Nói về chuyện ... chữ nghĩa tiếng Việt là một vấn đề ... không nhỏ chút nào.
Không ai trong chúng ta cho dù là người Việt Nam ... chính hiệu con nai vàng (có nghĩa là sinh ra và lớn lên trên đất nước Việt Nam ) đi nữa, không nhiều thì ít cũng mắc phải những lỗi lầm khi nói và viết tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của mình. Đâu có phải hễ cứ là tiếng mẹ đẻ là mình nói hoặc viết đúng hết, chính xác hết đâu phải không bạn?
Tôi không hiểu sao ông bà ta ngày xưa lại gọi là tiếng mẹ đẻ để chỉ ngôn ngữ, tiếng nói gốc của một người? Nhưng tôi hiểu nôm na là sở dĩ gọi là tiếng mẹ đẻ vì một người khi được sinh ra thì trước hết người đó được sống trong bầu không khí tiếng nói, lời ru của người mẹ đầu tiên hết. Thậm chí ngay cả khi chưa sinh ra đời, “người ấy” đã được thẩm thấu tiếng nói của người mẹ trong tâm hồn rồi qua các lời vỗ về, vuốt ve của người mẹ dành cho đứa con yêu dấu của mình ngay khi chúng còn nằm trong lòng mình.
Ngôn ngữ đầu tiên (hay tiếng mẹ đẻ) là một ngôn ngữ mà người ta được thừa hưởng trong thời thơ ấu khi còn tấm bé nằm trong nôi. Đặc trưng của người nói tiếng mẹ đẻ của một ngôn ngữ là trực giác về những gì họ có trong ngôn ngữ của họ mà những người nước ngoài không thể có được.
Nhân nói chuyện về tiếng mẹ đẻ, thiết tưởng cũng nên nói một đôi chút về sự ra đời của hệ thống chữ viết tiếng Việt mà chúng ta có được và đang dùng ngày hôm nay.
Chữ Quốc ngữ mà chúng ta đang được sử dụng một cách tuyệt vời như ngày hôm nay, phải nói là nhờ Chúa ban ơn khôn ngoan cho các các Linh mục phương Tây khi đến truyền giáo ở nước ta như Gaspar De Amaral, Linh mục Antonio Barbosa , Linh mục Francisco De Pina, Linh mục Francesco Buzumi và Linh mục Alexandre De Rhodes. Họ đã dùng mẫu tự La-tinh để ghi lại tiếng nói của người Việt hầu có thể truyền bá được đạo Chúa cho người bản xứ, và tất cả họ trở thành là đồng tác giả của chữ quốc ngữ mà người Việt chúng ta đã sử dụng hàng trăm năm qua cho đến nay.
Trước hết, phải nói đến Linh mục Gaspar De Amaral là người có công biên soạn cuốn từ điển Việt – Bồ đầu tiên.
Tiếp đến, Linh mục Antonio Barbosa, thì biên soạn cuốn từ điển Bồ – Việt.
Còn Linh mục Francisco De Pina, được cho là đã dựa vào cách phát âm tiếng Bồ Đồ Nha để chuyển tự ghi chép tiếng Việt khi ông vào Đàng Trong (Từ sông Gianh trở vào Nam), và ông được xem là Giáo sĩ nước ngoài đầu tiên nói tiếng Việt lưu loát, đến nỗi ông có thể giảng lời Chúa được bằng tiếng Việt nữa. Tại Dinh trấn Thanh Chiêm của Quảng Nam, ông đã mở trường để dạy tiếng Việt đầu tiên cho các Giáo sĩ đến Việt Nam truyền giáo. Cho nên, Quảng Nam còn được xem như là chiếc nôi ra đời của chữ Quốc ngữ nữa.
Đặc biệt, Linh mục Alexandre De Rhodes, người đã dựa vào hai công trình từ điển nêu trên và bổ sung thêm phần tiềng La-tinh để hình thành nên cuốn từ điển Việt – Bồ – La.
Thực tế cho thấy, chính việc bổ sung phần La-tinh của Linh mục Alexandre De Rhodes vào trong cuốn từ điển nổi tiếng nầy và cho in tại Rô ma vào năm 1651 đã làm cho ông trở thành người có đóng góp quan trọng bậc nhất giúp hình thành nên chữ viết theo lối La-tinh để rồi sau đó một thời gian chúng trở thành chữ Quốc ngữ cho người Việt Nam sử dụng rộng rãi như hôm nay.
Đánh giá về công khó của Linh mục Alexandre De Rhodes đối với việc góp phần quan trọng tạo nên chữ Quốc ngữ, tờ Nguyệt San MISSI của Pháp vào dịp kỷ niệm 300 năm ngày sinh của ông, đã viết đại ý như sau : “Khi cho Việt Nam các mẫu tự La-tinh, Giáo sĩ Alexandre De Rhodes đã đưa Việt Nam đi trước đến ba thế kỷ”.
Cảm tạ Chúa đã ban cho dân tộc Việt Nam chúng ta có được hệ thống chữ viết được ký âm bằng mẫu tự La-tinh và được gọi là chữ Quốc ngữ độc đáo về cách diễn đạt và phong phú về cách biểu cảm như chúng ta đã thấy và đã biết.
Học giả Phạm Quỳnh đã từng có lần tuyên bố một câu thật hay về tiếng Việt như sau: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn.”
Chúng ta cũng cảm tạ Chúa đã dùng học giả Phan Khôi, một nhà văn, nhà báo, nhà thơ xứ Quảng Nam nổi tiếng đã góp phần dịch Kinh Thánh ra chữ Quốc ngữ để chúng ta có dùng gần một trăm năm qua với một lời dịch thật hay, thật xuất sắc, đã được đông đảo tín hữu Tin Lành cũng như các Mục sư yêu mến, sử dụng để đọc, học và nghiên cứu, giảng dạy lời Chúa.
Lần trước, trong bài viết “Vài tâm sự nhỏ sau Giáng sinh”, tôi có nói đến đôi điều về việc dùng từ ngữ tiếng mẹ đẻ, nay, xin được góp thêm vài ý kiến nữa về ... chuyện chữ nghĩa đầy ... rối rắm nhưng rất thú vị nầy của tiếng Việt yêu dấu của chúng ta.
Không ít người, nếu không muốn nói là rất nhiều người trong chúng ta thường dùng sai những từ sau đây:
+ Cụm từ “Không nhiều thì ít”: Đây là cụm từ mà bạn chú ý sẽ thấy rất nhiều người dùng không đúng, kể cả những người được gọi là ... trí thức đi nữa, nếu không chú ý cũng dùng sai như thường. Nhiều người thường nói sai cụm từ nầy thành “không ít thì nhiều”. Không bao giờ nói “Không ít thì nhiều”, vì nói như thế là sai, nhưng luôn luôn nói “không nhiều thì ít” mới đúng. Vì không có nhiều mới có ít, chứ làm chi có không ít thì có nhiều được. Ít mà còn chưa có thì làm sao có nhiều được phải không bạn?
Ví dụ: Nào, anh hãy nói cho tôi nghe chuyện đó như thế nào đi. Không nhiều thì ít, anh cũng biết về chuyện đó mà.
Nói vậy là ... chuẩn không ai chỉnh được. Còn nếu nói “không ít thì nhiều” là ... sai rồi, là... không chuẩn cần phải chỉnh.
+ Cụm từ “Cao bay xa chạy”: Cụm từ nầy cũng có... hàng triệu người dùng sai chứ không phải ít. Rất nhiều người hay dùng cụm từ nầy sai mà không hề biết, có lẽ do không để ý, hoặc cứ nghe người ta nói thì mình nói theo mà không chịu... động não suy nghĩ để chỉnh lại cho đúng. Nếu nói “cao bay xa chạy” thì ... chuẩn không ai có thể chỉnh. Nhưng nếu nói “cao chạy xa bay” là ... trật lất,cần... chỉnh lại cho chuẩn, vì cao làm sao mà ... chạy được. Người ta chỉ có thể... bay cao, chứ không ai tài giỏi gì mà có thể ... chạy cao được đâu. Cho nên phải nói cho đúng là “cao bay xa chạy”. Phải ... uống lưỡi bảy lần hoặc thậm chí ... mười lần cũng được để nói cho không ai có thể ... chỉnh được bạn nhé.
+ Hai từ “Điểm yếu” và “yếu điểm”:
Hai từ nầy nếu bạn để ý thì sẽ thấy người ta dùng sai cả ... tỷ tỷ lần luôn đó bạn. Phần lớn dùng sai là do hiểu nhầm hoặc do không phân biệt được nghĩa của hai từ đó, cứ tưởng chúng là ... một nhà mà thôi. Thực ra, chúng không phải là ... một nhà, mà bèn là ... hai nhà riêng biệt và còn ... đối kháng nhau nữa đó bạn.
-Từ “điểm yếu” là nói đến khuyết điểm, nhược điểm, hay điểm thiếu sót của một ai đó, còn “yếu điểm” lại nói đến điểm mạnh, điểm vượt trội, điểm nổi bật của một người nào đó. “Yếu điểm” là từ Hán Việt, nên chữ “yếu” trong từ nầy không có nghĩa là ... yếu đuối, sức yếu trong tiếng Việt, mà có nghĩa là ... quan trọng, then chốt. Chữ “yếu” trong “yếu điểm” và một số từ Hán Việt khác lại có nghĩa là ... mạnh, chứ không có phải là ... yếu đâu bạn. Người ta thường nói những nhân vật quan trọng (tiếng Anh gọi là VIP (Very Important Person), có quyền uy mạnh mẽ là “yếu nhân”, chứ không nói là... mạnh nhân. “Yếu” mà lại là ... mạnh. Phức tạp thế đấy, chứ đâu có thể ... giỡn chơi với tiếng Việt yêu dấu của mình được đâu!
Cho nên khi bạn muốn dùng hai từ nầy, thì bạn cũng phải tiếp tục ... uống lưỡi càng nhiều càng tốt để dùng cho đúng, vì thấy chúng, ta tưởng là ... một nhà, nhưng thực ra, chúng chẳng có ... bà con họ hàng chi với nhau hết cả.
+ Hai từ “Giải phẫu” và “Phẫu thuật”:
Hai từ nầy cũng là hai từ thuộc vào diện... hóc búa tạ chứ không phải chơi.
Tôi từng nghe ... hàng tá người dùng sai hai từ nầy, do không phân biệt được nghĩa của chúng, trong đó có những người có cả học vị... tiến sĩ nữa.
-Ta dùng từ “Giải phẫu” cho người đã chết, như “giải phẫu tử thi”, còn dùng từ “Phẫu thuật” cho người còn sống, như “Ca phẫu thuật tim cho bệnh nhân X đã thàng công tốt đẹp.” Từ “mổ” thì có thể dùng chung cho cả hai trường hợp người sống lẫn người chết, nhưng khi dùng cho ... văn hoa chữ nghĩa thì phải dùng cho đúng từ của nó.
Chắc bạn đã từng đọc được ở đâu đó trên báo hoặc trên các biển hiệu người ta viết rằng “Phòng/ Viện Giải Phẫu Thẩm Mỹ... ”nghe mà ... ớn lạnh cả xương sống phải không bạn?
Nhân nói đến chuyện... chữ nghĩa tiếng Việt cực kỳ ... hóc búa nhưng lý thú nầy, cũng xin đề cập đến chuyện các nhà văn, nhà thơ, họ dùng từ ngữ chuẩn mực đến cỡ nào nhé.
Xin chỉ lấy một ví dụ của đại thi hào Nguyễn Du của người Việt Nam chúng ta mà thôi. Khi Thúc Sinh chia tay Thúy Kiều, một cuộc chia tay đầy lưu luyến, Nguyễn Du đã diễn tả bằng hai câu thơ đầy hình ảnh cực hay sau:
“Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường!”
Nhà thơ không dùng từ “bẻ”, từ “chẻ”, hay từ “chặt”, hoặc từ “cắt”, mà dùng từ “xẻ”, vì chỉ có từ “xẻ” mới diễn tả được hết cái đau đớn tột cùng của sự chia tay giữa hai người trong hoàn cảnh ấy. Các từ kia cũng nói lên được cái đau đớn, nhưng ... độ dài của đau đớn và mức độ của nó thì không thể bằng “xẻ” được đúng không bạn? Và trong trường hợp nầy, chỉ có từ “xẻ” mới ... lột tả được hết cái đau đớn của sự chia ly của họ mà thôi.
Thật đúng là nhà thơ dùng từ ngữ có ... khác xa với người thường của chúng ta.
Chuyện về ... chữ nghĩa tiếng Việt yêu quý của người Việt chúng ta thì viết hoài không hết, vì nó phong phú lắm, độc đáo lắm và cũng ... hóc búa nữa. Nên trong bài viết ngắn ngủi nầy, chỉ xin phép lạm bàn đôi điều nho nhỏ như thế để hầu độc giả Vietchristian.com thân thương của tôi mà thôi. Hy vọng nó sẽ giúp ích chút xíu nào đó cho chúng ta trong việc sử dụng từ ngữ cho chính xác, tránh được bớt càng nhiều càng tốt những sai sót khi nói hoặc viết ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ của mình, nhất là đối với những Mục sư là những người đang chịu trách nhiệm rao giảng lời Chúa, rao giảng chân lý của Chúa cho mọi người, thì việc dùng từ ngữ rất cần phải cẩn thận hơn.
Với tôi, để tránh bớt được càng nhiều những sai sót khi dùng từ ngữ thì cách của tôi là ... chịu khó đọc sách, trước hết là Kinh Thánh và sau đó là các sách khác. Tôi cũng “thủ” sẵn cho mình một quyển “Tự điển chính tả tiếng Việt” nữa, để một khi muốn dùng một từ nào đó mà mình thấy chưa chắc ... chuẩn thì liền mở tự điển ra để nó ... trợ giúp mình vậy.
Tôi rất thích những câu Kinh Thánh sau đây khi suy nghĩ đến chức vụ mà Chúa giao cho mình:
“Trong khi chờ ta đến, con hãy chuyên tâm đọc Kinh Thánh trong các buổi học, khuyến khích và dạy dỗ các tín hữu... Hãy chú tâm, cẩn thận thực hành những điều ta dạy.” (I Ti-mô-thê 4: 13, 15a-BDM) (*)
“Tôi tớ Chúa không nên tranh chấp nhưng phải đối xử hòa nhã với mọi người. Phải có khả năng dạy dỗ, biết nhịn nhục.” (II Ti-mô-thê 2: 24)
Vâng, nếu các Mục sư chuyên tâm đọc Kinh Thánh, chịu khó soạn bài để dạy dỗ và rao giảng lời Chúa cho mọi người thì chắc chắn rằng khả năng dùng từ ngữ của mình sẽ ... chuẩn không cần chỉnh thấy rõ thôi, khả năng dạy dỗ của mình cũng sẽ được nâng lên chốn cao hơn mà thôi.
Một khi các Mục sư chú tâm đến việc đọc và học lời Chúa, chú tâm đến việc soạn bài để dạy dỗ và rao giảng cho mọi người, thì “mọi người sẽ thấy con tiến bộ” (I Ti-mô-thê 4: 15)
Tôi chú ý mấy từ Phao-lô nhắc nhở học trò ... ruột của mình là Mục sư Ti-mô-thê trẻ tuổi ở đây là “hãy chuyên tâm, chú tâm, cẩn thận, có khả năng dạy dỗ”. Vâng, đó là những đức tính hay những đặc điểm mà những Mục sư cần phải có cho chức vụ của mình để chức vụ mình được tốt đẹp và được kết quả cho Chúa.
Một khi chúng ta chuyên tâm và chú tâm đọc và học lời Chúa, cẩn thận khi sử dụng từ ngữ, rèn luyện, trau giồi khả năng dạy dỗ của mình, thì chắc chắn Chúa sẽ giúp cho chúng ta tiến bộ thấy rõ trong sự hầu việc Chúa, cũng như trong khi nói năng, đối đáp với mọi người.
Nguyện Chúa ban ơn cho hết thảy mỗi một chúng ta cách bội phần.
Nguyền Cha nâng bước mỗi một chúng ta lên để danh Chúa được vinh hiển và chúng ta cũng được phước nữa.
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.
(*): Những câu Kinh Thánh trích trong bài viết là từ Kinh Thánh Bản Dịch Mới (BDM)