Từ bài giảng luận “Đắc Tội – Định Tội – Đền Tội”
CN Sept 30, 2018 - Hội Thánh North Hollywood
Người lập tại đó một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va, và dâng của lễ thiêu cùng của lễ thù ân. Thế thì, Đức Giê-hô-va động lòng thương Y-sơ-ra-ên, và tai họa trong xứ bèn ngừng lại. (2Sam 24:25) [đọc 2 Sa-mu-ên đoạn 24]
Làm một so sánh và kết nối giữa câu 1 và câu 25 của phân đoạn Kinh Thánh này, tôi có cảm nghĩ đây không hẵn là một tội mà vua Đa-vít đã phạm. Tội nghịch cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời là từ dân sự. “Cơn thạnh nộ của Đức Giê-hô-va lại nổi phừng cùng dân Y-sơ-ra-ên. Ngài giục lòng Đa-vít nghịch cùng chúng mà rằng: Hãy đi tu bộ dân Y-sơ-ra-ên và Giu-đa” (câu 1), và “Người lập tại đó một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va, và dâng của lễ thiêu cùng của lễ thù ân. Thế thì, Đức Giê-hô-va động lòng thương Y-sơ-ra-ên, và tai họa trong xứ bèn ngừng lại” (câu 25). Và, nhà vua phải chịu trách nhiệm trong vụ này, đó là phải lẻ bởi đã không dẫn dắt dân sự Chúa giao cho đúng với điều Chúa muốn, cho dù Thánh Kinh không nói dân sự phạm tội như thế nào.
Như vậy, có thể xem như việc Đa-vít tu bổ dân số là cái cớ để Chúa hành phạt dân sự phạm phép. Công tác này có ghi rõ trong luật được ban hành, có lẽ chỉ khác về mục đích khi được hành xử. Số thu trong việc tu bộ là để lo cho công việc của đền thờ, còn vua Đa vít tu bộ với mục đích xem mình có được bao nhiêu chiến sĩ để bảo vệ quyền lực của chính mình. Một bên là vì nhà Chúa, một bên là vì bản thân mình. Dân sự phạm tội thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm, còn lãnh đạo sai lầm sẽ đem lại hậu quả khôn lường cho cả tập thể dưới trướng.
Tất cả nằm trong chương trình của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ thấy ở đây như là hình bóng của ân sủng cứu rỗi mà về sau này Đấng Christ đã làm trọn vẹn trên Gô-gô-tha, một của lễ được dâng lên để chuộc tội cho toàn thể loài người, xóa tan sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời, giải hòa giữa Ngài và loài sanh linh mà Ngài yêu thương.
Bài học từ phân tích của lời giảng luận hết sức là minh bạch. Đắc tội, có nghĩa là làm nên tội lỗi thời phải ở dưới cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời (câu 1-10). Từ sự định tội đó dẫn đến sự trừng phạt, nhưng trong sự trừng phạt đó lại có sự thương xót ( câu 11-17). Nếu tội nhận trả giá cho lỗi lầm mình, đền tội, thì sẽ nhận ơn tha thứ (câu 18-25). Theo sách giảng nghĩa Thánh Kinh, nơi vua Đa-vít mua lại để lập bàn thờ, chính là nơi xây cất đến thờ cho Chúa Giê-hô-va sau này; là nơi xưa kia Áp-ra-ham dâng Y-sác và cũng là nơi Đức Chúa Giê-xu chịu chết trên thập giá như một của lễ toàn vẹn chuộc tội cho muôn người trên đất.
Tôi nói đến những điều này không phải để bênh vực cho vua Đa-vít. Điều tôi muốn nhấn mạnh trong bài học này là tinh thần trách nhiệm của người được Chúa giao cho trọng trách chăn dân. Người chăn phải dẫn chiên mình đi trong lối công bình Chúa muốn. tội của dân là tội lớn của mình, “Sau khi tu bộ dân sự rồi, Đa-vít bị lương tâm cắn rứt, bèn cầu Đức Giê-hô-va rằng: Tôi làm như vậy, thật là đã phạm tội rất nặng” (câu 10). Chính nhà vua phải nhìn nhận tội và làm mọi điều theo ý muốn của Chúa để chuộc tội cho dân sự, “Đa-vít bèn đáp cùng Gát rằng: Sự khốn khổ tôi lớn thay! Thế thì, nguyện tôi sa vào tay của Đức Giê-hô-va, vì những sự thương xót của Ngài là lớn lắm; nhưng chớ cho tôi sa vào tay của loài người ta” (câu 14).
Có lẽ nên đọc lại một vài câu Kinh Thánh trong Tân ước ghi lại lời dạy của Đức Chúa Giê-xu để kết thúc câu chuyện hôm nay, “Ta là người chăn hiền lành; người chăn hiền lành vì chiên mình phó sự sống mình. Kẻ trộm chỉ đến để cướp giết và hủy diệt; còn ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống và được sự sống dư dật” (Giăng 10:10,11). “Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có” (Philip 2:5), Phải như vậy! người được Chúa giao cho bầy lớn hay nhỏ đều phải có đồng một tâm tình như Đấng Christ, để chăn Hội Thánh hay chăn gia đình riêng theo như điều vua Đa-vít đã làm và cũng là điều Vua muôn vua, Chúa muôn Chúa đã làm bằng lòng yêu thương dành cho tôi và anh em.
Thêm một điều từ sách giải nghĩa đáng ghi nhận để suy gẫm: Nếu bạn được hỏi hai tội lớn nhất của Đa-vít thì bạn có thể trả lời: “Ông phạm tội tà dâm với Bát-sê-ba và tội tu bộ dân Y-sơ-ra-ên”. Đây là câu trả lời đúng, nhưng từ hai trọng tội này, Đức Chúa Trời đã xây một đền thờ. Bát-sê-ba đã sanh Sa-lô-môn và Đức Chúa Trời chọn con trai này kế vị Đa-vít làm vua Y-sơ-ra-ên. Trên miếng đất Đa-vít mua và lập bàn thờ trên đó, Sa-lô-môn đã xây dựng một đền thờ và dâng nó cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Những gì Đức Chúa Trời làm cho Đa-vít chắc chắn không phải là sự miễn trừ tội lỗi, vì Đa-vít đã trả giá cao cho những gì ông đã phạm. Tuy nhiên, biết được những gì Đức Chúa Trời đã làm cho Đa-vít, chúng ta được khích lệ để tìm kiếm mặt Ngài và tin nơi ân điển Ngài khi chúng ta không vâng lời Ngài “Nhưng nơi nào tội lỗi đã gia thêm, thì ân điển lại càng dư dật hơn nữa” (Rô-ma 5:20). Chúng ta đang hầu việc một Đức Chúa Trời đầy lòng nhân từ!