Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 126

Một Chứng Đau

“Đã ba lần tôi cầu nguyện xin Chúa cho nó lìa xa tôi. Nhưng Chúa phán: “Ân điển Ta đầy đủ cho con, vì sức mạnh của Ta trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Vì vậy, tôi rất vui mừng tự hào về những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi.” (2 Côrinhtô 12:8-9)

Là con người, chúng ta đều chấp nhận những chữ: Sanh Lão, Bệnh Tử. Tuy nhiên, có một số người ngày nay chạy theo phong trào Anti-aging (chống già) lại không chấp nhận định luật của Ðấng Tạo Hóa đã an bày cho mình. Trong vấn đề bệnh tật, có những thứ bệnh được gọi là nan y, có những thứ bệnh chỉ là thông thường vì thời tiết thay đổi hay cơ thể con người thay đổi rồi sinh ra bệnh tật. Con người bệnh tật thường do hai yếu tố từ bên trong cơ thể hay bên ngoài cơ thể. Nhiều người sợ người ta biết mình mắc phải chứng bệnh nan y nên thường hay che giấu. Rất ít người nói thật về chứng bệnh của mình cho người khác biết, nhất là chứng bệnh nan y. Trong bức thư 2 Côrinhtô 12:1-9, Sứ đồ Phao Lô không che giấu chứng bệnh mà ông đang gặp phải. Ông không nói rõ chứng bệnh đó là gì, nhưng ông cho biết đó là một chứng đau thể xác mà ông nghĩ nó đến từ bên ngoài, đó là Sa-tan tấn công ông. Mời bạn cùng tôi nhận diện chứng đau bệnh nầy của Sứ đồ Phao Lô để rồi tìm cách đối diện với những “chứng đau” trong đời sống theo Chúa của mình.

1. Nhận Diện Chứng Ðau. Kinh Thánh cho biết Sứ đồ Phao Lô đang gặp một chứng đau thể xác. Phao Lô mô tả rằng đó là một “cái dầm đâm” vào thân xác ông. Các nhà giải kinh phân tích ý nghĩa của cái dầm đâm vào thân xác ông trong hai khía cạnh: a. Nghĩa đen. Ðó có thể là một chứng bệnh tiêu chảy, đau mắt, đau khớp xương, trúng phong, kinh giản, hay bị trọng thương vì bị đánh đập. b. Nghĩa bóng. Ðây có thể là một chứng bệnh về tánh nóng nảy, ân hận về hành động bắt bớ hội thánh Giêrusalem, kẻ thù nghịch, hay những cám dỗ xác thịt. Sứ đồ Phao Lô nhận diện được chứng đau của mình. Còn bạn hôm nay thì sao? Có nhận diện được chứng đau của mình không? Một số người có “chứng đau” nầy từ khi mới sinh ra. Người khác thì đến nửa cuộc đời mới có nó. Kinh Thánh và lịch sự hội thánh cho biết: Môi-se có môi miệng cà lăm; Giêrêmi là người đa sầu; Phierơ bị nóng tánh; Francis of Assisi bị bệnh lao.

Bạn có chứng đau bệnh gì? Nếu có, hãy nhớ rằng không chỉ riêng bạn mà cũng có rất nhiều người tin kính Chúa cũng mang chứng đau bệnh giống như bạn. Sứ đồ Phao Lô không nói rõ chứng đau của ông cho chúng ta biết. Vì nếu chúng ta biết rõ thì mình chỉ nghĩ rằng chứng đau nào giống như Phao Lô có thì mới quan tâm còn không thì chẳng sao, cứ việc sống tha hồ hưởng thụ. Sứ đồ Phao Lô biết rõ chứng đau đó là gì. Riêng chúng ta ngày nay có thể nhận diện chứng đau của mình trong nhiều loại khác nhau. Ðiểm quan trọng là chúng ta phải nhận diện nó là gì? Cầu xin Chúa giúp bạn nhận diện rõ chứng đau của mình hôm nay.

2. Ðối Diện Chứng Ðau. Sứ đồ Phao Lô đối diện với chứng đau của mình bằng một vài hành động cụ thể. a. Ðối diện bằng sự cầu nguyện. Sứ đồ Phao Lô có cầu nguyện một ngày 3 lần xin Chúa cất đi khỏi chứng đau trong thân xác ông. Những nhân vật Thánh Kinh cũng thường cầu nguyện khi đối diện nan đề. Tiên tri Êlisê cầu nguyện tại núi Cạt-mên. Vua Ðavít cầu nguyện ăn năn sau khi phạm tội tà dâm. Vua Êxêchia cầu nguyện khóc với Chúa khi bị bệnh nặng gần chết. Sự cầu nguyện chắn chắn đem lại nguồn năng lực, sự an ủi cho con dân Ngài. b. Ðối diện bằng sự nhờ cậy ân điển của Chúa. Kinh Thánh cho biết mỗi lần Phao Lô cầu xin Chúa cất ra khỏi chứng đau trong thân xác ông thì câu trả lời của Chúa là: “KHÔNG.” Thay vì cất ra khỏi chứng đau trong người của Phao Lô, Chúa phán rằng: “Ân điển của Ta đủ cho ngươi rồi. ” Câu nói nầy có nghĩa Chúa tiếp trợ sức lực của Ngài cho Phao Lô chịu đựng và Ngài nhìn thấy Phao Lô chịu đựng rất giỏi! c. Ðối diện bằng cách tôn cao danh Chúa. Sứ đồ Phao Lô không cay đắng, trách móc Chúa, nhưng thay vào đó, ông cảm tạ Chúa đã cho ông kinh nghiệm sự yếu đuối của thể xác để giữ lòng khiêm nhường, hạ mình, và kinh nghiệm sức mạnh của Chúa. Ông nói rằng: “Vì khi tôi yếu là lúc tôi mạnh. ” Câu nầy có nghĩa là “Vì khi tôi yếu đuối là chính lúc Chúa Giê-su ban năng lực để giúp tôi được mạnh mẽ. ” Thật vậy, chứng đau thuộc thể của Phao Lô đã trở thành một phước hạnh thuộc linh. Trong kinh nghiệm bước theo Chúa của mỗi chúng ta, có lúc chúng ta được Chúa nhậm lời cầu xin của mình ngay tức khắc. Có khi chúng ta phải chờ đợi một thời gian dài theo thời điểm của Chúa. Rồi lại cũng có lúc chúng ta không được Chúa trả lời, không phải vì chúng ta cầu nguyện không theo thánh ý Chúa hay vì chúng ta còn mắc nhiều tội lỗi, nhưng bởi vì ân điển của Chúa dư dật giúp chúng ta chịu đựng được chứng đau thể xác đó.

Hãy học theo Phao Lô để đối diện vấn đề bằng sự cầu nguyện thường xuyên mỗi ngày 3 lần cho chứng bệnh của mình, tiếp tục nhờ cậy ân điển của Chúa, và vinh danh Chúa trong mọi sự. Mỗi chúng ta đều có một hay nhiều chứng đau trong thể xác. Hai điều chúng ta cần phải làm là nhận diện chứng đau đó là chứng đau gì và đối diện với nó bằng cách trình dâng lên cho Chúa giải quyết theo thánh ý và thời điểm tốt đẹp của Ngài. Hãy kiên nhẫn chờ đợi để nghe câu trả lời của Chúa hầu có thể làm sáng danh Chúa qua chứng đau bệnh trong chúng ta. A-men.

Mục sư Lê Hồng Phúc

Địa chỉ liên lạc:
Hội Thánh Báp Tít Đức Tin
11312 Shiloh Rd., Dallas, TX 75228
(972) 270-1557
Facebook: Viet Faith Dallas; www.VietFaith.org
Email: mspeterhongle@gmail.com
Lễ Thờ Phượng lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật
Quản Nhiệm: Mục sư Peter Lê Hồng Phúc