Kinh thánh: Phi-líp 3: 7, 8; 4: 11-13; I Ti-mô-thê 6: 6-8 (*)
Kính chào quý độc giả thân mến,
Nếu hỏi rằng bạn thích lợi hay hại? Thì hầu như ai cũng trả lời là thích lợi, chứ chẳng ai mà lại đi thích...hại phải không bạn?
Hôm nay, tôi muốn thưa chuyện với bạn về chuyện...lợi, nhưng không phải là lợi nho nhỏ, lợi bình thường, mà bèn là CHUYỆN...LỢI LỚN.
Nước Việt Nam chúng ta có kho tàng ca dao, dân ca rất phong phú, đáng yêu, có rất nhiều câu hay và sâu sắc lắm, vì nó thể hiện tâm tư, tình cảm, nguyện vọng rất chân thật của ông cha ta trong cuộc sống, nên tôi rất thích đọc ca dao và cũng...thuộc nhiều ca dao nữa. Tôi tin rằng có nhiều người trong chúng ta cũng rất thích ca dao như tôi. Ai chưa đọc ca dao, xin mời hãy đọc ca dao và rồi một cách tự nhiên sẽ thấy thích ca dao ngay thôi. Ca dao có một sức cuốn hút chúng ta một cách tự nhiên mà.
Một trong những điều làm tôi thích ca dao, ấy là cách ông cha ta...chơi chữ thật là điêu luyện.
Một trong nhiều những câu ca dao có cách chơi chữ khá độc đáo, và phù hợp với đề tài của bài viết nầy, đó là câu ca dao sau:
“Bà già đi chợ Cầu Đông
Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng?
Ông thầy xem quẻ nói rằng
Lợi thì có lợi, nhưng răng không còn.”
Cách chơi chữ “lợi” trong mấy câu ca dao nầy thật đắc địa. Chữ “lợi” đầu tiên có nghĩa là có ích, có lợi. Chữ “lợi” thứ hai và thứ ba có nghĩa là nướu răng. Già rồi, chỉ còn có “lợi” (nướu) chứ răng thì rụng hết rồi. Những người già thường hay nói “Già rồi, răng lợi kém quá, ăn gì cũng không ngon.”
Tác giả dân gian đã lợi dụng sự đồng âm nhưng dị nghĩa của ngôn ngữ để chơi chữ thật là hay...
Trong cuộc sống, người ta ai cũng muốn làm cái gì đó có lợi cho mình. Còn không có lợi thì không ai muốn làm cả. Thế nhưng nhiều khi có nhiều việc mình làm cứ tưởng là lợi, nhưng cuối cùng thì hóa ra lại là “lợi bất cập hại”.
Ví như chuyện đánh bạc chẳng hạn. Nhiều người muốn mau giàu nên chơi bài bạc, vì thấy chơi bài bạc dễ kiếm tiền quá, chỉ ngồi trong chốc lát, kéo máy nếu vận may đến là có tiền ngàn, tiền triệu như chơi; nên quyết định...đầu tư vào chuyện đánh bạc để...mau giàu, mau thành...triệu phú, tỷ phú. Thế nhưng sự đời đâu phải lúc nào cũng chìu theo ý mình muốn đâu.
Vì tham muốn mau chóng được giàu có, nên không ít người lao đầu vào làm những việc phi pháp, tội lỗi, bất chấp cả luân thường đạo lý; không những mình làm thôi đâu mà còn dụ dỗ người khác phạm tội nữa, thế mới có câu ca dao như sau:
“Con ơi nhớ lấy lời cha
Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm.”
Thật nguy hiểm phải không bạn?
Tại Mỹ, có tiểu bang Nevada là nơi có sòng bài nổi tiếng thế giới, đó là Las Vegas. Nhiều người ở những bang kế cận Las Vegas, thường đến đó vào những dịp cuối tuần để thử vận may hầu đổi đời cho...giàu có. Nhưng khi đến thì hăm hở, mà khi về thì hầu hết đều như...tắt thở, vì đã thua...sạch sành sanh. Thật đúng là “lợi bất cập hại”, hoặc nói như ông cha ta đã từng nói là “lợi thì có lợi, nhưng răng không còn”.
Có một bài báo so sánh những điều...lợi bất cập hại ở bang Nevada, so với những tiểu bang khác ở Hoa Kỳ như sau:
“So sánh với 49 tiểu bang khác của Hoa Kỳ, bang Nevada, nơi kỹ nghệ cờ bạc phát triển mạnh nhất, đã đứng hàng đầu về nạn tự tử, đứng đầu về tỷ lệ ly dị, đứng đầu về số thanh thiếu niên bỏ học, đứng đầu về các vụ giết người, mà đa số nạn nhân là phụ nữ, đứng đầu về số người mê cờ bạc. Bang Nevada cũng đứng hàng thứ ba trong nước về số người bị khánh tận tài sản, đứng hàng thứ ba về nạn phá thai, hàng thứ tư về số người bị hãm hiếp, thứ tư về số trẻ em sinh ra mà cha mẹ không phải là vợ chồng, hàng thứ tư về số người chết vì rượu, đứng hàng thứ năm về những tội ác, tội phạm và đứng hàng thứ sáu trong cả nước về tỉ lệ số người bị giam giữ trong các nhà tù. Las Vegas được kể là một trong 10 thành phố tội lỗi nhất của Hoa Kỳ. Song song với nạn cờ bạc là nạn mại dâm và cướp bóc. Ðó là những kết quả nổi bật do cờ bạc đem lại cho tiểu bang Nevada. Quý vị có muốn sống ở một nơi nổi tiếng về những tội ác như thế không? Chắc chắn là không, nhưng nhiều người trong chúng ta lại muốn đi đến những nơi nguy hiểm như thế để giải trí!”(**)...
Nhưng Kinh thánh có nói đến điều lợi lớn cho con người chúng ta như sau:
“Thật ra lòng tin kính Chúa kèm theo sự thỏa lòng là một nguồn lợi lớn. Vì chúng ta chào đời chẳng mang gì theo, đến khi qua đời, cũng chẳng đem gì đi được, nên một khi đủ ăn, đủ mặc thì hãy thỏa lòng.” (Sách 1 Ti-mô-thê, chương 6, câu 6-8)
Lợi lớn mà Kinh thánh nói đến ở đây là gì? Đó chính là lòng tin kính Chúa kèm theo sự thỏa lòng.
Nhiều người cho rằng có được địa vị, danh vọng cao trong xã hội, hưởng được bổng lộc nhiều là lợi lớn hơn hết. Và vì quan niệm như vậy, nên họ tìm mọi cách để leo lên cho bằng được những địa vị cao, hầu kiếm được nhiều bổng lộc từ địa vị đó. Nhưng thiết tưởng, mấy ai thực sự có được hạnh phúc và thỏa lòng khi đã đạt được những tham muốn như thế?
Đó là quan niệm về lợi lớn của khá đông người trong xã hội.
Nhưng đó không phải là quan điểm của Kinh thánh.
Sự tin kính Chúa và sự thỏa lòng mới thực sự là lợi lớn cho con người.
Quả thật, khi chưa biết Chúa, chưa tin Chúa , thì chúng ta thường tập trung cả cuộc đời vào việc đi tìm kiếm vật chất, tiền bạc cho bằng được, vì chúng ta nghĩ rằng đó là nguồn lợi lớn nhất mà một người cần phải đạt được.
Nhưng một khi chúng ta biết Chúa và tin Chúa, thì Kinh thánh mới cho chúng ta biết rằng nguồn lợi lớn nhất cho cuộc đời một con người, không phải là vật chất, tiền bạc, địa vị, danh vọng mà bèn là sự tin kính Chúa kèm theo sự thỏa lòng.
Một minh chứng hùng hồn, sống động cho điều đó là cuộc đời của sứ đồ Phao-lô.
Khi chưa gặp Chúa, chưa tin Ngài, thì ông xem địa vị, danh vọng chính là lợi lớn cho cuộc đời mình, nhưng sau khi ông được Chúa bắt phục trở nên môn đồ của Ngài, thì ông đã tuyên bố một cách mạnh mẽ như sau: “Nhưng bất cứ những gì xưa kia tôi coi là lợi thì nay vì Chúa Cứu Thế tôi coi là lỗ. Hơn thế nữa, tôi coi mọi sự như là lỗ vì sự hiểu biết Chúa Cứu Thế Giê-xu, Chúa tôi, là điều tối trọng đại. Vì Ngài, tôi chịu lỗ tất cả, tôi coi những điều đó như rơm rác để được Chúa Cứu Thế.” (Sách Phi-líp, chương 3, câu 7 và 8)
Chính Chúa Giê-xu đã làm một cuộc thay đổi hoàn toàn cho cuộc đời của Phao-lô. Để rồi, ông mạnh mẽ khẳng định “lòng tin kính Chúa kèm theo sự thỏa lòng là một nguồn lợi lớn.”
Có một câu chuyện xưa của Trung Quốc kể về hai nhân vật Hứa Do và Sào Phủ là hai nhân vật nổi tiếng không màn danh lợi. Chuyện kể rằng:
“Hứa Do được tiếng là người hiền, vua Nghiêu vời vào để truyền ngôi.
Hứa Do từ chối, cười mà về rồi ra suối rửa tai.
Khi đó, Sào Phủ mới dắt trâu tới suối uống nước, thấy Hứa Do rửa tai, bèn hỏi tại sao.
Hứa Do trả lời: "Ông Nghiêu đòi tôi, biểu tôi ra làm vua. Ông ta nhường ngôi cho"
Sào Phủ bèn dắt trâu bỏ lên trên dòng nước cho uống.
Hứa Do hỏi tại sao, Sào Phủ đáp: "Anh rửa tai anh xuống đó tôi sợ trâu tôi uống nhằm nước bẩn."
Câu chuyện thật ý nghĩa, đáng để chúng ta suy gẫm phải không bạn?
Nhưng Kinh thánh cho biết một nguồn lợi lớn thật sự cần phải có hai phương diện, đó là lòng tin kính đặt nơi Đức Chúa Trời và sự thỏa lòng trong cuộc đời.
Lý do mà lời Chúa dạy con cái Chúa phải nhận biết và sở hữu nguồn lợi lớn đó là vì chúng ta ra đời với hai bàn tay không và khi qua đời, chúng ta cũng hai tay không mà đi, không ai có thể đem vào cuộc đời hoặc mang ra khỏi cuộc đời nầy được bất cứ thứ gì. Bạn cũng vậy và tôi cũng thế!
Đó là lý do để chúng ta biết sống tin kính và biết thỏa lòng trong cuộc sống.
Và Kinh thánh dạy tiếp: “một khi đủ ăn, đủ mặc thì hãy thỏa lòng.”
Hãy tập sống thỏa lòng trong hoàn cảnh hiện tại của mình, thì chúng ta sẽ cảm thấy cuộc đời thật vui và ý nghĩa biết bao!
Thật đáng học hỏi cách sống tin kính và thỏa lòng của Phao-lô. Ông đã từng nói: “Tôi nói thế không phải vì thiếu thốn, vì tôi đã tập thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ. Tôi biết thế nào là nghèo túng, thế nào là sung túc. Trong mỗi nơi và mọi hoàn cảnh tôi đã học được bí quyết để sống no đủ hay đói khát, sung túc hay thiếu thốn. Tôi đủ sức làm được mọi việc nhờ Đấng ban thêm năng lực cho tôi.” (Sách Phi-líp, chương 4, câu 11 – 13)
Dù lúc no đủ hay khi đói khát, lúc thiếu thốn, hay khi sung túc, Phao-lô đều biết tập sống trong những tình cảnh đó. Và sở dĩ ông có thể sống tin kính và thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ xảy ra trong cuộc đời là vì ông biết tin cậy Chúa là Đấng ban cho ông có đủ năng lực để có thể sống được như thế.
Người Việt Nam ta cũng có câu nói thật hay “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm.”
Nhà thơ Nguyễn Công Trứ cũng có mấy câu thơ diễn tả về sự thỏa lòng như sau:
“Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc.
Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn.”
Nghĩa là: Biết đủ là đủ, đợi cho đủ, bao giờ mới đủ. Biết nhàn là nhàn, đợi cho nhàn, bao giờ mới nhàn.
Có nhiều người không biết đủ, nên dù đã có đủ rồi, dư rồi vẫn tham lam muốn có được nhiều hơn và nhiều hơn để cho thỏa lòng tham không đáy.
Vừa qua, mạng xã hội cho biết có một phụ nữ Việt Nam đang giữ chức vụ lớn trong chế độ cầm quyền, sở hữu đến...ba trăm bộ áo dài cực sang với trị giá lên đến cả chục tỷ đồng tiền Việt Nam, đã bị cộng đồng mạng lên án thói xa hoa, lãng phí đó, trong khi họ luôn luôn hô hào kêu gọi dân chúng chống lãng phí, xa hoa. Còn nhớ, trước đây chừng mấy chục năm, báo chí cho biết bà vợ của cố Tổng Thống độc tài của Philippines Ferdinand Marcos (cai trị Philippines từ 1965-1986) là bà Imelda Marcos sở hữu đến...ba ngàn đôi giày cực sang, trong khi dân chúng thì đói khổ, nhiều người không có đến một đôi giày để mang.
Thật là đáng lên án biết bao cho những con người được mệnh danh là “công bộc của dân” mà lại sống vô lương tâm như thế phải không bạn?
Có thể nói người nào đặt niềm tin nơi Chúa Cứu Thế thì người đó đã sở hữu nguồn lợi lớn nhất cho cuộc đời của mình, và kèm theo niềm tin đó là một sự thỏa lòng trong đời sống.
Hỡi những tín nhân yêu dấu của Chúa Cứu Thế, xin Chúa ban cho mỗi chúng ta nhận biết được nguồn lợi lớn mà mình đang có trong cuộc đời nầy, đó là một niềm tin nơi Chúa Giê-xu và một sự thỏa lòng ở trong Ngài, để chúng ta có thể sống một đời sống vui thỏa và phước hạnh, không so bì, ganh tỵ với người khác. Nếu Chúa ban cho chúng ta được sự giàu có, thịnh vượng thì hãy dùng điều đó để “sống rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ cho người khác.” (Sách 1 Ti-mô-thê, chương 6, câu 18), thì chắc chắn Chúa sẽ vui lòng và ban phước chẳng sai.
Hỡi những độc giả là những người chưa tin Chúa Giê-xu,
Tôi ước mong quý vị hãy dành thì giờ đọc Kinh thánh và tìm hiểu về Chúa, để rồi sớm mở lòng ra tin nhận Chúa Giê-xu làm Chúa, làm Chủ cuộc đời hầu quý vị cũng sẽ hưởng được nguồn lợi lớn cho mình, ấy là lòng tin kính Chúa kèm theo sự thỏa lòng.
“Lòng tin kính Chúa kèm theo sự thỏa lòng”, đó chính là nguồn lợi lớn nhất và quan trọng nhất cho cuộc đời của mỗi một chúng ta vậy!
Nguyện xin Chúa thương xót và ban phước cho hết thảy mỗi một người trong chúng ta. A men!
California, ngày 28. 9. 2019
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.
(*): Những câu Kinh thánh trong bài viết là trích từ Kinh thánh Bản Dịch Mới (BDM)
(**): (https://tinchuaGiê-xu.blogspot.com/2013/08/tai-hai-cua-co-bac.html)