Quản Lý : Chứ Không Sở Hữu
Những tiềm lực tài chính không thuộc về cá nhân, tổ chức, xã hội hay giáo phái nào. Nó thuộc về Chúa : "Bạc là của Ta, vàng là của Ta.” Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy (A-ghê đoạn 2 câu 8). Chúng ta quản lý, nhưng chúng ta không sở hữu. Và mọi người sẽ phải trả lời về những gì họ đã được giao phó. Một chi tiết thú vị là khi Chúa Giê-su nói về các ta-lâng. Ngài chờ đợi chúng sẽ nhân lên. Ngài muốn lợi nhuận từ những gì chúng ta quản trị. Điều này áp dụng với tất cả mọi lĩnh vực của cuộc sống, gồm cả tài chính.
Nước Đức Chúa Trời không phải là tiền bạc, nhưng nó có khía cạnh tài chính. Không có tiền Phúc âm sẽ không được mang đến cho thế giới, và con người sẽ không bao giờ được nghe về Chúa Giê-su. Không có những phương tiện tài chính, các nhà thờ sẽ chẳng bao giờ được xây dựng, các buổi hội thảo sẽ không được tổ chức, các chương trình truyền hình không được phát sóng và các giáo sĩ chẳng được sai đi. Tiền bạc quan trọng trong Nước Đức Chúa Trời. Không có vàng và bạc, đền tạm không thể được xây trên đồng vắng, đền thờ Sa-lô-môn sẽ không thể hoàn thành, và Nê-hê-mi không thể khôi phục các tường thành Giê-ru-sa-lem.
Tiền bạc quan trọng, không chỉ cho công việc hội thánh mà còn cho sự sống còn của con người nói chung. Vì lý do đó, có nhiều cám dỗ liên quan đến tiền bạc. Tiền bạc tượng trưng cho công việc của con người, và công việc lại tượng trưng cho cuộc sống của họ. Tiền bạc tượng trưng cho sự sống và an ninh. Nó tượng trưng cho thể diện, quyền lực và ảnh hưởng. Hệ quả là con người trong mọi thời đại đã phó sự sống của họ để kiếm được tiền bạc. Trong nhiều trường hợp, tiền đã trở thành thần tượng. Chúa Giê-su gọi thần tượng đó là Ma-môn (Ma-thi-ơ đoạn 6 câu 24). Vì sự thờ lạy Ma-môn, thậm chí trong hội thánh, mà nhiều người lãnh đạo thuộc linh đã kết luận rằng nghèo khó tốt hơn giàu có. Một số câu Kinh thánh chỉ đến điều đó. Ví dụ như Chúa Giê-su đã thách thức các môn đồ bỏ mọi sự theo Ngài. Ngài còn nói người giàu vào nước thiên đàng là khó lắm (Ma-thi-ơ đoạn 9 câu 23). Tôi tin quyết rằng Chúa Giê-su đang chống lại lòng tham. Tuy nhiên, tôi không tin rằng Ngài chống lại của cải và ủng hộ cho chủ nghĩa khổ hạnh cực đoan. Không có bất kỳ điều gì trong cuộc sống của Chúa Giê-su với gốc gác Ngài là người Do Thái hay trong những sự dạy dỗ của Ngài ủng hộ cho điều đó. Điều tương tự cũng có thể nói về Phao-lô.
Phân Biệt Giữa Sống Giản Dị Và Sống Nghèo Thiếu
Sự kiện các Cơ đốc nhân thường không tin cậy của cải và đời sống xa hoa một mặt là do muốn giữ quân bình, nhưng mặt khác là do thiếu hiểu biết và sợ hãi. Ngày càng có nhiều Cơ đốc nhân tin Kinh Thánh thấy rằng Chúa thực sự là Êl Shaddai - Đức Chúa Trời dư dật. Đức Chúa Trời đã chỉ định con người quản trị tạo vật trù phú, vốn là biểu hiện của bản chất dư dật của Ngài. Tà thuyết khắc kỷ, cho rằng vật chất là ác thường len lỏi vào Cơ đốc giáo, khiến nảy sinh lối tư duy khó nghèo và làm tê liệt con người. Sự khó nghèo đã và vẫn còn là hậu quả của sự sa ngã. Nó không phải là biểu hiện của bản chất Đức Chúa Trời. Sự khó nghèo làm con người sa sút. Nó cản trở sự tăng trưởng, tạo nên sự sợ hãi và nuôi dưỡng sự thành kiến. Trong môi trường khó nghèo, lòng ghen tị, thù hận và tội ác nảy nở và cuộc sống đánh mất giá trị của nó. Những người ở phương Tây nói về cái gọi là "phước hạnh” của sự khó nghèo thường là chưa hề kinh nghiệm nó. Họ là những người sống lý thuyết suông, có lẽ chưa từng bao giờ chạm trán với mùi hôi thối của khu người nghèo ở Calcutta, New Delhi hoặc Bombay. Họ chưa có câu nói rằng cái kết tồi tệ nhất có thể là chết đói. Tất nhiên, Chúa có thể làm vinh hiển chính Ngài trong mọi hoàn cảnh, nhưng đây là một chuyện hoàn toàn khác. Điều này không có nghĩa là Ngài thử thách hoặc mong muốn những điều ác xảy ra. Nếu người ta tự nguyện từ bỏ cuộc sống dư dật ích kỷ để sống giản dị hơn, thì đây cũng là một chuyện hoàn toàn khác. Cần phân biệt giữa giản dị và khó nghèo. Sự giản dị là điều tôi chọn bởi vì Chúa dẫn dắt tôi làm như vậy. Sự khó nghèo là kẻ thù bên ngoài, là điều tôi không chọn mà phải chống lại.
Khi Phao-lô đi lại và truyền đạo khắp đế quốc La-mã, ông không sở hữu những ngôi nhà lớn. Ông không có thời gian và điều kiện làm điều đó, xét tới nhiệm vụ của ông. Ông đã kinh nghiệm cả sự nghèo hèn lẫn dư dật (Phi-líp đoạn 4 câu 12 đến 14), nhưng ông vui mừng khi sự thiếu thốn của ông được nhẹ bớt bởi những món quà của hội thánh tại Phi-líp. Tuy nhiên, ông không bao giờ phán xét những người giàu, thay vào đó ông khích lệ họ trở nên hào phóng và sẵn sàng chia sẻ (Ti-mô-thê thứ nhất đoạn 6 câu 17 đến 19).
Canh Chừng Những Cực Đoan
Lòng tham tiền bạc, chứ không phải bản thân tiền bạc mới là cội rễ của mọi điều ác (Ti-mô-thê thứ nhất đoạn 6 câu 10). Khi các tín đồ được chúc phước về tài chính – và trong Cựu ước thì sự chúc phước và tài chính có liên quan trực tiếp (Phục truyền đoạn 8 câu 1 đến 20, và đoạn 28 câu 1 đến 14) – là lúc Chúa nhìn vào tấm lòng của chúng ta. Ngài nhìn xem chúng ta có tham lam khi chúng ta được dư dật hay lòng rộng lượng của chúng ta được gia tăng. Do đó, quan trọng là một người lãnh đạo thuộc linh phải dẫn dắt dân sự của mình đến sự lành mạnh tài chính, tự do tài chính, dư dật tài chính và rộng lượng tài chính. Chúng ta cần cả một quân đội của những người dâng hiến mạnh mẽ và cam kết để những chương trình của Chúa được hoàn thành. Một trong những cản trở lớn nhất hiện nay không phải là tham lam mà là túng thiếu và khó nghèo. Người không có thì không thể ban cho (Ê-phê-sô đoạn 4 câu 28).
Một bộ phận lớn trong Cơ đốc giáo cần phải thoát khỏi suy nghĩ cực đoan về khó nghèo và được giải phóng khỏi lối suy nghĩ khó nghèo tôn giáo. Chúa có thể hỗ trợ công việc của Ngài và săn sóc con cái của Ngài cách dư dật. Nếu không Chúa khó mà có thể sử dụng Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp, Đa-vít và Sa-lô-môn.
ULF EKMAN (Theo Lãnh Đạo Thuộc Linh)