Malachi và A-ghê đều là các tiên tri thật. Những lời tiên tri mạnh mẽ của họ đã mang lại sự thay đổi trong tấm lòng dân Y-sơ-ra-ên. Dân Y-sơ-ra-ên nghe những lời này và "vâng lệnh CHÚA, Ðức Chúa Trời của họ, và những lời của tiên tri Ha-gai mà CHÚA, Ðức Chúa Trời của họ đã phái đến; và dân chúng kính sợ CHÚA.” (A-ghê 1:12). Sự kính sợ Chúa được phục hồi. Bây giờ họ tập trung xây đền thờ; sở thích cá nhân đặt xuống hàng thứ yếu. Khi chúng ta kính sợ Chúa chúng ta sẽ luôn đặt sở thích và ước muốn của Chúa trên sở thích và ước muốn riêng của chúng ta. Ngày nay chúng ta cần những người hầu việc Chúa như A-ghê hay Malachi, là những người chạy trốn khỏi sự nổi tiếng của con người để làm đẹp lòng Chúa.
Chúng ta cần những người hầu việc Chúa rao giảng trung tín Lời Chúa, những lời mà người ta cần nghe, trái với những lời mà họ muốn nghe. Ngày nay nếu ai đó viết một cuốn sách về bí quyết để cải thiện lối sống hay để đạt được thành công thì sách này sẽ được bán rất chạy. Chúng ta hay viết và giảng những chủ đề hấp dẫn người ta. Nhưng những người sau đây ở đâu rồi? Những người mà không bận tâm đến việc sứ điệp của họ có được đón nhận ở dưới đất này hay không, mà họ chỉ mong sao được thiên đàng tiếp nhận mà thôi. Khi tôi đi lại hầu việc Chúa, thời gian cho phép tôi giảng hay bị giới hạn bởi một số chương trình nên chỉ còn ba bốn mươi phút. Thường thì có hai lý do đằng sau chuyện này. Thứ nhất, có nỗi sợ rằng nếu buổi nhóm quá lâu, hội thánh chính sẽ mất đi số người nhóm lại cũng như mất tín đồ. Ðiều lạ là rất nhiều người có thể ngồi suốt hai ba tiếng xem phim hay xem bóng đá nhưng lại tỏ ra bực bội khi bài giảng quá 40 phút.
Thứ hai, có áp lực lên buổi nhóm từ các cô giáo thiếu nhi. Tôi tin rằng các cô giáo thiếu nhi cần kinh nghiệm sự vận hành của Chúa khi giúp đỡ thiếu nhi thay vì chỉ giữ thiếu nhi! Có vài lần tôi đã tổ chức buổi nhóm kéo dài ba bốn tiếng vì các em thiếu nhi có người giữ nên phụ huynh không bận tâm về thời gian nữa. Nói vậy không có ý nói rằng một buổi nhóm phải dài ra mới đầy ơn. Nhưng thái độ như thế phản ánh điều gì chúng ta coi trọng thì chúng ta để ý tới. Tôi để ý chuyện này thường xảy ra ở các hội thánh lớn. Ðôi khi lý do hội thánh đó lớn là vì họ chỉ lo "nuôi” mấy tín đồ hâm hẩm đi nhóm và ra về cách vội vã mà không dám làm họ phật ý.
Ðồng ý rằng nếu Thánh Linh không hiện diện trong buổi nhóm thì không có lý do gì để kéo dài hơn một giờ rưỡi. Thật ra nếu không có sự hiện diện của Thánh Linh thì một giờ rưỡi cũng quá lâu. Tôi đồng ý điều đó. Tuy nhiên, người ta sẽ cảm nhận Thánh Linh trong buổi nhóm khi mà người lãnh đạo để cho Ngài làm và nói bất cứ điều gì Ngài muốn! Mới đây, tôi gặp một mục sư của hội thánh lớn đã yêu cầu tôi giới hạn phần tôi giảng trong vòng 45 phút. Tôi nhìn ông và trả lời với lòng tôn trọng vị trí của ông: "Có phải đó là điều mục sư muốn không? Mục sư có muốn ấn định thời gian cho Thánh Linh không? Nếu mục sư muốn, mục sư có thể tăng trưởng hội thánh, nhưng hãy quên đi sự vận hành đích thực của Chúa trong hội thánh này.” Vị mục sư này hạ giọng, "Thôi được, nhưng làm ơn giảng trong vòng 75 phút.” Buổi nhóm cuối cùng của chúng tôi là vào tối thứ Hai, và tôi giảng một sứ điệp mạnh mẽ. Khoảng 80 phần trăm số người nhóm tiến lên phía trước khi tôi mời gọi ăn năn tin Chúa. Tôi để ý thì giờ của tôi cũng hết khi tôi kết thúc buổi nhóm. Tôi học được rằng Chúa hài lòng khi tôi tôn trọng uy quyền mà Ngài thiết lập trên hội thánh. Sáng hôm sau tôi bay về nhà sớm. Ngày hôm sau mục sư đó gọi cho tôi: "Anh John ơi, tôi thấy hôm qua anh nên cầu nguyện cho các nhân sự của tôi nữa.” Tôi đồng ý và trả lời, "Tôi có cầu nguyện, nhưng không đủ thời gian.” Ông nói tiếp: "John à, khi tôi về nhà, vợ tôi đã vào phòng khách khóc. Cô ấy nhìn tôi và nói, "Chúng ta đã bỏ lở cơ hội Chúa làm việc. Buổi nhóm đáng lý kéo dài hơn nữa. Chúng tôi đã nhận nhiều cú điện thoại suốt ngày hôm đó làm chứng về những đời sống được thay đổi. Các tín hữu ở vùng đó gọi lại hỏi, ‘Chúng tôi có nghe Chúa làm nhiều điều tại hội thánh quý vị. Tối nay có nhóm không?’ Tôi không thể tin nỗi là tôi đã giới hạn thời gian. Chúa đã xử lý tôi về chuyện này.” Tôi trả lời, "Mục sư ơi, tôi rất vui, vì tôi thấy mục sư rất mở lòng ra.” Rồi ông mời tôi quay lại càng sớm càng tốt để tổ chức nhóm suốt tuần lễ.
Qua sứ điệp của A-ghê và Malachi mà dân sự trở lại tấm lòng của Chúa. Những lời tiên tri của họ đem lại sự kính sợ Chúa cách lành mạnh và dẫn tới sự vâng lời. Không may thay nhiều sự giảng dạy và lời tiên tri cá nhân ngày nay đã dung túng những thái độ và nhận thức sai lầm và đã thâm nhập vào tấm lòng con cái Chúa.
Chúa muốn quí vị hạnh phúc. Chúa muốn quí vị được phước! Ðời sống thành công đang chờ quí vị! Hãy tự học Kinh Thánh về những lời tiên tri cá nhân trong Tân ước. Bạn sẽ thấy có một vài lời tiên tri cá nhân, và phần lớn nói đến xiềng xích, hoạn nạn và sự chết đang chờ đợi những con người muốn tôn vinh Chúa. (Xem Giăng 21:8-19; Công vụ 20:22-23; 21:10-11). Ðiều này hoàn toàn khác với những lời tiên tri cá nhân ngày nay. Chúa mô tả thầy tế lễ là người cai trị bằng cánh tay sắt. Ðiều này xảy ra khi các mục sư cai trị qua sự kiểm soát thay vì vâng theo sự dẫn dắt của Thánh Linh. Thật xúc phạm Thánh Linh khi nói rằng Ngài chỉ có 45 phút để làm xong công việc của Ngài. Ngài sẽ không đẹp lòng khi các lãnh đạo bước theo khuôn mẫu cứng nhắc và đưa ra những quyết định mà không hỏi ý Chúa. Nhưng điều mà Chúa thấy đáng lo ngại nhất là dân sự Ngài lại thích kiểu này! Ðối với nhiều người, những ấn định như thế che đậy lối sống bất kính và ích kỷ của họ.
Phước hạnh lớn lao đi kèm theo cơn mùa đầu mùa, nhưng nó cũng đem đến sự phán xét ngay lập tức. Chúa hỏi, "Nhưng các ngươi sẽ làm gì khi sự cuối cùng đến?” Tôi tin Ngài đang cảnh cáo, "Nếu các con không thay đổi thì vào ngày vinh hiển của Ta các con sẽ bị phán xét thay vì được phước.”
John Bevere (Kính Sợ Chúa)