Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 63

Cảm Tạ Chúa

Hãy thường thường, nhân danh Đức Chúa Giê-su chúng ta, vì mọi sự tạ ơn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta. ” (Ê-phê-sô 5:19-20).

Hằng năm vào thứ Năm thứ 4 của tháng 11, dân chúng Hoa Kỳ kỷ niệm Lễ Tạ Ơn. Riêng tại Canada thì Lễ Tạ Ơn được kỷ niệm vào thứ Hai thứ 2 của tháng 10 hằng năm. Lễ Tạ Ơn được những di dân đầu tiên đến Hoa Kỳ tổ chức cách đây hơn 400 năm. Những di dân đó là những tín hữu Tin Lành, họ quyết định mỗi năm biệt riêng ra một ngày để tạ ơn Chúa vì Chúa đã bao dung che chở họ giữa những khó khăn trong cuộc sống và đã ban cho họ cơ hội tự do thờ phượng Ngài. Truyền thống tốt đẹp đó theo thời gian đã được cả nước Mỹ công nhận và trở thành một ngày quốc lễ quan trọng tại Hoa Kỳ.

Chữ ‘Yaddah’ trong tiếng Hybálai được dịch là Tạ ơn – Thanks. Chữ nầy chỉ về một hành động tuyên bố trước công chúng về sự tạ ơn. Chữ nầy cũng được dùng như một lời xưng tội trước công chúng và một lời chúc tụng về mỹ đức và việc làm của Chúa. Trong thời Tân ước tinh thần tạ ơn được dạy dỗ như sau: (1) Tạ ơn Chúa về thân thể và huyết của Chúa Giê-su lúc nhận lễ Tiệc Thánh (2) Tạ ơn Chúa về những phước lành đến với chúng ta qua Chúa Giê-su, và (3) tạ ơn Chúa về những linh hồn mới biết Chúa.

Trong bức thư gởi cho các tín hữu tại Êphêsô, Sứ đồ Phao Lô nhắc nhở con dân Chúa như sau: “Hãy thường thường, nhân danh Đức Chúa Giê-su chúng ta, vì mọi sự tạ ơn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta. ” (Ê phê sô 5:19-20). Mời bạn cùng tôi suy gẫm ba sự dạy dỗ trong câu kinh văn nầy.

1. Hãy Cảm Tạ Đức Chúa Trời. Đối tượng của con dân Chúa cảm tạ mỗi ngày phải là Đức Chúa Trời. Lý do chúng ta cảm tạ Chúa. (a) Ngài là Đấng Tạo Hóa của chúng ta. Ngài là Đấng Tạo hóa. Chúng ta là tạo vật của Ngài. (b) Ngài là Đấng Cứu chuộc chúng ta. Chúa là Cứu Chúa và Vua của đời sống con dân Ngài. Kinh Thánh cho biết rằng chúng ta là con dân của Ngài, là đầy tớ của Ngài, là bầy chiên của Ngài. Vì Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa nên chúng ta phải biết ơn Ngài và phải luôn tôn thờ, ca ngợi, và hầu việc Ngài. Là con dân Chúa, chúng ta phải biết cảm tạ Chúa trước rồi sau đó, mới cảm ơn nhau.

Một tín nhân nhận định về lòng biết ơn như sau: “Con người bị mang tiếng là ít khi cảm tạ mà than trách rất nhiều. Nghĩa là biết ơn thì ít mà oán hận vẫn nhiều. Nếu một người sinh ra đời, không biết ơn cha mẹ mà còn than trách và nhiều khi muốn phủ nhận, thì ta gọi là bất hiếu. Nếu người ấy lại phủ nhận cả công ơn của ông bà nội ngoại, thì chúng ta gọi là vong ơn bạc nghĩa, vì không có ông bà làm sao có cha mẹ? Nhưng cứ lần mãi lên trên ông bà và các bậc tổ phụ tiếp nối, cho đến tận hai con người đầu tiên trên mặt đất, mà người ấy không công nhận, thì gọi là mất nguồn cội. ” Bạn đang cảm tạ ai? Đức Chúa Trời hay con người? Hãy nói chữ: “Cảm tạ Chúa” mỗi ngày trong đời sống mình kể từ hôm nay.

2. Hãy Cảm Tạ Chúa Trong Mọi Cảnh Ngộ. Sứ đồ Phao Lô dùng chữ “trong mọi sự” để chỉ về những điều đã xảy ra, đang xảy ra, và sẽ xảy ra. Chúng ta có thể cảm tạ Chúa trong thuận cảnh. Trong câu 19, Sứ đồ Phao Lô nhắc nhở rằng: “Hãy lấy ca vịnh, thơ thánh, và bài hát thiêng liêng mà đối đáp cùng nhau, và hết lòng hát mừng ngợi khen Chúa. ” Thông thường, khi ở trong thuận cảnh con người mới có thể ca hát vui mừng “đối đáp cùng nhau” được. Trong Truyện Kiều, Thi hào Nguyễn Du cũng nói rằng: “Người vui cảnh cũng vui theo, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.” Hoặc câu: “Khi vui non nước cũng vui, khi buồn trống thổi kèn đôi cũng buồn.” Thuận cảnh gồm có: phước hạnh, thành công, khỏe mạnh, thịnh vượng, vui vẻ v.v…

Chúng ta cũng có thể cảm tạ Chúa trong nghịch cảnh. Trong câu 16, Sứ đồ Phao Lô nhắc nhở rằng: “Hãy lợi dụng thời giờ vì những ngày là xấu. ” Là con dân Chúa, chúng ta phải biết rằng trong cuộc theo Chúa của mình sẽ có những nắng hồng nhưng cũng sẽ có những ngày bão bùng. Những thử thách đôi khi không phải do mình gây nên nhưng vì hoàn cảnh đưa đến. Những nghịch cảnh gồm có bệnh tật, tai nạn, sự chết v.v… Thông thường khi đối diện với khổ nạn nầy con người mới suy nghĩ đến linh hồn và cõi đời đời. Đôi khi con dân Chúa bị ma quỷ tấn công như trường hợp của Gióp. Gióp 2:10 chép rằng: “Gióp đáp: “Bà nói như một người đàn bà ngu muội.Tại sao phước hạnh từ tay Đức Chúa Trời ban cho thì chúng ta đón nhận, còn tai họa từ tay Ngài giáng xuống thì chúng ta lại không nhận?” Trong mọi việc đó, Gióp không hề phạm tội trong lời nói.” Kinh Thánh cho biết rằng mỗi sự thử thách đến với con dân Chúa đều có sự dạy dỗ cả. Gia-cơ 1:2 chép rằng: “Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn.

3. Hãy Thường Xuyên Cảm Tạ Chúa. Câu 20b chép: “Hãy thường thường nhân danh Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta, vì mọi sự tạ ơn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta. ” Kinh Thánh cho biết ơn Chúa ban cho chúng ta đều mới luôn mỗi ngày, vì thế chúng ta nên cảm tạ Chúa luôn mỗi ngày. Chữ “luôn luôn” có nghĩa là nhiều lần, và cũng có nghĩa là không có giới hạn. Tùy vào mỗi cá nhân chúng ta thực hành mà thôi. Nếu chỉ cảm tạ một lần trong một tuần hay một tháng thì có nên gọi là luôn luôn không? Điều chắc chắn chúng ta hiểu chữ “luôn luôn” không có nghĩa là một lần, mà là nhiều lần. Chẳng những nhiều lần mà nó trở thành một thói quen hằng ngày.

Con dân Chúa có thể cảm tạ Chúa ít nhất là 4 lần: buổi sáng, ăn trưa, ăn tối, và trước khi đi ngủ.

Kinh Thánh cho biết vua Đa-vít tìm cách đáp ơn Chúa vì ông đã nhận quá nhiều ơn phước từ Chúa và chịu ơn giúp đỡ từ Giô-na-than (2 Samuên 9:1). Người biết ơn thật là người biết ơn Đấng Tạo Hóa đã tạo dựng nên mình, đã cứu chuộc và biến đổi đời sống mình. Người biết ơn Chúa luôn cảm tạ Ngài trong mọi sự, lúc thuận thời hay lúc nghịch cảnh, và thường xuyên cảm tạ Ngài. Bạn có là người biết ơn Chúa trong giờ nầy không?

Nhân mùa Tạ Ơn năm nay, mong rằng bạn quyết tâm mỗi ngày trở nên người thật sự biết ơn Chúa trong mọi sự và trong mọi lúc. Mong lắm thay!

Mục sư Lê Hồng Phúc

Địa chỉ liên lạc:
Hội Thánh Báp Tít Đức Tin
11312 Shiloh Rd., Dallas, TX 75228
(972) 270-1557
Facebook: Viet Faith Dallas; www.VietFaith.org
Email: mspeterhongle@gmail.com
Lễ Thờ Phượng lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật
Quản Nhiệm: Mục sư Peter Lê Hồng Phúc