là sớm dạy cho con mình con đường cứu rỗi của Chúa Giê-xu Christ không? " (trích từ "Lễ Dâng Con" cuả http://giadinhmuoicuadat.blogspot.com). Trong những trường hợp mà điển hình là trường hợp của vua Đa-vít, có thể đây là vì người có bổn phận giáo huấn con cái mình đã đánh mất ơn, mất thần quyền từ Đức Chúa Trời nên không có tác dụng đủ để con cái mình lãnh hội và sống trọn vẹn theo ý muốn của Chúa, mà bị cuốn vào những tham dục đời này dẫn đến phạm tội trọng. Như đã nói, đay là một sự trùng hợp chuẩn không cần chỉnh để cách giác cao độ cho chính tôi cùng những người của thế hệ tiếp nối.
Khắc khe mà nhận định, thì Đa-vít cũng có phần trách nhiệm lớn trong hai vụ đình đám này. Chính vua đã phê chuẩn cho Ta-ma đến săn sóc Am-nôn (13:6,7), và nhà vua cũng chấp thuận theo lời nài xin của Áp-sa-lôm về bửa tiệc thết đãi anh em mình (13:24-27). Rõ ràng đó là những lúc nhà vua mất đi sự sáng suất của một người được Chúa yêu. Đa-vít hạ gục tên khổng lồ Gô-li-át, nhưng không thắng nỗi những mưu kế tàn độc của các con nhỏ trong nhà mình.
Đây là một bài học lớn có giá trị muôn đời cho những người đãm trách mọi công việc lớn nhỏ trong nhà Chúa. Đa-vít với bản chất tốt của một người chăn chiên hiền lành, được cất nhắc để chăn dân sự của Chúa, nhưng vẫn có thể sai lầm trong việc chăn dắt gia đình của mình vì dục vọng cá nhân tạo cho mình một cộng đồng vượt khỏi sự kiểm soát của bản thân. Điều đó không chỉ xãy đến với Đa-vít, lịch sử cũng đã ghi lại xào xáo trong gia đình của Áp-ra-ham, của Y-Sác, của Gia-cốp, của Ên-ca-na, cả với Sa-lô-môn nữa.
Tóm lại, để làm trọn trách nhiệm trước mặt Chúa với cộng đồng, chính tôi phải là người "như cây trồng gần dòng nước" (Thi-thiên 1:1-3), để "Vợ tôi ở trong nhà tôi sẽ như cây nho thạnh mậu; Con cái tôi ở chung quanh bàn tôi khác nào những chồi ô-li-ve" (Thi 128:1-4). Cộng đồng của Chúa sẽ là một xã hội lý tưởng không chê vào đâu được, khi mà những người có nhiệm vụ được giao sẽ "chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao phó cho anh em; làm việc đó chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng, chẳng phải vì lợi dơ bẩn, bèn là hết lòng mà làm, chẳng phải quản trị phần trách nhiệm chia cho anh em, song để làm gương tốt cho cả bầy" (1Phi-e-rơ 5:3,4).