Từ bài giảng luận “Vào Nơi Chí Thánh”
CN Feb 10, 2019 - Hội Thánh North Hollywood
Hỡi anh em, vì chúng ta nhờ huyết Đức Chúa Jêsus được dạn dĩ vào nơi rất thánh. (Hê-bơ-rơ 10:19)
(đọc Hê-bơ-rơ 10: 19-25)
Có hai ý niệm được nói đến trong phân đoạn Kinh Thánh này, “vào nơi rất thánh” và “nhóm lại”. Cả hai đồng diễn tả một sự tương giao giữa chúng ta và Đức Chúa Trời chí thánh. Với giao ước luật pháp nghiêm nhặt, vào nơi chí thánh có sự hiện diện của Đức Chúa Trời rất hạn chế, nhưng bởi sự hi sinh của Đức Chúa Jesus Christ như một sinh tế trọn vẹn, một thầy tế lễ thay cho nhân loại được đẹp lòng Đức Chúa Trời, hành động coi như là bất khả thi đối với mọi người đó đã trở nên một ân sủng được ban cho mọi kẻ có lòng tin. Kèm theo đặc ân đó là trách nhiệm: đến gần Đức Chúa Trời trong đức tin, đứng vững với hi vọng trong Đức Chúa Jesus Christ, và để tâm đến sự xây dựng một thế giới yêu thương, hoàn hảo, tốt lành bởi năng lực từ Đức Thánh Linh. Với thời ký ân điển, ân sủng này được định danh nhẹ nhàng hơn: sự nhóm lại hay theo cách gọi của hiện tại “đi nhà thờ”.
Cho dù thay đổi cách gọi là như thế nào, việc ra mắt Chúa, hay bước vào sự vinh hiển, uy nghiêm và chí thánh của Dấng Chí Cao, mọi Cơ-đốc Nhân đều phải có một tinh thần kính kiền không giảm sút. Dẫu vậy, như trái cấm trong vườn Ê-đen ngáy xưa, ngày nay có quá nhiều quả cấm lóng lánh, lung linh, loang loáng trước mắt để tôi xem nhẹ việc tương giao với Chúa và với anh em đồng đức tin. Ngày trước, mỗi Chúa nhật đi nhà thờ, tôi khệ nệ mang theo nào Kinh Thánh, nào Thánh ca dầy cộm, nào bút viết, sổ sách ghi chép. Còn bây giờ, tất cả gọp chung trong một chiếc smartphone nhỏ gọn vừa vặn lòng bàn tay. Và còn bao nhiêu tiên nghi công nghệ khác như ứng dụng livetream, với nó cho dù tôi ở bất cứ nơi nào tôi vẫn có thể thấy được mọi sinh hoạt của nhà thờ ngay trong khoảnh khắc mà Hội Thánh đang nhóm lại. Mối Chúa Nhật, trên tivi, không ít chương trình thờ phượng Chúa online mời gọi tôi. Bao nhiêu là thứ media khác cùng với chiếc phone trên tay tôi, trợ giúp để tôi có thể nghe lời giảng của chính diễn giả bất cứ khi nào tôi thích. Thế thì việc tôi đi đến nhà thờ là một điêu thật phí phạm mà tôi có thể yếu lòng xem xét lại.
Thế gian luôn luôn kéo tôi đứng về phía đối nghịch với Chúa. Nó làm tôi chỉ nghỉ đến tiện nghi cho bản thân mà đánh mất phước hạnh Chúa dầy công tô đấp cho đời sống tôi. Xin ghi lại một lời cảnh tỉnh tôi đọc được trong một sách giải nghĩa phân đoạn thư Hê-bơ-rơ này: “Chúng ta nên nhớ, không kể những việc khác, việc đi nhà thờ cho thấy lòng trung thành của chúng ta đặt vào đâu. Dù bài giảng có nghèo nàn hay sự thờ phượng có vẻ hình thức chăng nữa, thì nhà thờ vẫn cho chúng ta cơ hội bày tỏ cho mọi người biết chúng ta đứng về phía nào. ” Tổ mẫu Ê-va xưa kia đã đánh mất sự tương giao với Đức Chúa Trời và với A-đam chồng mình, cũng vì nhìn sự việc theo ý xác thịt, gây họa cho gia đình mình và hậu tự tiếp nối. Hai đứa con trai trong dụ ngôn “Con trai hoang đàng” cũng không gần gủi “người cha nhân lành” đủ để khỏi mang họa vào thân. Những hình ảnh đó có khiến tôi tỉnh thức để khỏi sa chân vào những vết xe đổ, lấy mất phước hạnh Chúa dành cho tôi thật tốt lành trong những dịp thường xuyên tương giao với Ngài và giao tiếp với anh em để được nâng đở, cũng khích lệ anh em cùng tiến bước trên con đường gian nan theo Chúa.
Tôi vẫn luôn cầu xin Chúa quan phòng, xin Ngài ở bên cạnh tôi, bênh vực, vùa giúp tôi; vậy mà sao tôi không trân trọng việc gặp gỡ Đấng yêu thương tôi, lúc nào cũng tìm mọi cách để tạo hạnh phúc cho cuộc đời tôi? Đấng đã hứa cùng chúng ta là thành tín. Ngài luôn trông chờ tôi đáp lại bằng sự trung tín trong các việc nhỏ của đời sống tôi.
Phân đoạn Kinh Thánh kết thúc với hai lời cảnh báo tôi trước nguy cơ đen tối này: “Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy” (câu 25). Thứ nhất, “mấy kẻ quen làm”, có nhiều anh em tôi đã sa ngã, tạo nên một thế lực dễ lắm lôi cuốn tôi gia nhập, chấp nhận sự dễ dãi này với những biện minh tưởng chừng như chính đáng. Thứ hai, “ngày ấy hầu gần”, tôi chẳng biết khi nào Chúa lại đến hayl úc nào Chúa kêu tôi ứng hầu trước Chúa, nếu tôi không cùng anh em vững lập trên đức tin, e rằng có thể bị bỏ như Phao-lô đã từng e sợ.