Lầm lỗi trong đời sống là điều không ai tránh được, chính vì thế mà việc tha lỗi cho người khác cũng là điều chúng ta phải thường xuyên đối diện. Dù với thiện tâm và ý chí sắt thép đến đâu con người cũng có lúc thấy mình thất bại và phải nhìn nhận rằng nhân vô thập toàn và như Thánh Kinh đã khẳng định, "mọi người đều phạm tội không còn phản chiếu vinh quang Thượng Đế" (Rô-ma 3:23. Nếu trong số quí thính giả có ai nghĩ rằng mình chưa hề phạm lỗi gì và sẽ không bao giờ phạm tội thì Câu Chuyện Phúc Âm hôm nay không dành cho quí vị đó. Như vậy, tương phản với tình trạng phạm tội nằm trong bản chất của con người, bổn phận tha lỗi cho người xúc phạm lại cũng là một nan đề chúng ta phải đối diện. Sau khi nghe Chúa Giê-xu dạy về bổn phận tha thứ và giải quyết các mối bất hòa, sứ đồ Phi-e-rơ hỏi Chúa, "Thưa Chúa, nếu anh em tôi phạm tội cùng tôi thì sẽ tha cho họ mấy lần, có phải đến bảy lần không?" Khi đặt câu hỏi và tự đề nghị câu trả lời như thế có lẽ thánh Phi-e-rơ nghĩ rằng Chúa sẽ nhận định về ông là một con người rộng lượng, bao dung hiếm có, vì thông thường, đối với lề luật đương thời, tha lỗi cho một người ba lần đã là cao thượng lắm rồi. Tuy nhiên khi nghe câu Chúa trả lời chắc ông rất kinh ngạc. Đối với chúng ta ngày nay, có lẽ nhiều người đã phải lắc đầu không thể hiểu. Chúa Giê-xu dạy: "Ta không bảo ngươi tha bảy lần đâu nhưng là bảy mươi lần bảy", tức là 490 lần. Có người lại hiểu là "bảy lũy thừa bảy mươi", và như thế là một con số vô cùng lớn. Nói cách khác, Chúa dạy phải tha thứ luôn luôn. Để minh giải đồng thời khẳng định điều Chúa dạy về sự tha thứ, Chúa Giê-xu kể một câu chuyện độc đáo được ký thuật trong Phúc âm Ma-thi-ơ 18: 23-35 như sau:
Vậy nên, nước thiên đàng giống như vua kia, muốn tính sổ với các đầy tớ mình. Khi vua khởi soát sổ thì có người đem nộp một tên kia mắc nợ vua một vạn ta-lâng. Vì người không có gì trả nợ, vua ra lệnh bán hắn cùng vợ con và tất cả tài sản để trả nợ. Người đầy tớ quì xuống van lạy: "Xin Ngài hoãn lại cho tôi, tôi sẽ trả hết." Vua động lòng thương xót, thả người đầy tớ ấy ra và tha hết nợ. Người đầy tớ ấy đi ra thấy một người đầy tớ khác mắc nợ mình một trăm đồng đê-na-ri, liền bắt lấy, nắm cổ đòi: "Hãy trả nợ cho ta!" Người đầy tớ kia quì xuống năn nỉ: "Xin anh hoãn lại cho tôi, tôi sẽ trả hết." Nhưng người đầy tớ ấy không chịu, bắt anh đầy tớ kia bỏ tù cho đến khi trả hết nợ. Thấy thế, những đầy tớ khác rất buồn, họ đi báo cáo với vua mọi sự. Vua gọi người đầy tớ ấy vào và phán: "Tên đầy tớ độc ác kia! Vì ngươi van xin nên ta đã tha hết nợ cho ngươi, tại sao ngươi không thương xót đồng bạn như ta đã thương xót ngươi?" Vua nổi giận, giao cho cai ngục tống giam người đầy tớ ấy cho đến khi trả hết nợ. Cũng vậy, Cha ta ở trên trời sẽ đối xử với các con như thế, nếu các con không có lòng tha thứ anh em mình.
Qua câu chuyện thí dụ trên, Chúa Giê-xu dạy các môn đệ về lòng thương xót và bổn phận tha thứ cho nhau, nhưng đồng thời Chúa cũng tiết lộ cho chúng ta biết lòng tha thứ vô biên của Thượng Đế đối với con người, và đây là điều chúng ta cần biết, vì đây cũng là nhu cầu của tất cả chúng ta, ngoại trừ những người bảo rằng mình chưa hề có lỗi phạm gì.
Phạm tội theo nghĩa phổ thông là vi phạm, là không tuân giữ luật pháp của quốc gia, xã hội, luật thành văn hay ngay cả những qui ước được công nhận trong một tập thể con người hoặc luật tự nhiên ghi khắc trong lương tâm mà mỗi người tự biết. Tuy nhiên, ngoài những ý nghĩa trên, theo nghĩa của Kinh Thánh, phạm tội là sống sai mục tiêu thiên định, là không đạt được tiêu chuẩn của Thượng Đế, hoặc sống bất cần Thượng Đế. Trong sự phân tích đến tận cùng, chúng ta phải công nhận rằng khái niệm về công lý là khái niệm tiên thiên, do Đấng Tạo Hóa công chính ghi khắc trong lương tâm con người là tạo vật cao quí Ngài đã tạo dựng. C. S. Lewis là một học giả và thần học gia người Anh có một nhận xét rất tinh tế bảo rằng khi nghe người ta cãi nhau, chúng ta có thể nhận ra Luật Tự Nhiên đang vận hành trong con người. Sở dĩ người ta cãi nhau vì tuy không nói ra nhưng cả hai bên đều đồng ý ràng có những tiêu chuẩn cư xử người kia phải tôn trọng. Chuyện kể rằng có hai đứa trẻ cãi nhau về quả bứa, đứa thấy trước, đứa nhặt trước. Sở dĩ hai đứa cãi nhau vì cả hai đều công nhận yếu tố "trước" là yếu tố quyết định quyền sở hữu. Tôi đến trước nên chỗ đậu xe trống kia là chỗ của tôi. Ai, nếu không phải là Thượng Đế là Đấng đã qui định yếu tố "trước" là tiêu chuẩn cho việc xử sự được mọi người công nhận? Thật ra nếu không có những qui luật đạo đức tiên thiên như thế ghi khắc trong lương tâm thì xã hội con người sẽ không tồn tại đến hôm nay, hoặc giả nếu còn thì đó là nơi chúng ta không thể nào chịu đựng nổi vì con người sẽ sinh hoạt theo bản năng, theo thú tính.
Dầu luật đạo đức đã được ghi khắc trong lương tâm, nhưng con người vẫn không ngừng vi phạm vì con người cũng đồng thời bị chi phối bởi một thứ luật khác mạnh mẽ hơn mà Thánh Phao-lô gọi là luật tội lỗi (Rô-ma 7:23). Đó chính là lý do khiến cho từ cổ chí kim không có một người nào vô tội, và câu chúng ta thường nói "nhân vô thập toàn" là rất đúng. Như vậy trong quan điểm công chính tuyệt đối của Thượng Đế tất cả mọi người đều là tội nhân vì đã vi phạm luật pháp Chúa ghi khắc trong lương tâm, đã không sống cuộc đời đạt được tiêu chuẩn thánh khiết, yêu thương toàn hảo Thượng Đế mong muốn. Món nợ tội lỗi của con người rất lớn và càng ngày càng lớn hơn đến nỗi không ai có thể trả được. Món nợ người đầy tớ trong câu chuyện thí dụ của Chúa Giê-xu đã nợ ông vua mười ngàn ta lâng, tương đương với nhiều triệu đô la. Vị vua biết anh ta không có cách gì trả được, cho nên khi anh ta van xin, nhà vua đã tha hết. Tất nhiên dựa trên phần ký thuật của Ma-thi-ơ, Chúa Giê-xu không chủ ý nói về việc tha nợ, nhưng Chúa dạy về việc tha tội. Phạm lỗi với ai, chúng ta cần được người đó tha thứ và phạm tội với Đức Chúa Trời, chúng ta cần được chính Đức Chúa Trời tha thứ.
Tất cả những tội lỗi trong đời sống chúng ta nếu không được tha thì nó sẽ còn đó. Có lẽ lâu ngày chúng ta quên đi, người khác quên đi, nhưng không bao giờ vì trí nhớ của chúng ta không hoạt động mà những tội lỗi đó hết hay biến mất. Trái lại, nó sẽ tiếp tục tích lũy lại càng ngày càng nhiều, và khối lượng tội lỗi của chúng ta sẽ càng ngày càng lớn. Trong một lần kia, giới cầm quyền Do Thái đem đến cho Chúa Giê-xu một phụ nữ bị bắt quả tang lúc đang phạm tội tà dâm để đòi Chúa đưa ra phán quyết. Nếu Chúa tha, họ sẽ kết tội Chúa chống lại luật pháp Đức Chúa Trời. Còn nếu Chúa kết án bằng cách ném đá đến chết, Chúa sẽ bị quần chúng nhìn như là một ra-bi tàn nhẫn, thiếu lòng nhân ái, trái hẳn với những giáo lý yêu thương Ngài vẫn dạy. Vì vậy Chúa Giê-xu không trả lời mà cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Cuối cùng khi họ thúc ép, Chúa đã bảo ai trong vòng họ là người vô tội thì hãy ném đá người phụ nữ đó. Không ai nói một lời mà từng người lặng lẽ bỏ đi. Kinh thánh cho biết, "những người lớn tuổi đi trước". Như vậy càng sống lâu tội lỗi trong cuộc đời chúng ta càng chồng chất. Nếu không giải quyết, khối lượng tội lỗi đó sẽ kéo chúng ta xuống đáy địa ngục! Vì vậy mục đích chính Chúa Cứu Thế Giê-xu đến không phải là để giảng giáo lý, chữa bệnh, đuổi quỉ, nhưng là để giải quyết vấn đề tội lỗi của con người.
Chúng ta sẽ nói đến điểm then chốt của Câu Chuyện Phúc Aâm hôm nay đó là Đức Chúa Trời tha tội cho con người bằng cách nào? Có người sẽ phản đối, "Tôi có làm gì xúc phạm đến Đức Chúa Trời đâu mà Ngài phải tha tội cho tôi?" Cần nhắc lại, tội lỗi theo định nghĩa của Kinh Thánh là cuộc sống không yêu thương, không thánh khiết, không công chính, không đạt tiêu chuẩn và mục tiêu thiên định, là tạo vật mà sống bất cần Đấng Tạo Hóa, gạt bỏ Đấng tạo dựng, yêu thương, nuôi dưỡng mình sang bên lề cuộc đời. Đó là không kể vô số tội phạm đối với đồng loại và vi phạm bao nhiêu giới răn của Thượng Đế. Đức Chúa Trời biết rằng nếu không giúp giải quyết gánh nặng tội lỗi đó, con người không có cách gì thoát khỏi, như người đầy tớ nợ hàng triệu đô la, có làm việc suốt đời cũng không sao trả được. Như vậy, giải pháp của Đức Chúa Trời là gì?
Thánh Kinh cho biết Chúa không giải quyết vấn đề tội lỗi của con người bằng cách ra sắc lệnh ân xá hay xá miễn. Vấn đề không đơn giản như vậy! Có nhiều tôn giáo đã đưa ra nhiều giải pháp giải quyết gánh nặng tội lỗi, nhưng tựu trung là nỗ lực của con người, nỗ lực của chính các đương sự, cố gắng làm lành, lánh dữ, hy vọng rằng dần dần số việc lành sẽ nhiều hơn và những việc ác sẽ bớt đi và đến cuối cùng sẽ sạch tội. Đây là giải pháp hoàn toàn có tính cách lý thuyết. Giả sử có người với quyết tâm cao độ và với ý chí sắt thép có thể quyết định từ chính giờ phút này người đó sẽ chỉ toàn làm việc thiện, từ tư tưởng, lời nói, hành động đều hoàn toàn trong sáng và giả sử rằng người đó thành công đi nữa thì vấn đề còn lại là làm thế nào người đó giải quyết những tội lỗi trong quá khứ? Có một nhà thơ đã viết rằng "Ai đâu trở lại mùa thu trước, Nhặt lấy cho tôi những lá vàng..." Nghĩa là chúng ta sẽ không thể nào đi ngược thời gian để sửa lại những tội lỗi trong quá khứ.
Trở lại với cách Đức Chúa Trời tha tội cho con người. Kinh Thánh cho biết Chúa đã thực hiện một giải pháp không ai ngờ. Như chúng ta đã nói, Đức Chúa Trời không ra sắc lệnh xá miễn, nhưng chính Ngài đã đứng ra chịu hình phạt thay thế con người. Để có thể làm như vậy, Ngài đã phải nhập thể, nghĩa là mang lấy thân xác con người, và đó là Chúa Giê-xu để chịu án tử hình thay cho con người trên thập tự giá, vì vậy cái chết cuả Chúa Giê-xu là cái chết chuộc tội cho nhân loại.
Trong giải pháp này, thân vị của Chúa Giê-xu là điều then chốt cần nhấn mạnh. Chúa Giê-xu không chỉ là người mà là Thượng Đế thành người, nghĩa là Chúa Giê-xu vừa là Thượng Đế, vừa là người. Đây là một mầu nhiệm không thể lý giải nhưng vẫn có thể hiểu. Nếu Thượng Đế không thành người, không nhập thể qua Chúa Giê-xu thì vì là thần linh Ngài không thể chết. Nhưng nếu Chúa Giê-xu chỉ là người mà thôi thì cái chết của Ngài chỉ có thể thay thế cho một người. Nhưng vì Chúa Giê-xu là Thượng Đế vô hạn thành người cho nên sựï chết chuộc tội của Ngài có giá trị cho toàn thể nhân loại ở mọi thời đại.
Để minh chứng rằng Ngài cũng là Thượng Đế cho nên Chúa Giê-xu đã thi thố bao nhiêu phép lạ trong những năm tại thế, và nhất là sau khi chết Ngài đã phục sinh. Sự phục sinh của Chúa Giê-xu là một sự kiện lịch sử, minh chứng cho thần tính của Ngài. Vì vậy, khi Đức Chúa Trời giải quyết vấn đề tội lỗi cho con người, giải pháp của Ngài là một giải pháp thật toàn diện bao gồm cả hai mặt: yêu thương và công chính: Vì yêu thương con người Ngài phải cứu vớt, nhưng vì là Thượng Đế công chính Ngài phải trừng phạt tội lỗi. Vì vậy cuối cùng, Chúa Giê-xu đã là giải pháp nhiệm màu đó. Cũng qua giải pháp cứu rỗi màu nhiệm này để con người có thể nhận được sự tha tội, Đức Chúa Trời đã không đòi hỏi con người phải dựa vào sức mình, vào công đức, nhưng vào một điều mà bất cứ con người nào cũng có, đó là đức tin.
Thánh Kinh khẳng định "Vì Thượng Đế yêu thương nhân loại đến nỗi đã ban Con Một của ngài hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư vong mà được sự sống vĩnh hằng." Chính vì vậy đây là Tin Mừng cho mọi người, không chỉ cho một thiểu số có những khả năng, hay vị thế đặc biệt nào, mà cho tất cả mọi người. Nếu bạn muốn giải quyết gánh nặng tội lỗi của cả cuộc đời mình, và nếu bạn tin vào giải pháp của Đức Chúa Trời, muốn nhận sự tha tội của Ngài thì đây là lúc bạn cần đặt lòng tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Mục sư Nguyễn Đăng Minh
Chương Trình Phát ThanhTin Lành