Kinh thánh: Sáng Thế 1: 14; Phục Truyền 11: 13-15; Giăng 14: 2-4 (*)
Kính chào quý độc giả thân mến,
Vậy là mùa Thu lại đến với mỗi một người trong chúng ta theo đúng chu kỳ mà Tạo Hóa đã ấn định.
Kinh thánh chép rằng: “Đức Chúa Trời phán: 'Phải có các vì sáng trên bầu trời để phân biệt ngày và đêm, làm dấu cho thì tiết, ngày và năm.' (Sách Sáng Thế, chương 1, câu 14)
Theo đó, chúng ta được biết, chính Đức Chúa Trời là Đấng đã...set up thì tiết, mùa màng, ngày và năm cho con người chúng ta được sống một cách tốt đẹp vậy!
Nói đến mùa Thu là nói đến lá vàng. Nói đến mùa Thu là nói đến mùa tựu trường. Nói đến mùa Thu là nói đến sự nhung nhớ, yêu thương và sầu vương. Nói đến mùa Thu là nói đến ...gì gì nữa nhỉ??? Ôi, có biết bao điều để nói, để cảm, để suy tư, để bày tỏ khi mùa Thu về...
Như chúng ta biết, mùa thu bắt đầu vào thời điểm “Lập Thu” (từ 7-8 tháng 8 hằng năm). “Lập Thu” nghĩa là đánh dấu, xác lập mùa Thu đã bắt đầu. Từ “Thu” ở đây có nghĩa là thu hoạch. Theo Hán văn, thì trong từ “Thu” (秋) có bộ “Mộc” (木)chỉ các loại cây lương thực, ngũ cốc. Hiểu cách chi tiết, “Lập Thu” là thời điểm bắt đầu của mùa Thu, và mùa Thu cũng có nghĩa là mùa bắt đầu thu hoạch những sản vật nông nghiệp mà mình đã làm trước đó.
Còn “Thu phân” là thời điểm của giữa mùa Thu (từ 23 tháng 9 ở Bắc bán cầu). Ở Trung Quốc, mùa thu được người ta tính từ tiết “Lập Thu” (khoảng ngày 7 tháng 8) và kết thúc vào tiết Lập Đông (khoảng ngày 7 tháng 11 Dương lịch).
Trong nền văn hóa phương Đông cũng như phương Tây, có nhiều lễ hội được tổ chức vào dịp mùa Thu là lúc mà mùa màng được thu hoạch để nói lên lòng vui sướng trước những thành quả, công sức mà mình đạt được sau một thời gian cần mẫn làm lụng vất vả. Ở phương Đông là Tết Trung Thu (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam...), lễ hội Sukkot (Lễ Lều Tạm của người Do-thái). Ở phương Tây là Lễ tạ ơn (Thanksgiving) vào cuối mùa thu ở Hoa Kỳ và Canada, lễ hội Diễu hành của những chú cừu (Trailing of the Sheep) vào dịp đầu mùa Thu tại thành phố Ketchum, bang Idaho (Mỹ) với cả hàng ngàn chú cừu trắng đi bộ trên đường phố...
Mùa Thu đã về với lá vàng rơi mênh mang, mênh mang trên những con đường ở khắp mọi nơi đem đến cho lòng người những cảm giác lâng lâng khó tả.
Cứ mỗi lần mùa Thu về là tôi lại nhớ đến truyện ngắn “Tôi đi học”, một truyện ngắn rất nổi tiếng của nhà văn Thanh Tịnh được trích từ tập “Quê mẹ” của ông. Xin được dẫn lại đây một đoạn trong truyện ngắn ấy:
“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.
Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.
Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.
Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học...”
Một đoạn văn với vài nét chấm phá tả cảnh mùa Thu mà thấy như cả một mùa Thu đẹp mơ màng đang hiện ra trước mắt ta. Nào lá vàng rơi, nào mây bay bàng bạc, nào bầu trời quang đãng, nào là sương thu, gió lạnh. Nổi bật trên nền trời Thu đẹp ấy là hình ảnh cậu bé lần đầu tiên được mẹ dắt đến trường với một tâm trạng hồi hộp, lo âu đến ngỡ ngàng. Một tâm trạng điển hình của hầu như tất cả những cô cậu học trò lần đầu tiên được đến trường, trong đó có cả hình ảnh của tôi ngày xưa nữa.
Cách đây độ nửa thế kỷ, tôi đã từng là một cậu bé được mẹ dắt đến trường lần đầu tiên với một tâm trạng giống hệt như tậm trạng của cậu bé trong truyện ngắn nổi tiếng nầy. Cho nên tôi rất yêu truyện ngắn “Tôi đi học”, và tôi đã thuộc lòng đoạn văn độc đáo nầy từ mấy chục năm qua, không quên được. Tôi đoan chắc cũng có rất nhiều người thuộc lòng đoạn văn cực hay nầy như tôi.
Tôi tin rằng cho đến nay vẫn chưa có một truyện ngắn nào tả về tâm trạng của một cậu bé được đến trường lần đầu tiên hay hơn truyện ngắn nầy của Thanh Tịnh.
Cảm ơn Thanh Tịnh đã để lại cho đời nhiều truyện ngắn hay viết về quê hương, đặc biệt là truyện ngắn “Tôi đi học”!
Đó là văn hay viết về mùa Thu.
Còn thơ và nhạc hay về mùa Thu thì thế nào?
Xưa nay, có biết bao nhiêu những bài thơ, bài nhạc viết về mùa Thu thật hay đã làm rung động biết bao trái tim khi được đọc hoặc lắng nghe những bài thơ, bài nhạc ấy.
Nếu nói đến mùa Thu là mùa của chia ly, mùa của buồn vương thì người ta không thể không nhớ đến Tương Phố với “Giọt lệ thu”. “Giọt lệ thu” của nữ sĩ Tương Phố đưa ta vào một cõi buồn mênh mang vời vợi của mùa Thu. Phải có một tâm trạng buồn ghê gớm lắm mới có thể viết lên được những vần thơ buồn hiu hắt, bẽ bàng đến thế nầy:
“Trời thu ảm đạm một màu
Gió thu hiu hắt thêm rầu lòng em
Trăng thu bóng ngả bên thềm
Tình thu ai để duyên em bẽ bàng...”
(Giọt lệ thu)
Trời thu thì ảm đạm, gió thu thì hiu hắt, trăng thu thì xế bóng, tình thu thì bẽ bàng. Trời thu – gió thu – trăng thu – tình thu, tổng hợp tất cả những thứ đó lại, Tương Phố vẽ nên một bức tranh thu buồn ơi là buồn. Và cũng từ đó, khi nói đến mùa Thu là mùa của buồn vương thì không ai không nhớ đến những câu thơ viết về mùa Thu buồn...nổi tiếng nầy của Tương Phố.
Một trong những bài thơ về mùa Thu theo cảm nhận của riêng tôi là rất hay, rất đặc sắc, đó là bài “Tiếng Thu” của thi sĩ Lưu Trọng Lư:
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức ?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ ?
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp lên lá vàng khô ?
Một hình ảnh về mùa Thu thực chưa hẳn là thực mà mộng cũng không hẳn là mộng. Thực mà mộng, mộng mà thực. Có trăng mờ đầy mộng ảo, có tiếng thổn thức của người cô phụ mới thật làm sao. Có lá vàng xào xạc, có nai vàng ngơ ngác đầy thơ mộng. Trên là tiếng thổn thức của người, dưới là tiếng xào xạc của lá quyện nhau tạo nên một bức tranh mùa Thu đẹp đến nao lòng, làm...ngơ ngác biết bao người khi đọc đến “Tiếng Thu”.
Quả thật, mùa Thu có một vẻ đẹp tuyệt vời, một vẻ đẹp đầy mơ màng mà khó có ai cưỡng lại được và cũng khó có ai lột tả hết được. Cho nên, mùa Thu là một trong những mùa...quyến rũ lòng người ta nhiều nhất, khiến cho nhiều người ...si mê nhất. Chẳng thế mà có nhạc sĩ đã...kêu lên với lòng khát khao, mong chờ mùa Thu đến:
“Anh mong chờ mùa Thu
Trời đất kia ngả màu xanh lơ
Đàn bướm kia đùa vui trên muôn hoa
Bên những bông hồng đẹp xinh.
Anh mong chờ mùa Thu
Dìu thế nhân dần vào chốn Thiên Thai
Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay
Mùa Thu quyến rũ anh rồi.”
(Thu quyến rũ – Đoàn Chuẩn-Từ Linh)
Góp phần vào trong những ca khúc tuyệt hay viết về mùa Thu, có nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, với bài hát “Mùa Thu cho em” có lời đẹp và đáng yêu không khác gì thơ:
“Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ
em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương
Và em có nghe khi mùa thu tới
mang ái ân mang tình yêu tới
em có nghe nghe hồn thu nói mình yêu nhau nhé
Em có hay mùa thu mưa bay gió nhẹ
em có hay thu về hết dấu cô liêu
Và em có hay khi mùa thu tới
bao trái tim vương màu xanh mới
em có hay hay mùa thu tới hồn anh ngất ngây.”
Mùa Thu là mùa của mưa bay, gió nhẹ, là mùa của ái ân, mùa của những đôi lứa yêu nhau, là mùa của ngất ngây mong chờ và nhung nhớ.
Có thể nói “Mùa Thu cho em” là một nhạc phẩm đáng yêu cho những ai đang yêu vậy. Một nhạc phẩm thật hay và khó có thể quên trong lòng nhiều người.
Dường như Ngô Thụy Miên có lần đã từng nói: “Tôi không viết nhạc để sống, mà tôi sống để viết nhạc... Nếu đời hay người đời chia sẻ được với tôi thì đó là một niềm vui"
Vâng, nếu các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ...đều có đồng một tâm tình như thế khi sáng tác thì chắc chắn cuộc đời sẽ không thiếu những bài văn, bài thơ, bài hát, bức tranh hay, đẹp còn đọng lại lâu dài trong tâm hồn nhiều người.
Những bài văn, bài thơ, bản nhạc được dẫn trong bài viết “tản mạn” nầy xứng đáng là những tác phẩm như thế...
(Còn tiếp một kỳ)
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.
(*): Những câu Kinh thánh trích trong bài viết là từ Kinh thánh Bản Dịch Mới (BDM).