Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 89

Mùa Xuân Trong Thơ Thanh Hữu

(Kính tặng Mục sư – Thi sĩ Nguyễn Hữu Trang -Thanh Hữu với lòng kính mến!)

Quảng Nam là “cái nôi” của đạo Tin Lành ở Việt Nam. Quảng Nam cũng là “cái nôi” của chữ Quốc ngữ ở Việt Nam nữa. Không biết có còn ... cái nôi nào nữa hay không? Nhưng có thể nói Quảng Nam là mảnh đất của không ít sự khởi đầu tốt đẹp ở Việt Nam. Đó là sự ban cho của Chúa trên vùng đất miền Trung đầy nắng mưa và gió bão quanh năm. Quảng Nam cũng là nơi Chúa ban cho có rất nhiều người được Chúa dùng trở nên những Mục sư để hầu việc Ngài trên khắp đất nước Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Và tại vùng đất nầy, Chúa cũng thương xót ban cho có khá nhiều những tôi, con Chúa có khả năng văn chương, thơ phú để ca ngợi Đức Chúa Trời. Một trong những con người như thế mà tôi được biết, đó là Mục sư Nguyễn Hữu Trang-Nhà thơ Thanh Hữu (TH).

Có thể nói rằng, TH được Chúa ban cho ân tứ làm thơ rất rõ ràng, không phải vì ông làm được nhiều, rất nhiều những bài thơ, nhưng là vì thơ ông làm có nhiều bài hay đọng lại trong tâm thức người đọc, hướng người đọc đến một niềm tin, một hy vọng sống nơi Đức Chúa Trời Hằng Sống.

Thơ TH đề cập đến nhiều chủ đề khác nhau như Giáng sinh, Phục sinh, Quê hương, Thời gian, Đời người, Lòng biết ơn, Kinh Thánh... và dĩ nhiên không thể thiếu chủ đề về mùa Xuân.

Hôm nay, nhân mùa Xuân mới về với chúng ta, tôi muốn mời quý vị và các bạn cùng tôi cùng thưởng thức hương vị Xuân trong ... vườn thơ mùa Xuân của thi sĩ TH để chúng ta cùng được khích lệ nhau trong cuộc sống và nâng bước nhau trong niềm tin theo Chúa của mỗi chúng ta.

Và với những bạn đọc là những người chưa tin nhận Chúa, tôi cũng hy vọng rằng, Chúa sẽ dùng những vần thơ chân tình của TH để đưa bạn đến với Đấng ban cho chúng ta không những có mùa Xuân của đất trời đẹp đẽ nầy để chúng ta vui hưởng, mà còn có thể ban cho chúng ta mùa Xuân vĩnh cửu trong Thiên đàng vinh hiển nữa.

Mùa Xuân là một chủ đề đem lại cho TH nhiều cảm hứng để sáng tác thơ.

Có hàng chục bài thơ về mùa Xuân được thi sĩ sáng tác với những cung bậc tình cảm khác nhau đem đến cho người đọc những cảm nhận cũng khác nhau về mùa Xuân.

Khi đọc bài “Hỏi Xuân”của TH, tự nhiên làm tôi nhớ lại chàng thi sĩ họ Chế ngày xưa, một chàng thi sĩ chỉ yêu mùa Thu, mà lại ghét mùa Xuân đến tận cùng, nên đã từng có một ý nghĩ... khác người:

Tôi có chờ đâu, có đợi đâu?
Đem chi Xuân lại gợi thêm sầu
Với tôi, tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau.

Vì ghét mùa Xuân, không muốn mùa Xuân đến, nên Chế thi sĩ đã kêu gào để mong cho có ai đó giúp thi sĩ:

Ai đâu trở lại mùa Thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng
Với của hoa tươi muôn cánh rã
Về đây đem chắn nẻo Xuân sang.

Lấy lá vàng, lấy hoa tươi của mùa Thu trước để đem “chắn nẻo Xuân sang”, hầu cho đừng cho Xuân tới thì thật là ... khác người và ... ngộ nghĩnh nữa. Và chỉ có những người có tâm hồn thi sĩ... thượng thặng mới có thể nghĩ ra được những ý tưởng ... kỳ lạ và độc đáo như vậy được. Vì làm sao con người nhỏ bé như chúng ta có thể làm được việc phi thường như thế (ngăn chặn, không cho mùa Xuân đến), có thể thay đổi thì giờ, thời tiết, mùa màng được? Chỉ có Đấng tạo nên vũ trụ, trời đất, Đấng làm nên thì tiết, Đấng ban cho thì giờ, mùa màng mới có quyền làm việc đó, mới có thể làm cho Xuân đến, Hạ về, Thu sang, và Đông tới được mà thôi.

Ở đây, TH không làm cái việc giống như thi sĩ họ Chế ngày xưa muốn làm, nhưng TH hướng đến việc ca ngợi Đấng đã gọi mùa Xuân phải đến theo lệnh truyền, Đấng đã ban cho con người mùa màng, thời tiết để sống và thụ hưởng, Đấng đó chính là ông Trời, là Đức Chúa Trời mà TH đang hết lòng tin cậy và tôn thờ:

Ai mời gọi cho mùa Xuân phải đến?
Ai ban truyền, cây cối nức lộc xanh?
Ai tô hoa, ngàn sắc thắm trên cành?
Ai vẽ bướm, lượn bay trời nắng ấm?
(Hỏi Xuân)

Với một loạt những câu hỏi tu từ trong văn chương (có nghĩa là hỏi không phải để hỏi, mà hỏi có nghĩa là đã trả lời, đã khẳng định): Ai gọi mùa Xuân đến? Ai truyền lệnh cho cây cối nức lộc? Ai làm cho hoa có muôn nghìn sắc thắm? Và ai khiến bướm bay lượn trên bầu trời? Và TH trả lời:

Chúa sáng tạo, Ngài gọi Xuân phải đến
Ngài ban truyền, ngăn cấm Hạ, Thu, Đông
Phải tránh xa. Cho Xuân diễn hết lòng
Với tất cả siêu cao trong nghệ thuật.
(Hỏi Xuân)

Vâng! Là con người chúng ta chỉ có thể chuẩn bị để đón Xuân, vui Xuân, hưởng Xuân khi mùa Xuân đến với chúng ta trong sự tươi đẹp của nó mà Tạo Hóa đã ban tặng và bày tỏ lòng biết ơn, cảm tạ và tin thờ Đấng đã ban cho mùa Xuân, Đấng đã ban cho thì tiết để chúng ta làm việc và sinh sống trong cuộc đời nầy. Chúng ta không thể làm gì khác hơn được những điều như thế.

Có thể nói mùa Xuân là mùa tươi đẹp, ấm áp và đầy sức sống, mùa của hoa, của lá; mùa của chồi non, lộc biếc; mùa của sự mới mẻ, mùa của sự vui mừng, hát xướng. Chính vì thế mà ai ai cũng mong mùa Xuân đến để được vui hưởng mùa Xuân.

Mỗi một khi năm mới đến, con người thường hay lo lắng, băn khoăn trong việc tìm cách ... xuất hành hướng nào trong dịp đầu năm và xuất hành vào ... giờ nào cho tốt, để cả năm và ... cả đời được ... may mắn và ... được phước? Có nhiều người phải nhờ thầy coi dùm, hoặc phải xem sách hướng dẫn để biết ... hướng thiêng, ... ngày thiêng,... giờ thiêng... mà xuất hành cho ... ngon lành.

Là một người tin Chúa, TH biết cách nào để ... hành trình trong năm mới và trong cả cuộc đời cho được phước và được may mắn trong con đường mình:

Hành trình năm mới đi qua,
Chốn nơi bạn thích như là Ca-na-an.
Dù cho cách trở quan san,
Quyết tin cậy Chúa dẫn đàng mình đi.
Chăm nhìn Cứu Chúa nhu mì,
Bước theo Linh Thánh không khi nào rời.
Trần gian thay dạ đổi đời,
Dùng uy Danh Chúa với lời phán tuyên.
(Hành trình năm mới)

Không ai có thể biết chắc chắn điều gì sẽ xảy đến với tương lai mình cả, nên nhiều người đâm ra lo lắng thái quá về tương lai, về cuộc đời, lo lắng đến nổi mất ăn, mất ngủ và ... sinh bệnh nữa. Không ít người còn đâm ra lo sợ và tìm đến những thầy bói, thầy cúng, thầy coi tử vi để nhờ xem ... một quẻ về đường tương lai của mình thế nào hầu biết cách ... xử lý. Trước khi đi coi thì hăm hở, nhưng sau khi coi rồi thì lo... bở hơi tai. Và thế là tiền mất, tật mang, lo lắng càng thêm lắng lo.

Những người tin Chúa như TH cũng không ai biết tương lai của mình sẽ thế nào, nhưng có điều họ biết đó là Chúa là Đấng toàn năng dẫn đường họ đi, cho nên họ cứ đi theo Chúa và vâng theo lời Ngài phán, giống như con đi theo cha mẹ vậy. Và vì thế, nên họ chẳng có gì phải sợ hãi, lo âu về tương lai của mình. Và cũng chính vì vậy, mà họ chẳng bao giờ phí thời gian cũng như tiền bạc để đi coi thầy bói, thầy cúng hay thầy coi tử vi cả. Tạ ơn Chúa!

Trong một bài thơ khác, TH cũng bày tỏ tấm lòng vững tin cậy nơi Chúa ấy của mình khi hướng đến tương lai, cho dù thế giới có đảo điên, bất an thế nào đi nữa:

Nhìn chăm xem Chúa nhu mì,
Phục vụ trong ánh quang huy năng quyền.
Mặc cho thế giới đảo điên,
Vững tin cậy Chúa, bình yên thỏa lòng.
(Năm mới vui mừng trong Chúa)

Đức Chúa Trời thật tuyệt vời, vì Ngài là Đấng có quyền năng trên tất cả mọi sự, mọi việc! Bất cứ ai ở trong Ngài, chăm xem Ngài, bước đi theo Ngài thì chẳng còn có gì phải lo sợ nữa, và cũng chẳng cần phải coi ngày, chọn giờ gì hết, vì ngày nào cũng là ngày của Chúa và giờ nào cũng là giờ của Chúa ban cho cả. Lời Chúa dạy rằng:

Hãy giao phó đường lối mình cho Chúa, và tin cậy nơi Ngài, thì chính Ngài sẽ làm thành tựu.” (Thánh Thi 37: 5 –BDM) (*)

Cảm tạ Đức Chúa Trời quyền năng!

Tôi thật sự thích thú và vui mừng khi đọc bài thơ “Xuân bất tận” của thi sĩ, bởi bài thơ đó phô diễn được một chân lý về một mùa Xuân vĩnh cửu đến từ Chúa Giê-xu:

Xuân đã đến rồi ai đợi trông,
Ai mong lộc nở dưới nắng hồng.
Ai chờ ong bướm bay dưới nắng,
Ai ngắm mai vàng dệt ước mong.
(Xuân bất tận)

Bốn câu thơ lột tả được những đặc điểm nổi bật của một mùa Xuân Việt Nam, đúng hơn là mùa Xuân của miền Nam Việt Nam, nào là những cành lộc xanh biếc dưới nắng hồng của mùa Xuân; nào ong bướm bay rộn ràng trong nắng; nào là những đóa mai vàng đầy sức sống-một loài hoa đặc trưng của mùa Xuân miền Nam nước Việt, đem lại bao ước mơ cho con người khi mùa Xuân đến.

Nhưng:

Xuân đã đến rồi xuân lại đi,
Làm sao níu kéo buổi xuân thì.
Làm sao hưởng trọn xuân sung mãn,
Tách biệt đau buồn cõi sinh ly?
(Xuân bất tận)

Xuân không ở mãi với chúng ta, nó đến rồi đi theo luật định của Đấng Tạo Hóa quyền năng, không một ai có thể níu kéo Xuân ở lại lâu hơn được. Nếu mùa Xuân là mùa của sum họp, đoàn viên trong vui mừng, thỏa thích, thì sau đó lại là mùa của chia ly và cách biệt với biết bao niềm thương nỗi nhớ trong ta. Xuân trời là thế và Xuân đời cũng vậy. Đời con người khi ở tuổi thanh xuân thì tràn đầy sức sống, tràn đầy tin yêu và hy vọng, nhưng một khi tuổi xuân qua đi, thì con người cũng đang đợi chờ để đối diện với một sự chia xa, tách biệt trong đau buồn (tách biệt đau buồn cõi sinh ly), dù mình không muốn, hay nói như Chế Lan Viên là “tôi có chờ đâu, có đợi đâu.” Dù không ai chờ, không ai đợi, nhưng “cái già xồng xộc nó thì theo sau” và sau đó là cái chết không ai mời cũng cứ đến ... đón chúng ta nữa. Dù biết đó là... luật định của Tạo Hóa, nhưng không thể nói con người không thể không buồn, không lo sợ khi cái già và sự chết đang chờ chúng ta, nhất là khi chúng ta không biết chắc là sau khi chết mình sẽ đi về đâu và sẽ ở đâu??? Viết đến đây, tự nhiên tôi nhớ đến những câu thơ trong bài thơ “Ông đồ” nổi tiếng của thi sĩ Vũ Đình Liên nổi tiếng của Việt Nam mình:

“Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”

“Hồn ở đâu bây giờ?” là câu hỏi của mọi câu hỏi mà tôi và bạn phải tìm được lời giải đáp cho chính mình trước khi ... nhắm mắt lìa đời nầy vậy?

Bạn đã tìm được câu giải đáp khôn ngoan nhất cho câu hỏi nầy chưa?

Vậy thì con người tuyệt vọng chăng? Không còn một phương cách nào để giúp con người sống có hy vọng và sống đầy niềm tin chăng? Không hề như vậy!

Có một giải pháp phước hạnh duy nhất, một và chỉ một mà thôi. Không có giải pháp thứ hai. Giải pháp đó chính là thập tự giá, biểu tượng tình yêu của Chúa Giê-xu dành cho nhân loại , TH viết:

Tình yêu tuyệt đỉnh Chúa vun trồng,
Thập giá tạo thành chỗ cậy trông
Thập giá là cây ban sự sống,
Huyết Chúa hoa xuân tỏa ánh hồng

Xuân đã từ đây bắt nhip cầu,
Từ lòng Thiên Chúa chốn thâm sâu.
Vào trong lối nhỏ hồn hoang vắng,
Nối lại tình yêu quá nhiệm mầu.
(Xuân bất tận)

Vâng, nếu bạn muốn có được một cuộc đời đầy tin yêu và hy vọng, cho dù mùa Xuân của đất trời có còn hay đã đi xa, thì xin mời bạn hãy bắt nhịp cầu đến với Chúa Giê-xu, Chúa của tình yêu qua cây cầu thập tự giá, chắc chắn bạn sẽ nhận được một mùa Xuân miên viễn cho cuộc đời mình, một mùa Xuân bất tận, không bao giờ dứt. Đó là một điều nhiệm mầu mà chỉ có Chúa Giê-xu mới có thể đem đến cho bạn và tôi mà thôi. Không ai khác ngoài Ngài bạn ạ! Lời Kinh Thánh đã khẳng định điều đó một cách dứt khoát rằng:

Không có sự cứu rỗi trong một ai khác cả, (ngoài Chúa Giê-xu –NV nhấn mạnh) vì dưới trời không có Danh nào khác được ban cho loài người để chúng ta phải nhờ Danh ấy mà được cứu.” (Công Vụ 4: 12 – BDM)

Mùa Xuân đến cũng đem đến cho con người nhiều mộng mơ, mong ước về cuộc đời, về tương lai. Bạn có mộng ước gì mỗi khi mùa Xuân đến? Bạn có ước mơ gì khi năm mới về không? Không nhiều thì ít, cũng có phải không bạn? Tôi cầu mong cho bạn có thể đạt được những mộng ước trong cuộc đời vật chất tạm bợ nầy của con người. Hơn thế nữa, tôi cũng cầu mong cho bạn đạt được những mong ước thuộc linh lâu dài, vĩnh cửu cho linh hồn mình nữa. Tôi cầu mong cho bạn sớm trở thành con chiên trong nhà Chúa để được hưởng mọi ơn phước thuộc linh quý báu nhất mà Ngài sẵn dành cho những ai tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Chúa, làm Chủ cuộc đời.

Còn TH thi sĩ thì có mộng ước gì khi mùa Xuân về? Và đây, hãy nghe thi sĩ bày tỏ mong ước từ đáy lòng mình. Ước mong của thi sĩ ta như nghe thấy, ta như nhìn được nó chạy dài theo địa hình xinh đẹp, đáng yêu của dáng đứng Việt Nam, từ Bắc vô Nam với những địa danh dấu yêu của đất nước như sông Hồng, như Hà Nội, như Hồ Gươm (Bắc); như đàn Nam Giao, như núi Ngự Bình, như sông Hương thơ mộng (Trung); và như Long Giang, như Sài Gòn hoa lệ (Nam):

Ước: về Bắc đem quyền năng huyết Chúa
Biến sông Hồng đỏ thắm ánh yêu thương
Vô Hà Nội với Linh năng, cởi trói
Biến Hồ Gươm thành suối mát thiên đường

Xuôi về Trung tuốt gươm trần Kinh Thánh
Trừ tà thần vang chiến thắng Nam Giao
Núi Ngự Bình vang lời ca phước hạnh
Dòng sông Hương nguồn cảm tạ tuôn trào

Xuôi về Nam danh Giê-xu đắc thắng
Tỏa Linh quyền trừ bùa ngãi Long Giang
Trời Sàigòn vang lời ca ngập nắng
Cơn phấn hưng tựa nước lũ tuôn tràn
(Mộng ước đầu Xuân)

TH ước mong, khát khao trên suốt dọc dài dãi đất hình chữ S thân yêu của đất nước Việt Nam của thi sĩ cũng như của mỗi một con dân Việt yêu dấu sẽ có hàng triệu triệu người đến tin nhận Chúa Giê-xu để hưởng được mùa Xuân tâm linh thiên thu, không bao giờ dứt:

Ôi lớp lớp cả triệu người cuốn đến
Lòng khát khao ơn cứu rỗi thiên đường
Họ tràn ngập vận động trường, sông bến
Tụ về đây nhận ân sủng, tình thương..

Đây mộng ước đầu xuân con dâng Chúa
Xin ý Ngài được thành tựu Cha ơi
Con trông cậy lòng xót thương chan chứa
Nguyện vinh quang Ngài rạng chiếu muôn đời.
(Mộng ước đầu Xuân)

Đó là mộng ước đầu Xuân của TH. Và đó cũng là mộng ước của tất cả những con dân Chúa người Việt ở khắp nơi trên hành tinh nầy, trong đó có tôi nữa.

Vâng, mong ước ngày càng có hàng triệu, hàng chục triệu người Việt Nam thân yêu của mình trở nên tín đồ của Chúa Giê-xu là mong ước và khát khao không bao giờ dứt của những ai là người Việt đã tin Chúa rồi.

Lạy Chúa, xin thương xót lấy dân tộc Việt Nam yêu dấu của chúng con mà làm ơn cho để dân tộc của chúng con ngày càng có nhiều người biết đến Ngài và tôn thờ Ngài làm Chúa, làm Chủ cuộc đời, hầu cho họ được hưởng không chỉ mùa Xuân của đất trời tạm thời nầy mỗi năm một lần, mà họ còn được hưởng cả mùa Xuân của cõi tâm linh đời đời trong Thiên đàng vinh hiển không bao giờ dứt nữa.

Cảm ơn thi sĩ TH đã được Chúa ban cho cảm hứng để sáng tác được những vần thơ nói về mùa Xuân đầy sức sống và đầy tình yêu dành cho Thiên Chúa và cũng đầy tình yêu dành cho quê hương và dân tộc Việt Nam biết bao yêu dấu của chúng ta.

Có một điều thích thú với tôi mỗi khi đọc thơ TH, ấy là từ ngữ trong thơ ông thật hay, thật sâu sắc, thật chuẩn xác và thật ... đắc địa. Điều đó chứng tỏ rằng mỗi khi TH làm thơ, ông được Chúa ban cho ân tứ chọn từ ngữ tốt nhất cho bài thơ của mình, vì ông biết rằng mỗi một bài thơ mình làm ra là ân ban của Chúa, nên ông phải làm một cách tốt nhất có thể, và như là món quà tốt nhất của mình trước để dâng lên Chúa, và sau là để gởi đến độc giả gần xa thân yêu của mình. Ai đó nói rằng “Thơ là nghệ thuật đỉnh cao của ngôn từ”. Tôi nghĩ điều đó đúng.

Mong ước sẽ tiếp tục được đọc những vần thơ hay, sâu sắc và đầy ắp tình người của TH thi sĩ.

Nhân dịp Xuân mới lại về, kính chúc TH thi sĩ và tất cả mọi con dân nước Việt ở khắp mọi nơi trong đất nước Việt Nam cũng như trên cả địa cầu nầy tràn đầy tình yêu và sự bình an đến từ Chúa của mùa Xuân là Đức Chúa Trời ban cho.

Và đây là lời Chúc Mừng Năm Mới của tôi dành cho mọi người qua những vần thơ lục bát thân thương, chân tình sau đây:

Chúc cho Danh Chúa vang ra
Mừng tôi và bạn gần xa một nhà
Năm tháng, thời gian trôi qua
Mới luôn, Xuân mãi bên Cha đời đời!

California, Xuân mới 2019.

-Mục Sư Nguyễn Đình Liễu-

(*): Những câu Kinh Thánh trích dẫn trong bài viết là từ Kinh Thánh Bản Dịch Mới (BDM).