Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 122

Chuyện... Thói Quen

Kính thưa quý độc giả thân mến,

Thói quen là một điều mà ai trong chúng ta cũng có, không nhiều thì ít.

Người ta định nghĩa thói quen là một chuỗi những hành vi được lặp đi lại nhiều lần trong cuộc sống của con người. Hay nói như ngạn ngữ Pháp, thì thói quen là bản năng thứ hai.

Theo nhà Tâm lý học John F. Tristany thì: “Thói quen là một loạt những hành vi thâm căn cố đế do học hỏi mà có và được liên tục củng cố bởi các yếu tố môi trường, cảm xúc và tâm lý. Nó dựa trên nguyên tắc khoái lạc của con người là chỉ muốn có niềm vui và tuyệt đối tránh khó khăn, đau khổ.”

Thói quen ảnh hưởng đến tính cách của con người, thậm chí ảnh hưởng đến cả số phận của người đó nữa.

Ông cha ta đã từng nói về thói quen như thế nầy: “ Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt.”

Cũng có một số câu tục ngữ khác nói về thói quen nữa:

“Thia lia quen chậu, vợ chồng quen hơi”

“Ngựa quen đường cũ.”...

Theo một đánh giá của Viện nghiên cứu xã hội Mỹ (*) thì người Việt Nam có những đặc điểm sau:

“1. Cần cù lao động, song có tâm lý huởng thụ.

2. Thông minh, sáng tạo, song thường có tính chống đối.

3. Khéo léo, song không duy trì đến cùng, ít quan tâm đến sự hoàn hảo

4. Vừa thực tế vừa mơ mộng, song lại nhút nhát.

5. Ham học hỏi, có khả năng tiếp thụ nhanh, song ít khi học 'từ đầu đến cuối' nên kiến thức không hoàn hảo, mất cơ bản. Ngoài ra, học tập không phải là mục tiêu tạo thân của mỗi người (nhỏ học vì gia đình,lớn lên học vì sĩ diện & công ăn việc làm, ít khi vì chí khí hay đam mê)

6. Vui vẻ cởi mở với mọi người, song không bền.

7. Tiết kiệm, song nhiều khi hoang phí vì những việc vô bổ.

8. Có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, song hầu như chỉ trong những hòan cảnh khó khăn, bần hàn. Còn trong điều kiện sống tốt hơn, giàu có hơn thì tinh thần này rất ít xuất hiện.

9. Yêu hòa bình nhẫn nhịn, song nhiều khi lại hiếu chiến, háo thắng vì những lý do tự ái, lặt vặt, đánh mất đại cuộc.

10. Thích tụ tập, nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh (cùng một việc 1 người làm thì tốt, mà 3 người làm thì kém, và 7 người làm thì hỏng).”

Ngoài ra, người Việt còn có một số thói quen xấu khá...nổi tiếng. Có thể kể một ít trong số những thói quen đó như:

+ Ưa khoe khoang, thích...nổ.
+ Hay...nói dối và ưa ganh tỵ với người khác.
+ Tinh thần đồng đội yếu
+ Thiếu lập trường, hay chạy hùa theo đám đông.
+ Thích...chen lấn, xô đẩy, giành giật.
+ Thích phung phí ...của chung.
+ Thích...đi trễ, về sớm.

Dường như có câu nói...nổi tiếng như...danh ngôn về thói quen...trễ giờ của người Việt mà nhiều người trong chúng ta đều biết:

“Không ăn đậu, không phải là người Mễ. Không đi trễ, không phải là người Việt Nam.”

Nghe câu...danh ngôn nầy, tôi thấy lòng mình buồn... năm phút! Là người Việt Nam, bạn có buồn như tôi không?

Thiết nghĩ, bạn và tôi và tất cả mọi người Việt Nam khác cần phải góp phần xóa bỏ thói quen xấu nầy trong tâm trí của mọi người, mọi sắc dân khác bằng hành động đúng giờ của mình trong mọi công việc, để người ta không còn có định kiến về người Việt Nam là phải đi trễ nữa.

Samuel Smiles đã có câu nói khá hay rằng:

“Gieo suy nghĩ, gặt hành động.
Gieo hành động, gặt thói quen.
Gieo thói quen, gặt tính cách.
Gieo tính cách, gặt số phận.”

Như chúng ta đều biết, thói quen tốt thì khó hình thành vì mất nhiều thời gian, nhưng muốn bỏ thì lại rất dễ, còn thói quen xấu thì có thể hình thành cách dễ dàng, không mất nhiều thời gian, nhưng khi bỏ thì lại...cực khó.

Đến chừng nào thì người Việt mình mới bỏ được bớt những thói quen xấu đó nhỉ?

Đó là nói về những thói quen thường ngày trong cuộc sống của người Việt chúng ta...

Về phương diện thuộc linh, Chúa cũng muốn chúng ta là những người tin Ngài phải có những thói quen tốt cho niềm tin để được trưởng thành và mạnh mẽ.

Cả Kinh thánh từ Cựu Ước đến Tân Ước, đều để lại cho chúng ta khá nhiều những tấm gương sáng về những thói quen thuộc linh đáng cho chúng ta học hỏi và làm theo.

Áp-ra-ham, người được mệnh danh là ông tổ đức tin của những người tin Chúa đã để lại một thói quen thuộc linh đáng quý cho dòng dõi hậu lai. Ấy là trong suốt hành trình đi theo Chúa của mình, khi đi đến đâu, ông cũng đều lập một bàn thờ để cầu nguyện và thờ phượng Đức Chúa Trời. Kinh thánh sách Sáng Thế có nhiều câu ghi lại điều đó rằng: “Tại đây Áp-ram lập một bàn thờ CHÚA, Đấng đã hiện ra với ông” (Chương 12, câu 7 - BDM) (** ); “Ông lập một bàn thờ tại đó...và ông cầu khẩn danh CHÚA.” (Chương 12, câu 8). Ở chương 13, câu 4 và câu 18, và chương 21, câu 33 cũng ghi lại thói quen đó của Áp-ra-ham.

Gióp, một người “trọn lành và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời và xa lánh điều ác.” (Sách Gióp, chương 1, câu 1), nhưng lại gặp nhiều hoạn nạn và khốn khổ hơn ai hết trong cuộc đời của mình. Có thể nói không ai trong chúng ta chịu nhiều khốn khổ, đau đớn như ông. Dầu vậy, ông đã để lại cho chúng ta một thói quen thuộc linh rất quý báu. Kinh thánh ghi lại thói quen của Gióp: “Sau các ngày tiệc tùng, Gióp thường sai gọi các con về làm lễ tẩy uế. Ông thức dậy sớm, dâng tế lễ thiêu cho mỗi người con, vì ông thầm nghĩ: “Biết đâu con cái tôi phạm tội, biết đâu chúng nguyền rủa Đức Chúa Trời trong lòng!” Gióp vẫn thường làm như vậy.” (Sách Gióp, chương 1, câu 5). “Gióp vẫn thường làm như vậy.” Đó chính là thói quen tin kính của ông. Không phải ông chỉ thức dậy sớm, cầu nguyện cho gia đình lúc gặp khốn khổ, mà ông đã làm điều đó từ lâu trước đó rồi và ông vẫn cứ tiếp tục làm điều đó.

Nhờ đó mà sau khi vượt thắng được qua cơn khốn khổ, Đức Chúa Trời đã ban phước cho cuộc đời của ông bội phần hơn. Kinh thánh chép: “CHÚA ban phước cho Gióp trong những năm sau của đời ông nhiều hơn những năm trước. Ông có mười bốn ngàn cừu, sáu ngàn lạc đà, một ngàn đôi bò, và một ngàn lừa cái. Ông cũng có bảy con trai và ba con gái.” (Sách Gióp, chương 42, câu 12, 13).

Cảm tạ Chúa vì Ngài thật tốt lành đối với những người có lòng ngay thẳng và kính sợ Ngài!

Tiên tri Đa-ni-ên được trọng đãi trong triều vua Đa-ri-út. Và vì được trọng đãi như vậy, nên ông bị các thượng thư và tổng trấn khác ganh tỵ, tìm cách hạ bệ ông. Họ đề ra mưu là không cho bất cứ ai cầu xin một thần nào hay một người nào ngoài vua trong vòng ba mươi ngày; nếu ai vi phạm sẽ bị quăng vào hang sư tử. Vua Đa-ri-út đồng ý và ký ban sắc chỉ như thế.

Kinh thánh ghi lại thái độ của Đa-ni-ên: “Sau khi Đa-ni-ên nghe tin vua đã ký sắc chỉ, ông về nhà, lên một phòng trên cao, nơi có cửa sổ mở hướng về thành Giê-ru-sa-lem, quỳ gối cầu nguyện và ca ngợi Đức Chúa Trời của ông, như ông vẫn làm trước nay, mỗi ngày ba lần.” (Sách Đa-ni-ên, chương 6, câu 10).

Cụm từ “như ông vẫn làm trước nay” nói lên thói quen thuộc linh đáng quý của Đa-ni-ên. Không phải chỉ đến khi có sắc chỉ vua ban ra, ông mới cầu nguyện với Chúa và xin Ngài giải cứu, nhưng Đa-ni-ên đã làm điều đó từ rất lâu trước đó rồi. Từ rất lâu rồi, Đa-ni-ên đã có thói quen cầu nguyện và ca ngợi Đức Chúa Trời mỗi ngày ba lần.

Nhờ đó mà “Đa-ni-ên được trọng dụng và ưu đãi dưới triều vua Đa-ri-út, và dưới triều Si-ru, người Ba-tư.” (Sách Đa-ni-ên, chương 6, câu 28).

Cảm tạ Chúa về những con người có tấm lòng tin kính Chúa đáng nể như thế!

Trong Tân Ước, Kinh thánh cũng ghi lại hai tấm gương nổi bật nhất đã để lại những thói quen thuộc linh tuyệt vời cho chúng ta noi theo.

Trước hết, mời bạn cùng xem thói quen của Chúa Giê-xu.

Trong sách Tin Lành Lu-ca, Kinh thánh ghi lại Chúa Giê-xu có những thói quen như sau:

Đức Giê-xu về Na-xa-rét là nơi Ngài được trưởng dưỡng. Theo thói quen Ngài vào hội đường trong ngày Sa-bát và đứng đọc Kinh thánh.” (Sách Lu-ca, chương 4, câu 16)

Đây là thói quen đi thờ phượng Đức Chúa Trời của Chúa Giê-xu trong cương vị là Con người. Chúa Giê-xu đã làm gương cho chúng ta trong sự đi thờ phượng Chúa trong ngày yên nghỉ thánh.

Nếu không tạo lập thói quen tốt nầy , chúng ta sẽ dễ dàng...bỏ qua sự nhóm lại hằng tuần mà đi làm kiếm tiền như những người chưa tin. Lời Chúa trong thơ Hê-bơ-rơ cảnh báo, nhắc nhở chúng ta: “Đừng bỏ sự nhóm họp với nhau như thói quen của vài người, nhưng hãy khuyến khích nhau; anh chị em nên làm như thế nhiều hơn khi thấy Ngày Chúa càng gần.” (Sách Hê-bơ-rơ, chương 10, câu 25)

Trong sách Lu-ca, chương 22, từ câu 39-41 chép lại một thói quen khác của Chúa Giê-xu: “Chúa ra đi, lên núi Ô-liu theo thói quen; các môn đệ đều đi theo. Đến nơi, Ngài bảo họ: “Các con hãy cầu nguyện, để khỏi sa vào bẫy cám dỗ!” Chúa đi riêng ra, cách chỗ các môn đệ khoảng ném một viên đá, quỳ gối, cầu nguyện.”

Chúa Giê-xu có thói quen cầu nguyện với Đức Chúa Cha.

Là người tin Chúa, chúng ta có theo gương Chúa Giê-xu mà dành thì giờ để cầu nguyện với Chúa mỗi ngày không? Cầu nguyện có phải là thói quen hằng ngày của mỗi một con cái Chúa không? Nếu có một ai không cần phải cầu nguyện thì người duy nhất đó chính là Chúa Giê-xu. Nhưng Chúa Giê-xu, trong cương vị Con người, Ngài là một người cầu nguyện nhiều hơn bất cứ ai khác, và Ngài đã để lại một thói quen cầu nguyện cho chúng ta noi theo. Mời bạn cùng tôi cùng noi theo gương Chúa tạo lập thói quen cầu nguyện mỗi ngày để đời sống thuộc linh chúng ta được trưởng thành và mạnh mẽ.

Một tấm gương nữa cũng để lại những thói quen thuộc linh quý báu cho chúng ta, đó chính là Phao-lô.

Sách Công Vụ, chương 17, câu 2 và 3a chép rằng: “Phao-lô theo thói quen vào hội đường và liên tiếp trong ba ngày Sa-bát, dùng Kinh thánh tranh luận với người Do Thái, giải thích và chứng minh rằng Chúa Cứu Thế phải chịu thống khổ và sống lại từ kẻ chết.

Ở đây cho chúng ta thấy Phao-lô có thói quen giống như Chúa Giê-xu, đó là dành thì giờ thờ phượng Chúa trong ngày yên nghỉ thánh.

Thờ phượng Chúa phải là một điều ưu tiên trong đời sống tin kính của Cơ-đốc nhân. Kinh thánh cho chúng ta biết rằng sự thờ phượng đi trước và sự phục vụ đi sau (Sách Ma-thi-ơ, chương 4, câu 10). Và thờ phượng Chúa phải trở thành thói quen thuộc linh không thể thiếu trong đời sống đức tin của con dân Ngài vậy.

Ngoài ra, Phao-lô cũng bắt chước Chúa, ông luôn luôn có thói quen dành thì giờ để cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Sách 1 Tê-sa-lô-ni-ca, chương 1, câu 2 ghi lại rằng: “Chúng tôi hằng cảm tạ Đức Chúa Trời về tất cả anh chị em, thường nhắc đến anh chị em trong khi cầu nguyện.” Từ “hằng” và “thường” trong câu Kinh thánh nầy cho chúng ta biết rằng Phao-lô có thói quen cảm tạ và cầu nguyện với Chúa.

Bởi sự cầu nguyện sốt sắng mà Phao-lô đã thành công trong chức vụ một cách mỹ mãn, dù ông cũng phải trải qua biết bao nhiêu sự khó khăn, lao nhọc trong khi thi hành chức vụ Chúa giao...

Trong I Ti-mô-thê, chương 4, câu 7 và 8 chép về ích lợi của việc luyện tập thói quen thuộc linh như sau: “Hãy tránh những chuyện huyền hoặc, làm ngược với đức tin, nhưng phải luyện tập lòng tin kính. Thật vậy, sự luyện tập thân thể chỉ ích lợi chút đỉnh còn luyện tập lòng tin kính lại ích lợi mọi bề, vì có lời hứa cho cả đời này lẫn đời sau.

Không một thói quen thuộc linh tốt nào mà không phải trải qua thời gian tập luyện cả.

Tất cả những tấm gương thánh nhân trong Kinh thánh được nêu lên trong bài viết nầy, họ có được những thói quen thuộc linh tốt như vậy là nhờ họ dành thời gian tập luyện hằng ngày.

Những thói quen thuộc linh xấu như bỏ bê sự nhóm lại, lười đọc Kinh thánh, không dâng hiến, làm biếng cầu nguyện...thì không phải mất thời gian thì nó cũng dễ hình thành trong ta; nhưng những thói quen thuộc linh tốt như trung tín đi thờ phượng Chúa mỗi tuần, dành thì giờ đọc Kinh thánh, cầu nguyện mỗi ngày, trung tín dâng hiến để bày tỏ lòng biết ơn Chúa, sốt sắng tham gia học Trường Chúa nhật, sốt sắng chia sẻ niềm tin cho người khác...thì cần phải luyện tập mới hình thành được trong cuộc đời theo Chúa của mình.

Hỡi những Cơ-đốc nhân yêu quý của tôi, bạn đã có được những thói quen thuộc linh tốt cho đời sống tin kính của mình như những tấm gương được nêu lên trong bài viết nầy chưa?

Tôi ước ao rằng tất cả mỗi một Cơ-đốc nhân đều sẽ có được những thói quen thuộc linh tốt trong đời sống để cuộc đời theo Chúa và hầu việc Ngài của mỗi chúng ta được mạnh mẽ và được phước hạnh từ Chúa ban cho.

Với những độc giả và thính giả là những người chưa đặt đức tin nơi Chúa Giê-xu, tôi tha thiết khuyên mời quý vị và các bạn hãy mở lòng ra mời Chúa Giê-xu ngự vào để cuộc đời quý vị và các bạn được hưởng sự cứu rỗi và sự bình an từ nơi Chúa ban cho. Và rồi sau đó quý vị và các bạn cũng sẽ có được những thói quen thuộc linh quý báu cho cuộc đời của mình hầu kinh nghiệm một cuộc đời đầy ý nghĩa và sung mãn trong Chúa Giê-xu như chúng tôi đã kinh nghiệm.

Xin trân trọng kính mời quý vị và các bạn hãy mạnh dạn đến với Chúa Giê-xu ngay hôm nay, đừng đợi đến ngày mai, vì ngày mai không thuộc về chúng ta!

Rick Warren, một Mục sư nổi tiếng người Mỹ, hiện đang Quản nhiệm Hội thánh Saddleback Church tại Nam California nói rằng: “Sự tin quyết là một động cơ để duy trì thói quen thuộc linh.”

Một khi bạn có đức tin nơi Chúa Giê-xu thì bạn mới có động cơ để duy trì thói quen thuộc linh cho chính đời sống của mình vậy!

Nguyện Chúa ban phước cho hết thảy mỗi một chúng ta. A men!

California, ngày 21. 9. 2019

Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.

(*): http://gocnhosantruong.com/doi-song-xa-hoi/the-gioi-quanh-ta/891-10-đức-tính-tốt-và-xấu-của-người-việt-nam

(**): Những câu Kinh thánh trong bài viết được trích từ Kinh thánh Bản Dịch Mới (BDM)