“Ba-na-ba muốn đem theo Giăng cũng gọi là Mác. Nhưng Phao-lô thì nghĩ không nên đem Mác theo, vì Mác đã lìa bỏ hai người tại Pam-phi-ly, không cùng họ tiếp tục công tác. Do đó, có sự tranh luận gay gắt đến nỗi hai người phân rẽ nhau: Ba-na-ba đem Mác cùng đáp tàu đi đến đảo Síp.” (Công Vụ 15 :37-39)
Mỗi người hành động điều tốt hoặc xấu đều có nguyên do của mình. Kinh Thánh mô tả một nhân vật trẻ tuổi mang tên Giăng, biệt danh là Mác có vài nét đặc thù tốt và xấu. Nhân vật nầy cũng là hình ảnh của giới trẻ ngày nay. Mời bạn cùng tôi suy gẫm đời sống thăng trầm của Giăng Mác để được nhắc nhở rằng trong hành trình tin theo và phục vụ Thiên Chúa, nếu bị vấp ngã, bỏ cuộc, thì phải đứng dậy và tiếp tục cho đến đích cuối cùng của cuộc hành trình.
1. Ðời Sống Chịu Ảnh Hưởng Từ Gia Ðình. Giăng Mác sinh trưởng trong một gia đình tin kính Chúa. Mẹ của Mác là một tín hữu sốt sắng, yêu mến Chúa tại Hội Thánh Ðầu tiên ở Giêrusalem. Bà đã dùng nhà của mình làm điểm nhóm cho các sứ đồ và môn đồ trong lúc Sứ đồ Phierơ bị bắt giam trong tù vì tội rao giảng Lời Chúa. Phải nhìn nhận rằng Hội Thánh Ðầu tiên tại Giêrusalem được khích lệ về tinh thần tiếp khách và phục vụ Chúa của mẹ Giăng Mác. Sinh hoạt nhóm nhỏ tư gia là một trong những yếu tố quan trọng trong công việc xây dựng và phát triển Hội Thánh Chúa. Mong rằng trong các Hội Thánh ngày nay có thêm nhiều bà mẹ yêu mến Chúa và dùng nhà mình là điểm nhóm học Kinh Thánh, cầu nguyện,và thông công với nhau. Ảnh hưởng niềm tin từ trong gia đình mình đã khiến anh Giăng Mác trẻ tuổi nầy sốt sắng tham gia công tác truyền giáo với Sứ đồ Phao Lô và cậu mình là Banaba (Công Vụ 13:1-5). Người Việt Nam ta khi khuyên con cái lập gia đình thì khuyên dạy như sau: “Trai lấy vợ chọn tông, gái lấy chồng chọn giống!” Vâng, niềm tin kính Chúa từ cha mẹ trong gia đình sẽ gây ảnh hưởng tốt trên con cái của mình.
Chúng ta không được nghe về cha của Mác. Cha của Mác là người Hy-lạp vì tên gọi Giăng Mác là tên của người Hy-lạp. Tuy nhiên, Giăng Mác có một diễm phúc giống như Timothê, đó là được mẹ mình dạy dỗ, tập tành đời sống tin kính từ thuở nhỏ theo văn hóa và phong tục Do Thái giáo (1 Timôthê 1:5). Như vậy, gia đình đóng một vai trò rất quan trọng trong sinh hoạt của con người. Nho giáo có câu: “Nước mưa giọt trước nhỏ sao, giọt sau nhỏ vậy.” Một tài liệu Tây phương phân tích về 3 loại gia đình của giới trẻ ngày nay: (1) gia đình ruột thịt, (2) bạn bè trong trường học, và (3) Nhà thờ - nơi sinh hoạt tâm linh. Bạn có bao giờ ngồi xuống, ngẫm nghĩ cuộc đời để rồi cảm tạ Chúa về mái ấm gia đình của mình không? Vâng, gia đình đầm ấm là niềm mong ước chung của mọi người. Con cái cần sự dưỡng dục của cha mẹ để trở nên người thành nhân và thành công trong xã hội. Câu ca dao: “Cá không ăn muối cá ương. Con cãi cha mẹ trăm đường con hư. ” thật là đúng!
2. Ðời Sống Chịu Ảnh Hưởng Từ Người Khác. Giăng Mác chịu ảnh hưởng tốt từ những người bạn hữu của ông. Giăng Mác đã được Sứ đồ Phierơ dẫn dắt trở lại tin Chúa (1 Phierơ 5:13). Giăng Mác là con đức tin và tinh thần của Sứ đồ Phierơ. Còn nói về công tác phục vụ thì Phao Lô và Banaba là những bạn đồng lao với Mác trong công tác truyền giáo nầy. Chọn bạn đồng hành để đi đường là điều rất quan trọng. Kinh Thánh dạy rằng: “Bạn bè xấu làm hư tánh nết tốt.” (1 Côr. 15:33). Người Mỹ có câu: “Muốn đi nhanh, bạn đi một mình. Muốn đi xa, bạn cần người đồng hành.”
Có một khúc quanh trong cuộc đời trẻ tuổi của Giăng Mác là anh đã bị tiếng nói của tuổi trẻ, của quan điểm tự do thoải mái điều khiển và khiến cho anh đã rời bỏ công tác truyền giáo đang khi làm nhiệm vụ của mình. Sự thất bại của Giăng Mác dạy dỗ các bạn trẻ hôm nay là cho dù các bạn có gần gũi với người mạnh mẽ, sốt sắng yêu mến Chúa, nhưng nếu chính các bạn không có được lòng yêu mến Chúa và kiên trì trong công tác phục vụ, các bạn vẫn có thể rời bỏ công tác giống như Giăng Mác. Chúng ta có thể nhìn xem gương của người đi trước, nhưng chúng ta phải tạo một chỗ đứng vững vàng cho mình trong phương diện đức tin và công tác phục vụ. Kinh Thánh không bao giờ nói là công tác phục vụ Chúa dễ dàng, thích thú, có nhiều quyền lợi v.v... Nhưng Kinh Thánh nhấn mạnh rằng công tác phục vụ Chúa là công tác khó nhọc, phải tốn nhiều công khó, phải đổ nhiều mồ hôi và nước mắt! Nhưng rồi con dân Chúa sẽ gặt hái cách vui mừng và nhận nhiều phước hạnh. (2 Côrinhtô 11:16-33; Thi-thiên 126:5-6).
Mặc dầu bị nản chí, bỏ cuộc, nhưng Giăng Mác đã đứng dậy và tiếp tục cuộc hành trình thuộc linh của mình. Kinh Thánh cho biết Banaba là cậu của Giăng Mác đã đóng vai trò là người an ủi, khích lệ, và động viên Giăng Mác trở lại trong công tác truyền giáo. Nhờ Banaba mà Giăng Mác đã làm lại cuộc đời hầu việc Chúa của mình (Công vụ 15:37-39) Tên Banaba có nghĩa là “Con trai của sự an ủi” (Công vụ 4:36). Hội Thánh của Chúa ngày nay cần có nhiều “Banaba” để an ủi, khích lệ, và động viện người khác tiếp tục bước theo Chúa và hầu việc Ngài.
Bạn chịu ảnh hưởng gì từ những người bạn của mình? Sống ở xã hội tây phương nầy, những chữ mà người lớn cần ghi nhớ và thực hành đối với người trẻ là: yêu thương, tha thứ, và chấp nhận. Trong công tác hầu việc Chúa, Kinh Thánh cho biết luôn có cơ hội thứ hai. Có người nói rằng: “Bạn có thể bị đánh bại, nhưng không bị loại. ”- “You can be knocked down but not knocked out.” Hãy đứng dậy và làm lại cuộc hành trình đi theo Chúa và phục vụ Chúa của mình. Ðừng nằm quá lâu tại chỗ mình bị té. Ðừng ngồi lâu quá tại chỗ mình bị mỏi mệt! Giống như Giăng Mác, hãy làm lại cuộc đời ngay bây giờ. Chúc bạn thành công!
Mục sư Lê Hồng Phúc
Địa chỉ liên lạc:
Hội Thánh Báp Tít Đức Tin
11312 Shiloh Rd., Dallas, TX 75228
(972) 270-1557
Facebook: Viet Faith Dallas; www.VietFaith.org
Email: mspeterhongle@gmail.com
Lễ Thờ Phượng lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật
Quản Nhiệm: Mục sư Peter Lê Hồng Phúc