Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 96

Tha Thứ (Kỳ 2)

Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy. ” (Êphêsô 4:32)

Tình yêu thương không thể thiếu yếu tố tha thứ được. Đời sống của người con dân Chúa sẽ được kết quả vô cùng khi biết yêu thương trong tinh thần rộng lượng tha thứ. Qua Kinh Thánh soi dẫn trong sách Êphesô 4:32, chúng ta học biết được sự tha thứ có liên quan rất nhiều đến đời sống kết quả của một người con dân Chúa. Tuần trước, chúng ta đã suy gẫm (1) Lẽ Cần Của Sự Tha Thứ. Hôm nay, mời bạn cùng tôi suy gẫm điều thứ hai là Nền Tảng Của Sự Tha Thứ.

2. Nền Tảng Của Sự Tha Thứ. Êphêsô 4:32c chép: “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy. ” Nền tảng của sự tha thứ là tình yêu thương và lòng nhân từ. 1 Côrinhtô 13 là bài ca của tình yêu thương chân thật mà Sứ đồ Phao Lô làm chứng và khuyên bảo con dân Chúa hôm nay. Đặc biệt, 1 Côrinhtô 13:7 dạy rằng: “Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự. ” Sự tha thứ là bông trái của tình yêu chân thật. Mục đích sâu kín của sự tha thứ là phải quên lầm lỗi của người khác và đừng nên trả thù. Có người nói rằng tôi có thể tha thứ nhưng tôi không thể quên được người đó hay việc làm của người đó.

Người Mỹ có câu nói rằng: “When you forgive you have to forget also.” Thế nào là “forget”? Như vậy, người tha thứ thật là quên đi lầm lỗi của người khác, không muốn nhắc đến nữa. Nếu không quên đi thì người chịu thiệt thòi vẫn là chính mình. Người không tha thứ sẽ bị dày vò tinh thần lẫn thể xác. Người đó ăn không ngon và không hề ngủ yên giấc! Người ấy sống trong sự cay đắng, bực tức, dễ trở nên cộc cằn và thù hận. Người không tha thứ sống như những bức thư bị dán kín, không được ai đọc đến; như những đóa hoa khô mất đi hương vị thơm tho ngọt ngào, không ai muốn đến gần để thưởng thức. Không ai biết rõ mình thật sự tha thứ cho bằng chính mình biết mình. Một Mục sư Mỹ nói rằng nếu muốn biết mình thật sự tha thứ hãy chờ khi gặp người có lỗi cùng mnìh mà lòng bạn vẫn có sự bình an, không còn tức giận hay thái độ bất mãn nào cả! Nói cách khác, nếu còn giận ngầm hay khó chịu khi gặp đối tượng có lỗi cùng mình thì bạn vẫn chưa thật sự tha thứ cho người đó.

Kinh Thánh cho biết sự tha thứ luôn đi chung với: (1) Sự nhường nhịn (Côlôse 3:13); (2) Lòng tử tế (Sáng Thế ký 45:5-11; Rô-ma 12:20); và (3) Cầu nguyện chúc phước (Mathiơ 5:44). Trong trường hợp cầu nguyện cho kẻ bắt bớ mình, có bao nhiêu con dân Chúa có thể làm được điều nầy? Trong bài Cầu Nguyện Chúa dạy, có câu như sau: “Xin tha tội lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi.” (Mathiơ 6:12). Trong bản Kinh Thánh tiếng Anh chép: “Forgive us our debts, as we also have forgiven our debtors. ” Chữ “debts” có nghĩa là mắc nhiều nợ. Con dân Chúa mắc nợ yêu thương của Chúa vì Ngài đã chuộc tội bằng sự đổ huyết của Con Một Ngài. Nhiều Cơ Đốc nhân khi được Chúa cứu rồi lại quên đi món nợ yêu thương nầy!

Sứ đồ Phao Lô nhắc nhở con dân Chúa rằng: “Đừng mắc nợ ai chi hết, chỉ mắc nợ về sự yêu thương mà thôi, vì ai yêu kẻ lân cận mình, ấy là đã làm trọn luật pháp. ” (Rô-ma 13:8). Món nợ nầy cũng bao gồm những tội lỗi, sai lầm mà mình đã phạm mỗi ngày với Chúa. Món nợ nầy phải trả cho Chúa bằng cách yêu thương và tha thứ người lầm lỗi cùng mình. Con dân Chúa phải tha thứ cho anh chị em mình hoài cho đến khi gặp mặt Chúa. Trong Mathiơ 18:21-22, Sứ đồ Phierơ đã hỏi Chúa Giê-su phải tha thứ bao nhiêu lần, rồi ông cũng tự cho con số là 7 lần; nhưng không phải 7 lần trong một ngày mà là 7 lần trong cuộc đời ông. Theo lời dạy của các thầy thông giáo lúc bây giờ thì người ta có thể tha thứ cho người mắc lỗi mình nếu người đó khẩn nài đến 3 lần. Có thể số 7 là con số trọn vẹn, nhưng nó vẫn là con số có giới hạn. Câu trả lời của Chúa Giê-su là tha thứ đến 70 lần 7. Chúa Giê-su muốn dạy rằng ta phải tha thứ càng nhiều càng tốt, không nên giới hạn con số.

Hầu hết các tín hữu đều thuộc nằm lòng bài Cầu Nguyện Chúa Dạy. Trong bài cầu nguyện đó có câu: “Xin tha tội lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi.” (Mathiơ 6:12). Khi thực hành lời cầu nguyện nầy thì nhiều người thốt lên “Khó làm quá!” Trong Mathiơ 5:44, Chúa Giê-su dung chữ “cầu nguyện” chứ không phải chữ “tha thứ”. Thật ra, Chúa Giê-su muốn mỗi con dân Ngài trở nên người hòa thuận với mọi người (peac-maker). Thông thường, khi không thích một người nào đó thì ta không muốn gặp họ và cũng không muốn nhắc đến tên của họ. Thậm chí, nếu rủi có ai nhắc tên người mình đang ghét thì ta đã cảm thấy không vui rồi. Nhưng ở đây, Chúa Giê-su dạy con dân Ngài phải cầu nguyện cho kẻ thù mình. Lẽ tất nhiên, cầu nguyện là phải nêu đích danh một người. Chúng ta không thể nói “ông đó” hay “bà đó” trong lời cầu nguyện được! Chúa muốn chúng ta làm hòa bằng cách giúp ta nhắc tên người mình không thích nhiều hơn và đem ta lại với người đó gần hơn. Như vậy, một trong những bí quyết đẻ tha thứ người khác là phải cầu nguyện cho người đó.

Trong sách Mác 11:25, Chúa Giê-su phân dạy rất nghiêm túc rằng: “Khi các ngươi đứng cầu nguyện, nếu có sự gì bất bình cùng ai, thì hãy tha thứ, để Cha các người ở trên trời cũng tha lỗi cho các ngươi. ” Chính tôi cũng đã cầu nguyện xét lòng mình với Chúa và xin Ngài tha thứ lỗi lầm của tôi đối cùng Ngài và với người khác. Trong đời sống, tôi chưa hề kể ai là kẻ thù của mình cả, ngoại trừ ma quỷ và những điều cám dỗ của thế gian.

Nhân Mùa Chay (Lenten Season) bắt đầu từ 06/03/19 đến 18/04/19, hãy dành thì giờ ít nhất 15 phút mỗi ngày để tịnh tâm, xét lòng. Hãy đến với Chúa và với nhau để giải quyết mọi vấn đề ngay hôm nay. Cầu xin Chúa giúp bạn sống yêu thương, biết tha thứ và quên đi lầm lỗi của người khác để vui hưởng cuộc sống bình an mỗi ngày. A-men.

Mục sư Lê Hồng Phúc

Địa chỉ liên lạc:
Hội Thánh Báp Tít Đức Tin
11312 Shiloh Rd., Dallas, TX 75228
(972) 270-1557
Facebook: Viet Faith Dallas; www.VietFaith.org
Email: mspeterhongle@gmail.com
Lễ Thờ Phượng lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật
Quản Nhiệm: Mục sư Peter Lê Hồng Phúc