Vậy là người chú ruột của tôi (em trai của cha tôi) cuối cùng cũng đã phải ra đi về ... bên kia thế giới như mọi người, theo luật định của Đấng Tạo Hóa đã an bài, không một ai có thể tránh khỏi được. Lời Thánh Kinh chép về luật định đó như sau: “Như đã được ấn định, loài người phải chết một lần, sau đó phải chịu xét đoán.” (Hê-bơ-rơ 9: 27 – BDM) (*)
Nghe con cái chú tôi và những người thân trong gia đình tôi ở quê nhà Quảng Nam kể lại rằng trước đó, chú tôi khỏe lắm, dù tuổi đã ngoài tám mươi. Tuổi đã ngoài tám mươi ... cái xuân xanh mà vẫn còn đi lại đây đó được, ăn uống ngon miệng, ngủ ngon giấc, tâm trí tỉnh táo, minh mẫn thì đích thị là ... tiên rồi chứ còn gì nữa. Chẳng thế mà ông bà ta nói “ăn được ngủ được là tiên” đó sao! Tôi thấy có nhiều người mới ... bảy mươi cái xuân xanh mà lưng đã còng, mỏi gối chồn chân, đi lại không được, ăn không ngon, ngủ không yên, nhớ trước quên sau, không nhận ra được cả con cái do chính mình đẻ ra nữa, chứ đừng nói chi là nhận biết người khác. Nhưng chú tôi đã ngoài tám mươi tuổi mà được như thế thì thật đáng mừng cho con cháu trong gia đình, trong đó có tôi.
Còn nhớ khi còn nhỏ, có lẽ độ chừng bảy, tám tuổi gì đó thì phải, cha mẹ tôi có gởi tôi đến ở nhà chú tôi một thời gian không biết là bao lâu. Nhà chú tôi lúc bấy giờ ở thị xã Hội An, một đô thị cổ kính thuộc Tỉnh Quảng Nam. Tôi vốn dĩ là người... nhà quê, nên khi ấy được ra thành thị ở thì thật thích thú, tôi được nhìn thấy đèn điện, được nhìn thấy phố xá đông người, được nhìn thấy xe cộ tấp nập, được ăn những món ăn ngon miệng mà người ở thôn quê như tôi lúc đó không dễ gì có tiền để ăn được. Tôi cảm thấy... hãnh diện khi mình được làm người dân thành thị, vì được hưởng cái văn minh, cái tiện nghi của cuộc sống đô thành.
Cho đến giờ, tôi vẫn còn nhớ trong trí mình thời gian được ở nhà chú thím tôi tại Hội An. Và mỗi lần tôi có dịp đi công việc đến Hội An là tôi nhớ lại cái khoảng thời gian ... văn minh đó. Tôi nhớ đến chú thím tôi. Nhớ đến sự chăm sóc chu đáo của chú thím dành cho đứa cháu nhỏ lần đầu tiên từ thôn quê ra thành thị. Tôi vẫn còn nhớ thím tôi hồi đó nấu ăn ngon lắm. Mỗi ngày, tôi chơi đùa với mấy đứa em, con của chú thím tôi và cứ trông ngóng cho sớm đến giờ ăn để được ăn những món ăn ngon mà thím tôi đã nấu. Chú thím tôi thương đứa cháu ở quê chịu nhiều thiệt thòi, nên mỗi bữa ăn chú thím tôi thường bỏ đồ ăn cho tôi nhiều lắm, tôi ăn no đến muốn ... nứt bụng luôn. Cảm ơn tình cảm quý báu của chú thím thật nhiều đã dành cho đứa cháu nầy!
Thím tôi qua đời trước chú tôi một thời gian dường như gần chục năm thì phải. Và giờ thì đến lược chú tôi ra đi về ... nơi chín suối.
Chú tôi đang khỏe như vậy, nhưng đúng một cái, nghe nói chú bị ... ung thư dạ dày và phải đi bệnh viện để chữa trị. Chú nằm điều trị tại bệnh viện đâu chừng một tháng, nhưng bác sĩ nói bệnh chú tôi quá nặng, họ ... botay.com, không thể chữa được, và nói với con cái chú tôi là đem ông về nhà ... chờ đến giờ ... lên tàu đi xa.
Sau một thời gian đưa về nhà nằm, và vào ngày 08. 3. 2019, tôi được tin là chú tôi đã trút hơi thở cuối cùng. Hưởng thọ 84 tuổi.
Tôi nghe cha tôi kể lại rằng, trước đây vào những năm 50 của thế kỷ trước, khi Tin Lành được truyền đến quê hương chúng tôi tại Xã Bình Tú, thuộc Huyện Thăng Bình của Tỉnh Quảng Nam, cha tôi chống đối đạo Chúa kịch liệt. Chính chú tôi là người đã nghe Tin Lành và đã tin Chúa. Có thể nói chú tôi là một trong số những người đầu tiên tại địa phương xã Bình Tú nghe Tin Lành và tiếp nhận. Sau khi tin Chúa, ông về chia sẻ niềm tin lại cho anh của mình là cha tôi, và bị cha tôi từ chối thẳng thừng, còn la chú tôi là đồ theo thứ đạo ... bỏ ông bỏ bà nữa. Cha tôi nói: “Không Chúa, cha chi hết, tay chỉ thờ ông thờ bà tay thôi.”
Cha tôi nói chắc như ... đinh đóng cột vậy, ấy thế mà sau đó một thời gian, Chúa làm việc trong lòng cha tôi thế nào không biết, từ những lời nói đơn sơ về Chúa của chú tôi ngày nào, ông lại quyết định tin Chúa, và cũng quyết định... thôi, không ... thờ cúng nữa, để một lòng một dạ theo Chúa và phục vụ Ngài cho đến khi ... bay về Thiên đàng ở với Chúa vào gần giữa năm 2001.
Còn chú tôi, sau khi tin Chúa, nghe nói ông đi nhà thờ thờ phượng Chúa khá đều. Sau một thời gian, không biết có sự xích mích gì đó với mấy con cái Chúa trong Hội thánh, nên ông quyết định ... bỏ Chúa, không theo nữa. Mặc dù cha tôi lúc nào cũng khuyên chú tôi nên trở lại tin Chúa để được cứu linh hồn, nhưng chú tôi một mực từ chối, và ... “anh đi đường anh, em đường em.”
Thời gian về sau nầy, ông quyết định tin Phật, thờ Phật, và trở thành Phật tử rất nhiệt thành. Trong nhà chú tôi, lúc nào bàn thờ cũng khói hương nghi ngút với máy cassette luôn mở những bài tụng kinh Phật. Mỗi khi có dịp về thăm chú tôi, nhất là những dịp Lễ, Tết, tôi đều thấy chú tôi trải một chiếc chiếu dưới nền nhà trước bàn thờ thật trang trọng, và ông thành kính chắp tay cúng lạy khá lâu, rồi thắp hương trên bàn thờ, và tôi đều nghe những bài tụng kinh Phật được thu âm sẵn phát ra để ông và mọi người đến thăm nghe, như một cách ... truyền rao giáo lý nhà Phật vậy.
Hơn thế nữa, chú tôi cũng còn tìm sách nói về ngày lành tháng tốt, sách về tử vi để đọc và nghiên cứu. Rồi ông trở thành ... thầy coi ngày giờ để xuất hành, để làm đám cưới, để xây nhà, để chôn người chết... cho khá nhiều người dân tại địa phương. Nghe đâu chú tôi cũng được người dân tại địa phương ... tín nhiệm lắm, khách hàng mỗi lúc một đông.
Từ một người tin Chúa, vì một xích mích với một ai đó trong nhà thờ mà chú tôi đã quyết định ... bỏ Chúa và trở thành một Phật tử, rồi trở thành một ... ông thầy coi ngày giờ tốt xấu tại địa phương cho đến ngày nhắm mắt lìa đời.
Trong lúc chú tôi nằm bệnh viện cũng như khi đem về nhà, anh em và con cháu chúng tôi đến thăm và có nhắc lại niềm tin nơi Chúa, có mời ông cầu nguyện ăn năn để trở lại với Chúa hầu được cứu rỗi linh hồn, nhưng ông không nói gì cả. Không biết là do ông... mặc cảm, nên không muốn ăn năn trở lại cùng Chúa, hay biết đâu, ông không nói ra bên ngoài, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn ông, ông có ăn năn, xin Chúa tha tội và trở lại với Ngài? Tôi không biết, cũng không ai biết hết, chỉ có Chúa biết và ông biết với Chúa mà thôi.
Tôi ước mong rằng trước khi qua đời, ông thưa với Chúa trong thâm tâm ông rằng: “Lạy Chúa Giê-xu, con ăn năn tội lỗi của con, xin Ngài tha tội cho con và cứu con. A men!” Chỉ cần ông thưa với Chúa như vậy trong lòng thì tôi tin rằng ông được Chúa tha thứ và đem ông về với Ngài.
Hôm chú tôi qua đời, qua màn hình Iphone, con tôi cho tôi xem hình ảnh chú tôi nằm trên giường giống như đang ngủ. Dáng người thâm thấp với mái đầu bạc trắng, nhìn giống cha tôi quá chừng. Cha tôi tóc cũng bạc trắng như chú tôi, có điều ông ốm và cao hơn chú tôi một chút. Gương mặt hai anh em giống nhau lắm, nên nhìn chú tôi, thương chú nhiều lắm, và nhớ đến cha tôi thật nhiều và thật nhiều.
Cha tôi đã được Chúa đem về “Miền Vinh Hiển ở với Ngài cách đây 18 năm, khi ấy Người được 78 tuổi. Còn chú tôi thì vừa mới qua đời cách đây mấy hôm, hưởng thọ 84 tuổi. Tôi ước gì trước lúc tắt thở, chú tôi cầu nguyện ăn năn tội và trở lại cùng Chúa, thì chắc chắn bây giờ hai anh em được gặp lại nhau trên Thiên đàng phước hạnh, thì không còn gì vui hơn, và người vui nhất có lẽ là cha tôi.
Nhân nói về chuyện chú tôi, một người đã tin Chúa Giê-xu, sau đó vì có xích mích gì đó với người trong Hội thánh mà chú tôi thối lui trong đức tin, và rồi trở thành Phật tử nhiệt thành, rồi làm... thầy coi ngày giờ cho đến khi chết; tôi nhớ có đọc đâu đó câu chuyện về Ganhdi, một lãnh tụ vĩ đại của Ấn Độ, người đã giúp đưa dân tộc mình thoát khỏi sự cai trị của nước Anh. Được biết Ganhdi là một người rất say mê đọc Kinh Thánh, và rất thích những lời dạy dỗ của Chúa Giê-xu. Ông xem Kinh Thánh như là sách gối đầu giường của mình vậy. Vào một Chúa nhật nọ, ông quyết định đi đến nhà thờ để dự nhóm và tìm hiểu thêm về Chúa, nhưng khi vừa tới cửa nhà thờ, thì bị một người có trách nhiệm chặn lại và nói: “Nhà thờ nầy chỉ dành cho người da trắng, ông là người da đen, mời ông đi tìm nhà thờ khác.” Ganhdi ra đi và một không trở lại với bất cứ nhà thờ nào khác nữa. Nếu như không có cách hành xử thiếu khôn ngoan, nếu không muốn nói là ... dại dột của người tín đồ ở nhà thờ ấy, thì biết đâu Ganhdi đã trở thành tín đồ nhiệt thành của Chúa Giê-xu và dân tộc Ấn Độ của ông ngày hôm nay, một đất nước với dân số độ 1, 3 tỷ người, chắc là số người tin Chúa không phải là nhỏ.
Nếu như ngày xưa, chú tôi không gặp sự xích mích với người tín đồ nào đó trong nhà thờ, thì biết đâu ngày nay, chú tôi, với khả năng của ông, và nếu ông được Chúa kêu gọi thì ông đã trở thành một Mục sư cũng không chừng, và con cháu ông ngày nay cũng sẽ theo gương cha mà tin thờ Chúa, thì còn phước hạnh nào hơn cho đại gia đình chúng tôi.
Nhìn lại dòng dõi của cha tôi và dòng dõi của chú tôi, chúng tôi không khỏi đau buồn, ấy là dòng dõi cha tôi thì tất cả đều thuộc về Chúa, có ba người đang là Mục sư hầu việc Chúa và hai người đang dâng mình học lời Chúa để hầu việc Chúa trong tương lai. Còn dòng dõi chú tôi thì hầu như không ai theo Chúa cả, nghe nói đâu có một người con của chú tôi tin Chúa thì phải. Nếu vậy thì chúng tôi cũng mừng. Chúng tôi ước ao rằng tất cả những người con của chú tôi sẽ tin Chúa để được hưởng ơn cứu rỗi của Ngài như gia đình chúng tôi được hưởng. Đó là mong muốn chảy bỏng, khát khao cháy bỏng của anh em chúng tôi dành cho những người con của chú tôi vậy.
Xin Chúa thương xót và cứu những người con của chú tôi cũng như dòng dõi của chú tôi!
Nhân nói chuyện về chú tôi, về việc tin Chúa của ông, rồi việc ông thối lui trong niềm tin, tôi nhớ đến lời Chúa dạy cho con cái Chúa rằng: “Mọi sự đều được phép làm, nhưng không phải mọi sự đều hữu ích. Mọi sự đều được phép làm, nhưng không phải mọi sự đều xây dựng. Đừng tìm kiếm lợi riêng cho mình, nhưng hãy tìm lợi cho người khác nữa.” (I Cô-rinh-tô 10: 23-24)
Ngày xưa cũng như ngày nay, ở bất kỳ Hội thánh nào, và ở bất cứ nơi đâu cũng có những con người được mệnh danh là Cơ-đốc nhân, nhưng không sống đúng theo tinh thần của Cơ-đốc nhân, mang danh là con cái Chúa nhưng không sống theo lời Chúa dạy, làm những điều không hữu ích, làm những điều không xây dựng, nên làm gương xấu cho không ít người vấp phạm, khiến họ thối lui trong đức tin, xa rời Chúa mãi mãi như trường hợp của Ganhdi, hay trường hợp của chú tôi chẳng hạn.
Tôi cũng từng thấy có không ít những người được mệnh danh là những ... Mục sư lãnh đạo, nhưng hành xử đầy xác thịt như những người có quyền hành bên ngoài xã hội, chứ chẳng có chút gì là theo gương Chúa Giê-xu, khiến không ít người bị oan ức, hoặc thân bại danh liệt, thấy thật đáng thương.
Thời nào trong Hội thánh của Chúa cũng có những con người gây cớ vấp phạm cho người khác, chính vì vậy mà trong thơ Hê-bơ-rơ, Chúa dùng người viết thơ nầy để nhắc nhở những người tin Chúa là “Hãy chú tâm, hướng về Đức Giê-xu là Đấng Tác Giả và hoàn thành của đức tin. Vì niềm vui mừng đặt trước mặt, Ngài chịu đựng thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, nên được ngồi bên phải ngai Đức Chúa Trời. Hãy suy nghiệm về Đấng đã đương đầu với sự chống đối của những kẻ tội lỗi như thế để anh chị em khỏi mệt mỏi, ngã lòng.” (Hê-bơ-rơ 12: 2-3)
Nếu chúng ta tin Chúa mà nhìn xem người, dù người đó là tín đồ sốt sắng, hay là Mục sư đầy ơn, hoặc thậm chí là lãnh đạo Giáo hội đi nữa, thì chúng ta cũng sẽ có lúc bị mệt mỏi, ngã lòng, một khi người đó bị vấp ngã, yếu đuối, phạm tội. Vì đã là người thì vốn là giống yếu đuối, dễ sa ngã, dễ phạm tội, cũng là điều... không khó hiểu lắm. Nhưng một khi chúng ta nhìn xem Chúa Giê-xu, hướng về một mình Ngài mà thôi, thì chúng ta sẽ không bao giờ vấp ngã hết, vì Ngài là Đấng toàn hảo, là gương mẫu tuyệt vời độc nhất để chúng ta noi theo.
Hỡi anh chị em rất yêu dấu trong Chúa Giê-xu, “hãy giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời” (Giu-đe 21) và chỉ nhìn xem Chúa Giê-xu để theo Chúa và hầu việc Ngài, thì chúng ta sẽ rất vững vàng, không hề rúng động trước bất cứ sự làm tổn thương nào của một số người manh danh là Cơ-đốc nhân trong các Hội thánh mà hành xử theo tánh xác thịt, theo cách cử xử của người đời, hoặc bất cứ sự tấn công hay phá hoại nào đến từ ma quỷ.
Nguyện xin Chúa giúp đỡ hết thảy mỗi một chúng ta trong tình yêu đời đời của Đức Chúa Giê-xu Christ. A men!
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.
(*): Những câu Kinh Thánh trích trong bài viết là từ Kinh Thánh Bản Dịch Mới (BDM).