Tôi không biết mình có khái niệm nầy từ bao giờ, nhưng trước đây tôi từng cho rằng tất cả những gì vui thích, hiếu động, màu sắc rực rỡ đều mang tính chất tội lỗi.
Ví dụ một : Những người tin kính thực sự phải ăn mặc đơn giản, càng thánh thì càng phải mặc y phục càng đen (hoặc càng trắng tùy theo quan điểm của từng giáo phái).
Ví dụ hai : Một câu chuyện vui, dù lành mạnh cũng không được đem ra kể giữa vòng những người thực sự thuộc linh.
Ví dụ ba : Tất cả những gì mang tính chất tôn giáo đều phải được thực hiện một cách nghiêm trang, không pha trộn tình cảm. Nếu có thể, người ta còn phải sử dụng ngôn ngữ cổ để cầu nguyện. Lời cầu nguyện phải được phát ra một cách đều đều, không lên không xuống thì mới hiệu quả.
Có lẽ bạn cũng có một phần trong những ý niệm ấy, nhưng nhìn chung đây là hình ảnh mà chúng ta đã vẽ lên cho thế gian thấy ý nghĩa của sự tin kính. Người ta hình dung Chúa như thế nào y như khuôn mẫu chúng ta vừa đề cặp đến ? Bởi Chúa là Đấng Thánh Khiết nhất nên phải chăng Ngài không bao giờ có một nụ cười. Phải chăng Ngài luôn mặc một bộ đồ cực đen, nói giọng đều đều và không bao giờ nhúc nhích. Phải chăng chúng ta học cách thức kính trọng Chúa duy nhất khi cha mẹ nghiêm nghị nhắc chúng ta "Ngồi im ! Con không biết mình đang ngồi trong nhà của Chúa sao?”.
Vậy chẳng có điều gì ngạc nhiên khi mọi người cảm thấy sự mâu thuẫn trong khái niệm ca sĩ Cơ Đốc. Khi kiểm nghiệm trong Kinh Thánh, bạn có thấy một Đấng buồn tẻ, không màu sắc, không sinh khí không ? Sa-tan muốn chúng ta tin rằng chỉ ở trong hàng ngũ của hắn mới có niềm vui, sự hứng thú, nhưng chẳng có gì xa sự thật hơn điều ấy. Chỉ cần đọc trong Khải Huyền, bạn có thể thấy dễ dàng sự vinh hiển của Chúa. Nào là cầu vòng rực rỡ xung quanh ngai vàng của Chúa. Nào Đấng Tạo Hóa của tất cả năng lượng chẳng ngồi thụ động một chỗ như tượng gỗ.
Một trong những câu Kinh Thánh mà tôi ưa thích, Sô-phô-ni 3:17 nói rằng "Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi ở giữa ngươi. Ngài là Đấng quyền năng sẽ giải cứu các ngươi, Ngài sẽ vui mừng cả thể vì cớ ngươi. Vì lòng yêu thương Ngài sẽ nín lặng, vì cớ ngươi Ngài sẽ ca hát mừng rỡ”. Chúa tưng bừng hoan hỉ bởi hành động của những kẻ yêu mến Ngài, là Đấng Sáng Tạo chúng ta trong hình bóng của Ngài, Ngài biết rõ mọi biểu lộ tình cảm dù nỗi buồn hay niềm vui. Ngài là trung tâm của mọi hứng thú, là chủ bút của mọi vở kịch, là tác giả của mọi cuộc biểu dương hùng vĩ, sắc đẹp và uy quyền.
Bất cứ một lãnh vực nào chúng ta rời bỏ, ma quỉ sẽ đến và chế ngự. Cũng vậy trong lĩnh vực nghệ thuật, giải trí và thể thao. Nghệ thuật đóng kịch được sáng tạo trong nhu cầu truyền giáo, truyền thông sứ điệp của Kinh Thánh cho dân chúng là những người không biết chữ lúc bấy giờ. Ngày nay chúng ta phải chiếm lại và sử dụng kịch cũng như tất cả các hình thức giải trí khác để minh họa Chúa một cách sáng tạo cho thế gian.
Thương Mại, Khoa học và Công nghệ
"Ôi, món lợi bất nhân”; "Bước thang danh vọng”; Đạp đầu nhau để chạy tới đích.” Phải chăng những câu nói hàng ngày bày tỏ thái độ của chúng ta đối với giới thương mại doanh nghiệp? Phải chăng mọi hình thức làm ra tiền đều xấu xa? Liệu Chúa Thánh Linh muốn bạn thành công trong thế giới thương mại và kỹ nghệ hay không? Liệu người giàu có được vào thiên đàng hay không?
Chúa Giê-xu nói không dễ gì làm được việc ấy. Chúa biết người thừa thải ơn huệ vật chất khó có thể trọn lòng hầu việc Chúa. Khi một chàng trai giàu có và đầy thế lực đến với Chúa Giê-xu, Ngài nhìn thấy tiền bạc chứ không phải là Đức Chúa Trời đang chiếm ngự ngay lòng của anh ta. Ngài phán rằng anh hãy bán hết gia tài, rồi phân phát cho người nghèo và theo Chúa. Nhưng anh ta đã thất bại.
Phải chăng Chúa Giê-xu cho chúng ta biết một khuôn mẫu? Vâng ! Nếu tiền bạc chiếm vai trò quan trọng nhất trong cuộc sống, nó trở nên thần tượng. Chúa sẽ thử thách xem chúng ta có coi trọng tiền bạc hơn Chúa không. Chúa có thể yêu cầu bạn cho đi tất cả những gì bạn có, không chỉ một nhưng nhiều lần. Có thể Chúa muốn bạn làm giáo sĩ trong thế giới thương mại, ban cho bạn tiền bạc một cách rộng rãi để bạn có thể chia sẻ cho nhiều người khác. Trong bài giảng "Cách sử dụng tiền bạc” John Wesley, nhà truyền đạo nổi tiếng sống cách đây 200 năm đã để lại một lời khuyên chí tình như sau "Làm lợi với tất cả mọi khả năng, tiết kiệm với tất cả mọi khả năng, và cho đi với tất cả mọi khả năng.” Không dễ gì tìm ra một phương cách sống tốt hơn lời khuyên ấy.
Khoa học và kỹ nghệ là những phương tiện phục vụ tốt đẹp nhưng đồng thời cũng là những môi trường mà một số Cơ Đốc nhân tránh xa trong quá khứ. Khoa học chân chính và Đạo Cơ Đốc hoàn toàn tương đồng với nhau. Không những vậy, khoa học và kỹ nghệ càng cần sự lãnh đạo thuộc linh của Cơ Đốc nhân. Chưa bao giờ trong lịch sử, con người có thể thực hiện biết bao điều kỳ diệu trong kỹ thuật nhưng bất lực và thiếu thốn về đạo đức như ngày nay. Chúng ta cần Cơ Đốc nhân tiên phong trong lĩnh vực nầy như một nôi trường truyền giáo vậy.
Tổng Thống John Kennedy là người đặt mục tiêu gởi người lên mặt trăng trước sự chung kết của thập niên sáu mươi. Khải thị của ông đã dẫn đến một cuộc bùng nổ về kiến thức mà hôm nay chúng ta vẫn còn áp dụng trong cuộc sống hằng ngày. Nếu cuộc chạy đua về khoa học vũ trụ đã tạo điều kiện cho sự ra đời của máy tính bỏ túi, máy điện toán vi tính xách tay hay nhiều công cụ điện tử kỳ diệu khác thì làm sao cuộc chạy đua về truyền bá Phúc Âm không đem lại sự tăng trưởng vượt bậc về kiến thức và kỷ nghệ?
Xin bạn hãy cho phép tôi đưa ra một dẫn chứng tại Trường Đại Học Cho Các Dân Tộc (University of the Nations) của hội TNVMSM, trưởng khoa Kiến Thức và Công Nghệ là Tiến sĩ Howard Mamstard một nhà khoa học lỗi lạc và là một tín hữu khiêm nhường. Dưới sự lãnh đạo của ông các nhân viên trong khoa đã sáng chề ra một máy phân tích hóa học loại nhỏ, có thể kiểm nghiệm thành phần từ đất đến máu... Sự ứng dụng của máy vô cùng phong phú trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dược phẩm, dinh dưỡng của các nước thế giới thứ ba. Họ còn đang tiến hành sản xuất loại máy xách tay, chạy bằng pin để các giáo sĩ có thể sử dụng trong các môi trường dã chiến.
Nhịp đập trái tim của các nhân viên trong khoa Kiến Thức và Công Nghệ là thực hiện Sứ Mạng Trọng Đại của Chúa. Tuy nhiên song song với công việc ấy họ gớp phần mở mang kiến thức phục vụ nhân loại.
Có bao giờ một mục sư hay một giáo sĩ phục vụ Chúa trọn thời gian hỏi bạn đang làm gì để sinh sống, bạn trả lời một cách miễn cưỡng "Thưa ông, tôi chỉ làm một công việc đời thôi”. Lập tức một ranh giới giữa hai người được vạch ra. Thánh nhân và thế nhân, thầy, cha và giáo hữu. Công việc của Chúa, của tôi và của ma quỉ...
Hình như có một sự phân chia rõ rệt trong ý nghĩ của chúng ta : Có một vương quốc tối tăm tồn tại từ đêm thứ sáu đến khuya thứ bảy. Có một vương quốc sáng láng, vương quốc của Chúa tồn tại trong ngày Chúa nhật. Phần còn lại từ sáng thứ hai cho đến chiều thứ sáu là vương quốc của đời. Bạn không nói gì về hai vương quốc kia trong những ngày lao động. Bạn chỉ biết đến sở để làm việc và nhận lãnh tiền công mà thôi.
Ý tưởng nầy chắc chắn không đến từ Kinh Thánh. Tôi tin rằng đối với Cơ Đốc nhân, khái niệm trần tục không có chỗ tồn tại. Mỗi một cá nhân đều thuộc về một trong hai vương quốc : Ánh sáng hoặc Tăm tối. Chúng ta phải ý thức rõ ràng điều đó và cầu nguyện : Xin Nước Ngài được đến, Ý Ngài được nên, trong công việc, trong doanh nghiệp, trong trang trại, trong trường sở, trong chuyên môn của con, trong đài phát thanh nơi con đang làm việc... Trong bất cứ một lĩnh vực ảnh hưởng mà Chúa gọi con tham gia.
Loren Cunningham ̣(Dám Sống Trên Bờ VựcĐ