Trang Chủ :: Chia Sẻ
Bài 18
Thượng Đế Có Thật Chăng?
BẢN HỒI KÝ VÀ TƯỜNG THUẬT TRÊN ĐƯỜNG THEO CHÚA.
Bài tường thuật về lai lịch cùng sự tin Chúa và sự hầu việc Chúa của mình theo sự đòi hỏi của địa hạt và Tổng Liên (Để được chấp thuận xin hưu).
Tôi sanh ngày 19-03-1920 tại Phước Mỹ, Hòa Bình, Tuy Hòa Tỉnh Phú Yên. Tôi sanh trong một gia đình tầm thường, song theo khách quan của đồng bào nơi quê hương thì họ cho tôi là con nhà lương đống và gia giáo. Nhưng cũng không ai biết được ông tổ của họ tôi là cụ Nguyễn Phúc Giao, anh em với cụ Nguyễn Phúc Ánh (nhà Nguyễn vua Gia Long); vì thời loạn mà mai danh, ẩn tích và đã lập nên làng xã Phước Mỹ, là nơi sanh quán của tôi vậy.
Tôi lớn lên trong gia đình Nho giáo, ông thân tôi được địa phương lập làm Thầy Lễ, để hướng dẫn việc tế tự và lễ giáo trong làng xã. Ông sùng kính cả Lão giáo và Phật giáo. Bà thân tôi thì hâm mộ Phật giáo hơn, nên anh em, chị em tôi đều quy y theo Phật giáo cả. Phần tôi thì lại thành tâm hơn; khi tôi vừa khôn biết cũng đã ăn chay theo kỳ định và đọc kinh cầu nguyện. Song theo trực giác và lương tri, thì nhiều lúc tôi nghĩ rằng: "Cõi trời đất có mặt trời, mặt trăng, lặn mọc rất đều đặn như vậy; chắc phải có Đấng tạo thành mà người đời thường gọi là ông Trời. Sao người ta không thờ Trời mà lại thờ Phật là điều như không đúng; nhưng rồi cũng lãng quên theo tạp quán và cuộc sống thường tình. Về sự học hành của tôi, cũng chỉ là tầm thường. Ông thân tôi bắt tôi phải học hán tự trước, vì cho rằng: "Hán học có nền văn hóa tốt hơn Âu học. Hán học con người có đạo đức và can thường; vì vậy mà tôi cũng biết được học thuyết của Khổng Mạnh là không chống lại với lẽ đạo và niềm tin của Tin Lành. Lúc đến tuổi thành niên, tôi được nghe cụ Mục sư Lê Khắc Chấn giải bày về đạo Tin Lành của Đức Chúa Trời; về sự cứu chuộc của Chúa Giê-xu; thì lòng tôi cảm động sâu xa. Nhưng vì tinh thần bảo thủ về dân tộc mà tôi không chịu cầu nguyện như đôi ba người đã cầu nguyện khi họ cùng nghe đạo với tôi. Tôi còn nghi vấn rằng: "Biết đâu người ta tự đặt ra đạo lý như vậy là mưu mô chánh trị của một Đế quốc, để dẫn dân tộc mình vào con đường bị trị của họ. Song rồi, sự chiến đấu của tâm hồn tôi, về sự thiện, ác; phải quấy: "Có Thượng Đế hay là không" cứ dằn vặt trong lòng tôi; rốt lại tôi tin có Thượng Đế; nhưng cho đạo Tin Lành chưa chắc là đạo của Đức Chúa Trời. Lòng tôi tự hỏi: Có Thượng Đế, thì sao tôi không biết thờ phượng Ngài?
Rồi tôi quyết định môt lòng thờ Chúa trọn đời. Lúc đêm khuya thanh vắng, tôi quỳ gối cầu nguyện, xin Thượng Đế tha tội cho tôi, thương xót tôi và giúp tôi giữ lòng thờ Chúa. Tôi cũng chưa hiểu được trong thế gian này đã có Đạo của Thượng Đế. Vì nhiều đạo qua, biết đâu là thật! Nên tôi cứ độc lập thờ phượng Chúa trong lòng.
Ngày qua tháng lại, tôi tự nghĩ rằng: Có Thượng Đế, tất nhiên phải có đạo lý của Ngài, duy mình khó biết được đó thôi. Tôi bèn cầu hỏi Thượng Đế: nếu quả Tin Lành là đạo thật của Ngài, xin chỉ dạy và dẫn đưa tôi theo sự tỏ ra của Ngài. Thượng Đế quả tỏ ra cho tôi bằng một cách rất kỳ diệu, và tôi đã tìm đến nhà thờ Tin Lành để được thờ Chúa và học biết về Chúa theo sự dạy dỗ của Chúa trong đạo Tin Lành.
Sự tin Chúa của tôi cũng như của ông bà thân tôi là một cuộc Cách Mạng tinh thần, còn khó hơn một cuộc Cách Mạng về xã hội. Ông thân tôi là trưởng nam của một dòng họ lớn; hưởng sản nghiệp của ông bà để lại có cả trăm mẫu đất ruộng tốt, phải lo cúng kính tổ tiên. Còn tôi cũng là con trưởng nam của ông thân tôi. Vì vậy, mà sự tin Chúa của tôi, rồi sau đến ông thân tôi tin theo Chúa nữa là một điều không phải dễ. Nếu không được Chúa can thiệp đến thì khó mà tin Chúa được; Song cảm tạ ơn Chúa, Ngài đã dùng nhiều phép lạ tỏ ra mà đem tôi cũng như ông bà thân tôi được trở về với Ngài.
Lúc đầu mới tin Chúa, tôi chưa dám tỏ ra cho ông bà thân tôi biết. Nhưng tôi đem câu chuyện về việc tôi gặp một người nói về đạo Tin Lành; ông ta thông Tây học, mà cũng thâm Hán học. Tôi thuật lại về sự lý mà ông đã nói về Thượng Đế, Đấng đã tạo cõi trời đất, sự vật; về bổn phận đáng phải có của loài người đối với Ngài. Về tội lỗi và sự sai lầm của người đời, cùng trưng dẫn những câu sách xưa; ông thân tôi đều chấp nhận chân lý ấy.
Đến khi ông biết được tôi tin Chúa thật, sinh hoạt với Hội Thánh, bỏ tạp quán và không chịu dự vào tiệc cúng quải ông bà; lại cũng làm cho bà thân tôi tin theo Chúa nữa, thì ông bắt bớ tôi mỗi ngày một mạnh hơn, mặc dầu ông rất thương tôi; biết tôi vốn là một đứa con hiếu thảo cũng là một thầy giáo trong xóm, được nhiều người nể nang. Cuối cùng ông xua đuổi tôi phải ra khỏi nhà. Khi ấy Chúa lại hậu đãi tôi. Cậu tôi làm Lại-mục ở phủ An Nhơn, Bình Định, về bảo tôi ra giúp việc văn phòng cho ông. Khi tôi ra ở đó, người ta coi tôi như một cậu ấm, vì cậu mợ tôi đã lớn tuổi mà không có con. Cậu tôi biết tôi đã tin Chúa, nhưng ông vẫn coi trọng sự tín ngưỡng tự do. Làm việc tại văn phòng của cậu tôi ở phủ An Nhơn; tôi tiếp xúc được với nhiều người hương lý từ các làng xã đến; tôi làm chứng về Chúa cho họ lúc có cơ hội. Do đó tôi mới biết được cụ Xã Thoạt, Lý trưởng xã Đa Tài, là người con cái của Chúa. Trong sự làm chứng cho Chúa cũng có người bằng lòng cầu nguyện tin Chúa.
Ở An Nhơn, điêù bất tiện cho tôi là rất xa nhà thờ Tin Lành mà lòng tôi rất thèm khát sự nhóm họp thờ phượng Chúa.
Tạ ơn Chúa, tôi ở An Nhơn chỉ trong một thời gian ngắn, thì cậu tôi được thăng quan vào làm Kinh-lịch trong tỉnh Bình Thuận. Tỉnh lị Bình Thuận đóng tại Phan Thiết. Khi tôi cùng vào với cậu tôi, thì tôi được sinh hoạt với Hội Thánh Phan Thiết, và nhờ đó cũng được tăng trưởng đời thuộc linh và sự học biết về Chúa.
Nói về gia đình của ông bà thân tôi; thì trong thời gian tôi đi xa gia đình, Chúa có làm việc để cứu ông thân tôi. Trong một đêm nọ, ông nằm ngủ và thấy chiêm bao liên tiếp đến ba lần; mỗi lần ông thức dậy, rồi ngủ; lại thấy nữa. Thấy những điều có sự dạy dỗ cho ông; về thiên đàng, địa ngục; về sự đoán phạt đối với ông nếu ông không chịu tin theo Chúa. Đến khi ông thấy lần thứ ba, ông run cả người; ông đánh thức các con mà ông không cho tin theo Chúa thức dậy. Ông lấy áo dài mặc vào người, chít khăn vào đầu; trải chiếu. Ông quì ở giữa, các con quì hai bên. Ông cầu nguyện xin Chúa tha tội cho mình và quyết định tin theo Chúa trọn đời. Đến sáng ngày, Chúa lại đưa hai vị Truyền đạo từ xa đến thăm ông, cùng làm lễ cầu nguyện cho ông.
Riêng phần tôi, khi đã tin theo Chúa, mỗi khi đọc Kinh Thánh, được Chúa soi sáng, biết được tình thương vô hạn của Thượng Đế đối với con người; sự hi sinh cao cả của Chúa Cứu Thế khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá để gánh tội cho loài người; thì tôi không cầm được nước mắt. Lòng tôi thương mến Chúa và đau xót cho loài người đã phạm tội, đã lầm lạc và xa cách Chúa; lòng kính mến Chúa bao nhiêu thì lại nghĩ thương đến những người chưa biết Chúa bấy nhiêu. Muốn cho Chúa được mọi người tôn thờ; cũng muốn cho mọi người được ơn cứu rỗi của Chúa. Vì vậy mà khi gặp ai, tôi cũng tìm cách nói về Chúa cho họ. Khi được nói về Chúa cho ai, tôi thấy lòng tôi vui thỏa khôn cùng, nên cả ngày tôi chỉ muốn nói về Chúa luôn. Cũng có nhiều người bằng lòng tin Chúa, dầu là người tuổi tác đáng bậc chú bác của tôi; do đó cũng làm cho lòng tôi nôn nả để làm chứng cho Chúa.
Rồi tôi cũng được Chúa kêu gọi đến sự hầu việc Ngài. Tôi vào trường Kinh-Thánh ở Đà Nẵng vào năm 1942-1944. Sau mãn hai khóa học, tôi được bổ chức truyền đạo ở Ban-Mê-Thuộc. (Lúc âý không có quy chế truyền đạo sinh). Tôi đến Ban Mê Thuộc khi còn độc thân. Đặc trách của tôi lo cho người Kinh; nhưng rồi cũng kim lo cho người dân tộc nữa; vì lúc bấy giờ ông mục sư Nguyễn Hậu Nhương phải đi Đà Lạt.
Ông mục sư Phạm Xuân Tín, vì thời cuộc không thể đên lo cho người Ra-đê được. Qua hai năm sau, ông mục sư Tín đến, thì tôi đặt biệt lo cho người Kinh. Song chẳng bao lâu thì tình thế biến đổi. Quân đôi Pháp tấn công đến Ban Mê Thuộc. Tôi và mục sư Tín, mỗi người chạy mỗi nơi. Mục sư chạy vào rừng, còn tôi dìu dắt một số người mới tin Chúa chạy về Trung Châu.
Về tới Phú Yên vào cuối năm 1946, tôi được địa hạt bổ nhiệm lo công việc Chúa tại Hội Thánh Tuy Hòa, kiêm lo cho hai Hội Thánh Long Cầu và La Hai nữa. Trong thời gian hầu việc Chúa ở đây, tôi lập gia đình với người con gái thư ba của cụ mục sư Ông Văn Trung (nguyên chủ nhiệm địa hạt Trung bộ).
Trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp của người Việt Nam, các tỉnh được coi là còn tự do, phải chịu nhiều khó khăn, nhất là Hội Thánh của Chúa phải chịu nhiều gian nan. Song bởi sự dìu dắt của Chúa, mà chúng tôi cũng như các con cái Chúa vẫn giữ được niềm tin và đứng vững trên con đường theo Chúa.
Đến tháng giêng năm 1954, tôi bị bắt và đưa đến các nơi cải tạo cấp liên khu, ở miền núi tỉnh Bình Định, rồi đến ở Quảng Ngãi nữa; cho tới lúc đã đình chiến và sự tập kết cả hai miền Nam-Bắc thì tôi mới được tha về. Khi được thả; tôi vào Nha Trang, rồi đi Đà Nẵng để gặp gia đình. Về đến Đà Nẵng, tôi được trường kinh thánh thâu nhận vào họ tốt nghiệp khóa 1954-1955. Cuối năm đã tốt nghiệp, chúng tôi được bổ đến lo công việc Chúa ở Hội Thánh Đức Phổ thuộc tỉnh Quảng Ngãi, cũng kiêm lo hai Hội nhánh ở Mộ Đức và Ba Tơ. Khi hầu việc Chúa ở đây, tôi vận động mua được một khu đất rộng lớn cho chi hội Một Đức, hiện là nơi đang có nhà thờ bây giờ; cũng có mở thêm một chi nhánh ở Bàn Thạch thuộc phía nam Đức Phổ.
Tại Đức Phổ, phải lo nhiều chỗ, mà tôi cảm thấy hết sức yếu, nên xin đổi đến nơi ít công việc hơn. Cuối năm 1957; Chúng tôi đổi ra ở Hội Thánh Tiên Quả (tỉnh Quảng nam). Khi đến Tiên Quả, mới vừa được hai tuần lễ, thì bị một trận bảo rất lớn. Nhà thờ và tư thất đều sập hoàn toàn; cây cối cũng gẫy rạp cả. Thật là một trận bảo kinh hoàng; suýt một chút, thì tôi và các con tôi tánh mạng không còn. Song Chúa đã cứu cách rất mầu nhiệm. Tôi cùng các con tôi đang đứng núp dưới một bức vách trông rất kiên cố trong nhà thờ. Bỗng nhiên vợ tôi la một tiếng rất lớn, bảo tôi phải gấp rút chạy qua phía khác. Tôii vừa dắt các con ra khỏi, cả bức vách đá ong to dày ngả nhào sập xuống.
Sau cơn bảo và lụt lớn; chúng tôi phải vận động tài chánh và xây cất lại nhà thờ cùng tư thất; công việc rất vất vã, nhọc nhắn. Nhà thờ và tư thất được xây lại rất đẹp, to lớn hơn trước gấp bội phần. Các con cái Chúa rất vui mừng, và chúng tôi cũng lấy làm thỏa lòng. Niềm vui chúng tôi chưa được bao lâu, thì sức khỏe của tôi ngày một yếu dần; nhưng cũng phải cố gắng hầu việc Chúa. Gần cuối năm ấy, một cơn sót nặng, tôi phải nằm lâu ngày không dậy được. Cảm biết tôi bị nọc sốt rét rừng; muốn điều trị được, phải có thì giờ nghỉ ngơi; vì vậy mà chúng tôi xin tạm nghỉ chức vụ, để về quê dưỡng sức.
Khi về tại nhà Tuy Hòa, chẳng bao lâu Chúa cho tôi được hồi sức. Chúng tôi được hợp tác với Giáo sĩ Thomas Stebbins trong việc giảng Tin Lành, thăm viếng các chi nhánh, cùng lo cho phòng sách tại Tuy Hòa. Đó là những công việc vào thời gian năm 1959-1963.
Đến giữa năm 1963, Giáo sĩ Thomas Stebbins thuyên chuyển ra Đà Nẵng, thì chúng tôi cùng đi với Giáo sĩ; và tôi lo cho trung tâm thanh niên tại Đà Nẵng. Đến cuối năm 1964, vì nhu cầu của địa hạt lớn hơn; chúng tôi được bổ chức đến lo công việc Chúa tại Hội Thánh Lệ Chí thuộc tỉnh Plei ku. Chúng tôi ở Lệ Chí đến năm 1972. Trong thời gian ở đây, chúng tôi mở được hai Hội nhánh là Hội Trà Đa gần biển hồ, và Hội Giô Suê ở khu phố 35 Plei ku. Chúa cho hai nơi này đều cất được nhà thờ.
Đến cuối năm 1972, chúng tôi được hôị thánh Plei ku mời. Chúng tôi lo công việc Chúa tại đây. Nhờ Chúa vùa giúp, giải quyết được những nan đề trong Hội thánh mà trong những năm trước không giải quyết được; cũng vận động mua được một cơ sơ tốt, làm nhà thờ cho chi nhánh Lệ Cần; có cả một khu đất rộng thêng thang dự bị cho sự sản xuất nông nghiệp ngày sau.
Chúng tôi tới Hội thánh Plei ku chưa đầy hai khóa, thì biến cố năm 1975 tại Plei ku. Phải di tản về Nha Trang. Địa hạt Nam Trung Bộ bổ nhiệm chúng tôi lo công việc Chúa tại Hội thánh Vạn Giả; Nhưng vì chính quyền không chấp thuận nên không thể đến ở được. Dầu vậy trong những năm tình thế khó khăn hơn hết thì tôi vẫn lặn lội thăm viếng anh em để giữ đức tin của họ. Tuy tín đồ không có bao nhiêu, mà nhà thờ không bỏ nhóm một Chúa nhật nào. Bởi vậy công việc Chúa được duy trì như hiện có.
Mấy năm gần đây, khi tình thế có phần dễ dàng hơn; tôi giao trọn cho thầy truyền đạo Hoàng Nhị Công lo. Tôi chỉ đứng bên sau để ủng hộ chức vụ cho thầy ấy.
Trong đời sống tin theo Chúa và phục vụ Chúa của tôi, chúng tôi thấy rõ Chúa là Đấng rất nhơn từ và thành tín. Cũng có những việc Chúa tỏ ra rất đặc biệt qua sự cầu nguyện của chúng tôi. Ngài đã cứu mấy người hoạn nạn mà đời này hay thuốc men không làm gì được. Tại Tuy Hòa có ông tên Phan Tần bị chó dại cắn, đã phát bệnh nặng. Suốt hơn tuần lễ say dại, nhào lộn; Nhưng sau khi tôi cầu nguyện thì bệnh liền lành, không có trở lại nữa. Tại Đức Phổ có một bà gọi là bà Cửu Trà bị điên suốt cả 8 năm rồi; thường giống như người say rượu. Biết ăn mặc đẹp, đến lúc đúng giờ Ngọ thì cử động và nói năng khác thường. Chúa đã cứu bà thoát khỏi nhiều quỉ dữ. Khi bà lành bệnh, bà tin theo Chúa và đã đem chồng con tin Chúa nữa.
Tại Plei ku cũng có hai người. Một cô thiếu nữ gốc Quảng Ngãi; và một bà gọi là thiếu tá Lai. Bà Lai, gia đình đã đem bà đến nhiều chùa nhiều miễu; tốn nhiều thuốc men suốt cả 4, 5 tháng. Khi chúng tôi đến nhà cầu nguyện cho bà, thì Chúa đã cứu bà. Bà được Chúa đuổi quỉ ra khỏi; Bà và cả gia đình bà quay về với Chúa. Lại còn nhiều sự kỳ diệu khác mà làm sao nói ra đây cho hết được.
Trong những ngày như không làm được việc gì cho Chúa. Tôi lợi dụng thì giờ, cậy ơn Chúa viết ra những bài giảng luận về ơn cứu rỗi của Chúa; bằng những án văn thơ; bằng những bài tiểu luận. Mong khi có thể xuất bản được thì cũng góp phần trong sự xây dựng Hội thánh của Chúa ngày sau.
Hôm nay chúng tôi đã già, tuổi tôi đã ngoài 70. Sức yếu, không thể đảm đương công việc trong một Hội thánh được, nên đã xin hưu. Song trong ơn kêu gọi của Chúa đối với chúng tôi, thì làm sao chúng tôi dửng dưng được với những gì mà chúng tôi còn có thể làm được cho Ngài. Mong quí tôi con của Chúa gần xa nhớ cầu nguyện nhiều cho chúng tôi với.
Bài hồi ký này viết xong ngày 25/10/91
Nhằm ngày 18/9 năm Tân Sửu
Mục sư NGUYÊN KIM KHÁNH