Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 5

Lời Chúc Đầu Năm

Từ bài giảng luận “Nhìn Về Tương Lai”

CN Feb 03, 2019 - Hội Thánh North Hollywood

Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi. (Thi-thiên 23:1a)

(đọc Thi-thiên 23)

Bài giảng luận đặc biệt dành cho Chúa Nhật cuối cùng của năm âm lịch, dựa vào bốn chữ “sẽ” có trong Thi thiên 23, để nhìn về một tương lai tươi sáng của Cơ-đốc Nhân. Nhân dịp Tết Âm Lịch gần đến, tôi liên tưởng những điều này với một lời chúc viết trên liển đỏ thường treo trước nhà, đơn giản chỉ có bốn chữ, nhưng mang trọn ý nghĩa ao ước tốt lành cho một năm mới trước mắt: “Ngũ Phúc Lâm Môn”. Xin phép chuyển các ý của bài giảng theo thứ tự này: “Phúc, Lộc, Thọ, Khương, Ninh” chứ không giữ thứ tự có trong Thi thiên quen thuộc, nhưng vẫn giữ trọn ý tưởng của bài giảng luận công phu.

Phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi. Đó là chữ PHÚC, hay phước mà người thế gian luôn tìm đủ moi cách để có được, nhiều chừng nào tốt chừng nấy. Cơ-đốc Nhân không cần phải chay đôn chạy đáo để tìm phước, nhưng phước cứ theo từng bước chân của anh em mà nhân rộng khắp mọi nơi. Hãy nhớ lại lời hứa của Chúa với ông tổ đức tin Áp-ra-ham khi rời bỏ quê hương đi đến miền đất hứa xa lạ:” Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước”.(Sáng 12:4).

Tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì. Đó là chữ LỘC, với người thế gian đó là những vật chất được sở hữu, được hưởng thụ nhiều hơn những người khác. Nếu đọc thêm câu 2 và 3 tiếp theo sẽ thấy rằng lộc của người thuộc về Chúa bao gồm cả vật chất lẫn tinh thần. Quả là một đời sống đáng mơ tưởng tới. Đó là sự thỏa lòng mà Phao-lô luôn nhắc nhở cho các Hội Thánh.

Tôi sẽ ở trong nhà Đức Giê-hô-va cho đến lâu dài. Đó là chữ THỌ mà mọi người đều ngưởng vọng và khao khát. Người ta tìm đủ mọi cách để gia tăng chuổi ngày được sống trên đất. Thế mà cứ hơ hỏng một chút là bỏ lại tất cả để ra đi. Cơ-đốc Nhân được sống trong nhà Đức Giê-hô-va, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Đấng chiến thắng sự chết, Đấng ban sự sống đời đời; thì đâu còn phải đối diện với án phạt mà cả thế gian này đang nơm nớp lo sợ.

Tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào. Ngày nay, mọi người luôn nhắc nhau nhớ đến những tai họa, thiên tai, tai nạn, bệnh tật, chiến tranh, khủng bố, cả đến nguy hiểm của những thức ăn hằng ngày nữa. Đời sông hầu như mất đi sự an toàn cho bản thân, cho gia đình và cho cả xã hội, cộng đồng hay môi trường sống. Vẫn luôn được nghe nhắc đến nhiều biện pháp an toàn chung; nhưng mấy ai có thể an tâm về sự an toàn của chính mình? Cơ-đốc Nhân không tránh được những tai ương, phải đón nhận y như mọi người, nhưng lúc nào cũng an tâm, sẵn sàng đối diện với cái chết hết sức thanh thản; vì mạng sống mình đã giao trong tay Đấng chiến thắng sự chết và Ngài lúc nào cũng an ủi, quan phòng chặt chẻ đối với những kẻ mang Danh Ngài. Đó là chữ NINH, chữ ninh bình an không giống như cách thế gian ban cho (Giăng 14:27)

Trên đây chỉ mới là dẫn giải bốn phước theo như bài giảng luận đã trình bày. Thế còn phước thứ năm ở đâu cho đủ bộ “Ngũ Phúc Lâm Môn”? Hãy nhìn vào Thi thiên 23,câu 5: “Chúa dọn bàn cho tôi trước mặt kẻ thù nghịch tôi; Chúa xức dầu cho đầu tôi, Chén tôi đầy tràn”. Đó là sức mạnh, là năng lực, là chữ KHANG của ngũ phúc. Không phải là tài năng hay sức mạnh tôi tự tạo cho mình, nhưng đến từ Chúa để tôi mạnh mẻ trước mọi kẻ thù, và năng động trong nhiệm vụ Chúa giao cho để làm sáng danh Ngài.

Chỉ có thêm một điều cần lưu ý, tôi có tất cả các phước hạnh liệt kê bên trên là do ân sủng từ Chúa, nếu tôi sẵn lòng để Ngài định đoạt cuộc đời tôi, trọn đời tôi sẽ để Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi. Đó là cốt lõi của vấn đề. Khi tôi sẵn lòng để Ngài làm Chúa, làm Chủ; ngay lúc đó tôi sẽ được hưởng mọi phước tốt lành, không cần phải chờ đợi đến một tương lai nào, mà là ngay hiện tại, ngay trong cõi tạm này và sẽ tiếp diễn cho đến đời đời vô cùng.

Thật nức lòng khi cảm nhận mình được phước đến mức như vậy và còn hơn thế nữa khi “các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước”. Đời sống Cơ-đốc Nhân đẹp như vậy đó. Tạ ơn Chúa!

Một lần nữa, xin mạn phép có vài thu xếp thêm vào để biến bài giảng luận thành một lời chúc Tết gửi đến anh em mình khắp nơi. A men!