Con về chải tóc mẹ già
Bên ngoài cửa sổ chiều tà rụng rơi
Da nhăn chằng vá cuộc đời
Bờ môi bỏ ngõ đón mời khô khan
Nhớ xưa giấc điệp mơ màng
Mẹ ru con ngủ cho hàng mi cong
Ầu ơ hoa nở trong lòng
Mẹ yêu con quá ấm vòng tay khuya
Mắt sâu năm tháng chia lìa
Mẹ nhìn thăm thẳm bên kia chân trời
Trăm năm xa cách mẹ ơi
Con mong giữ lại tóc rơi mẹ hiền
Rồi đây bóng xế chiều nghiêng
Hắt hiu phần mộ bình yên mẹ nằm.
Tùng Sơn
Giây Phút Trầm Tư (1985)
Garden Grove, California
Lang thang trên ... internet để tìm đọc những bài thơ, bài văn viết về Mẹ để được chìm đắm trong những ký ức về người Mẹ, về tình Mẹ, nhân dịp Ngày Lễ Mẹ, một ngày thiêng liêng, sâu lắng lại về; tôi tìm đọc được bài thơ “NHỚ TÓC MẸ” khá thú vị.
Tác giả bài thơ là Tùng Sơn (TS), một cái tên nghe quen quen, lạ lạ với tôi. Hình như là tôi đã bắt gặp được ở đâu đó tên tác giả nầy trên các sách báo Cơ-đốc trước đây thì phải. Hình như thế, chứ không nhớ rõ ràng. Những cái tên như Nam Sơn (Mục sư Lưu Văn Mão), Mục sư Phan Đình Liệu, Linh Cương, Nguyễn Ngọc Diệp... thì tôi nhớ khá rõ, nhưng ... Tùng Sơn thì chỉ nhớ man mán trong đầu. Lạ!?
Và thế là tôi bắt đầu làm một cuộc... nghiên cứu về TS. Đây là kết quả của ... công trình nghiên cứu ấy:
TS là bút hiệu khi làm thơ của Mục sư Nguyễn Nam Hải (NNH). Được biết trước 1975, Mục sư Thi sĩ NNH đã từng là Giám đốc Cơ quan Truyền Thanh Truyền Hình của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. Khi hầu việc Chúa tại Việt Nam, Mục sư thường viết phóng sự và làm thơ đăng trên Thánh Kinh Báo cho đến khi biến cố năm 1975 xảy ra, Mục sư sang Hoa Kỳ hầu việc Chúa tại thành phố Garden Grove, California. Tập thơ “Giây Phút Trầm Tư” xuất bản vào năm 1985 bao gồm những bài thơ sáng tác trong khoảng thời gian từ 1975-1985 tại hải ngoại. Mục sư NNH đã được Chúa đem về yên nghỉ trong nước Chúa vào năm 1995.
Mục sư NNH đã từng hầu việc Chúa qua các Hội Thánh ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam thân yêu như như Phong Điền, Quả Lựu, Vị Thanh, Mỹ Luông, An Giang, và Hội Thánh Chánh Hưng.
Khi sang Mỹ, ông bà Mục sư NNH đã nhờ ơn Chúa thành lập được các Hội thánh như Glendale, Santa Ana, San Bernadino, và Garden Grove. Được biết, Hội thánh Garden Grove là Hội Thánh Tin Lành Trưởng Nhiệm (Presbyterian) đầu tiên tại Hoa Kỳ.
Bài thơ “Nhớ tóc Mẹ” của TS được trích trong thi tập “Giây phút trầm tư” của thi sĩ (Cũng nên nhớ rằng có một tác phẩm cùng tên với thi tập nầy, nhưng đó không phải là tập thơ mà bèn là tập đoản văn của tác giả Linh Nguyên (tức Mục sư Nguyễn Xuân Hồng), xuất bản trước năm 1975 tại Sài Gòn, mà sau nầy Linh Nguyên đã đổi thành “Bên dòng Kinh Thánh”. Có lẽ để cho bạn đọc khỏi nhầm lẫn với thi phẩm cũng tên của TS chăng?
Không biết là ngoài thi tập “Giây phút trầm tư” nầy, TS có cho ra đời “đứa con tinh thần” nào khác nữa không? Nhưng qua lời giới thiệu tập thơ của Mục sư Võ Ngọc Thiên Ân, ta thấy như “Giây phút trầm tư” là một thi tập chứa đựng nhiều nỗi niềm của thi sĩ trước cuộc đời và lòng tin cậy vững chắc của thi sĩ nơi Đức Chúa Trời là Đấng mà ông đang tôn thờ và phục vụ vậy. Qua đó, ta cũng thấy được Mục sư NNH thật sự là người được Chúa ban cho có một tâm hồn thi sĩ, một trái tim rất nhạy cảm trước cuộc đời.
Đọc “Nhớ tóc Mẹ”, ta mường tượng ra người Mẹ của thi sĩ chắc chắn là đã già lắm rồi theo năm tháng và theo thời cuộc nhiều đổi trắng thay đen. Hình bóng Mẹ hiện lên trong những câu đầu của bài thơ là một người Mẹ già, thật già với da nhăn, tóc bạc và bờ môi khô khốc trước một buổi chiều tà hiu hắt nắng:
Con về chải tóc mẹ già
Bên ngoài cửa sổ chiều tà rụng rơi
Da nhăn chằng vá cuộc đời
Bờ môi bỏ ngõ đón mời khô khan
Có thể nói, thi sĩ thật “tinh” khi dùng từ “chằng vá” trong câu thơ “Da nhăn chằng vá cuộc đời”. Nó làm nổi bật hình ảnh một người Mẹ cả cuộc đời chấp nhận gian khổ, hy sinh cho con cái, vì con cái. Đó chính là mục đích của đời Mẹ, đó cũng là “lý tưởng” của đời Mẹ vậy!
Nhớ xưa giấc điệp mơ màng
Mẹ ru con ngủ cho hàng mi cong
Ầu ơ hoa nở trong lòng
Mẹ yêu con quá ấm vòng tay khuya
Từ mái tóc bạc đáng yêu của Mẹ, thi sĩ ... thả hồn mình về quá khứ xa xăm để hồi tưởng lại khi còn tấm bé được Mẹ ru với tiếng “ầu ơ” đưa mình vào giấc ngủ miên man, mơ màng. Niềm hạnh phúc của Mẹ không chi khác hơn là được nhìn thấy con mình ăn ngon ngủ yên. Và niềm vui của con cũng không có chi khác hơn là được ngủ say ở trong vòng tay trìu mến đong đầy yêu thương và vô cùng bình yên của Mẹ.
Nữ sĩ Thái Trịnh cũng đã từng viết về tiếng ru “ầu ơ” kỳ diệu đó của Mẹ như sau:
Nhớ ôi, từng tiếng ầu... ơ... / Nghe như suối nhạc, rừng thơ dịu dàng/ Tạ ơn Thượng Đế vô vàn/ ban cho đất Việt kho tàng văn chương.
Hai tiếng đó như có một “hấp lực” để Mẹ dùng ru ta vào giấc ngủ miên man, diệu vợi. Bất kể lúc nào, khi Mẹ cất lên hai tiếng “diệu kỳ” ấy là có thể “mê hoặc” được đứa con của mình chìm sâu vào giấc mộng tuổi thơ một cách lạ thường ngay trong vòng tay trìu mến của Mẹ thôi.
Mắt sâu năm tháng chia lìa
Mẹ nhìn thăm thẳm bên kia chân trời
Trăm năm xa cách mẹ ơi
Con mong giữ lại tóc rơi mẹ hiền
Rồi đây bóng xế chiều nghiêng
Hắt hiu phần mộ bình yên mẹ nằm.
Từ quá khứ của tuổi ấu thơ thần tiên đẹp đẽ, tâm hồn thi sĩ quay trở lại với thực tại bên người Mẹ đáng yêu đáng kính của mình. Nhìn mắt Mẹ như thấy chất chứa nhiều điều sâu lắng, thăm thẳm trong đó, thi sĩ như cảm nhận cả “một trời thương” của tấm lòng người Mẹ dành cho con trong đôi mắt đáng yêu ấy. Vì thời cuộc khiến thi sĩ phải sống cách xa Mẹ mình, khiến người Mẹ phải chất chồng nhớ thương lên đôi mắt luôn hướng về nơi con mình đang sống tận “bên kia chân trời”.
Để bớt nhớ thương Mẹ hiền, thi sĩ đã có một “quyết định” thật ... độc đáo, đó là “giữ lại tóc rơi mẹ hiền”. Khi thi sĩ có dịp thăm Mẹ già dấu yêu, và được chải tóc cho Mẹ (có lẽ Mẹ đã quá già và dương như không còn có thể tự tay chải tóc mình được nữa), thi sĩ đã rất ... khôn ngoan giữ lại tất cả những sợi tóc bị rơi rụng của Mẹ mình cách cẩn thận để khi không còn được ở bên Mẹ và khi không còn được gặp Mẹ nữa thì vẫn còn “kỷ vật” của Mẹ để nhớ về Người.
Cảm động sao cách làm đáng yêu đáng quý và ... độc đáo ấy của thi sĩ TS!
Bài thơ có một kết thúc khá buồn, một cái buồn ... bắt buộc, vì đó là quy luật mà Đức Chúa Trời đã định cho con người. Kinh Thánh chép: “Như đã được ấn định, loài người phải chết một lần, sau đó phải chịu xét đoán.” (Hê-bơ-rơ 9: 27) (*)
Ai rồi cũng phải trải qua sự chết. Luật Chúa đã định, không ai có thể vượt qua được. Thi hào Trung Hoa Văn Thiên Tường cũng nói “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử/ Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh” (Con người xưa nay ai mà không chết/ Giữ lấy lòng son chiếu sử xanh). Mẹ già thì cũng phải chết thôi:
Rồi đây bóng xế chiều nghiêng
Hắt hiu phần mộ bình yên mẹ nằm.
Dù không ai trong chúng ta muốn Mẹ chết, không ai trong chúng ta muốn phải chia xa với Mẹ, nhưng dù muốn hay không thì Mẹ, đến thời điểm của Chúa dành cho, phải ra đi theo tiếng gọi của Ngài cả. Thân thể Mẹ rồi cũng phải nằm trong phần mộ như bao người chứ không thể khác được. Chỉ có điều nầy là đáng để ý khi Mẹ không còn trên đời nầy với ta nữa. Đó là Mẹ ta sẽ đi về đâu, sau khi Người qua đời nầy? Thiên đàng phước hạnh miên viễn hay địa ngục đau khổ đời đời?
Cảm tạ Chúa, với những người tin nhận Chúa Giê-xu làm Chúa làm Chủ cuộc đời, thì ta biết chắc rằng, và có một hy vọng không hề rúng động rằng Mẹ ta và tất cả những người thân yêu của ta sẽ đi về ở với Chúa trên Thiên đàng vinh hiển sau khi qua đời nầy. Và rồi ta cũng sẽ được gặp lại Mẹ ta và tất cả những người thân yêu của ta trong tương lai khi chúng ta kết thúc cuộc sống ngắn ngủi của mình. Đó là hy vọng lớn nhất và đáng để ý nhất khi còn sống trên cuộc đời nầy bạn ạ! Mẹ bạn và chính bạn cũng như những người thân yêu của bạn đã tin nhận Chúa Giê-xu chưa?
Cảm ơn thi sĩ TS đã có bài thơ về Mẹ thật sâu lắng và đong đầy cảm xúc.
Nhân ngày Lễ Mẹ, xin kính gởi đến tất cả những người Mẹ những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Với những ai đang còn có Mẹ ở bên mình, đó là một niềm vui lớn và hạnh phúc biết bao! Hãy làm tất cả những gì mình có thể làm được để cho Mẹ được vui.
Với những ai không còn Mẹ bên đời, hãy dạy cho con cái mình biết yêu thương, kính trọng Mẹ nó như lời Kinh Thánh dạỵ để chúng nó được sống lâu trên đất và được phước nữa. “Hãy hiếu kính cha mẹ”, đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: “Để con được phước và sống lâu trên đất.” (Ê-phê-sô 6: 2)
Nguyện xin Đức Chúa Trời ban phước dồi dào cho tất cả những người đã là Mẹ, đang làm Mẹ và sắp sửa làm Mẹ!
Ngày Lễ Mẹ 2018
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.
(*): Những câu Kinh Thánh trích trong bài viết được lấy từ Bản Dịch Mới.