Trước tiên, Hội Thánh được thiết lập trên Đấng Christ. Đức Chúa Giê-su được gọi là "đá góc nhà” của Hội Thánh (1 Phi-e-rơ 2:4-6; Ê-phê-sô 2:20; 1 Cô-rinh-tô 3:11).
Có nghi vấn cho rằng việc Phi-e-rơ phát biểu và nghĩ Chúa Giê-su là "đá góc nhà” hoàn toàn không liên quan đến những lời Ngài đã phán với ông tại thành Sê-sa-rê Phi-líp. Ở đó, Phi-e-rơ đã đưa ra một lời xác tín vĩ đại, "Ngài là Đấng Christ, con Đức Chúa Trời hằng sống.” Rồi Chúa Giê-su đã phán với ông, "Ngươi là Phi-e-rơ (một viên đá nhỏ có thể ném được), và trên đá này (một vầng đá lớn) Ta sẽ xây Hội Thánh Ta; và các cửa âm phủ không thắng được hội đó” (Ma-thi-ơ 16:18).
Ai hay điều gì là vầng đá mà Chúa Giê-su đã nói đến ? Đó là sự xác tín của Phi-e-rơ về Ngài. Nền của Hội Thánh không phải là con người, trong quá khứ hay trong hiện tại mà là thần tánh của Đức Chúa Giê-su Christ, trên lẽ thật mà Phi-e-rơ đã xưng nhận, đó là Giê-su là Cứu Chúa, là Con Đức Chúa Trời hằng sống.
Phi-e-rơ đã làm rõ điều này khi tôn cao danh Chúa trong Hội Thánh, chứ không tôn cao bản thân mình. Và Phao-lô đã thêm vào đây lời làm chứng của mình khi ông nói rằng Hội Thánh được xây trên nền các sứ đồ và các đấng tiên tri, và chính Đức Chúa Giê-su là đá góc nhà (Ê-phê-sô 2:20). Khi Phao-lô đề cập đến việc Hội Thánh được xây trên nền các sứ đồ và các đấng tiên tri, ông đã trưng dẫn những sự giảng dạy và những điều họ đã công bố về Đấng Christ. Và một lần nữa, ông tuyên bố, "Vì chẳng ai có thể lập một nền khác ngoài nền đã lập là Đức Chúa Giê-su Christ” (1 Cô-rinh-tô 3:11).
Đá góc nhà là một tảng đá chính để đặt móng cho những dinh thự thời cổ. Đó là một vầng đá to được đặt dưới nền các góc nhà, nơi các bức tường giáp nhau. Sự vững chắc của toàn bộ căn nhà phụ thuộc vào tảng đá đó. Ngôi nhà sẽ sụp đổ tan tành nếu tảng đá đó bị lấy đi; mọi chi tiết khác được kết dính lại là nhờ tảng đá đó.
Nếu bạn truy tìm căn nguyên của niềm tin chúng ta thì bạn sẽ tìm thấy Chúa Giê-su Christ ở đó. Đá góc nhà giữ cho tòa nhà chắc chắn thế nào thì Đấng Christ cũng giữ Hội Thánh chắc chắn thế ấy. Chúng ta được liên kết với nhau không phải bởi thần học, chính trị hay là văn hóa mà là bởi Ngài. Ngài là trái tim, là sự sống, là linh hồn của Hội Thánh. Hội Thánh không thể tồn tại nếu không có Ngài. Nếu thiếu Ngài thì Hội Thánh cũng chỉ như những hội đoàn, những câu lạc bộ khác. Không có Ngài thì Hội Thánh sẽ trở thành một đống đổ nát... và quả thật không có hình ảnh nào thích hợp hơn.
Việc Hội Thánh được lập nền trên Ngài mang đến sự ổn định và linh động cho Hội Thánh. Ổn định là vì Chúa Giê-su hôm qua, ngày nay cho đến đời đời không hề thay đổi. Đó là sự vững vàng mà ngày nay chúng ta cần. Người Mỹ chúng ta thường có khuynh hướng cho rằng chỉ những việc xảy ra gần đây thì mới quan trọng; và rằng tin tức mới ra lò là tin đáng chú ý nhất. Vì thế mà mỗi ngày tôi đọc hai tờ báo, tôi lắng nghe thông tin trên radio và trên TV, đọc vài tạp chí mỗi tuần hầu có thể theo kịp những vấn đề thời sự mới nhất.
Thế rồi một hôm tôi đến nhà thờ. Ở đó, chúng tôi hát bản thánh ca, "Tôn vinh Chân Thần nguồn ơn vô đối.” Một số bản thánh ca đã được nhiều người hát trong giờ thờ phượng trải qua hai mươi thế kỷ. Một số bài hát khác thì không lâu đời đến như vậy, nhưng cũng đủ lâu để trở thành bài hát yêu thích trong tuần. Khi tôi còn nhỏ, tôi hát những bài đó vào sáng Chúa nhật. Mẹ tôi cũng hát những bài ấy khi bà còn là một cô bé, ông bà nội của tôi, và tổ tiên của tôi cũng đã hát những bản thánh ca ấy khi vượt qua sông Sabine trên những chiếc xe chất đầy hành lý để an cư tại vùng Texas. Các cháu nội, ngoại, cháu cố và những thế hệ tiếp nối mà tôi không bao giờ được biết cũng sẽ hát những bản thánh ca ấy. Ở giữa những thời kỳ mà sự thay đổi diễn ra nhanh chóng, chúng ta cần một sự tiếp nối đều đặn và một sự ổn định như thế cho đời sống của mình.
Khi mục sư đọc một phân đoạn Kinh Thánh, nhất là Kinh Thánh Cựu Ước, thì khi đó ông đang đọc một quyển sách có tuổi thọ cao hơn cả những bản Thánh ca cổ. Quyển sách đó có mặt từ ba mươi thế kỷ trước - một ngàn năm trước Chúa. Trong những điều ông đọc không có cái gì mới để có thể trở nên hàng tít lớn cho tờ nhật báo. Khi còn ở tuổi thanh niên, tôi cũng nghe y như thế. Nhiều thế hệ trước đây cũng đã nghe những lời đó. Con cái của tôi, cháu chắt của tôi cũng sẽ nghe chúng trong tương lai. Đấy là chiếc cầu nối liền quá khứ với tương lai, và còn hơn thế nữa.
Vì thế, tại trong Hội Thánh tôi tìm được cho mình một quan điểm, đó là một điều không cần phải mới thì mới có giá trị và thích hợp. Chúng ta phí sức mình khi quan tâm đến những người cho mình là có giá trị. Tờ báo hôm qua và tờ báo ngày mai chẳng thể nói hết về những điều quan trọng, và chúng cũng không nói được gì về những điều có giá trị vĩnh cữu.
Mặc dù Hội Thánh có những phẩm chất không hề thay đổi, nhưng điều đó không có nghĩa rằng Hội Thánh là thụ động, là cổ xưa và không hợp thời. Bởi lẽ, bên cạnh việc đặt nền móng trên Ngài, Hội Thánh vẫn có nhiều khả năng linh động nữa. Leighton Ford kể về việc ông ở Los Angeles, California một vài năm trước đây vào lúc một trận động đất xảy ra. Lúc cơn chấn động đầu tiên xảy ra thì ông đang ở trên tầng mười một của một khách sạn. Ông kể, "Điều đầu tiên tôi làm đó là chụp lấy cái chân giường và đọc bài tĩnh nguyện buổi sáng của tôi.” Thế rồi ông gọi viên thư ký và hỏi xem ông nên ra khỏi khách sạn hay tiếp tục ở lại. Người ấy trả lời, "Ông cứ ở nguyên chỗ ấy. Nếu mà tòa nhà di chuyển thì mọi thứ ở bên trong sẽ cùng dời đi với nó.”
Sau đó, ông hỏi một người bạn, "Ở California, người ta xây nhà thế nào ?” Và bạn ông trả lời, "Trước hết, họ phải khoan sâu xuống các lớp đá để đặt móng. Và họ làm các mối nối đàn hồi được hầu có thể chịu được sức ép.”
Thế rồi Leighton nói, "Thật đúng là một ví dụ về Hội Thánh, được xây trên nền đá nhưng linh động trong kiểu mẫu và phương thức.”
Thông điệp của chúng ta bao giờ cũng giống nhau. Chúng ta công bố niềm tin "một khi được cứu thì sẽ trở nên thánh đồ.” Nhưng khi chia sẻ một truyện tích cũ, chúng ta cần linh động kể bằng những cách khác nhau.
PAUL W. POWELL (Theo Hội Thánh Ngày Nay)