Nhiều người trong chúng ta đã nghe những câu chuyện liên hệ đến cơ đốc giáo theo chủ nghĩa hình thức mà không có sự sống. Các mục sư đặt Kinh Thánh trên bục giảng, tuyên bố các điều răn và luật lệ cần phải được gìn giữ và vâng lời cách nghiêm túc. Họ gán cho phụ nữ là theo thế gian, nếu chị em mặc quần lửng, quần áo thời trang, trang sức, trang điểm, đeo bông tai, hay có kiểu tóc ngắn, theo mốt hay tóc nhuộm. Người nam cũng không tránh khỏi các bài giảng chỉ trích của các vị mục sư "búa” này : thời trang hiện đại cùng với việc đeo bông tai hay để tóc dài cũng bị soi mói.
Không chỉ dừng lại ở đó. Khi bạn bị phát hiện ăn tiệc với tội nhân là sẽ nhận sự lên án. Những người đi coi phim tại rạp hay tham gia các sự kiện giải trí cũng bị xét hỏi. Bạn bè bên ngoài – không chấp nhận được theo quan điểm của họ - không được tán thành, và mọi nỗ lực có hình thức sáng tạo để chinh phục người hư mất thường bị gán là sa ngã. Trong danh sách có cả những việc không được làm như khiêu vũ, tham gia công việc xã hội nào đó, mọi hình thức nhạc ngoài đời, xem truyền hình, các thiết bị tạo ánh sáng màu hay máy tạo khói trong nhà thờ - đây chỉ là một danh sách ngắn về các luật lệ đòi hỏi để "đi theo Chúa Giê-su và tự do khỏi thế gian.”
Tôi vừa mới liệt kê một số mục tiêu rõ ràng của người theo chủ nghĩa luật pháp; tuy nhiên, còn nhiều hình thức chủ nghĩa luật pháp xảo trá hơn, và cũng nguy hiểm như nhau. Đây là các tiêu chí áp đặt hay tự áp đặt mà người ta tuân thủ nghiêm ngặt để đạt được sự cứu rỗi, sự tăng trưởng thuộc linh hay việc đoán xét diện mạo bên ngoài của người khác. Một ví dụ về chuyện này bao gồm việc cầu nguyện nhiều giờ, kiêng ăn, đọc những phần Kinh Thánh được chỉ định. Tất nhiên tất cả những điều này là những nếp sống ích lợi, nhưng không nên thực hiện với ý định là sẽ đạt đến "trình độ thuộc linh” cao siêu.
Một ví dụ cổ điển cho chủ nghĩa luật pháp kiểu này là một người Pha-ri-si, đã phán xét một tội nhân có tiếng trong thành bằng cách so sánh cuộc đời của anh ta với cuộc đời của người thâu thuế (thời hiện đại tương tự một thành viên xã hội đen). Người Pha-ri-si này làm ra vẻ cảm tạ Chúa về những hành vi tốt của mình; anh ta không phạm tội, không lừa lọc người ta giống tay xã hội đen kia, không phạm tội ngoại tình, kiêng ăn và cầu nguyện đều đặn, và rời rộng dâng hiến cho nhà hội. Thật châm biếm thay, ngay lúc nhà lãnh đạo thuộc linh khoe về những hành vi của mình và chỉ ra những thiếu sót của lãnh đạo hội đoàn, thì người tội nhân có tiếng đang ở phía sau nhà hội, kêu cầu Chúa thương xót. Chúa Giê-su nói người đàn ông sau sẽ được xưng công chính, chứ không phải vị lãnh đạo tuân giữ luật pháp "hoàn hão” kia. Chủ nghĩa luật pháp kiểu này bắt nguồn từ tinh thần thế gian, vì nó tập trung vào địa vị, vào kiêu ngạo, hay ham muốn ích kỷ, đi kèm với việc tuân theo các luật lệ do chính mình hay người khác lập ra. Nó không còn lệ thuộc vào khả năng của Chúa trong đời sống chúng ta khi nó hướng sự tập trung vào bản thân chúng ta. Nó cũng cướp đi niềm vui đi kèm với sự hiện diện của Chúa.
Một người bạn của tôi là một thương gia rất hiệu quả trong việc chinh phục người hư mất. Anh ta được nuôi dạy trong chủ nghĩa luật pháp nhưng bây giờ đã được tự do rồi. Có một lần anh nói với tôi, "Anh John, trước đây tôi nghĩ bất cứ điều gì vui vẻ hay cười đùa là đến từ thế gian, và nó bị xem là điều cấm kị, không được nói đến.” Mục sư và lãnh đạo của anh ta chỉ tập trung vào diện mạo bên ngoài, chứ không phải tâm tánh của tấm lòng. Hội Thánh của anh ảnh hưởng rất ít đối với người ngoại. Buồn thay vị lãnh đạo này đã không thật sự nghe lời của Phao-lô : "Vì Nước Đức Chúa Trời không phải là vấn đề ăn uống nhưng là sự công chính, bình an và vui mừng trong Thánh Linh.” (Rô-ma 14:17).
Có niềm vui bất tận và sâu đậm khi chúng ta ở trong Thánh Linh. Niềm vui cuốn hút những người hư mất, vì thế gian không có niềm vui này. Chúa Giê-su rất hấp dẫn đối với tất cả những ai thật lòng, ngay cả tội nhân có tiếng nhất trong xã hội. Ai mà cố đạt đến ơn cứu rỗi hay tăng trưởng trong Chúa qua những sự giảng dạy hoặc niềm tin theo chủ nghĩa luật pháp không có niềm vui đích thật. Họ sống trong một thế giới thu nhỏ bởi vì những người không suy nghĩ giống như họ sẽ bị sàn lọc.
Nếu lãnh đạo của người thương gia kia suy gẫm hơn về những lời của Phao-lô trong một thư tín khác thì sẽ thật là tốt biết mấy : Nếu anh chị em đã chết với Chúa Cứu Thế và được giải thoát khỏi các thần linh đang cai trị thế gian, tại sao anh chị em còn sinh hoạt như người thế gian ? Tại sao anh chị em còn giữ những luật lệ : "Chớ lấy, chớ nếm, chớ sờ !” Tất cả những thứ ấy một khi đã dùng đến là băng hoại, theo quy luật và giáo huấn của loài người. Những điều ấy thật có vẻ khôn ngoan vì thờ lạy theo quy tắc con người tự đặt ra, với sự khiêm nhường và khắc khổ thân thể, nhưng không có giá trị gì để kiềm chế đam mê xác thịt. (Cô-lô-se 2:20-23).
Thú vị thay, Phao-lô quy những luật lệ về sự dâng mình, tự bỏ mình và kỷ luật thân thể khắc khe thuộc về các quyền lực của thế gian. Điều này không có nghĩa là sự trụy lạc, vô luân, giết người, ăn trộm, say rượu và vân vân... không phải là tội lỗi. Những tội này là một hình thức khác của tinh thần thế gian. Những ai bị trói buộc bởi chủ nghĩa luật pháp thường không nhận ra rằng thế gian mà họ rao giảng cách hùng hồn là hãy tránh xa cũng chính là hệ thống thế gian đang trói buộc họ.
Ý chính trong câu của Phao-lô được tìm thấy trong các chữ "kiềm chế đam mê xác thịt.” Chủ nghĩa luật pháp không tẩy sạch tấm lòng của một người, và tấm lòng là mục tiêu của thế gian, thứ mà thế gian này muốn làm hư hỏng. Đây là lý do chúng ta được bảo, "Trên hết mọi sự, hãy gìn giữ tấm lòng của con, vì các nguồn sự sống xuất phát từ đó” (Châm Ngôn 4:23).
Chúa Giê-su nói, "Người lành do thiện tâm tích lũy, làm lành. Kẻ ác do ác tâm tích lũy, làm ác.” (Ma-thi-ơ 12:35). Điều quan trọng là những gì chúng ta chất chứa bên trong và cho nó là giá trị. Hãy thanh tẩy tấm lòng thì đời sống bề ngoài sẽ ổn thôi và sẽ phù hợp với nhửng gì mà Chúa xem là tốt đẹp.
Tóm lại, gọng kiềm của thế gian không phải bên ngoài mà là bên trong. Nó liên quan đến khao khát, ý định và động cơ của tấm lòng và tâm trí. Đây là chiến trường; đây là chỗ mà bẫy rập được cài. Đây là chỗ mà "bè bạn” hay ngoại tình với thế gian bắt đầu và cuối cùng là "quan hệ”. Chuyện này có thể dễ dàng xảy ra cả cho một người ít đi nhóm lẫn cho một người không bỏ một buổi nhóm nào và tham gia rất nhiều trong sự hầu việc Chúa.
JOHN BEVERE (Theo Đời Hay Đạo)