“Tôi đã từng chỉ dạy cho anh em trong mọi việc rằng chúng ta phải cần cù làm việc như thế để giúp đỡ những người đau yếu, và nhớ lại lời chính Chúa là Đức Chúa Jêsus đã phán: ‘Ban cho có phước hơn nhận lãnh.’ ” (Công vụ 20:35)
Kinh Thánh dạy con dân Chúa phải biết quan tâm đến những người nghèo khó. Thứ nhất là người góa bụa. Thứ hai là trẻ mồ côi. Thứ ba là khách lạ. Thư tín Gia-cơ 1:27 chép: “Sự tin đạo thuần khiết, không hoen ố trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là thăm viếng trẻ mồ côi, người góa bụa trong cơn hoạn nạn của họ…” Lời Chúa dạy rất rõ rằng người có nhiều thì nên chia sẻ cho kẻ gặp khó khăn, bất hạnh. Con dân Chúa không những ban cho tiền bạc mà còn có thể ban cho thì giờ và mối tình thân cho nhiều người trong nghịch cảnh.
Khi ban cho, Thánh Kinh dạy ta phải ban cho với trái tim yêu thương người. Sứ đồ Phao Lô nhắc nhở con dân Chúa tại Hội Thánh Côrinhtô biết ban cho bằng tình yêu thương chân thật như sau: “1 Dù tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ, nhưng không có tình yêu thương thì tôi chỉ như cồng chiêng kêu lên hay là chập chõa vang tiếng. 2 Dù tôi được ơn nói tiên tri và biết hết các sự mầu nhiệm cùng mọi tri thức; dù tôi có tất cả đức tin đến nỗi dời núi được, nhưng không có tình yêu thương thì tôi chẳng ra gì. 3 Dù tôi phân phát cả gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt,(h) nhưng không có tình yêu thương thì điều đó chẳng ích gì cho tôi. 4 Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhân từ;tình yêu thương không ghen tị, không khoe mình, không kiêu ngạo, 5 không cư xử trái lẽ, không kiếm tư lợi, không nhạy giận,không nuôi dưỡng điều dữ, 6 không vui về điều bất công, nhưng vui trong sự thật. 7 Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, hi vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự. 8 Tình yêu thương không bao giờ suy tàn. Các lời tiên tri sẽ hết, ân tứ nói tiếng lạ sẽ ngưng, sự hiểu biết sẽ chấm dứt. 9 Vì chúng ta hiểu biết có giới hạn, nói tiên tri cũng có giới hạn; 10 nhưng khi sự toàn hảo đã đến, thì sự bất toàn sẽ qua đi. 11 Khi còn là trẻ con, tôi nói như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con, lý luận như trẻ con; nhưng khi đã trưởng thành, tôi bỏ những điều thuộc về trẻ con. 12 Hiện nay chúng ta chỉ thấy qua gương một cách mập mờ; đến lúc ấy, chúng ta sẽ thấy mặt đối mặt. Hiện nay tôi biết có giới hạn; đến lúc ấy, tôi sẽ biết như Chúa đã biết tôi vậy. 13 Nên bây giờ còn có ba điều nầy: Đức tin, hi vọng, tình yêu thương; nhưng điều cao trọng hơn cả là tình yêu thương.” (1 Côrinhrtô 13:1-13).
Các tín hữu tại Hội Thánh Maxêđônia được Sứ đồ Phao Lô khen ngợi về tinh thần ban cho cách rộng rãi như sau: “Thưa anh em, tôi muốn anh em biết ân điển của Đức Chúa Trời đã ban cho các Hội Thánh Ma-xê-đô-ni-a. 2 Họ đã trải qua nhiều hoạn nạn nhưng đầy sự vui mừng. Trong thiếu thốn ngặt nghèo thì lòng rộng rãi của họ lại càng dư dật. 3 Vì tôi làm chứng rằng họ đã tự nguyện quyên góp theo khả năng của mình, lại còn quá khả năng nữa, 4 và họ khẩn khoản thỉnh cầu chúng tôi làm ơn cho họ được dự phần trong sự trợ giúp các thánh đồ. 5 Họ đã làm quá sự mong đợi của chúng tôi; vì trước hết họ đã dâng mình cho Chúa và rồi cho chúng tôi, theo ý muốn của Đức Chúa Trời.” (2 Côrinhtô 8:1-5). Ban cho là là tinh thần được đề cao trong các lởi giảng dạy của Cứu Chúa Giê-su. Sứ đổ Phao Lô đã nhắc nhở điều đó lần nữa cho các tín hữu tại Hội Thánh Êphêsô như sau: “Tôi đã từng chỉ dạy cho anh em trong mọi việc rằng chúng ta phải cần cù làm việc như thế để giúp đỡ những người đau yếu, và nhớ lại lời chính Chúa là Đức Chúa Jêsus đã phán: ‘Ban cho có phước hơn nhận lãnh.’ ” (Công vụ 20:35). Châm ngôn 11:25 cũng dạy rằng: “Người có lòng rộng rãi sẽ được thịnh vượng, ai cho người uống nước, chính mình sẽ được nước uống. ” Cầu xin Chúa giúp bạn trở thành người ban cho cách rộng rãi để trải nghiệm sự thịnh vượng lâu dài và là ống dẫn phước đến nhiều người.
Có một điều rất cao quý mà con dân Chúa có thể ban cho người, đó là nói về Chúa Giê-su cho họ nghe. Công Vụ 3:1-10 ghi lại câu chuyện Sứ đồ Phierơ và Giăng lên đền thờ cầu nguyện. Một người què từ lúc lọt lòng mẹ được người ta đem đến đặt tại cửa đền thờ, để xin tiền những người vào thờ. Kinh Thánh chép: “Khi thấy Phierơ và Giăng sắp bước vào đền thờ, anh ta xin hai ông bố thí. Phierơ và Giăng nhìn thẳng vào anh rồi nói: Hãy nhìn vào chúng tôi. Anh chăm chú nhìn hai ông với hy vọng sẽ nhận được chút gì. Nhưng Phierơ nói với anh: “Tôi không có vàng bạc gì cả, nhưng điều tôi có thì tôi cho anh: Nhân danh Đức Chúa Giê-su Christ người Naxarét, hãy đứng dậy và bước đi! Anh liền nhảy lên, đứng thẳng và bước đi…” Cầu xin Chúa giúp bạn được đầy dẫy quyền năng Thánh Linh để giới thiệu Chúa Giê-su cho mọi người và cầu xin Chúa chữa lành bệnh thuộc thể và thuộc linh cho họ.
Chúa Giê-su chính là “Điều” con dân Chúa có, mà nhiều người khác không có. Chỉ có Chúa Giê-su mới chữa lành mọi bệnh tật thể chất và tâm linh của con người. Chỉ có Chúa Giê-su mới đem lại đời sống sung mãn trên đất và sự sống đời đời trong cõi đời đời – Thiên đàng. Bài Thánh ca “Gặp Gỡ Chúa Giê-su” có câu như sau: “Gặp gỡ Chúa Giê-su biến đổi cuộc đời mình. Gặp gỡ Chúa Giê-su, Đón nhận ơn tái sinh. Gặp gỡ Chúa Giê-su chân thành mình gặp mình. Gặp gỡ Chúa Giê-su nảy sinh tình đệ huynh. Dòng suối nếu cạn tắc thì dòng sông mau cạn khô. Tình yêu không Giê-su. Ôi tình yêu sao cằn cỗi. Vì Chúa chính nguồn suối. Nguồn yêu thương vô biên. Biển yêu thương nối liền. Các hoang đảo giữa đại dương. ” Nếu bạn chưa có mối liên hệ tâm linh với Chúa Giê-su, mời bạn hãy đến với Ngài ngay giờ nầy. Chúa Giê-su đang mời gọi bạn hôm nay: “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho linh hồn các con được an nghỉ…” (Mathiơ 11:28-30) Bạn có thể thưa với Chúa lời cầu nguyện chân thành nầy: “Kính lạy Chúa Giê-su con muốn được an nghỉ trong Ngài. Xin Chúa tha thứ mọi tội lỗi của con và tiếp nhận con làm con của Ngài hôm nay. Con cảm tạ Ngài. Nhân danh Đức Chúa Giê-su. ” A-men.
Mục sư Lê Hồng Phúc
Địa chỉ liên lạc:
Hội Thánh Báp Tít Đức Tin
11312 Shiloh Rd., Dallas, TX 75228
(972) 270-1557
Facebook: Viet Faith Dallas; www.VietFaith.org
Email: mspeterhongle@gmail.com
Lễ Thờ Phượng lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật
Quản Nhiệm: Mục sư Peter Lê Hồng Phúc