Chúa đã hỏi tôi trong lúc cầu nguyện mới đây, "Con trai, Ta đã giới thiệu ân sủng trong Cuốn Sách của Ta là Tân Ước như thế nào ?” "Dạ, con không biết” là câu trả lời của tôi với Chúa.
Không chút lưỡng lự, tôi nhanh chóng tra xem cuốn Kinh Thánh Phù Dẫn và tìm thấy cách Chúa giới thiệu ân sủng trong Tân Ước. Đây là điều tôi khám phá : "Từ sự sung mãn của Ngài tất cả chúng ta đã nhận ân sủng, hết hồng ân nầy đến hồng ân khác.” (Giăng 1:16).
Đề ý Giăng viết "Hết ân sủng này đến ân sủng khác.” Tôi có một người bạn sống tại Athens, Hy Lạp. Anh ta được sinh ra ở đó, anh không chỉ nói tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ chính của mình, nhưng cũng nghiên cứu tiếng Hy Lạp cổ. Liên quan đến ngôn ngữ Hy Lạp thì anh ta là một trong số những người mà tôi tìm đến. Anh ta đã chia sẻ với tôi rằng sứ đồ Giăng thật ra muốn nói là Chúa ban cho chúng ta một cách dư dật, "ân sủng phong phú nhất.” Nói cách khác, sứ đồ Giăng nói rằng sự tràn trề hay dư dật mà ân sủng đã làm cho chúng ta tức là nó ban cho chúng ta sự đầy dẫy Chúa Giê-su. Bạn đã từng nghe ý này chưa ? Sự đầy dẫy chính Chúa Giê-su ! Câu này nói lên nhiều điều, đặc biệt liên quan đến bản chất, khả năng và quyền năng.
Nào hãy nhấn mạnh tính bao quát của câu nói này qua một vài ví dụ. Giả định tôi lại gần một cầu thủ bóng rổ ở trường trung học. Trong đội, anh ta không phải là người được vào sân ngay từ đầu; anh ta ngồi ghế dự bị cho đến khi trận đấu còn lại hai phút và đội bóng thì bị dẫn 20 điểm. Tôi kéo anh ta qua một bên và nói, "Bây giờ chúng ta có các phương tiện khoa học để có thể mặc vào đầy dẫy con người của Lebron James.” Dĩ nhiên đó là một trong những cầu thủ hay nhất từng chơi bóng rổ.
Bạn nghĩ anh ta đã trả lời thế nào ? Anh ta sẽ nói, "Vâng, làm ngay đi ! Tôi cần làm gì bây giờ ?”.
Khi chúng tôi làm xong việc này - bạn đoán trước điều đó – anh ta không chỉ chơi xuất phát trong đội, nhưng đội của anh ta sẽ giành chức vô địch quốc gia. Anh sẽ có học bổng toàn phần vào đại học và cuối cùng là người đầu tiên được chọn trong đợt tuyển chọn cầu thủ NBA (hiệp hội bóng rổ nhà nghề Mỹ).
Hoặc giả định tôi lại gần một thương gia đang gặp khó khăn và nói, "Chúng tôi có các phương tiện khoa học mới để có thể mặc vào đầy dẫy con người của cả ba nhân vật Donald Trump, Steve Jobs và Bill Gates gộp lại.”
Bạn nghĩ ông ta sẽ phản ứng thế nào ? "Tôi muốn điều đó, nào chúng ta hãy làm đi !” Ông ta sẽ phấn khởi và la lên. Ông ta sẽ làm gì sau khi nhận đầy đủ khả năng của những nhân vật này ? Ông sẽ bắt đầu nghĩ ra các cách đầu tư mà ông chưa bao giờ nghĩ trước đó và trở nên rất thành công.
Ân sủng của Chúa không ban cho chúng ta sự đầy dẫy con người của LeBron James, Steve Jobs, Donald Trump, Bill Gates – hay của Albert Einstein, Johann Sebastian Bach, Roger Federer hay bất cứ người nam, người nữ vĩ đại nào trong lịch sử. Không, ân sủng ban cho chúng ta sự đầy dẫy của chính Chúa Giê-su! Bạn có hiểu được tầm mức lớn lao của ý tưởng này không ?
Có thể bạn thấy bất ngờ về ý này, nhưng trong Tân Ước, Chúa không giới thiệu ân sủng như là một món quà miễn phí : sự cứu rỗi hay sự tha thứ tội. Hãy để tôi nói rõ. Tôi mãi biết ơn Chúa vì những lợi ích tuyệt vời đó, nhưng trong Tân Ước những ơn phước này được nói sau đó. Chúa giới thiệu ân sủng là việc chuyển giao sự đầy trọn của Chúa Giê-su. Điều này nói về việc chiếm hữu bản chất và quyền năng của Ngài ! Đây là lỳ do Giăng dạn dĩ công bố, "Vì Ngài thế nào thì chúng ta cũng như vậy trong thế gian này.” (1Giăng 4:17)
Bạn có bao giờ nghe một mục sư giảng, "Chúng ta không khác gì tội nhân, chúng ta chỉ được tha thứ mà thôi” hay "Chúng ta chỉ là con bọ không giá trị” hay "Chúng ta là con người có bản chất tội lỗi và phải nô lệ cho bản chất đó”? Làm sao một người đọc Kinh Thánh lại có thể nói những lời này ! Ngay cả người đời còn giảng dạy hay hơn.
Bạn có bao giờ nghe một con sư tử sinh ra một con sóc chưa ? Bạn có bao giờ nghe một con ngựa đua thuần chủng sinh ra một con sâu chưa ? Kinh Thánh nói chúng ta được sinh ra là xương bởi xương Ngài và là thịt bời thịt Ngài (xem Ê-phê-sô 5:30). Chúng ta được dạy, "Các con yêu dấu ! Giờ đây chúng ta là con cái Đức Chúa Trời” (1Giăng 3:2). Không phải đời sau, khi về thiên đàng, mà hiện giờ chúng ta là con cái Chúa. Làm sao Chúa có thể sinh ra một con sâu không có giá trị? Chúng ta được sinh ra từ Chúa – chúng ta có hạt giống của Ngài bên trong, có bản chất thiên thượng của Ngài. Ngài thề nào thì chúng ta thể ấy ở thế gian này ! Không phải ở đời sau, mà ở thế gian này !
Nào hãy xem lại lời của Phi-e-rơ : Nguyện xin ân sủng và bình an tràn ngập trong anh chị em nhờ sự nhận biết Đức Chúa Trời và Đức Giê-su, Chúa chúng ta... Bởi thần năng, Ngài ban cho chúng ta mọi điều cần để sống và sống tin kính... (2Phi-e-rơ 1:2-3).
Khi nói đến quyền năng của ân sủng, thì món quà ân sủng không chỉ xuất hiện một lần lúc được cứu rỗi. Đây là điều chúng ta cần liên tục, "cần ân sủng thêm ân sủng.” Đây là lý do chúng ta được dạy bảo, "Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngai ân sủng, để... tìm được ân sủng khả dĩ giúp đỡ chúng ta kịp thời.” (Hê-bơ-rơ 4:16). Đó là nhiên liệu chúng ta cần trong "bình xăng” của chúng ta.
Hãy đọc kỹ những lời này : "Ngài ban cho chúng ta ân sủng vĩ đại hơn” để nghịch lại các ham muốn ích kỷ. Bản Hiện Đại diễn giải câu này : "Ngài lại ban ân sủng nhiều hơn.” Sự ban cho quyền năng không do công đức này sẽ giúp chúng ta có khả năng mà trước đây chúng ta không có : Khả năng để sống cuộc đời thánh khiết.
Ân sủng này được dành cho những ai hạ mình bằng cách tin Lời Ngài, đón nhận sức mạnh của bản chất Ngài vào trong bản thể của chúng ta. Kẻ kiêu ngạo tập chú vào khả năng của họ, người khiêm nhường phụ thuộc vào quyền năng của Chúa. Người anh cả của Đa-vít, Ê-li-áp, là một kẻ kiêu ngạo, không lệ thuộc quyền năng của Chúa, nhưng lại đối diện người khổng lồ Gô-li-át bằng sức riêng của mình (xem 1Sa-mu-ên 16-17). Đa-vít là một người khiêm nhường, ông đối diện Gô-li-át bằng sức mạnh của Chúa. Chúng ta đã biết kết cuộc của mỗi trường hợp này rồi.
Chúa Giê-su là tấm gương về việc phụ thuộc vào ân sủng Chúa. Tại vườn Ghết-sê-ma-nê, Ngài đã tranh chiến cùng cực. Xác thịt của Ngài muốn thoát ra khỏi điều mà Cha Ngài truyền bảo, nhưng Ngài đã hạ mình xuống trong sự cầu nguyện lúc mà các môn đồ của Ngài đang ngủ. Ngài lớn tiếng kêu cầu để có "nhiên liệu” vượt qua cuộc chiến khốc liệt nhất nhằm chống lại sự ích kỷ. Đó là lúc có nhu cầu, và Ngài dạn dĩ đến để ân sủng thêm sức của Cha để vượt qua cuộc chiến. Các môn đồ đã thất bại, nhưng không phải là không được Chúa Giê-su cảnh báo trước : "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện để các con khỏi sa vào chước cám dỗ; tâm linh thì mong muốn nhưng thể xác lại yếu đuối.”
Ân sủng ban cho chúng ta bản chất của Ngài khi chúng ta được cứu, nhưng chúng ta cần hết ân sủng này đến ân sủng khác thêm sức cho bản chất mới để chúng ta có thể sống như Chúa Giê-su.
JOHN BEVERE (Theo Đời hay Đạo)