Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 95

Tha Thứ (Kỳ 1)

Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy. ” (Êphêsô 4:32)

Tha thứ là một đề tài có thể cho rằng dễ nói nhưng khó làm! Theo Tự Điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học Việt Nam năm 1996, chữ “tha thứ” có nghĩa là “bỏ qua không trách cứ hoặc trừng phạt.” Trong bản tiếng Anh, động từ “tha thứ” là “forgive”. Như vậy, chữ “tha thứ” chỉ áp dụng trong trường hợp mình sẵn sàng tha thứ cho một người gây thương tổn cho mình về vật chất, tình cảm, hay tinh thần. Nếu hai người ghét nhau vì không thích nhau hay có thành kiến cùng nhau thì không cần phải tha thứ nhau mà phải cần làm hòa với nhau.

Trong đời sống, có những chữ rất khó cho người ta thốt lên từ tận đáy lòng mình. Nhiều người đồng ý rằng có ít nhất là ba câu nói rất khó thốt lên lời: (1) “Tôi yêu anh/em.” – “I love you.”; (2) “Tôi xin lỗi anh/em.” – “I am sorry.”; “Tôi tha thứ anh/em.” – I forgive you.” Trong xã hội chúng ta đang sống, người ta không những chú ý đến lời nói mà còn đến cử chỉ hành động của một người. Điểm son của Đạo Chúa là sống Đạo. Sống đạo là sống đúng theo những gì mình tin, mình nói, và mình làm. Đây có nghĩa là khi nói “tha thứ” thì mình phải thật sự làm điều đó. Đạo của Chúa dạy dỗ con người phải biết yêu thương nhau nhưng cũng phải biết tha thứ cho nhau. Tình yêu thương không thể thiếu yếu tố tha thứ được. Đời sống của người con dân Chúa sẽ được kết quả vô cùng khi biết yêu thương trong tinh thần rộng lượng tha thứ. Qua Kinh Thánh soi dẫn trong sách Êphesô 4:32, chúng ta học biết được sự tha thứ có liên quan rất nhiều đến đời sống kết quả của một người con dân Chúa.

1. Lẽ Cần Của Sự Tha Thứ. Êphêsô 4:32c chép: “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy. ” Mỗi người đều cần sự tha thứ. Cần sự tha thứ nghĩa là phải được Chúa và người khác tha thứ cho mình. Con người chưa nhận thức sự tha thứ vì con người thường để cái tôi của mình lên quá cao nên chỉ biết mình và thiếu cái nhìn thương xót đối với người khác. Vì có bản chất như vậy nên con người thường có tánh hẹp hòi, khó tha thứ người khác. Con người thích nhìn thấy khuyết điểm của người khác hơn là của chính mình. Chúa Giê-su gọi những người như vậy là: “Thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình. ” (Mathiơ 7:3). Như cổ nhân có nói: “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng.”

Muốn giải quyết nan đề của đối tượng thì ta phải giải quyết nan đề của mình trước. Điểm quan trọng là mỗi người phải nhìn nhận mình là kẻ có tội, mình cũng bị lầm lỗi. Kinh Thánh cho biết “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. ” (Rô-ma 3:23). Vì mọi người đều là “nhân vô thập toàn”, không hoàn hảo nên rất khó cho ta đi tìm một người mẫu để học theo. Nếu đi tìm các vĩ nhân để học về sự tha thứ thì ta không tìm được nhiều người. Kể cả trong Kinh Thánh, ta không tìm thấy nhiều tấm gương về sự tha thứ. Qua Kinh Thánh bày tỏ, con người chỉ có thể học sự tha thứ từ bản tánh nhân từ, thương xót của Đức Chúa Trời. Thi-thiên 103:8-13 chép: “Đức Giê-hô-va đầy lòng thương xót, hay làm ơn, Chậm nóng giận và giàu lòng nhân từ. Ngài không bắt tội luôn luôn, Cũng chẳng giữ lòng giận đến đời đời. Ngài không đối đãi với chúng ta theo tội lỗi chúng ta, Cũng không báo trả chúng ta theo sự gian ác của chúng ta. Vì các tầng trời cách xa mặt đất bao nhiêu, Thì lòng nhân từ của Ngài càng lớn cho người nào kính sợ Ngài bấy nhiêu. Phương đông xa cách phương tây bao nhiêu, Thì Ngài cũng cất sự vi phạm chúng ta cách xa chúng ta bấy nhiêu. Đức Giê-hô-va thương xót người kính sợ Ngài, Khác nào cha thương xót con cái mình vậy.” Vì vậy, tha thứ là một hành động đến từ Đức Chúa Trời và chỉ có qua sự linh cảm của Ngài, con dân Chúa mới có thể tha thứ cho người đồng loại mình được.

Nhân vật trong Kinh Thánh cho ta đáng học theo là Chúa Giê-su. Trong suốt ba năm chức vụ, Chúa Giê-su đã để lại trong lòng dân chúng sự yêu kính và ngưỡng mộ. Ngài là một người giàu lòng thương xót. Đến nỗi ngay ở trên cây thập tự giá mà Chúa Giê-su vẫn có thể nói rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì. ” (Lu-ca 23:34a). Chúa Giê-su cầu xin Đức Chúa Cha tha thứ tội lỗi của con người rồi sau đó, không phải Ngài từ chối trách nhiệm, nhưng mà Ngài gánh lấy trách nhiệm thế cho con người bằng cách chết thế cho tội lỗi con người. Chúa sẵn sàng tha thứ tội lỗi cho con người khi con người biết tìm đến Ngài. Con người sẽ được thứ tha tội lỗi khi biết nhìn nhận mình cần được Chúa tha thứ và xưng ra những tội lỗi của mình. Kinh Thánh chép: “Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác. ” (1 Giăng 1:9).

Chúa Giê-su khi còn ở tại thế đã sống với mọi người bằng sự nhân từ, đẫy dẫy lòng thương xót. Ngày nay, chúng ta cũng phải ở với nhau như vậy trong gia đình, trong Hội Thánh, và giữa những người xung quanh. Luật Vàng của Chúa Giê-su dạy rằng: “Vả, nếu các con tha lỗi cho người ta, thì Cha các con ở trên trời cũng sẽ tha thứ các con. Song nếu không tha lỗi cho người ta, thì Cha các con cũng sẽ không tha lỗi cho các con. ” (Mathiơ 6:14-15). Lời Chúa cũng dạy trong Mathiơ 7:12 rằng: “Hễ điều chi mà các con muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ. ” Như vậy, muốn người ta tha thứ cho mình thì mình trước hết phải tha thứ cho người ta.

Nhân Mùa Chay (Lenten Season) bắt đầu từ 16/03/19 đến 18/04/19, hãy dành thì giờ ít nhất 15 phút mỗi ngày để tịnh tâm, xét lòng. Hãy đến với Chúa và với nhau để giải quyết mọi vấn đề ngay hôm nay. Mong lắm thay!

Mục sư Lê Hồng Phúc

Địa chỉ liên lạc:
Hội Thánh Báp Tít Đức Tin
11312 Shiloh Rd., Dallas, TX 75228
(972) 270-1557
Facebook: Viet Faith Dallas; www.VietFaith.org
Email: mspeterhongle@gmail.com
Lễ Thờ Phượng lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật
Quản Nhiệm: Mục sư Peter Lê Hồng Phúc