“Chúng ta có các ân tứ khác nhau, tùy theo ân điển Chúa ban: Người được ân tứ nói tiên tri, hãy nói theo lượng đức tin; người được ân tứ phục vụ, hãy phục vụ; người được ân tứ dạy dỗ, hãy dạy dỗ; người được ân tứ khích lệ, hãy khích lệ; người được ân tứ ban phát, hãy ban phát rộng rãi; người được ân tứ lãnh đạo, hãy siêng năng lãnh đạo; người được ân tứ làm việc từ thiện, hãy vui vẻ mà làm.” (Rô-ma 12:6-8)
Phục hưng (revival) là một hành động của sự liên tục phục hồi. Phục hưng là làm mới lại sự chú tâm hay sở thích về một việc nào đó. Trong phương diện thuộc linh, phục hưng là thời điểm làm mới lại hay đổi mới đời sống tin kính của mình. Mỗi con dân Chúa đều cần làm mới lại đời sống đạo của mình mỗi ngày. Hôm qua, chúng ta đã suy gẫm điều cần làm mới lại trước tiên là tinh thần hiệp một. Hôm nay, mời bạn suy gẫm tiếp hai điều cần làm mới lại qua sự soi dẫn của Thư tín Rô-ma 12:1-8.
2. Làm Mới Lại Ân Tứ Chúa Ðã Ban. Ân tứ Thánh Linh khác với tài năng. Khéo tay, khéo nói, hát hay, hoặc làm giỏi một việc gì, đó không phải là ân tứ. Tài năng ai cũng có thể có. Nhưng ân tứ chỉ có con dân Chúa mới có được. Tài năng dùng trong lãnh vực gíáo dục, xã hội để xây dựng đời sống thăng tiến của con người. Nhưng ân tứ Thánh linh được dùng trong mọi lãnh vực để gây dựng thân thể của Ðấng Christ. Người xử dụng tài năng thì nhờ sức mình. Người xử dụng ân tứ thì nhờ sức Chúa. Ân tứ Chúa ban cho không phải để đọc nghe cho có chức vụ to lớn hay để thưởng thức ngắm nhìn mà là để xử dụng. Ðôi khi Chúa ban cho thêm ân tứ trên những người đã có sẵn tài năng để họ phối hợp hầu phục vụ Chúa cách hiệu quả hơn. Có 7 ân tứ có thể xử dụng theo Rô-ma 12:6-8:
(1) Nói tiên tri (prophesying) còn có nghĩa là rao giảng
(2) Hầu việc, làm chức vụ (serving)
(3) Dạy dỗ (teaching)
(4) Khuyến khích, khuyên bảo (encouraging)
(5) Ban cho (contributing to the needs of others)
(6) Lãnh đạo, cai trị (leadership)
(7) Làm sự thương xót (showing mercy)
Bạn đang có được ân tứ nào trong danh sách ở trên. Tôi tin rằng mỗi chúng ta đều có ít nhất là một ân tứ theo danh sách ở trên. Kinh Thánh trong Thư 1 Côrinhtô 12:8-10, 28-30 và Thư Êphêsô 4:11 cũng có liệt kê nhiều loại ân tứ khác nữa. Ðiều quan trọng là bạn có sử dụng một ân tứ Chúa đã ban cho mình đó chưa? Không nhất thiết phải được tín nhiệm vào một ban ngành nào đó trong Hội Thánh rồi mới sử dụng các ân tứ kể trên, nhưng mỗi người đều có thể sử dụng những ân tứ kể trên ở bất cứ môi trường nào.
Kinh Thánh cho biết mỗi người có ơn ban cho khác nhau. Trong quyển Ân Tứ Thánh Linh, Mục sư Phan Thanh Bình có giải thích rằng: “Mỗi Cơ Ðốc nhân có ít nhất là một ân tứ. Mỗi Cơ Ðốc nhân có thể có nhiều ân tứ. Mỗi Cơ Ðốc nhân không có hết thảy ân tứ. ” Ðiều quan trọng là mỗi chúng ta phải biết rằng ân tứ Chúa ban cho mình không giống với ân tứ Chúa ban cho người khác. Chúng ta không so sánh ân tứ mình với ân tứ người khác để rồi so đo hoặc ganh tị. Chúng ta phải xác định rõ ân tứ Chúa ban cho để phục vụ cách kết quả trong công việc Chúa giao phó. Hãy nhớ rằng ân tứ Chúa ban cho là để gây dựng Hội Thánh Ngài. Nếu không chu toàn xử dụng ân tứ Chúa ban cho, Ngài sẽ lấy những ân tứ đó lại.
Giáo sư Randy Millwood, đã từng dạy tại Chủng Viện Thần học Báp Tít New Orleans trước đây, chia xẻ với lớp học chúng tôi về ba hạng người thường làm cho ông khó chịu, bực bội nhiều nhất trong thời gian ông làm Mục sư quản nhiệm Hội Thánh của họ.
(1) Người không làm gì cả - People who do nothing.
(2) Người làm tất cả mọi sự - People who do everything.
(3) Người làm sai mọi sự - People who do wrong thing.
Nếu nhận biết rõ mình có ân tứ hay khả năng vào công việc nào thì sẽ thực hành công việc đó dễ dàng hơn và đem lại kết quả nhiều hơn. Nếu quá sốt sắng mà nhận làm hết tất cả mọi việc thì sẽ không chu toàn được mọi sự và dễ giẫm chân lên công việc của người khác. Bạn đang là người như thế nào trong việc sử dụng ân tứ Chúa ban. Mong rằng bạn không thuộc vào thành phần nào trong ba hạng người tín hữu làm nhức đầu người lãnh đạo mình kể trên!
3. Làm Mới Lại Thái Ðộ Phục Vụ. Chữ thái độ còn có nghĩa là tâm tình. Thái độ đến từ tâm trí (mind) của con người. Có người định nghĩa chữ thái độ như sau:
- “Attitude is a little thing that makes a big difference. ” Nghĩa là: “Thái độ là một việc nhỏ mà có thể làm một sự khác biệt lớn.”
- “To change everything, simply change your attitude.” Nghĩa là: “Muốn thay đổi mọi sự, cách đơn giản nhất là hãy thay đổi thái độ của bạn.”
Như đã học ở trên, ân tứ Chúa ban cho là phải được đem ra sử dụng. Sử dụng có nghĩa là phục vụ hay hầu việc. Tuy nhiên, trong sự phục vụ Chúa, thái độ phục vụ là điều cần phải để ý đến và nên làm mới lại, hay điều chỉnh lại. Rô-ma 12: 6-8 nhấn mạnh thái độ sử dụng ân tứ Chúa ban như sau.
(1) Nói tiên tri. Hãy tập nói theo lượng đức tin.
(2) Hầu việc, làm chức vụ. Hãy buộc mình vào chức vụ.
(3) Dạy dỗ. Hãy chăm mà dạy dỗ.
(4) Khuyến khích, khuyên bảo. Hãy khuyên bảo.
(5) Ban cho. Hãy lấy lòng rộng rãi mà bố thí, ban cho.
(6) Lãnh đạo, cai trị. Hãy siêng năng mà cai trị.
(7) Làm sự thương xót. Hãy lấy lòng vui làm.
Bạn đang sử dụng những ân tứ ở trên trong thái độ và tâm tình như thế nào? Mỗi ân tứ cần có một thái độ nghiêm chỉnh thực hành. Con dân Chúa phải nghiêm chỉnh thực hành vì đó là mạng lệnh của Chúa dạy. Chữ “hãy” là một mệnh lệnh cách được dịch lại theo cú pháp Hy ngữ. Những câu được gạch hàng nhấn mạnh một thái độ cần có trong sự phục vụ Chúa.
Chúa muốn con dân Ngài phải có thái độ phục vụ Ngài giống như thái độ phục vụ tha nhân. Mathiơ 25:40 chép: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho mỗi người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy.” Muốn phục vụ tha nhân được con dân Chúa phải học theo thái độ hay tâm tình của Ðấng Christ. Phi-líp 2:5 chép: “Hãy có đồng một tâm tình như Ðấng Christ đã có. ” Tâm tình của Chúa là một tâm tình quên mình, hạ mình, hòa mình, và bỏ mình trên cây thập tự vì tội lỗi nhân loại. Là con dân Chúa, chúng ta cần phải học đòi theo tâm tình nầy luôn luôn.
Niềm mong ước của các đầy tớ Chúa đang quản nhiệm Hội Thánh là được nhìn thấy nhiều tấm lòng trung thành, “sống chết với Hội Thánh”, có lòng hiệp nhất, và chịu sử dụng ân tứ Chúa cho vào công việc nhà Ngài. Sứ đồ Phao Lô khuyên Mục sư trẻ tuổi Timôthê hãy tìm những người trung thành, có khả năng dạy dỗ trong Hội Thánh Êphêsô để cùng đồng công trong công tác huấn luyện và phục vụ (2 Timôthê 2:2). Tìm được những người trung thành, “sống chết với Hội Thánh” không phải dễ tìm. Phải mất nhiều năm mới tìm ra những người đó. Nếu Hội Thánh nào có được nhiều người trung thành, “sống chết với Hội Thánh” thì phước hạnh vô cùng! Bạn có là người “trung thành” không?
Như đã nhấn mạnh ở trên, ân tứ Chúa ban cho nếu không đem ra sử dụng và sử dụng với thái độ đúng để làm vinh hiển danh Chúa thì sẽ bị Chúa lấy lại. Hãy cẩn thận, kẻo Chúa lấy lại ân tứ mà Ngài đã cho bạn. Mathiơ 25:28-29 chép rằng: “Vậy, các ngươi hãy lấy ta lâng của người nầy mà cho kẻ có mười ta lâng. Vì sẽ cho thêm kẻ nào đã có, thì họ sẽ dư dật; nhưng kẻ nào không có, thì cũng cất luôn điều họ đã có nữa. ”
Hội Thánh của Chúa phải được sống động luôn. Hội Thánh của Chúa bị sa sút, nguội lạnh là do lỗi của con dân Chúa chứ không phải tại Chúa. Hội Thánh của Chúa sẽ sống động khi mỗi con dân Chúa được sống động. Ðời sống được sống động khác với đời sống nguội lạnh hay hâm hẩm. Muốn được sống động mỗi ngày con dân Chúa phải điều chỉnh lại đời sống theo Chúa của mình. Thư Rô-ma 12:1-8 nhắc nhở mỗi chúng ta hôm nay phải làm mới lại tinh thần hiệp một trong thân thể Chúa, làm mới lại ân tứ Chúa đã ban cho, và làm mới lại thái độ phục vụ Chúa và phục vụ tha nhân. A-men.
Mục sư Lê Hồng Phúc
Địa chỉ liên lạc:
Hội Thánh Báp Tít Đức Tin
11312 Shiloh Rd., Dallas, TX 75228
(972) 270-1557
Facebook: Viet Faith Dallas; www.VietFaith.org
Email: mspeterhongle@gmail.com
Lễ Thờ Phượng lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật
Quản Nhiệm: Mục sư Peter Lê Hồng Phúc