Trọng Chúa Giê-su cảnh báo rằng sau khi Ngài thăng thiên người ta sẽ rao giảng và được nhiều người đón nhận một tin lành hứa hẹn một sự cứu rỗi mà không để Chúa Giêsu làm Chúa. Các sứ đồ nói cụ thể hơn và cho biết rằng chuyện này sẽ diễn ra khi càng gần tới thời điểm Chúa Giê-su tái lâm – nghĩa là trong thời đại chúng ta. Sứ điệp tà giáo và phổ biến này hạ thấp Chúa, xem đó chỉ là một tên gọi chứ không phải vị trí mà Chúa Giê-su có trong đời sống con người. Người ta sẽ gọi Ngài là Chúa nhưng không tự bỏ mình đi, vác thập tự giá mình mà theo Ngài. Hãy đọc kỹ những lời của Chúa Giê-su. Không phải hễ ai nói với Ta: Lạy Chúa, lạy Chúa đều sẽ vào Nước Thiên Đàng đâu, nhưng chỉ những người làm theo ý muốn của Cha Ta ở trên trời. (Ma-thi-ơ 7:21) Chúa Giê-su nhận ra những người tuyên bố Ngài là Chúa, chứ không phải Mohamad, Joseph Smith, Phật tổ, thần Krishna, Khổng tử hay bất cứ tiên tri giả nào khác trong thời đại chúng ta. Những người này sẽ gọi Chúa Cứu Thế Giê-su là Chúa và họ nói vậy với cả lòng nhiệt huyết. Tại sao Chúa Giê-su dùng từ Chúa hai lần trong câu này? Chúng ta hiểu rằng khi một từ hay cụm từ được lặp lại trong Kinh Thánh thì không phải là tình cờ. Tác giả đang chuyển tải sự nhấn mạnh. Tuy nhiên, trong những trường hợp như thế, sự lặp lại không chỉ để nhấn mạnh mà còn thể hiện cảm xúc mạnh. Ví dụ, trong Cựu Ước, khi Đa-vít nghe tin con trai ông bị quân đội của Giô-áp hành hình, ông phản ứng biểu lộ cảm xúc mãnh liệt: "Trong khi đó, vua trùm mặt, khóc than lớn tiếng: "Ôi, con ơi! Ápsa-lôm, Áp-sa-lôm, con ơi, con ơi!” (2Sa-mu-ên 19:4). Tôi không nghĩ là Đa-vít đã nói hai lần từ, "con ơi.” Mà tác giả đã lặp lại những từ này hai lần để độc giả hiểu tiếng than khóc của Đa-vít thật xúc động làm sao. Cùng một hình thức này xuất hiện trong sách Khải Huyền: "Tôi đang ngắm nhìn, chợt nghe một con đại bàng bay giữa trời rao lớn rằng: Khốn thay, khốn thay, khốn thay cho các dân cư trên mặt đất vì những tiếng kèn mà ba thiên sứ sắp thổi lên.” (Khải Huyền 8:13). Các bản dịch khác dịch thiên sứ "la lớn tiếng.” Một lần nữa, tác giả lặp lại từ khốn thay để nhấn mạnh cảm xúc mạnh liệt. Tương tự, Chúa Giê-su chuyển tải tình cảm mạnh mẽ của những người này dành cho Ngài. Họ không chỉ đồng ý với lời dạy rằng Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời, mà họ còn đầy nhiệt huyết và đầy cảm xúc trong niềm tin của họ. Chúng ta đang nói về những người rất phấn khởi trở thành cơ đốc nhân, phần lớn là những người bộc lộ cảm xúc khi nói về đức tin của họ và tan vỡ trong suốt buổi thờ phượng. Họ không chỉ cảm nhận sâu sắc về chính nghĩa của Đấng Cứu Thế mà họ cũng tham gia phục vụ Ngài: "Trong ngày Phán xét sẽ có nhiều người phân trần: Thưa Chúa, chúng tôi đã giới thiệu Chúa cho nhiều người, đã dùng Danh Chúa để đuổi quỷ và làm nhiều phép lạ.” (Ma-thi-ơ 7:22-BDY) Ở đây dùng Bản Diễn Ý vì nó chuyển tải ý niệm những người này phân trần. Họ có trực tiếp tham gia hay hỗ trợ công việc của hội thánh. Họ cũng bày tỏ niềm tin của mình về phúc âm. "Chúng tôi đã giới thiệu Chúa . . .” Họ là một phần trong công việc thay đổi cuộc sống người khác. Bản dịch Kinh Thánh Diễn Ý này dịch nhiều người. Tuy nhiên, đa số bản dịch cũng dùng từ vô số người. Tiếng Hy Lạp là polus, được định nghĩa là "Nhiều về con số, về số lượng hay về chất lượng.” Thường từ này dùng theo nghĩa "đa số.” Trong bất cứ trường hợp nào, Chúa Giêsu không nói về một nhóm ít người mà nói về một nhóm đông người – thật ra, số đông này chiếm rất cao. Nói tóm lại: Chúa Giê-su nói về những người tin lời dạy của các sách Phúc Âm. Họ gọi Ngài là Chúa, họ ngập tràn cảm xúc, họ rao giảng sứ điệp tin lành và năng nổ phục vụ Chúa. Chúng ta rất dễ cho rằng họ là cơ đốc nhân thật. Vậy thì yếu tố khác biệt ở đây là gì? Họ khác với các tín hữu thật như thế nào? Chúa Giê-su cho chúng ta biết: "Nhưng Ta sẽ tuyên bố rõ ràng với họ, Nầy những kẻ làm ác, hãy đi cho khuất mắt Ta!Ta chưa hề biết đến các ngươi.” (Ma-thi-ơ 7:23) Câu chìa khóa là "làm ác.” Tiếng Hy Lạp là anomia. Từ điển Greek-Engish Lexicon of the New Testament của Thayer định nghĩa đó là tình trạng không có luật pháp, do thiếu hiểu biết hoặc do vi phạm luật pháp. Từ điển The Encyclopedia of Bible Words làm sáng tỏ thêm khi cho rằng anomia có thể phản ánh "hành động... vi phạm các nguyên tắc đạo đức của Chúa.” Nói đơn giản, một người vô luật pháp không tuân giữ thẩm quyền của Lời Chúa. Những người này không phải thỉnh thoảng vấp ngã; mà họ có thói quen bỏ qua, xem thường hay không vâng theo Lời Chúa. Nếu thật sự được cứu bởi ân sủng, họ không chỉ ghét bỏ ý nghĩ muốn phạm tội mà còn chọn tránh xa tội lỗi. Họ sẽ đóng đinh xác thịt cùng với những dục vọng và ham muốn mà theo đuổi phẩm cách và kết quả tin kính. Thật thú vị khi để ý rằng một ngày nào đó Chúa Giêsu sẽ tuyên bố với họ, "Ta không hề biết các ngươi.” Chữ biết trong tiếng Hy Lạp là ginosko, nghĩa là "biết thân mật.” Những người này chưa bao giờ có mối quan hệ thật với Chúa Giê-su. Dù họ gọi Ngài là Chủ và Chúa, đó chỉ là một danh hiệu, vì họ không làm theo những gì Ngài phán. Bằng cớ một người thật sự có mối quan hệ với Chúa là họ gìn giữ Lời Ngài: Nhờ điều này chúng ta biết rằng mình đã biết Ngài: Ấy là chúng ta tuân giữ các điều răn của Ngài. Người nào nói: "Tôi biết Ngài”, nhưng không tuân giữ các điều răn của Ngài là người nói dối, chân lý không ở trong người đó. (1 Giăng 2:3-4) Đây cũng là ngụ ý của Gia-cơ khi ông viết, "Anh hãy chỉ cho tôi đức tin không có hành động của anh, rồi tôi sẽ cho anh thấy đức tin bằng hành động của tôi” (Gia-cơ 2:18). Và những câu này cũng hoàn toàn phù hợp với cách mà Chúa Giê-su bắt đầu cuộc đàm đạo này: "Thế thì, các con nhận biết người ta là nhờ quả của họ” (Ma-thi-ơ 7:20). Những hành động Chúa Giê-su nói đến ở đây không phải công tác tôn giáo, làm chứng tin lành hay đi nhà thờ, vì những người quay lưng khỏi Chúa sẽ có những thói quen như thế. Tim Keller bàn đến những lời này của Chúa Giê-su:
Những lời này đang nói về một điều rất sâu sắc hơn.
Những người này có đức tin lí trí, có đức tin mang tính cảm xúc và đức tin theo kiểu xã hội. Tất cả chúng ta đều muốn thế.
Chúng ta muốn được kích thích suy nghĩ, muốn có cảm xúc can dự và muốn được lợi từ xã hội. Có thể được kích thích suy nghĩ, thỏa mãn cảm xúc và ích lợi xã hội mà không muốn có Đức Chúa Trời ... bởi vì nếu bạn thật sự có Chúa trong đời, bạn phải từ bỏ ý chí riêng, và điều đó cho thấy sự khác biệt giữa người cố gắng lợi dụng Chúa và người nỗ lực phục vụ Chúa. Lợi dụng Chúa là tìm kiếm Ngài vì mục đích có được lợi lộc từ Ngài, ngay cả chỉ để được lên thiên đàng. Phục vụ Chúa là hoàn toàn được thúc đẩy bởi tình yêu của chúng ta dành cho Ngài, và nếu chúng ta yêu Ngài, chúng ta sẽ tuân giữ lời Ngài. Ngày nay, đa số xem một người gọi Giê-su là Chúa, tin những lời dạy của Ngài, rất hăng say tham gia và năng nổ làm công tác tôn giáo là con cái Chúa. Nhưng chúng ta thấy rõ từ những lời phán của Chúa Giê-su rằng những yếu tố này không phải là những yếu tố quyết định để xác định một tín hữu thật. Để tôi nói như thế này. Chắc chắn bạn sẽ thấy những phẩm chất này trong một tín hữu thật; đúng vậy, là một tín hữu thật thì không thể thiếu những điều đó. Tuy nhiên, có những phẩm chất này không có nghĩa là người đó là con cái Chúa thật. Yếu tố quyết định là đây: họ có tự bỏ mình và mang lấy thập tự giá mà đi theo Ngài không? Thực ra là họ có vâng lời Ngài không? Phần trình bày này là chủ đề kết thúc trong bài giảng Trên Núi nổi tiếng của Ngài. Để đúc kết những lời tỉnh thức của Ngài, Ngài kết luận: "Vậy, ai nghe lời Ta dạy và làm theo, sẽ giống như một người khôn ngoan xây nhà mình trên nền đá. Khi mưa đổ xuống, nước lụt dâng lên, cuồng phong ập đến, nhà ấy không sụp đổ vì đã được xây trên nền đá. Còn ai nghe lời Ta dạy, nhưng không làm theo thì giống như một người ngu dại xây nhà mình trên cát. Khi mưa đổ xuống, nước lụt dâng lên, cuồng phong ập đến, thì nhà ấy sụp đổ, hư hại nặng nề.” (Ma-thi-ơ 7:24-27) Dụ ngôn này liên quan đến lời cảnh báo của Ngài về nhiều người không được vào thiên đàng, vì Ngài kết nối ý này khi nói từ "vậy.” Nếu bạn xem xét hai nhóm người được xác định trong dụ ngôn này, ngoài mọi yếu tố khác thì chỉ có khác biệt rất nhỏ. Cả hai nhóm đều nghe lời Ngài, nhưng chỉ có nhóm đầu tiên là "làm theo.” Nhóm thứ hai "không làm theo.” Cả hai ngôi nhà được làm từ vật liệu như nhau – cùng sự dạy dỗ. Cả hai nhóm đều thờ phượng và phục vụ giống nhau. Sự khác biệt quan trọng là cái nền. Một nhà được lập trên quyền làm Chúa của Chúa Cứu Thế Giê-su. Còn nhà kia vẫn còn bám chặt vào sự đánh giá của riêng mình về điều nào là tốt và điều nào là xấu – tức cũng một thứ triết lí mà A-đam và Ê-va đã bám víu. Thật ngạc nhiên khi biết rằng điều dại dột này vẫn còn lặp lại, từ thời vườn Ê-đen cho đến nay. Dù nó núp dưới vỏ bọc khác, nhưng bên trong thì vẫn như cũ. Một lần nữa, điều cốt lõi là : chúng ta cho rằng mình biết rõ mình sẽ sống thế nào hay chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời biết điều gì là tốt nhất?
John Bevere (Đời Hay Đạo)