(Kính tặng tất cả những người Mẹ!)
Một trong những đề tài mà những người yêu văn thơ quan tâm, chú ý, đó là đề tài về người Mẹ, về tình Mẹ.
Văn thơ viết về người Mẹ, về tình Mẹ thì nhiều, nhiều lắm. Và dù cho người ta có viết về người Mẹ, về tình Mẹ nhiều đến bao nhiêu đi chăng nữa, cũng không thể nào diễn tả hết được tấm lòng, tình cảm của người Mẹ dành cho con cái được đâu, vì đó là thứ tình cảm thiêng liêng, bao la vô bờ bến.
Nhân ngày Lễ Mẹ năm nay, xin hầu chuyện... tản mạn với quý độc giả một số vần thơ nói về tình Mẹ của một số cây bút Cơ-đốc để ... vinh danh những người Mẹ trong dịp quý báu nầy.
Nói về Mẹ, bao giờ người ta cũng dành những ngôn từ đẹp đẽ nhất, đáng yêu nhất để bày tỏ tấm lòng của mình với Mẹ.
Nữ sĩ Thái Trịnh đã ca tụng Mẹ như sau:
Có gì đẹp nhất ở trần gian;
Hơn cả trân châu, cả bạc vàng?
Ấy chính là trái tim của Mẹ;
Tuyệt vời hơn cả những kỳ quan.
(Từ Mẫu )
Có một người Mẹ tin kính Chúa, luôn luôn dặn dò, nhắc nhở con về niềm tin nơi Chúa là một điều thật tuyệt vời, là một điều phước hạnh vô cùng. Vì mọi sự rồi sẽ qua đi, chỉ có đức tin nơi Chúa là còn lại và đem đến bình an, phước hạnh cho ta mà thôi:
Lời Mẹ tôi ghi nhớ suốt đời
''Rằng con của mẹ mến yêu ơi !
Hãy giấu trong tim lời của Chúa
Thì đời con mãi được tươi vui.''
(Mẹ Tôi – Thái Trịnh)
Nhớ đến Mẹ, phần nhiều người trong chúng ta nhớ đến tiếng ru dịu dàng, đằm thắm và da diết yêu thương của Mẹ từ tấm bé. Lời ru của Mẹ như suối nhạc, như rừng thơ để đưa ta vào giấc ngủ lúc nào không hay. Và lời ru ấy cứ lớn lên trong ta, cứ vấn vương trong hồn ta, không bao giờ quên được:
Nhớ ôi ! từng tiếng ầu..ơ...
Nghe như suối nhạc, rừng thơ dịu dàng
Tạ ơn Thượng Đế vô vàn ;
Ban cho đất việt, kho tàng văn chương.
Người đi xa cách quê hương
Vẫn nghe tiếng Mẹ vấn vương trong hồn
Dặn dò bầy trẻ cháu con
Đừng quyên tiếng của non sông nước nhà.
(Tiếng Mẹ - Thái Trịnh)
Và đây là cảm nhận của Thi sĩ Tường Lưu về lời ru của Mẹ:
Lời mẹ ru con, ru ngàn năm
Con nghe dòng sữa chảy ấm lòng
Cái ngủ đã về ngày thơ ấu
Ấm êm lời mẹ ru ngàn năm
Con nghe lời mẹ ru ngàn năm
Con nghe tình mẫu tử thấm lòng
Hai hàng lệ nóng dâng cay mắt
Con nghe lời mẹ ru đời con
Lời mẹ ru con là lời thơ
Là nhạc thần tiên đẹp giấc mơ
Con thấy yên lòng trong tay mẹ
Bây giờ cho mãi đến bao giờ.
(Lời mẹ ru)
Lời Mẹ ru như dòng sữa nuôi lớn ta, như lời thơ, tiếng nhạc làm đẹp lòng ta, hồn ta. Lời đó theo ta mãi mãi trong cuộc đời. Mỗi khi ta nhớ Mẹ, là ta nhớ đến lời ru của Mẹ như không thể nào quên được.
Có thể nói rằng, trong cuộc đời của một người con, không có nỗi buồn nào lớn hơn là nỗi buồn khi Cha Mẹ chết, Cha Mẹ đi xa, ta không còn được gặp Cha Mẹ nữa. Thường thì khi Cha Mẹ còn sống, ta hay làm Cha Mẹ buồn nhiều hơn vui, và đến khi Cha Mẹ qua đời rồi, ta mới cảm thấy ăn năn, hối hận về những sai trật ấy, để rồi thổn thức, tiếc thương, nhưng lúc ấy, Cha Mẹ đã đi xa... thật xa ta rồi. Đó cũng là nỗi lòng của Tường Lưu thi sĩ khi Mẹ ông qua đời về bên Chúa yêu thương:
Mẹ ơi, mẹ đã đi rồi
Bật oà con khóc như hồi còn thơ
Sáu mươi bảy tuổi bây giờ
Lòng con thổn thức, mắt mờ lệ tuôn
Mẹ thương con đủ mọi đường
Con thương mẹ thật bất thường, mẹ ơi.
(Khóc mẹ)
Bình Tú Ngọc cũng có cùng một tâm trạng thật đau thương và xót xa khi Mẹ không còn ở bên mình nữa, khi Mẹ ra đi thật xa. Mẹ đi rồi để lại cả một trời thương nhớ. Mẹ đi rồi khiến lối đi, cỏ cây cũng như trở nên vô hồn. Mẹ đi rồi khiến cho ngôi nhà cũng ... hoang vắng làm sao. Mẹ đi rồi khiến vườn sau, sân trước cánh chuồn cũng bỏ đi theo luôn. Mẹ đi rồi để lại cả một khoảng trời trống vắng. Mẹ đi rồi để lại một nỗi nhớ thương da diết, khôn nguôi trong lòng. Mẹ đi rồi, nhớ Mẹ ngậm ngùi nước mắt thôi:
Mẹ ơi, mẹ đã đi rồi
Một trời thương nhớ bồi hồi trong con
Con đường nho nhỏ lối mòn
Giờ không chân mẹ, vô hồn cỏ cây
Ngôi nhà vắng bóng mẹ nay
Như là vắng chủ, buồn thay là buồn
Vườn sau, sân trước sớm hôm
Không bàn tay mẹ, cánh chuồn cũng xa
Mẹ đi, trời vắng bao la
Chúng con ở lại thiết tha nhớ người
Mẹ đi về ở trên trời
Còn đây nỗi nhớ không đời nào nguôi
Tháng Năm nhớ mẹ bùi ngùi
Tự dưng lệ chảy không thôi trong lòng.
(Mẹ Đã Đi Rồi!)
Thi sĩ Linh Ân Nguyễn Thiện Nhân thì nói về nỗi nhớ thương Mẹ khi ở xa Người, một nỗi nhớ da diết trong tâm hồn thật cảm động:
Đợt gió tàn đông cuốn lạnh về,
Khơi lòng nhớ Mẹ lúc xa quê,
Trước Xuân năm ấy lòng nôn nóng,
Mong chóng được về dạ thỏa thuê...
Ngày qua, tháng lụn năm tàn,
Nhớ về quê Mẹ dặm ngàn sơn khê.
Mười Ba năm trước xa quê,
Mười Ba năm trọn tái tê chán chường !
Bao giờ thấy lại người thương... !?
(Nhớ Mẹ)
Tiểu Minh Ngọc là một nữ thi sĩ Cơ-đốc được Chúa cho có một sức sáng tác thật sung mãn. Cho đến nay, nữ sĩ nầy đã sáng tác được cả hàng mấy trăm bài thơ tâm linh dâng cho Chúa và... tặng cho đời.
Trong những sáng tác của thi sĩ, có khá nhiều những bài thơ dành cho người Mẹ với lời thơ giản dị, nhưng thật sâu lắng và cảm động. Với cách đặt câu hỏi về hạnh phúc của Mẹ là gì? Nhà thơ đã trả lời thật... giản đơn, nhưng ý nhị và... chính xác vô cùng:
Vậy hạnh phúc, của mẹ là gì nhỉ?
Có phải là, sự chăm sóc, lo toan,
Từ ấu thơ, cho đến tuổi lớn khôn,
Giúp con biết, tìm đến Ngài nhờ cậy!?
Mẹ đơn giản, hạnh phúc chỉ có vậy,
Sống cả đời, tất cả chỉ vì con!
Tình yêu người, làm sông núi nước non,
Phải hát lên, bài ca Tình Mẫu Tử!
(Hạnh Phúc Của Mẹ)
Tình cảm của Mẹ dành cho con là một thứ tình cảm đặc biệt, vì nó thiêng liêng và cao cả, không gì có thể ví sánh được, ngoại trừ tình yêu của Chúa dành cho con người là vượt trên tất cả mà thôi. Cho nên, tình yêu của Mẹ dành cho ta khiến ta phải nhớ và nhớ mãi trong cuộc đời. Không ai trong chúng ta làm con mà có thể quên được tình yêu của Mẹ dành cho mình. Đó cũng là kinh nghiệm của thi sĩ Tiểu Minh Ngọc vậy:
Cảm ơn mẹ, đã yêu tôi tha thiết,
Không kể thời gian, khoảng cách xa gần,
Trọn đời tôi, tình mẹ mãi ân cần,
Trong tư tưởng, không làm sao quên được!
Tôi cảm tạ, Chúa đã ban nguồn phước,
Giòng sông tình mẫu tử, sống trong tôi,
Ở mọi nơi, tôi chẳng thấy đơn côi,
Nhưng nhớ mãi, tình yêu này của mẹ!
(Nhớ Mãi Một Tình Yêu... )
Hồ Galilê có bài thơ “Nghĩa trang chiều tím” với đầy tâm trạng nhớ thương người Mẹ kính yêu của mình:
Ô hay! Chiều tím giăng mây
Cho ngày Lễ Mẹ đong đầy nhớ thương
Con đi viếng mộ ven đường
Gập ghềnh suối đá thoảng hương gió trời.
Mẹ nằm đây giữa đồi khơi
Hoa mua tim tím ngập trời bông trang...
Hôm nay ngày Lễ Mẫu thân
Con về viếng mộ bần thần trong tâm
Ngậm ngùi trong mối tình thâm
Nghĩa tình mẫu tử âm thầm khơi lên!
Ngồi bên bia mộ đọc tên
Nghe con dế gáy sầu lên cung đàn
Nghĩa trang chiều tím mê hoang
Hoen mi dòng lệ... lá vàng nhẹ rơi.
(Nghĩa trang chiều tím)
Tác giả đi viếng mộ Mẹ, ngồi trước mộ đọc bia mộ Mẹ, thầm gọi tên Mẹ, nhớ Mẹ mà nước mắt hoen mi, lòng đầy xúc động khi nghĩ về Mẹ dấu yêu với những ký ức không thể nào quên.
Nhưng có một điều khác, rất khác giữa người tin Chúa và người không tin Chúa, ấy là dù người thân mình có qua đời, không còn ở với mình nữa, không còn ở bên mình nữa, nhưng đó chỉ là một thời gian tạm biệt mà thôi, chứ không phải là vĩnh biệt. Vì biết rằng, một ngày nào đó trong tương lai, khi mình được Chúa đưa về yên nghỉ trên Thiên đàng, hoặc khi Chúa trở lại, thì mình sẽ được gặp lại những người thân yêu của mình ở nơi phước hạnh ấy trong vui mừng, sung sướng không thể tả. Còn người không tin Chúa, thì khi qua đời phải ở nơi hồ lửa đời đời đau khổ không nguôi:
Nhưng con tin Chúa trên Trời
Mẹ đang an nghỉ nước Trời bình yên
Lòng con nung nấu lửa thiêng
Biết chưng Mẹ sống trên miền Lạc cung.
(Nghĩa trang chiều tím - Hồ Galilê)
Ngồi bên mộ Mẹ nhớ thương Mẹ đong đầy. Buồn! Buồn thật, nhưng đó không phải là một sự tuyệt vọng, mà có một niềm tin, một hy vọng sống trong Chúa Giê-xu, vì biết rằng Mẹ mình đang yên nghỉ bình yên trong nước trời vinh hiển.
Cảm tạ Chúa!
Một trong những bài thơ viết về Mẹ mà tôi rất thích, rất... tâm đắc, đó là bài “Những ngày tôi với Mẹ” của Thi sĩ Lữ Thành Kiến:
Tôi nhớ lại những ngày tôi với mẹ
Trên con đường thôn xóm một ngày thu
Những ngày ấy mẹ vẫn còn rất trẻ
Tóc mẹ xanh và mắt mẹ còn mơ.
Tôi nhớ lại những ngày tôi với mẹ
Bên bờ sông thôn dã những ngày hè
Mẹ chở người về trên con thuyền nhỏ
Trên dòng đời mẹ cũng chở tôi đi.
Tôi nhớ lại những ngày tôi với mẹ
Rét căm căm chiều trở lạnh sang đông
Manh áo nhỏ mẹ che không đủ ấm
Tay mẹ choàng suốt cả tuổi thơ con.
Tôi nhớ lại những ngày tôi với mẹ
Nắm tay nhau đi dưới những đường xuân
Cánh đồng vàng bay lên mùi hương lúa
Cánh hạc bay vào nỗi nhớ mênh mông.
Tôi có lẽ sẽ buồn khi nhớ lại
Trên con đường phố thị những ngày về
Mẹ cơ cực như dòng sông quê cũ
Những ngày dài trong mắt mẹ lê thê.
Tôi có lẽ sẽ buồn khi thấy lại
Màu thời gian trên tóc mẹ tàn phai
Vết chân chim trên đồng khô cỏ úa
Mẹ vẫn bao la biển rộng sông dài.
Tôi có lẽ sẽ còn buồn hơn thế
Vào một ngày không còn mẹ bên đời
Tôi sẽ mang những niềm riêng sâu lắng
Đi vào đời thương nhớ mẹ mà thôi.
Mẹ có lẽ vẫn còn ngồi đâu đấy
Chờ tôi về trong những sớm mai tươi
Tôi vẫn thấy mẹ tôi còn trẻ lắm
Mẹ trong lòng tôi mãi mãi hai mươi.
(Lữ Thành Kiến)
Lữ Thành Kiến đã đem đến cho ta hình ảnh một người Mẹ với biết bao tình cảm quý báu, đáng yêu, đáng nhớ làm sao! Trong ký ức của nhà thơ, hình ảnh về Mẹ là hình ảnh không bao giờ phai mờ được. Nhà thơ nhớ đến khi còn nhỏ được Mẹ dắt đi trên những con đường thôn xóm vào những ngày mùa Thu đẹp mơ màng; những ngày Hè được cùng Mẹ bên bờ sông đưa đò cho người qua kẻ lại vui làm sao; những ngày Đông giá lạnh được tay Mẹ choàng ấm áp biết bao và những ngày Xuân đi cùng Mẹ bên cánh đồng thơm mùi hương lúa thật thú vị. Và rồi, khi lớn lên, nhìn thấy “màu thời gian trên tóc mẹ tàn phai”, thì... một nỗi buồn như bao trùm cõi lòng Thi sĩ. Và “nỗi buồn của mọi nỗi buồn” đó là “Vào một ngày không còn mẹ bên đời” với mình nữa, thì niềm thương nỗi nhớ Mẹ cứ mãi khắc khoải trong lòng, không bao giờ, không thể nào quên được.
Hình ảnh Mẹ hiện lên trong bài thơ sao mà đẹp quá, đáng yêu quá? Bởi cả cuộc đời Mẹ đã dành cho con mà, từ khi “Tóc mẹ xanh và mắt mẹ còn mơ” cho đến lúc “Màu thời gian trên tóc mẹ tàn phai”
Thương Mẹ, yêu Mẹ, nên nhà thơ muốn Mẹ trẻ mãi không già để ở với mình mãi, ở bên mình mãi, để không bao giờ xa Mẹ, không bao giờ mất Mẹ trong đời. “Mẹ trong lòng tôi mãi mãi hai mươi”. Đó cũng chính là mong ước của tất cả những người con vậy!
Tôi tin rằng còn nhiều, rất nhiều những vần thơ hay viết về Mẹ. Hy vọng vào một dịp khác, sẽ được hầu chuyện với quý độc giả về hình ảnh Mẹ qua thơ văn nữa.
Lời Kinh Thánh dạy cho những người con rằng:
“Hỡi con ta, hãy nghe lời giáo huấn của cha con. Và chớ bỏ lời dạy dỗ của mẹ con. Vì ấy là vòng hoa xinh đẹp trên đầu con. Dây chuyền trang sức trên cổ con.” (Châm Ngôn 1: 8, 9 – BDM) (*)
“Nghe lời giáo huấn của cha”, và “Chớ bỏ lời dạy dỗ của mẹ” là những mạng lệnh dành cho những người làm con.
Cha Mẹ luôn luôn giáo huấn và dạy dỗ con những điều hay lẽ phải. Thiết nghĩ điều cần giáo huấn và dạy dỗ cho con cái hơn hết là lời của Chúa và đức tin đặt nơi Chúa. Và khi con cái nghe theo những lời giáo huấn và dạy dỗ của Cha Mẹ, thì con cái sẽ được phước, chẳng khác nào như đội vòng hoa xinh tươi trên đầu và đeo dây chuyền trang sức trên cổ vậy.
Vâng lời Cha Mẹ, hiếu thảo với Cha Mẹ, đó là những điều làm cho Cha Mẹ mình vui lòng hơn hết mà thôi, hỡi những người làm con cái!
Nguyện Chúa ban cho những người Mẹ một ngày Lễ Mẹ thật nhiều niềm vui và phước hạnh từ gia đình, từ con cái, và đặc biệt là từ Thiên Chúa kính yêu – Đấng mà mỗi một chúng ta đang tôn thờ và hầu việc!
Ngày Lễ Mẹ 2019
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.
(*): Những câu Kinh Thánh trong bài viết được trích từ Kinh Thánh Bản Dịch Mới (BDM)