Môi-se lưu tâm đến uy danh (tên) của Chúa, danh dự và vinh quang của Chúa trong lời cầu thay : "dân nầy là dân của Chúa.” Dù thế nào đi nữa, dân Y-sơ-ra-ên là dân của Đức Chúa Trời. Chẳng những họ tự xưng mình là dân Chúa, chính Chúa cũng chứng minh điều đó khi dùng cánh tay toàn năng đem họ ra khỏi xứ Ai-cập. Đã đem họ qua Biển Đỏ, chẳng lẽ Chúa bỏ họ chết trong sa mạc sao ? Nếu việc đó xảy ra, thì nguời Ai-cập sẽ nói gì ? Các dân tộc trên thế gian sẽ nói gì ? Đức Chúa Trời thất bại rồi sao? Chúa đã hứa bao nhiêu việc vĩ đại mà Chúa không thực hiện được sao? Với lời cầu nguyện nầy, Môi-se đề cập đến danh dự và vinh quang của Đức Chúa Trời.
Chúng ta cũng thấy điểm nầy trong các lời cầu nguyện của các tác giả Thi Thiên khi họ nói "vì cớ danh Chúa” (Thi 23:3; 106:8; 143:11; 25:11; 31:3; 79:9; 109:21. Ghi chú: "nhơn danh Chúa” trong 4 câu sau, cung là "vì cớ danh Chúa”). Khi cầu nguyện "vì cớ danh Chúa”, các vị nầy muốn nói rằng: "Chúng con không có quyền nói gì cả, chúng con không xin gì cho mình cả, nhưng vì cớ danh của Chúa, vì vinh quang của Chúa, vì vinh dự đời đời của Chúa!” Các nhà tiên tri như Ê-sai (63:16), Giê-rê-mi (14:7; 14:21), Đa-ni-ên (9:17,19) v.v... cũng nhắc đến điểm tối quan trọng nầy. Vì nặng lòng lưu tâm đến danh Chúa và vinh quang Chúa nên Môi-se cầu xin Chúa, vì cớ danh Chúa, mà làm những việc đặc biệt, phi thuờng.
Khi áp dụng điểm nầy cho Hội Thánh, chúng ta thấy gì ? Truớc hết Hội Thánh là của Đức Chúa Trời, vì "Chuá Cứu Thế đã cứu chuộc Hội Thánh là thân thể Ngài... Chúa Cứu Thế đã yêu Hội Thánh, hy sinh tính mạng vì Hội Thánh, dùng nước và Đạo rửa cho Hội Thánh được tinh sạch... ” (Ê-phê-sô 5:23,25). Như vậy chúng ta thuộc quyền sở hữu riêng biệt của Đức Chúa Trời. Tại sao chúng ta được Chúa đem "ra khỏi cảnh tối tăm tuyệt vọng và đua vào trong ánh sáng phúc hạnh kỳ diệu của Ngài?” (I Phi-e-ro 2:9) Đức Chúa Trời làm như vậy để chúng ta tôn vinh ca ngợi Chúa và phản chiếu các mỹ đức và bản tính thiện lành của Chúa. Dù chúng ta có đồng ý hay không, thế gian vẫn lượng giá chính Đức Chúa Trời, Chúa Cứu Thế Giê-xu và toàn thể niềm tin Cơ-đốc, căn cứ trên những gì họ thấy trong chúng ta. Chúng ta là nguời thay mặt Đức Chúa Trời, là người mang danh Chúa, nói về Chúa, và thế gian luôn luôn kể Hội Thánh là đại diện của Chúa. Vì vậy, chúng ta phải bắt chuớc gương của Môi-se mà đặt vinh quang của Đức Chúa Trời lên hàng đầu.
Hiện nay, Hội Thánh cũng đang lưu tâm đến rất nhiều vấn đề. Nhưng vấn đề đang được Hội Thánh lưu tâm là gì? Là thống kê, là những con số! Người ta nói về các nhà thờ vắng người, về các phương tiện và phương pháp để kéo người vào hội, về con số hội viên, về tài chánh với các con số thu xuất, về tổ chức nầy tổ chức nọ v.v... Có bao nhiêu lần trong các đại hội, các hội đồng thường niên chúng ta được nghe nguời ta bày tỏ mối nặng lòng lưu tâm đến vinh quang của Đức Chúa Trời, đến danh dự của Danh Chúa? Không! Thái độ của chúng ta là coi Hội Thánh như là một tổ chức của loài người, và chúng ta lưu tâm đến các việc xảy ra trong Hội Thánh như cách một nhà doanh thương lưu tâm đến các vấn đề của công ty mình. Chúng ta là các nhà doanh thương, chúng ta lo nghĩ đến hội đoàn, đến tổ chức. Nhưng Môi-se lại khác hẳn, vì mối ưu tư số một của ông là vinh quang của Đức Chúa Trời. Chúng ta có đau buồn vì tình trạng của Hội Thánh hiện nay không? Nếu có, thì tại sao chúng ta đau buồn? Có phải vì những lý do như: vắng người, thiếu tài chánh, không có nhà thờ to lớn, thiếu người bằng cao học rộng hay không? Dù cho chúng ta có cả bốn điều nầy mà không có sự hiện diện của Đức Chúa Trời, không có Thánh Linh đầy dẫy thì Danh Chúa lại càng bị chê bai. Chúng ta có đau buồn, có cảm thấy một vết thương một gánh nặng trên tim, trên tâm trí, trên tâm linh của mình khi xã hội xung quanh chúng ta đang chối bỏ Đức Chúa Trời và lấy Danh Chúa làm chơi không? Chúng ta có bao giờ cảm thấy sự sốt sắng thánh khiết thiêu đốt tâm can mình không?
Điểm thứ hai là mối lưu tâm nặng lòng vì vinh dự của Hội Thánh. Điểm nầy phải luôn luôn đứng hàng thứ nhì và không bao giờ được đưa lên hàng đầu. Xuất Ê-díp-tô Ký đoạn 32 cho chúng ta thấy tâm tình của Môi-se khi ông lưu tâm đến dân Chúa. ĐỨC CHÚA TRỜI đã bày tỏ cho ông biết mối ưu ái của Chúa dành riêng cho ông, nhưng ông chưa thỏa lòng, vì ông không tìm kiếm hạnh phước riêng cho chính mình. Ông muốn toàn thể con cháu Y-sơ-ra-ên cùng đuợc huởng chung các phước hạnh của Chúa, khi thốt lên một lời cầu nguyện thật cao đẹp trong mấy câu nầy : "Vậy Môi-se trở lên đến Đức Giê-hô-va mà thưa rằng: Ôi! Dân nầy có phạm một tội trọng, làm cho mình các thần bằng vàng. Nhưng bây giờ xin Chúa tha tội cho họ! Bằng không, hãy xóa tên con khỏi sách Ngài đã chép đi” (Xuất 32:30-32). Lời cầu nguyện nầy có nghĩa là: Con không muốn sống nữa, xin Chúa cho con chết chung với dân chúng nếu Chúa không cho họ cùng chung huởng các phước hạnh của Chúa với con, vì trước đó Chúa đã bảo Môi-se: "Ta sẽ diệt chúng nó, nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn.
Đây mới chính là lời cầu thay thật! Người cầu thay thật phải đặt tình hình của cả Hội Thánh lên trên mọi sinh hoạt, lợi ích và hạnh phúc cá nhân thì Hội Thánh mới đuợc Chúa thăm viếng. Chúng ta không thể hi vọng Chúa ban Phục Hưng nếu chúng ta chưa đạt đến chỗ quên bớt mình đi để đặt ưu tư vào Hội Thánh, là thân thể của Chúa trên mặt đất.
Phần lớn các lời cầu nguyện của chúng ta đều chủ quan và quây quần quanh cái "tôi”. Chúng ta chỉ xin Chúa ban phuớc cho chúng ta, ban cái nầy cái nọ cho chúng ta, và không bao giờ tiến xa hơn mấy tiếng "xin Chúa cho con, cho gia đinh con... ” Chúng ta đều tuyên bố rằng: Phúc Âm của Chúa là hi vọng độc nhất cho nhân loại, và chỉ Hội Thánh của Chúa có sứ điệp cứu rỗi. Nhưng có bao nhiêu lần chúng ta cầu nguyện cho Hội Thánh được mặc lấy quyền năng Thiên Thượng để rao truyền sứ điệp đó? Bao nhiêu lần chúng ta cầu Đức Chúa Trời thường làm trong các cuộc phục hưng: những nguời trước đó vẫn nhạo báng danh Chúa, rồi vì hiếu kỳ đến xem và đuợc Thánh Linh bắt phục. Môi-se cũng cầu nguyện cho các dân ngoại dừng lại và lặng thinh để họ có thể chú ý đến bàn tay tể trị và dẫn dắt của Đức Chía .
Martyn Lloyd Jones