Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 116

Chuyện... Truyền Thống

Kinh thánh: Mác 7: 3, 4; Công vụ 22: 3; Ga la ti 1: 14; Giăng 8: 12

Kính chào quý độc giả thân mến,

Theo định nghĩa trong từ điển thì truyền thống có nghĩa là những thói quen được hình thành từ lâu đời trong lối sống và nếp nghĩ của một nhóm người hay của một dân tộc, và được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Có thể nói bất cứ một dân tộc nào cũng đều có những truyền thống được lưu giữ lại cho thế hệ sau noi gương và làm theo.

Dân tộc Việt Nam chúng ta cũng vậy, có nhiều, rất nhiều những truyền thống tốt đẹp đáng giữ gìn và phát huy, cũng có không ít những truyền thống cổ hũ, lạc hậu cần bị loại bỏ để cuộc sống và xã hội được tốt đẹp hơn.

Có thể kể ra đây vài truyền thống tốt đẹp ấy như truyền thống “yêu quê hương đất nước”, truyền thống “tôn sư trọng đạo”, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, truyền thống “kính trên nhường dưới”, truyền thống “lá lành đùm lá rách”, truyền thống “thương người như thể thương thân”...

Đó là những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta rất đáng được lưu giữ lại cho muôn đời con cháu mai sau.

Tuy nhiên, dân tộc Việt Nam cũng có nhiều những truyền thống cổ hũ, lạc hậu cần phải bị loại bỏ để cho dân tộc được phát triển.

Có thể kể ra một số những truyền thống cổ hũ, lạc hậu ấy như truyền thống ...“đốt giấy tờ vàng mã cho người chết”, truyền thống ...“coi ngày chọn giờ trong xây nhà, hay đám cưới, đám tang”, truyền thống “treo gương trước cửa nhà để trừ ma quỷ”, hay truyền thống...”trễ giờ” và nhiều những truyền thống khác nữa.

Người Việt Nam cũng có truyền thống thờ cúng tổ tiên. Truyền thống nầy bắt nguồn từ niềm tin cho rằng linh hồn người đã khuất như vẫn còn hiện hữu trong thế giới này, nên có thể trở về ngự trên bàn thờ và phù hộ, giúp đỡ con cháu. Người Việt quan niệm rằng chết chưa phải là hết, tuy thể xác tiêu tang thành tro bụi nhưng linh hồn vẫn bất diệt và thường về ngự trên bàn thờ tổ tiên trong nhà.

Đối với hầu hết người Việt, truyền thống thờ cúng tổ tiên gần như trở thành một thứ tín ngưỡng vậy, hầu như phần lớn gia đình người Việt nào cũng có bàn thờ tổ tiên trong nhà để thờ ông bà, cha mẹ đã qua đời.

Nhưng người Mỹ và những người ở các nước Tây phương thì lại khác, họ không có bàn thờ thờ cúng tổ tiên như người Việt, hay người Hoa. Phần đông người dân ở Mỹ và những nước Tây phương họ đều tin thờ Đức Chúa Trời là trên hết, còn ông bà, cha mẹ thì họ hiếu kính chứ không thờ lạy. Nói chung, người Mỹ cũng như người dân ở các nước Tây phương họ chịu ảnh hưởng của Kinh thánh, và niềm tin của họ phần lớn dựa vào sự dạy dỗ từ Kinh thánh.

Trong Kinh thánh, khi nói đến việc giữ theo truyền thống của con người thì phải nói đến một phái tôn giáo nổi bật vào thời Chúa Giê-xu thi hành chức vụ trên đất. Đó là “Người Pha-ri-si”.

Pha-ri-si là một phái tôn giáo Do-thái nổi tiếng trong thời Chúa Giê-xu thi hành chức vụ trên đất.

Người Pha-ri-si nổi tiếng là giới giữ theo truyền thống của người xưa một cách nghiêm ngặt. Kinh thánh chép về họ như sau: “Người Pha-ri-si và cả dân Do-Thái đều không ăn nếu không rửa tay theo tục lệ cổ truyền. Khi ở chợ về, nếu không nhúng hẳn tay vào nước theo lệ thanh sạch, họ cũng không ăn. Họ còn giữ nhiều tục lệ khác như thanh tẩy chén bát, bình đất và đồ đồng”. Tiếp theo, Chúa Giê-xu nói về họ rằng: “I-sa đã nói tiên tri rất đúng về các ông, những kẻ đạo đức giả rằng: “Dân nầy tôn kính Ta bằng môi miệng, nhưng lòng chúng nó xa cách Ta. Họ thờ phượng Ta thật vô ích. Dạy giới luật con người như là giáo lý. Gạt bỏ điều răn của Đức Chúa Trời, để giữ tục lệ của loài người.” (Sách Mác, chương 7, câu 3-4 và 6-8) (*)

Phao-lô vốn là một người Pha-ri-si thuần thành, một người Pha-ri-si tiêu biểu trước khi gặp Chúa Giê-xu. Chính ông đã...tự khai như sau: “Tôi là người Do-Thái, sinh tại Tạt-sơ, thuộc Si-li-si, nhưng được dưỡng dục trong thành phố này, học với giáo sư Ga-ma-liên. Tôi được giáo dục một cách nghiêm nhặt về Kinh Luật của tổ tiên và có nhiệt tâm đối với Đức Chúa Trời cũng như tất cả quý vị ngày nay.” (Sách Công vụ, chương 22, câu 3)

Trong một chỗ khác, ông...khoe về lòng sốt sắng với truyền thống tôn giáo cựu truyền của mình: “Trong việc giữ đạo Do-Thái, tôi vượt xa hơn nhiều người đồng bào đồng tuổi với tôi. Tôi hết sức nhiệt thành giữ các truyền thống của tổ tiên.” (Sách Ga-la-ti, chương 1, câu 14)

Ấy là khi Phao-lô chưa gặp được Cứu Chúa Giê-xu. Nhưng khi ông đang trên đường đến Đa-mách để bắt bớ những tín đồ của Chúa Giê-xu ở đó, thì Chúa Giê-xu hiện ra với ông và bắt phục ông trở nên môn đồ của Ngài; ông liền đi theo Ngài và phục vụ Ngài cho đến hơi thở cuối cùng của cuộc đời mình. Ông tự thuật rằng: “Nhưng khi Đức Chúa Trời là Đấng đã chọn tôi từ trong lòng mẹ và bởi ân sủng kêu gọi tôi, vui lòng mạc khải Con Ngài trong tôi để tôi truyền giảng Phúc Âm về Con Ngài giữa vòng các dân tộc ngoại quốc, thì lập tức tôi không bàn luận với người phàm.” (Sách Ga-la-ti, chương 1, câu 15, 16).

Từ khi gặp Chúa Giê-xu và được Ngài biệt riêng ra để làm sứ đồ cho Ngài, thì Phao-lô không còn giữ những truyền thống của cựu truyền tổ phụ mình nữa; ông một lòng đi theo Chúa và phục vụ Ngài, vâng giữ lời Ngài, rao truyền lời Ngài cho người khác, và khích lệ người khác vâng giữ lời Ngài.

Ông tỏ bày lòng mình rất rõ ràng như thế nầy: “Tôi chịu phép cắt bì khi sinh được tám ngày, thuộc dòng dõi Y-sơ-ra-ên, chi tộc Bên-gia-min, là người Do-Thái, con của người Do-Thái, theo Kinh Luật là một người Pha-ri-si, về lòng nhiệt thành là kẻ bắt bớ Hội Thánh, về đời sống công chính theo Kinh Luật là người không thể trách được.

Nhưng bất cứ những gì xưa kia tôi coi là lợi thì nay vì Chúa Cứu Thế tôi coi là lỗ. Hơn thế nữa, tôi coi mọi sự như là lỗ, vì sự hiểu biết Chúa Cứu Thế Giê-xu, Chúa tôi là điều tối trọng đại. Vì Ngài, tôi chịu lỗ tất cả, tôi coi những điều đó như rơm rác để được Chúa Cứu Thế và được ở trong Ngài...” (Sách Phi-líp, chương 3, câu 5-9a)

Đó là một bài học đáng quý biết bao cho chúng ta, là những tín đồ của Chúa Giê-xu ngày hôm nay.

Khi chưa biết Chúa, chưa nghe tiếng Ngài, chưa theo Ngài thì có thể chúng ta đang đi theo tôn giáo riêng của mình, hoặc cũng có thể chúng ta không đi theo một tôn giáo nào, nhưng rất sốt sắng, rất nhiệt thành giữ một niềm tin riêng nào đó cho mình, theo truyền thống của gia đình mình để lại. Đó cũng là điều tốt, đáng khích lệ. Vì thà có một tôn giáo nào đó hoặc một niềm tin nào đó còn hơn là vô tín, vô thần, vì vô tín hay vô thần sẽ đem lại nhiều điều nguy hại cho chính mình và để lại nhiều hệ lụy đáng sợ cho nhiều người khác, thậm chí còn cho cả một dân tộc nữa.

Chúng ta cảm tạ Chúa, vì Ngài đã cho chúng ta được biết Ngài, được nghe lời Ngài, được trở nên con cái Ngài, đi theo Ngài và hầu việc Ngài. Đó là một phước hạnh lớn nhất cho mỗi một chúng ta. Không còn phước hạnh nào lớn hơn thế!

Trước đây, chưa biết Chúa Giê-xu, chúng ta cũng đã từng có niềm tin vào thần nầy thần nọ, người nầy người kia, thậm chí tôn một con người nào đó lên làm thần để thờ nữa. Chúng ta cũng đã từng làm theo truyền thống của con người. Chúng ta cũng thường hay “bắt chước” theo người khác trong niềm tin. Người Việt ta có câu “Xưa bày nay bắt chước”. Thấy người ta tin thì mình tin, thấy người ta thờ thì mình thờ, thấy người ta theo thì mình theo. Đó là một niềm tin thiếu cơ sở, gọi là niềm tin “chạy theo”.

Trước đây, chúng ta cũng đã từng một thời giữ những truyền thống cổ hũ, lạc hậu như truyền thống ...“đốt giấy tờ vàng mã cho người chết”, truyền thống ...“coi ngày chọn giờ trong xây nhà, hay đám cưới, đám tang”, truyền thống “treo gương trước cửa nhà để trừ ma quỷ”... Nếu có ai hỏi chúng ta tại sao lại phải làm những điều đó. Chúng ta cũng thường hay trả lời: “Truyền thống ông cha để lại như thế thì làm theo thôi. Xưa bày nay bắt chước mà!”

Cảm tạ Chúa bây giờ chúng ta không còn làm những điều cổ hũ, lạc hậu, vô nghĩa đó nữa, vì Chúa Giê-xu đã cứu chúng ta ra khỏi những truyền thống không ra chi đó, những truyền thống vô ích, mà tốn kém nhiều tiền bạc đó. Bước đi trong ánh sáng của Đạo Chúa thật là phước hạnh biết bao! Tôi nhớ chính Chúa Giê-xu đã từng phán rằng: “Chính Ta là ánh sáng của thế giới, người nào theo Ta sẽ không còn đi trong tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống.” (Sách Giăng, chương 8, câu 12).

Nhờ Chúa Giê-xu và nhờ Kinh thánh là lời của Ngài mà chúng ta đã bỏ được những truyền thống không ra chi của người xưa truyền lại, mà đã từng một thời, trong một thời gian dài, chúng ta đã giữ nó cách cẩn thận, nghiêm trang và thậm chí là cung kính nữa. Nếu không có Chúa Giê-xu và không có lời của Ngài thì có lẽ giờ nầy chúng ta cũng vẫn còn tiếp tục chìm đắm trong cách sống “xưa bày nay bắt chước” mà giữ khư khư những truyền thống không ra chi, chẳng ích lợi gì ấy cho mình.

Đó là những truyền thống xưa kia chúng ta đã giữ, lúc mà chúng ta chưa biết đến Đức Chúa Trời, chưa tin nhận Chúa Giê-xu làm Chúa, làm Chủ cuộc đời mình. Thật đúng như lời Kinh thánh nói: “Trước kia, khi chưa biết Đức Chúa Trời, anh chị em đã làm nô lệ cho những vị mà tự bản chất không phải là thần.” (Sách Ga-la-ti, chương 4, câu 8)

Tôi ước mong tất cả những độc giả thân mến là những người đã tin Chúa Giê-xu như tôi, chúng ta hãy tiếp tục nhờ ơn và sức của Chúa mà bước đi đến phía trước, hầu việc Ngài một cách mạnh mẽ, đừng để những truyền thống của người xưa làm cản trở đức tin theo Chúa và sự hầu việc Ngài của chúng ta. Hãy làm như Phao-lô đã làm, hãy tuyên bố như Phao-lô đã tuyên bố là xem Chúa Giê-xu là quý tộc bực cho chúng ta và lời Kinh thánh là quan trọng nhất cho cuộc đời chúng ta. Không có gì hơn thế nữa!

Chúng ta cũng đừng để những truyền thống của giáo hội là những truyền thống không đúng với Kinh thánh, hoặc đi ngược lại với Kinh thánh làm ngăn trở bước đường phục vụ Chúa của mỗi một chúng ta. Có không ít giáo hội đặt ra nhiều điều luật nhằm để bảo vệ lợi ích của giới lãnh đạo hơn là để phát triển đạo của Chúa, mà những điều luật đó lại lại không được Kinh thánh ủng hộ, gây biết bao khó khăn cho người tín hữu trong niềm tin, cũng như trong sự phục vụ Chúa. Hãy mạnh dạn vâng theo lời Kinh thánh hơn là vâng giữ những điều luật trái với lời Chúa ấy.

Có một điều chắc chắn chúng ta cần phải biết là không có ai hơn Chúa và không có chi bằng lời Kinh thánh cả. Chúa và lời của Ngài phải là trước hết và trên hết trong đời sống của mỗi một chúng ta! Những truyền thống nào, những điều luật nào không trái với lời Chúa thì chúng ta có thể tuân theo, còn những truyền thống hay điều luật nào của giáo hội mà trái với lời Kinh thánh thì hãy mạnh dạn vâng giữ và bước theo lời Kinh thánh. Chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho chúng ta là những người có lòng can đảm và hết lòng vâng giữ và làm theo lời Ngài.

Thưa quý độc giả thân mến, là những người chưa tin nhận Chúa Giê-xu,

Tôi ước mong quý vị cũng sớm nhận biết Chúa Giê-xu là ánh sáng và Kinh thánh là lời sự sống cho cuộc đời quý vị để quý vị sẵn sàng bỏ qua những truyền thống, những niềm tin cũ kỹ, lạc hậu, không có cơ sở, kiểu “xưa bày nay bắt chước” để mở lòng ra tin nhận Chúa Giê-xu làm Chúa, làm Chủ cuộc đời mình, hầu cho cuộc đời của quý vị cũng được phước như chúng tôi đã và đang được phước ở trong Chúa Giê-xu vậy.

Mong lắm thay!

Nguyện cầu xin Ba Ngôi Đức Chúa Trời ban phước cho hết thảy mỗi một chúng ta một cách dư dật. A men!

California, ngày 20/ 8/ 2019

Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.

(*): Những câu Kinh thánh trong bài viết là trích từ Kinh thánh Bản Dịch Mới (BDM)