Kinh thánh: Công vụ 11: 26; Sáng Thế 12: 2, 3; Dân Số 6: 23-26.
Vừa qua, tôi có ...hầu chuyện với quý độc giả về “Chuyện...chữ nghĩa” (1) và (2), nay, xin ...hầu chuyện tiếp cùng quý vị thêm “Chuyện...chữ nghĩa” (3) nữa đây.
Trong “Chuyện...chữ nghĩa” lần nầy, tôi muốn nói đến một số từ ngữ sau:
Trước hết, tôi muốn đề cập đến từ “thập tự giá”.
“Thập tự giá” là một là từ rất quen thuộc với tất cả mọi người, nhất là với những ai đã là tín đồ của Chúa Giê-xu. Ngày hôm nay, chúng ta thấy thập tự giá được trưng bày ở khắp nơi, nhất là ở tại các nhà thờ và nhà của những người tin Chúa. Thập tự giá ngày xưa là một hình cụ rất ghê sợ, chẳng có gì đáng yêu cả, nhưng kể từ khi Chúa Giê-xu bằng lòng chết thay cho tội lỗi của nhân loại trên thập tự giá, thì thập tự giá trở thành một biểu tượng rất đáng yêu, đáng quý và được nhiều người yêu thích. Nhiều người ngày hôm nay dùng thập tự giá như là vật trang sức cho mình vậy.
Kinh thánh chép lại việc Chúa Giê-xu chịu đóng đinh như sau: “Ngài đi ra, vác thập tự giá đi đến chỗ tên là Cái Sọ, tiếng Do-thái gọi là Gô-gô-tha... Phi-lát cho viết một tấm bảng treo lên cây thập tự, ghi rằng: “Giê-xu, người Na-xa-rét, Vua dân Do-thái.” (Sách Giăng, chương 19, câu 17, 19)
Có lẽ do là một từ quá quen thuộc, nên không ít người đã dùng nó không...đúng chăng?
Tôi đã từng nghe có không ít những người tin Chúa cầu nguyện rằng “Cảm tạ Chúa đã chết trên cây thập tự giá để chuộc tội lỗi cho con...” Nói như thế là dư một chữ, nếu đã nói “cây” thì chỉ cần nói thêm hai chữ “thập tự” theo sau là đủ, hoặc nếu đã nói “thập tự giá” thì không cần phải dùng chữ “cây” ở trước nữa cho thêm dài cho...mệt. Vì chữ “giá” trong “thập tự giá” đã có nghĩa là “cây” rồi ạ.
Hãy để ý một chút để dùng từ “thập tự giá” cho đúng và đủ, không dư, mà cũng chẳng thiếu bạn nhé!
Từ thứ hai tôi muốn nói đến là từ “Thiên phụ”.
“Thiên phụ” có nghĩa là “Cha trên trời”. Tôi đã từng nghe có khá nhiều người cầu nguyện trong buổi thờ phượng Chúa trước đông đảo Hội chúng rằng: “Lạy Cha Thiên phụ kính yêu của chúng con...” Cầu nguyện như vậy là...sai về cách dùng từ rồi. Nếu đã dùng từ “Thiên phụ” là một từ Hán Việt, thì phải biết nghĩa của từ đó là “Cha trên trời” rồi; nếu còn thêm từ “Cha” ở trước từ “Thiên phụ” nữa thì là...hơi bị dư thừa từ “Cha”, vì chữ “phụ” trong Hán Việt đã có nghĩa là “Cha” rồi. Một là dùng từ “Thiên phụ”, hai là dùng từ “Cha trên trời” là đủ. Không thể dùng từ “Cha Thiên phụ” được.
Hy vọng chúng ta sẽ nhớ để cầu nguyện cho đúng, vì chúng ta đang cầu nguyện với Chúa và ở trước đám đông hội chúng nữa. Nếu lỡ có người chưa tin cùng nhóm với chúng ta mà họ nghe được, thì họ có thể dựa vào đó để...đánh giá ...trình độ...chữ Nho của chúng ta là ở hạng ...”thường thường bậc trung” đó.
Từ thứ ba mà tôi muốn nói ở đây là từ “Cơ-đốc nhân”.
Từ “Cơ-đốc nhân” được người ta dùng lần đầu tiên trong sách Công vụ, chương 11, câu 26 rằng: “...Tại An-ti-ốt, lần đầu tiên, các tín hữu được gọi là Cơ-đốc nhân.” (*)
“Cơ-đốc nhân” có nghĩa là người tin theo Chúa Giê-xu. Theo Từ điển Webster định nghĩa thì “Cơ-đốc nhân” là “Người xưng nhận đức tin vào Chúa Giê-xu là Cứu Chúa hoặc trong tôn giáo đặt nền tảng trên sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu”
Từ “Cơ-đốc nhân” được dùng ít nhất ba lần trong Tân Ước (Sách Công vụ, chương 11, câu 26; chương 26, câu 28; và Sách 1 Phi-e-rơ, chương 4, câu 16). Những người tin theo Chúa Giê-xu Christ đầu tiên được gọi là Cơ-đốc nhân tại thành phố An-ti-ốt, bởi vì cách cư xử, hành động, lời nói của họ đều giống như Chúa Giê-xu.
Không ít con cái Chúa thường hay nói “Chúng ta là những người Cơ-đốc nhân”.
Nói như thế là...sai, vì...dư một chữ “người”. Nếu nói “Chúng ta là những Cơ-đốc nhân” thì chính xác, nhưng thêm chữ “người” vào đằng trước từ “Cơ-đốc nhân” là...dư, vì chữ “nhân” trong “Cơ-đốc nhân” đã có nghĩa là “người” rồi. Nều dùng chữ “người” ở đằng trước từ “Cơ-đốc” , thì không dùng chữ “nhân” ở sau từ đó nữa; còn nếu không dùng chữ “người” ở trước từ “Cơ-đốc” rồi thì chỉ dùng chữ “nhân” ở sau từ “Cơ-đốc” nữa là đủ.
Cụm từ thứ tư mà tôi cũng thường hay nghe nhiều con cái Chúa nói đến, thậm chí cũng có nhiều những Mục sư cũng dùng nữa. Đó là cụm từ “Xin Chúa chúc phước...”
Câu hỏi được đặt ra là “Chúa có chúc phước” không?
“Chúc phước” có nghĩa là cầu xin, mong muốn cho ai đó được phước, cầu xin, mong muốn cho ai đó được điều tốt lành từ Đức Chúa Trời ban cho. Điều đó cũng có nghĩa là người nói hay mong muốn điều đó cho người khác không có quyền để cho điều đó mà phải xin Chúa ban cho mới được.
Như vậy, Chúa không “chúc phước” như con người bất toàn, bất năng như chúng ta mà Chúa “ban phước”, vì Ngài mới chính là “Nguồn phước” cho con người, Ngài là Đấng toàn năng. Chỉ một mình Đức Chúa Trời mới có quyền “ban phước” hay “giáng họa” mà thôi.
Khi Đức Chúa Trời bảo Áp-ram rời bỏ quê hương của ông để đi đến xứ mà Chúa chỉ cho, thì Ngài phán với ông rằng: “Ta sẽ làm cho con thành một nước lớn. Ta sẽ ban phước lành cho con, và làm nổi danh con. Và con sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước lành cho ai chúc phước con. Và rủa sả kẻ nào nguyền rủa con. Tất cả các dân tộc trên thế giới sẽ nhờ con mà được phước.” (Sách Sáng Thế, chương 12, câu 2, 3)
Hay khi chính Đức Chúa Trời chỉ dạy cách để A-rôn chúc phước cho dân sự của Ngài như sau: “Con hãy bảo A-rôn và các con trai người: Đây là cách chúc phước cho dân Y-sơ-ra-ên: Cầu xin CHÚA ban phước cho ngươi và bảo vệ ngươi.! Cầu xin CHÚA làm cho mặt Ngài chiếu sáng ngươi và làm ơn cho ngươi! Cầu xin CHÚA đoái xem ngươi và ban bình an cho ngươi!” (Sách Dân Số, chương 6, câu 23-26)
Hoặc, như trong Tân Ước, khi người ta đem con trẻ đến để xin Chúa Giê-xu đặt tay trên chúng nó, thì “Ngài ôm các con trẻ vào lòng, đặt tay ban phước cho chúng.” (Sách Mác, chương 10, câu 16)
Tôi nhớ khi nói đến việc “Chúa ban phước hay chúc phước”, thì nhà thơ Tường Lưu có câu thơ nhấn mạnh rằng:
“Chúa ban phước, Chúa không hề chúc phước!”
Vâng, đúng là “Chúa ban phước, Chúa không hề chúc phước!”
Trên đây là vài từ và cụm từ mà tôi thấy nhiều người thường dùng sai, do không để ý hoặc có thể chưa hiểu rõ ý nghĩa của chúng, nên tôi muốn nêu ra trong bài viết ngắn nầy để chúng ta cùng ghi nhớ và sẽ sử dụng chúng một cách chính xác, không bị sai trật nữa.
Là người Việt Nam, hạn chế càng nhiều càng tốt những sai sót khi dùng từ ngữ tiếng Việt-tiếng ...mẹ đẻ của chúng ta là điều cần làm và nên làm vậy, nhất là khi chúng ta dùng nó trong Hội thánh của Đức Chúa Trời phải không bạn?
Nguyện Chúa ban phước cho hết thảy mỗi một chúng ta! A men!
California, ngày 30/ 8/ 2019
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.
(*): Những câu Kinh thánh trong bài viết là trích từ Kinh thánh Bản Dịch Mới (BDM)